Hôm 27 tháng Chín, tờ The First Things đã đăng bài phỏng vấn Đức Hồng Y Raymond Leo Burke, nguyên chủ tịch Tối Cao Pháp Viện Tòa Thánh, dành cho ký giả Sohrab Ahmari, biên tập viên của New York Post.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem ở đây: A German Attack on Christ’s Lordship. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


A German Attack on Christ’s Lordship
Raymond Leo Cardinal Burke


Một tấn công của người Đức vào Vương Quyền của Chúa Kitô
Đức Hồng Y Raymond Leo Burke


Nửa thiên niên kỷ sau cuộc Cải cách Tin Lành, người Đức lại gây rắc rối cho Giáo Hội Rôma. Lần này, các Giám Mục Công Giáo Đức đã bắt đầu tái định hình Giáo Hội theo hình ảnh cấp tiến của riêng mình.

Các Giám Mục Đức trong tuần này đã thông qua một khuôn khổ pháp lý để điều hành “tiến trình công nghị” sắp tới của các ngài. Chương trình nghị sự sẽ bao gồm việc rà soát lại “giáo huấn của Hội Thánh về đạo đức tình dục, vai trò của phụ nữ trong các chức vụ và thừa tác vụ của Giáo Hội, đời sống linh mục và kỷ luật độc thân linh mục, và việc phân chia quyền lực giữa Tòa Thánh và các Giáo Hội địa phương trong việc cai quản Giáo Hội”. Chưa kể những hoài nghi về đường hướng các ngài sẽ đưa ra cho những mục tiêu chính trong các lãnh vực này, các Giám Mục còn soạn thảo các quy chế này với Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức, một phong trào giáo dân ủng hộ việc phong chức phụ nữ, chấm dứt cuộc sống độc thân linh mục, và các nhượng bộ khác nhau đối với cuộc cách mạng tình dục.

Những động thái này đã vấp phải những chống đối nghiêm trọng từ một quang phổ rộng rãi các quan điểm giáo hội học ở Rôma. Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu các Giám Mục Đức tập trung vào việc truyền giáo trong tiến trình công nghị của các ngài. Bộ Giám Mục đã mô tả tiến trình công nghị với hiệu quả ràng buộc của các vị là “vô giá trị”. Các giáo sĩ có khuynh hướng truyền thống, đặc biệt là Đức Hồng Y Raymond Leo Burke, đã lên tiếng về tiến trình công nghị của Đức cũng như Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới cho toàn vùngAmazon, cũng bị người Đức thao túng mạnh mẽ.

Sohrab Ahmari, biên tập viên của New York Post, có cuộc phỏng vấn sau với Đức Hồng Y Raymond Leo Burke, nguyên chủ tịch Tối Cao Pháp Viện Tòa Thánh.

Sohrab Ahmari: Thưa Đức Hồng Y, có mối liên hệ nào giữa tiến trình công nghị của các Giám Mục Đức với Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon sắp tới không?

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke: Có rất nhiều liên hệ. Trên thực tế, một số người ủng hộ nồng nhiệt cho tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon là các Giám Mục và linh mục người Đức. Và một số Giám Mục ở Đức đã có một mối quan tâm rất bất thường đối với thượng hội đồng Amazon này. Ví dụ, Đức Giám Mục Franz-Josef Overbeck của Essen, là người đã nói rằng sau thượng hội đồng Amazon này, “mọi sự sẽ không có gì giống như trước đây”. Theo quan điểm của ngài, Giáo Hội sẽ rất khác, hoàn toàn thay đổi.

Sohrab Ahmari: Tiến trình công nghị tại Đức có hợp lệ về mặt giáo hội học không, thưa Đức Hồng Y?

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke: Hoàn toàn không hợp lệ. Điều này đã được minh định rất rõ ràng. Trong bức thư gửi các Giám Mục Đức, Đức Hồng Y Marc Ouellet tổng trưởng Bộ Giám Mục nói với người Đức rằng họ đang thực hiện một tiến trình về cơ bản nằm ngoài Giáo Hội, nói cách khác, họ đang cố gắng định hình một giáo hội theo hình ảnh và ý thích riêng của họ. Tôi quan ngại rằng tiến trình công nghị này ở Đức cần phải được dừng lại trước khi nó gây tổn hại lớn hơn cho các tín hữu. Các ngài đã bắt đầu điều này và khẳng định rằng tiến trình này không thể dừng lại. Nhưng chúng ta đang nói về phần rỗi của các linh hồn, điều đó có nghĩa là chúng ta buộc phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết.

