Chúa Nhật 29 Thường Niên Năm C (2019)

(Khánh nhật Truyền Giáo)


Chúng ta có thể bắt đầu cho những suy tư về “sứ mệnh Loan Tin Mừng” trong ngày “Khánh Nhật Truyền Giáo” năm nay (2019) bằng hạn từ “TÌNH YÊU”; và đây cũng là một trong những ý tưởng chủ đạo của Đức Thánh Cha Phanxicô trong “Sứ điệp Truyền Giáo 2019”. Chúng ta có thể đọc thấy những tư tưởng mang “chiều kích tình yêu” qua những dòng sau:

“Đức ái mà chúng ta được nếm cảm trước trong các bí tích và tình yêu thương huynh đệ, thúc đẩy chúng ta đi đến mọi chân trời góc biển (x. Mk 5:4; Mt 28:19; Cv 1:8; Rm 10:18)…

Biết bao vị thánh, biết bao người nam người nữ giàu đức tin, làm chứng cho sự thật rằng sự mở rộng vô hạn này, sự đi ra trong tình thương xót này quả thật là khả thi và thực tế, vì nó được thúc đẩy bởi tình yêu và ý nghĩa sâu xa nhất của nó như là một quà tặng, một hi sinh và một sự cho không (x. 2 Cr 5:14-21)!...

Sứ mạng truyền giáo này chạm tới bản thân chúng ta: Tôi là một sứ mạng, luôn luôn; bạn là một sứ mạng, luôn luôn; mỗi người nam người nữ đã chịu phép rửa là một sứ mạng. Những người đang yêu thì không bao giờ ở yên; họ được kéo ra khỏi con người họ; họ được thu hút bởi người khác và họ thu hút người khác; họ hiến mình cho người khác và xây dựng những mối quan hệ trao ban sự sống. Liên quan đến tình yêu của Thiên Chúa, không ai là vô ích hay vô nghĩa. Mỗi người chúng ta là một sứ mạng cho thế giới, vì mỗi chúng ta là kết quả tình yêu của Thiên Chúa…”

Vâng, tình yêu hay “Đức Ái” chính là động lực thúc đẩy cũng là “kim chỉ nam” cho công cuộc truyền giáo. Không có tình yêu thúc đẩy chúng ta không thể “nhúc nhích”, không thể dấn thân, không thể “băng rừng vượt suối” để “ra đi” và “đi ra những vùng ngoại biên”; nhất là không thể hy sinh quên mình cho sứ vụ, cả đến mạng sống!

Nếu không có tình yêu thì chỉ dừng lại ở “tuyên truyền”, “chiêu dụ”…chứ không bao giờ mang ý nghĩa đích thực của “truyền giáo”, của công cuộc “loan báo Tin Mừng”, như sứ điệp của Đức Phanxicô khẳng quyết:

“Sự sống thần linh này không phải là sản phẩm để bán-chúng ta không làm chuyện chiêu dụ người ta vào đạo-nhưng là một kho báu để cho tặng, truyền thông và công bố: đó là ý nghĩa của truyền giáo. Chúng ta được cho không món quà này và chúng ta cũng đem nó cho không người khác (x. Mt 10:8), không loại trừ một ai. Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi bằng cách nhận biết chân lý và trải nghiệm lòng thương xót của Người nhờ sứ vụ của Hội Thánh, mầu nhiệm phổ quát của ơn cứu độ (x. 1 Tm 2:4; Lumen Gentium, 48).

Và dĩ nhiên, không phải ngẫu nhiên hay tự mình mà chúng ta có được “tình yêu truyền giáo”; tất cả đều xuất phát từ nơi bí tích Thánh Tẩy, như cách khẳng định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngay trong tựa đề của “Sứ điệp Truyền Giáo năm nay” và cũng là “chủ đề cho “tháng 10 truyền giáo ngoại thường”: Được Rửa Tội và Được Sai Đi: Hội Thánh Chúa Kitô thi hành sứ mạng trong thế giới.

Và Đức Thánh Cha đã cắt nghĩa rõ hơn về mối “tương quan hữu cơ” giữa hồng ân Thánh Tẩy và sứ mệnh truyền giáo: được thuộc về gia đình con cái Chúa và nhận được sự sống thần linh nhờ Phép Rửa, mọi Kitô hữu đều tham dự và sứ mệnh “làm cho muôn dân muôn nước cũng phải được dự phần vào sự sống thần linh”:

“Từ thuở đời đời Người đã tiền định cho mỗi con cái của Người được dự phần vào sự sống thần linh vĩnh cửu của Người (x. Ep 1:3-6). Sự sống này được ban cho chúng ta trong Phép Rửa, ban cho chúng ta ơn đức tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết. Phép Rửa tái sinh chúng ta theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa, và làm chúng ta thành những chi thể của Thân Thể Chúa Kitô, tức là Hội Thánh. Theo nghĩa này, Phép Rửa thực sự cần thiết để được cứu rỗi vì nó bảo đảm rằng , luôn luôn và mọi nơi, chúng ta là những người con trai con gái trong nhà Cha, chứ không bao giờ là những trẻ cô nhi, những người xa lạ hay nô lệ. (…). Chúng ta là con cái của cha mẹ ruột chúng ta, nhưng trong Phép Rửa chúng ta nhận được nguồn mạch của mọi tình phụ tử và tình mẫu tử đích thực: Không ai có thể có Thiên Chúa là Cha nếu không có Hội Thánh là mẹ (x. Thánh Cyprianô, De Cath. Eccl., 6).

