Nghe bài Phúc Âm thấy sợ hết hồn. Sợ là vì nói đến những chuyện đền thờ sụp đổ, rồi chiến tranh, động đất, bệnh dịch, đói kém trên mặt đất đã đành, lại còn có những hiện tượng kinh khủng và những điềm lạ xuất hiện trên trời nữa. Những cảnh kinh hoàng báo hiệu ngày mà chúng ta thường gọi là tận thế. Vậy nói về tận thế để làm gì?

1. Thời gian. Tuần này đã là tuần gần cuối của năm phụng vụ rồi. Trong khung cảnh thời gian cuối năm, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm về sự sau cùng của cuộc đời con người, sự sau cùng của vũ trụ này, mà bình dân thường gọi là ngày tận thế, còn thần học gọi là Cánh chung.

2. Văn chương. Kinh Thánh dùng thể văn khải huyền để diễn tả ngày tận thế. Thể văn này người ta sử dụng những hình ảnh để diễn tả những ý nghĩa đức tin chứ không phải mô tả như những sự kiện. Thế nên khi Chúa Giêsu nói đến những hình ảnh hủy diệt muốn diễn tả thế giới này không tồn tại mãi mãi, nhưng sẽ có lúc kết thúc; cuộc đời mỗi người cũng như toàn thể nhân loại sẽ có lúc kết thúc. Và giây phút kết thúc cuối cùng đó là giây phút Thiên Chúa hoàn thành ơn cứu độ nhân loại.

3. Đời sau. Mọi người Việt Nam dù lương hay giáo đều có linh cảm chết không phải là hết mà là bước về đời sau: Sinh kí tử qui - Sống là gửi thác mới là về. Về đâu? Người Công Giáo tin rằng: chết là đi về Nhà Cha, về với Chúa. Ngày tận thế là thời điểm định đoạt dứt khoát số phận đời đời của mỗi người.

Thế cho nên, Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống tỉnh thức, giữ vững đức tin. Hãy tin tưởng chắc chắn rằng: Chúa đang có mặt hướng dẫn lịch sử này đến cùng đích tốt đẹp nhất. Cho dù trong đời sống đức tin, chúng ta gặp phải những gian nan, thì hãy vững tin rằng: Ai gieo trong nước mắt sẽ gặt giữa tiếng cười, sau Thập giá đau thương sẽ là Phục sinh huy hoàng. Cuối cùng Chúa sẽ dẫn ta tới vinh quang đời đời. Amen.