Sohrab Ahmari: Đâu là động cơ trong sự thúc đẩy này của các Giám Mục Đức, cả ở đất nước họ và ở Amazon, thưa Đức Hồng Y?

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke: Các Giám Mục Đức tin rằng bây giờ các ngài có thể định nghĩa giáo lý, điều này là sai. Vì như thế, chung cuộc chúng ta sẽ có cả một lô các giáo hội quốc gia, mỗi giáo hội như thế có sở thích riêng về giáo lý và kỷ luật. Tính Công Giáo của Giáo Hội Công Giáo đang gặp nguy cơ. Giáo Hội Công Giáo là một Giáo Hội có một đức tin duy nhất, một hệ thống bí tích và một kỷ luật trên toàn thế giới, và do đó, chúng ta không bao giờ được nghĩ rằng mỗi phần của thế giới lại có thể định nghĩa Giáo Hội theo các nền văn hóa cụ thể. Đó là những gì được đề xuất trong tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Amazon và ở Đức.

Họ nói rằng khu vực Amazon là một nguồn mặc khải thiêng liêng, và do đó, khi Giáo Hội đến đó với khả năng truyền giáo của mình, Giáo Hội nên học hỏi từ nền văn hóa này. Điều này phủ nhận thực tế là Giáo Hội mang thông điệp của Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta và đưa thông điệp đó đến với nền văn hóa này chứ không phải là ngược lại! Vâng, chắc chắn là có những yếu tố tốt đẹp một cách khách quan trong một nền văn hóa, khi ta đề cập đến lương tâm và bản chất hướng đến mặc khải; có những điều trong văn hóa sẽ đáp ứng ngay lập tức với giáo huấn của Giáo Hội. Nhưng vẫn có những yếu tố khác phải được thanh lọc và nâng cao. Tại sao? Bởi vì một mình Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta. Chúng ta không thể tự cứu mình, dù là cá nhân hay xã hội.

Sohrab Ahmari: Nhưng những người ủng hộ tiến trình Amazon nói rằng có quá ít linh mục trong khu vực Amazon.

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke: Vì vậy, chúng ta cần phải đào tạo các linh mục cho các sứ vụ, và thứ nữa, chúng ta cần phải đào tạo ơn gọi từ chính các dân tộc bản địa. Tôi đã viếng thăm Brazil vào tháng 6 năm 2017, và tôi đã đến thăm một vị Tổng Giám Mục, ngài đã từng là Giám Mục trong vùng Amazon trong hơn một thập kỷ. Tôi đã hỏi thẳng ngài câu hỏi này, vì đã có những ý kiến về việc tương đối hóa giáo huấn của Giáo Hội về luật độc thân linh mục nhằm có thêm các linh mục. Và ngài nói với tôi rằng trong khi còn là Giám Mục trong vùng này, ngài đã làm hết sức mình cho sự phát triển ơn gọi, và có rất nhiều ơn gọi.

Rất rõ ràng, ngài nói, “Thật là sai lầm khi cho rằng người dân ở khu vực này không hiểu yêu cầu tiết dục hoàn toàn nơi các linh mục hoặc không đánh giá cao điều đó. Điều đó không đúng chút nào. Nếu bạn dạy cho họ về cuộc sống độc thân của chính Đức Kitô và do đó điều phù hợp là các linh mục của Ngài cũng phải sống độc thân, họ chắc chắn có thể hiểu được điều đó.” Người Amazon cũng là những con người như bạn và tôi, và họ có thể điều tiết cuộc sống của mình với sự giúp đỡ của ân sủng Chúa.

Sohrab Ahmari: Một điểm lớn hơn được đưa ra bởi những người ủng hộ cả hai tiến trình ở Đức và Amazon là các điều kiện trong thời hiện đại đơn giản là quá khó để có thể duy trì giáo huấn luân lý và kỷ luật của Giáo Hội, cả trong luật độc thân đối với các linh mục, lẫn vấn đề ly dị và tái hôn đối với giáo dân.