Do đó, sứ mạng của chúng ta bắt nguồn từ tình cha của Thiên Chúa và tình mẹ của Hội Thánh. Sứ vụ Chúa Giêsu Phục Sinh truyền cho các môn đệ vào ngày Phục Sinh là yếu tố nội tại trong Phép Rửa: Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em, đầy tràn Thánh Thần, để thế gian được giao hoà (x. Ga 20:19-23; Mt 28:16-20). Sứ mạng này là phần thiết yếu của căn tính Kitô hữu chúng ta; nó làm chúng ta có trách nhiệm giúp mọi người thể hiện ơn gọi của họ là làm nghĩa tử của Chúa Cha, nhận ra nhân phẩm của mỗi người và quí trọng giá trị nội tại của sự sống con người, từ lúc thụ thai tới lúc chết. Chủ nghĩa thế tục lan rộng ngày nay, khi nó nhất quyết từ chối tình phụ tử chủ động của Thiên Chúa trong lịch sử của chúng ta, nó là một cản trở cho tình huynh đệ đích thực của loài người, được biểu hiện trong sự kính trọng sự sống của người khác. Không có Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, mọi sự khác biệt đều bị coi là một mối đe doạ nguy hại, khiến người ta không thể nào có sự chấp nhận lẫn nhau trong tình huynh đệ chân thành và sự hiệp nhất hiệu quả giữa loài người.”

Dưới ánh sáng của những lời dạy trên cùng với sứ điệp Lời Chúa được công bố hôm nay, chúng ta nhận ra những bài học nào cho nỗ lực thực hiện sứ vụ Loan Tin Mừng hôm nay trên quê hương đất nước chúng ta ?

- Trước hết, mỗi người, mỗi cộng đoàn, mỗi Hội Thánh phải là một “Giêrusalem bừng sáng”: “Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi…” (Bđ 1). Chính Chúa Giêsu cũng đã ân cần căn dặn: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5,14-16).

Dĩ nhiên, đây không bao giờ là “ánh sáng của loè loẹt thế gian, ánh sáng của giàu có và quyền lực, ánh sáng của cơ cấu tổ chức hùng mạnh và chặt chẽ mang dáng đứng của loài người, tinh thần thế tục…, mà là “ánh sáng của khó nghèo, khiêm hạ, bác ái, của yêu thương phục vụ, sẻ chia, ánh áng của yêu thương và hiệp nhất : “Người ta cứ dấu nầy…” (Ga 13,35)

- Thứ đến, để làm nên một Hội Thánh, một cộng đoàn “toả sáng những giá trị Tin Mừng”, chắc chắn không bao giờ cộng đoàn đó, Hội Thánh đó, và “những công dân” trong đó, cứ ngồi im đóng cửa để “săm soi bộ lông của mình” , mà cần mạnh mẽ “hoán cải” và “đi ra”, và phải ra đi bằng những “bước chân đẹp”, như Thánh Phaolô đã gợi ý trong thư gởi giáo đoàn Rôma:

“Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? Như có lời chép: Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo tin mừng!” (Rm 10,14-15)

- Sau cùng, “Bước chân đẹp” đó phải chăng là những “bước chân không ngại lấm bùn” của những Phanxicô Xavie để lội qua những con đường quê lầy lội đói nghèo ở Ấn Độ, Nhật Bản; là những những bước chân không ngại hôi hám bẩn thỉu của những Têrêsa Calcutta để đến với những kẻ đói nghèo bệnh tật, bị bỏ rơi bên vệ đường thành phố Calcutta; là những bước chân “không sợ lây nhiễm, hôi hám thúi tha” của những Giám mục Jean Cassaigne để sống và chia sẻ thân phận của những anh chị em phong cùi ở Di Linh…

Nếu “nhân loại chính là con đường đầu tiên mà Hội Thánh phải đi qua” thì có một “nhân loại” đang lạc loài trên những nẻo đường dẫn đến vực thẳm của lầm lạc và sự chết, một nhân loại cần được ánh sáng Tin Mừng Cứu độ dẫn đưa về “đàn chiên của Vị Mục Tử nhân lành”, một nhân loại cần được yêu thương và chăm sóc. Đó là một “nhân loại” đang ở đây, trên đất nước Việt Nam nầy, trong giáo phận Qui Nhơn nầy, đang ở bên cạnh chúng ta…!

Vì thế, truyền giáo hôm qua, hôm nay, và mãi mãi là câu chuyện của tình yêu; một tình yêu chấp nhận “được sai đi” trên mọi nẻo đường nhân loại, cho dù phải “uống cạn chén đắng” hay ít ra cũng “trầy vi tróc vảy” !

LM. Giuse Trương Đình Hiền