Nhắm Mắt – Bịt Tai

Dụ ngôn người phú hộ và Lagiarô – Lc 16,19-31

Hỏi thiếu nhi: Có phải khi sống ở đời này gặp nhiều sự nay lành thì ngày sau phải khốn khổ đời đời không? Các em thưa lớn: Dạ không. Nếu khi sống ở đời này chúng ta chịu cực chịu khổ như kiếp ăn xin, ghẻ chốc đầy mình thì ngày sau được lên thiên đàng phải không? – Dạ không. Các em tiếp ngay, không chút do dự.

Quan niệm rằng cố gắng chịu cực chịu khổ ở đời này để mai sau được hưởng phúc thiên đàng đã từng là một trong những nguyên nhân khiến cho Karl Marx đề xuất chủ nghĩa cộng sản với mục đích là “xây dựng thiên đàng trần thế”. Và lịch sử cho thấy rằng đây là một chủ nghĩa đã mang lại thảm họa cho nhân loại thật khó lường. Vậy thì phải hiểu câu chuyện Chúa Giêsu kể về người phú hộ giàu có và anh Lagiarô nghèo khó như thế nào đây?

Chìa khóa để hiểu câu chuyện Chúa Giêsu kể là ở văn phong “dụ ngôn” (parabole). Người dùng thể văn dụ ngôn là thông qua một câu chuyện kể để rồi chỉ nhắm truyền đạt một điều gì đó và thường là ở câu kết của chuyện kể. Các chi tiết của câu chuyện có thể dẫn đến kết luận cách nào đó nhưng tự chúng không mang ý nghĩa riêng như trong thể văn phóng dụ hay ám dụ (allégorie).

Kết thúc câu chuyện kể về người phú hộ và anh Lagiarô thì chính Abraham đã nói với ông phú hộ rằng: “Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các ngôn sứ thì dù cho kẻ chết sống lại chúng cũng chẳng chịu nghe đâu” (Lc 16,31). “Chúng” đây chính là 5 anh em của ông phú hộ đang còn sống và cả chính ông ta khi còn sống trên cõi dương trần.

Vì sao họ không chịu nghe, đúng hơn là đã bịt tai trước những lẽ khôn ngoan và lời chân lý? Xin thưa trong nhiều lý do thì có lý do chủ yếu này: Vì họ đã bịt mắt trước nổi khổ của đồng loại. Cái tội của của ông phú hộ không phải là ông giàu có, vì biết đâu nhờ siêng năng làm ăn cách chân chính mà ông nên giàu có. Tội của ông cũng không phải do ông ngày ngày yến tiệc linh đình. Tội của ông chính là đã bịt mắt trước cảnh khổ của người đồng loại đó là Lagiarô đang nằm trước cổng nhà ông mà chẳng được ai đoái hoài.

Khi đã bịt mắt trước cảnh tình khốn khổ của tha nhân thì chúng ta cũng sẽ dễ bịt tai trước tiếng Chúa trong lương tâm của mình hay qua sự góp ý, lời khuyên bảo, sự chỉ dạy của những người khôn ngoan, các hiền nhân, các đấng bậc có trách nhiệm… Và ngược lại nếu hỏi vì sao nhiều vị lãnh đạo các quốc gia không biết tiếp thu những ý kiến vừa có tâm vừa khá đủ tầm của nhiều người hết tình vì vận mệnh quê hương và tương lai của dân tộc? Xin thưa rằng rất có thể là vì họ đã không thấy, không cảm, đúng hơn là đã bịt mắt trước nổi lầm than của đại đa số người dân. Còn trong giáo hội thì nếu có đó những mục tử chưa lắng nghe sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần khởi đi từ nhiều nguồn thì cũng rất có thể là vì các vị đã không “thấm mùi chiên”, nói theo ngôn từ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Khi đã “bịt mắt” thì chuyện “bịt tai” là hệ lụy kéo theo như tất yếu vậy.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột