Trong cuộc họp báo hôm thứ Tư, Đức Thượng Phụ Venice lên tiếng kêu gọi các tín hữu trong thành phố, tại Ý và các nơi khác cầu nguyện cho Vương Cung Thánh Đường Thánh Máccô đang bị vùi dập trong làn nước của những cơn lũ vẫn đang tiếp tục tàn phá ngôi thánh đường lịch sử này.

Cũng trong cuộc họp báo này, Thị trưởng Venice đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau những đợt lũ, được ông mô tả như “đại hồng thủy ngày tận thế”, đã bất ngờ càn qua thành phố, làm ngập lụt Vương Cung Thánh Đường lịch sử của thành phố này và đe dọa các quảng trường và các tòa nhà có từ hàng thế kỷ.

Những cơn bão dữ dội đã biến thành những cơn lũ kinh hoàng, phá tan nát các bờ đá chống lũ, ào ạt tràn lên bờ, đập mạnh vào những chiếc thuyền đang neo đậu gần đó khi thủy triều lên đến 187cm ngay trước nửa đêm.

Thị trưởng Luigi Brugnaro đã đổ lỗi cho sự biến đổi khí hậu. Trước đó, thành phố đã chi ra khá nhiều tiền cho các biện pháp chống lụt.

Ông Thị trưởng cay đắng nói:

“Thành phố Venice đang quỳ trên đầu gối của mình. Thiệt hại sẽ lên tới hàng trăm triệu euro.”

Lũ lụt còn kinh hoàng hơn nữa bởi mưa và gió mạnh. Các khu vực bên ngoài thành phố Venice cũng bị tàn phá nặng nề.

Một người đàn ông đã chết trên cù lao Pellestrina, một trong nhiều hòn đảo nằm trên đầm Venetian. Ông bị điện giật chết khi cố gắng bơm nước ra khỏi nhà.

“Venice đang bị tra tấn, nhưng cả những phần khác trong vùng Veneto ngoài Venice cũng bị thiệt hại. Đó là một thảm họa ngày tận thế,” ông Luca Zaia, chủ tịch miền Veneto nói với các phóng viên.

Ông nói rằng ông đã bàng hoàng trước những gì chứng kiến từ nhiều cộng đồng.

Quảng trường trước Vương Cung Thánh Đường Thánh Máccô của Venice, từng được mô tả là phòng khách của Châu Âu, đã bị nhấn chìm dưới hơn một mét nước, trong khi ngôi nhà thờ đã bị ngập lụt lần thứ sáu trong vòng 1,200 năm qua – nhưng đây là là lần thứ tư trong 20 năm qua.

Đức Thượng Phụ Francesco Moraglia cho biết:

“Vương Cung Thánh Đường bị thiệt hại nặng về mặt cấu trúc vì nước dâng lên gây ra các thiệt hại không thể khắc phục được. Các bức tranh, các đồ khảm và ốp lát cổ có thể đã xuống cấp nghiêm trọng.”

Ngài nói thêm: “Tôi chưa từng thấy sự thiệt hại kinh hoàng như thế bao giờ thấy. Venice là một thành phố bị thương tích, nhưng nó không thể cứ tiếp tục bị thương như thế này mỗi năm.”

Hơn 80% thành phố Venice bị ngập dưới nước. Tình hình có thể còn nguy hơn nữa vì theo dự báo thời tiết, mưa và gió mạnh cũng như một cơn bão được dự kiến sẽ càn qua Italia vào cuối tuần này.

Một hàng rào chống lũ đã được thiết kế vào năm 1984 để bảo vệ Venice khỏi cường triều, nhưng dự án trị giá hàng tỷ euro, được gọi là Mose, đã tỏ ra không có mấy hiệu quả bởi những vấn đề thâm căn tại Ý – đó là nạn tham nhũng, chi phí vượt mức và kéo dài dự án quá lâu.

Thị trưởng Luigi Brugnaro nói: “Nếu phương án Mose có tác dụng, có lẽ chúng ta đã tránh được thảm họa này”

Ban đầu phương án Mose dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2011, nhưng thành phố hiện hy vọng may ra thì nó sẽ hoạt động vào năm 2021.

Tưởng cũng nên biết thêm trong Giáo Hội Công Giáo theo nghi lễ Latinh, có 4 nơi có Tòa Thượng Phụ là Venice, Lisbon, Goa và Jerusalem.

Giáo phận Venice được thành lập năm 774. Năm 1451, Đức Giáo Hoàng Nicôla Đệ Ngũ đã nâng Tòa Giám Mục Venice lên hàng Tòa Thượng Phụ. Các vị Thượng Phụ Venice thường được tấn phong Hồng Y ngay trong công nghị tấn phong Hồng Y gần nhất sau khi ngài được bổ nhiệm Giám Mục. Ngày 31 tháng Giêng 2012, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm ngài làm Thượng Phụ Venice. Nhưng từ đó đến nay ngài vẫn chưa được tấn phong Hồng Y.


Source:Reuters