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke: Tôi đã tham gia phiên họp năm 2014 của Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình và lý luận đó đã được sử dụng một cách cụ thể đối với những người ly dị và bước vào một cuộc hôn nhân thứ hai. Một vị Hồng Y người Đức cho rằng giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân là một “lý tưởng”, mà không phải tất cả mọi người đều có thể hiện thực hóa lý tưởng đó, và do đó, chúng ta cần phải cung cấp cho những người thất bại trong hôn nhân khả năng bước vào một cuộc hôn nhân thứ hai.

Nhưng sai lầm cơ bản ở đây là hôn nhân không phải là một lý tưởng! Đó là một ân sủng. Hôn nhân là một bí tích, và những người kết hôn, ngay cả những con người yếu đuối nhất, vẫn nhận được ân sủng để sống theo sự thật của hôn nhân. Chúa Kitô khi đến trong thế gian đã chiến thắng tội lỗi và hệ quả của nó, là sự chết đời đời. Ngài ban cho chúng ta, từ chính bản thân Ngài, từ thân xác vinh quang của chính Ngài, ân sủng của Chúa Thánh Thần để sống đúng với giao ước hôn nhân.

Thiên Chúa ban ân sủng cho chúng ta cho dù chúng ta kết hôn hay độc thân. Chính Chúa Kitô là mẫu gương. Ngài không kết hôn. Ngài đã chọn cuộc sống khiết tịnh hoàn hảo để dành trọn cho tất cả mọi người, để là vị cứu tinh của tất cả mọi người. Như thế, Ngài chỉ cho chúng ta thấy sự hợp tác với ân sủng liên quan đến khía cạnh tình dục của con người chúng ta như thế nào. Sự khiết tịnh của hàng giáo sĩ cũng là một khích lệ to lớn đối với người đã kết hôn. Bởi vì những người kết hôn cũng không dễ dàng gì. Không dễ chung thủy. Cũng không dễ để dành trọn cuộc đời cho nhau đến khi cái chết tách biệt lứa đôi. Tương tự như thế, cũng không dễ để đón nhận ân sủng con cái Chúa ban. Vì thế, có một mầu nhiệm lớn về ân sủng thiêng liêng trong cuộc sống của chúng ta, và đó là những gì đang bị lờ đi ở đây. Ở đây có một ảnh hưởng rất mạnh của chủ nghĩa duy tâm Đức, của các khái niệm biện chứng lịch sử của Hegel.

Sohrab Ahmari: Nhưng chẳng phải văn hóa siêu tình dục của chúng ta làm cho việc tuân thủ các giáo huấn luân lý của Giáo Hội trở nên khó khăn hơn nhiều sao? Đôi khi con nghĩ rằng các vị thánh vĩ đại đã có thể nên thánh dễ dàng hơn nhiều so với chúng ta, vì các ngài là các vị ẩn tu, và cho dù có phải sống giữa thế giới đi nữa, các ngài không phải đối mặt với một bầu khí quyển bị “khiêu dâm hóa” triệt để như trong thời chúng ta.

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke: Nhưng ngay cả Thánh Antôn Viện Phụ sống cô tịch trong sa mạc cũng phải chịu những cám dỗ to lớn này. Ngài nhìn thấy hình ảnh của những người phụ nữ khỏa thân trong ẩn thất của mình. Một trong những khó khăn của chúng ta trong cuộc sống là đôi khi chúng ta cho phép bản thân mình nhìn thấy những điều tội lỗi: Đây là tội ác lớn của phim ảnh khiêu dâm. Chúng ta thấy những hình ảnh đó ở lại với mình và tiếp tục là nguồn gây ra các cám dỗ sau này. Nhưng trong tất cả những điều đó, Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng để chống lại những cám dỗ đó. Thánh Phaolô nói trong phần đầu thư gửi tín hữu Côlôxê, “Tôi vui mừng được hoàn thành trong thân xác tôi những gì còn thiếu trong sự đau khổ của Chúa Kitô.” Vấn đề không phải là có điều gì đó còn thiếu trong những đau khổ của Chúa Kitô hay không, nhưng là việc chúng ta phải kết hiệp chính mình với những đau khổ của Ngài.

Đây là một mầu nhiệm. Nhiều người ngày nay, vì những tiến bộ của khoa học và công nghệ, nghĩ rằng cuộc sống phải luôn dễ dàng và thuận tiện hơn, và họ mang tâm lý đó vào Giáo Hội. Vì vậy, trước bất cứ khó khăn nào, họ chỉ đơn giản nói rằng: “Không đúng thế đâu. Gian dâm hoặc bất cứ điều gì cũng không sao đâu.”

