Sau hơn năm tháng thi công với mong ước có nơi khang trang, sạch đẹp cho các linh hồn chờ ngày Phục Sinh. Chiều ngày lễ các Thánh, nghĩa trang giáo xứ tôi nhộn nhịp hẳn lên với Thánh Lễ tạ ơn, làm phép tượng đài Đức Mẹ Sầu bi, bàn thờ và khánh thành nhà hài cốt.

Cụm công trình mới được xây dựng rực sáng trong buổi chiều tà và những phần mộ được sửa sang sạch sẽ, trang hoàng nến hoa và nghi ngút khói hương như dấu chỉ sự hiệp thông giữa kẻ sống – người chết. Thánh Lễ đồng tế trọng thể chiều nay thể hiện sự hiệp thông của Giáo hội lữ hành nơi trần thế và Giáo hội đang thanh luyện nơi luyện ngục cùng Giáo hội vinh thắng trên thiên quốc chuyển thông các công phúc cho nhau trong Mầu Nhiệm Giáo hội cùng thông công.

“Con người có tổ, có tông,
như cây có cội như sông có nguồn”

Người Việt Nam thường lấy chữ hiếu làm trọng, nhà có người qua đời được gọi là “nhà hiếu”. Chữ hiếu cũng đã được cha ông ta nâng lên thành đạo: Đạo Hiếu. Với đạo Công Giáo, Giáo Hội luôn nhắc các tín hữu hãy nhớ công sơn sinh thành dưỡng dục của tổ tiên: “Hỡi con, lệnh cha con truyền, hãy lo tuân giữ, lời mẹ con dạy, chớ bỏ ngoài tai.” (Cn 6,20), “Mỗi người trong các ngươi phải kính sợ cha mẹ.” (Lv 19,3), “Đáng nguyền rủa thay kẻ khinh dể cha mẹ!” (Đnl 27,16) và mạnh mẽ hơn “Bất cứ người nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Nó đã nguyền rủa cha mẹ, thì máu nó đổ xuống đầu nó.” (Lv 20,9).

Vì thế, Giáo Hội Công Giáo, đã dành trọn tháng 11 hằng năm là tháng cuối cùng trong niên lịch Phụng vụ, để cầu nguyện cho các linh hồn đồng thời để nhắc nhở chúng ta nhớ đến những ngày cuối cùng của thế giới và của mọi người chúng ta. Trong tháng này, nhiều hoạt động mang tính hiếu nghĩa được thực hiện như: xin lễ cầu cho ông bà tổ tiên, viếng nghĩa trang, chỉnh trang những ngôi mộ cho mới hơn ...

Khi thắp nén nhang, cây nến chắc hẳn lòng ta không khỏi bùi ngùi khi tưởng nhớ những người đã khuất. Đối với người đời, chết là hết, là trở về với cát bụi vì “… hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi …”. Vâng, đời người như một cơn gió thoảng, mây bay "Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1,2) nhưng từ chỗ phù vân ấy, người Công Giáo “nhận ra rằng mọi sự Thiên Chúa làm sẽ tồn tại mãi mãi. Không có gì để thêm, chẳng có gì để bớt. Thiên Chúa đã hành động như thế để phàm nhân biết kính sợ Người” (Gv 3,14).

Qua giáo huấn của Giáo hội chúng ta đã được biết: có thiên đàng để thưởng người lành, có địa ngục để phạt kẻ dữ, và có luyện ngục để thanh tẩy các linh hồn còn vướng mắc các tội nhẹ chưa đền hết. Các linh hồn chính là những người trước đó đã từng sống kiếp làm người với những tội lỗi như chúng ta: tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người thân …. Họ là những người đã ra đi trước chúng ta để trở về nơi mà họ đã được Thiên Chúa tạo dựng từ bụi đất.

Khi cầu nguyện cho các linh hồn, chúng ta thể hiện lòng biết ơn, tinh thần hiệp thông, liên đới trong đức ái. Khi thực hiện mầu nhiệm tín điều các thánh cùng thông công, có lẽ không gì quý hơn là chúng ta cầu nguyện cho họ, bởi vì họ chưa được về cùng Chúa, nên họ còn bị giam cầm trong luyện ngục để thanh luyện cho tinh ròng trước khi được diện kiến tôn nhan Chúa cách trọn vẹn.

Dòng người đổ về nghĩa trang mỗi lúc một đông hơn và từng tốp quây quần bên cạnh các ngôi mộ của người thân hướng về bàn thờ trên lễ đài. Thắp cây nến trên mộ phần người cha và người em đã ra đi trước tôi. Ánh sáng tỏa chiếu từ ngọn nến trước di ảnh cha và em tôi là ánh sáng của cây nến đức tin vào Thiên Chúa - đã được thắp từ cây nến Chúa Giêsu phục sinh - mà ngày xưa họ đã tiếp nhận ngày lãnh nhận Bí Tích rửa tội. Ánh sáng đó còn là lời cầu nguyện, lòng yêu mến biết ơn và tưởng nhớ. Ánh sáng đó còn nói lên lòng tin tưởng: tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.

Sự tin tưởng càng được rõ nét hơn trong bài giảng ứng khẩu của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ ngoài trời tại nghĩa trang Verano của Roma ngày 1/11/2013: “Hôm nay chúng ta nhớ đến những anh chị em chúng ta đã sống trước chúng ta và bây giờ đang ở trên trời, họ ở đó vì họ đã được rửa sạch bằng máu Chúa Kitô. Đó là hy vọng của chúng ta, và niềm hy vọng này không làm chúng ta thất vọng. Nếu chúng ta sống cuộc sống của chúng ta cùng với Chúa, Người sẽ không bao giờ làm chúng ta thất vọng”.

Thánh lễ đã xong, hoàng hôn đang bàng bạc phủ xuống trên Thánh giá nơi lễ đài trung tâm nghĩa trang. Một số người như không muốn rời xa giây phút hiệp thông linh thiêng đã trở lại tụ tập cùng nhau bên mộ người thân của mình cất lên những lời kinh nguyện cuối trước khi trở về. Những lời kinh kết thúc râm ran: "Giêsu - Maria - Giuse con mến yêu, xin cứu rỗi các linh hồn" hàm chứa tất cả các đẳng linh hồn trong luyện ngục cũng như hết tất cả các linh hồn trong Giáo Hội lữ hành nơi trần thế; các linh hồn tội lỗi cũng như các linh hồn vô tội, những người hấp hối, những kẻ vô thần ...

Trời nhá nhem tối, mọi người lục tục ra về khi những ngọn nến hình như sáng hơn trên mỗi ngôi mộ. Những ánh nến lung linh như những con mắt dõi theo từng bước chân của những người thân nhắc nhở sự hiệp thông trong lời cầu nguyện và chờ đợi gặp nhau trong ngày Phục Sinh sau hết như lời Chúa Giê-su đã phán: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết" (Ga 11, 25-26)