Sohrab Ahmari: Thưa Đức Hồng Y, chúng ta hãy chuyển sang các cấu trúc pháp lý liên quan: Thượng Hội Đồng là gì? Tình trạng pháp lý hay giáo luật của nó trong các cấu trúc của Giáo Hội là gì?

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke: Khái niệm này đã có từ lâu. Khái niệm cơ bản của một thượng hội đồng là triệu tập các đại diện của hàng giáo sĩ và giáo dân để xem Giáo Hội có thể giảng dạy và áp dụng kỷ luật của mình hiệu quả hơn như thế nào. Thượng hội đồng không bao giờ liên quan đến việc thay đổi đạo lý hay kỷ luật. Thượng hội đồng là nhằm đẩy mạnh hơn sứ mệnh của Giáo Hội. Định nghĩa của một thượng hội đồng dựa trên chân lý là mỗi người Công Giáo, trong tư cách là một người lính thực sự của Chúa Kitô, được kêu gọi để bảo vệ và thúc đẩy những chân lý đức tin và các kỷ luật mà qua đó những chân lý này được thực hành. Nếu không bảo vệ và thúc đẩy những chân lý ấy, hội đồng trọng thể các Giám Mục của thượng hội đồng có nguy cơ phản bội lại sứ vụ. Một thượng hội đồng, theo Bộ giáo luật, là nhằm cố vấn cho Đức Giáo Hoàng trong việc giữ gìn và phát triển đức tin và luân lý, cũng như việc tuân thủ và củng cố kỷ luật Giáo Hội. Không bao giờ có chuyện một thượng hội đồng thay đổi tín lý hoặc kỷ luật!

Tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon là một cuộc tấn công trực tiếp vào vương quyền của Chúa Kitô. Tài liệu ấy nói với mọi người, “Các bạn đã có câu trả lời, và Chúa Kitô chỉ là một trong số rất nhiều nguồn đem đến câu trả lời.” Đó là một sự bội giáo!

Chúa Kitô là Chúa, ở mọi nơi, mọi lúc, đây là bản mệnh của Giáo Hội. Khi các nhà truyền giáo rao giảng về Chúa Kitô, các ngài cũng nhận thấy những ân sủng và tài năng của những người mà các ngài đang rao giảng. Người dân sau đó bày tỏ trong nghệ thuật và kiến trúc của riêng họ những chân lý của Giáo Hội. Họ thêm hương vị riêng của họ vào việc thể hiện Chân lý hàm chứa. Bạn có thể đã nhìn thấy những bức tượng Đức Mẹ Nhật Bản. Những bức tượng này được thực hiện theo phong cách Nhật Bản nhưng mầu nhiệm về Tình mẫu tử Mẹ Thiên Chúa vẫn được thể hiện!

Sohrab Ahmari: Trong bối cảnh đó, thưa Đức Hồng Y, điều gì mang đến cho ngài hy vọng trong Giáo Hội ngày hôm nay?

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke: Canh tân phụng vụ trong giới trẻ ở khắp mọi nơi, và nó mang lại cho tôi niềm hy vọng lớn. Có nhiều linh mục và chủng sinh trẻ chẳng thèm mảy may để ý đến cuộc cách mạng này chút nào. Họ bị cuốn hút vào phụng vụ nhiều hơn, bởi vì đó là cuộc gặp gỡ hoàn hảo và tức thời của chúng ta với Chúa Kitô. Họ bị thu hút bởi phụng vụ cổ kính, là Hình thức Thánh lễ Ngoại thường, bởi vì phục vụ này có rất nhiều biểu tượng và thể hiện rõ hơn nhiều khía cạnh siêu việt trong đời sống đức tin của chúng ta: Chúa chúng ta hiện xuống bàn thờ để hiện diện cùng chúng ta một cách bí tích.

Nhiều người đến với tôi cho biết rất nản lòng, một số người muốn rời khỏi Giáo Hội. Nhưng tất cả không phải là bóng tối. Hãy nhìn những người trẻ này. Hãy nhìn vào những ơn gọi này, không chỉ ở Hoa Kỳ, mà ngay cả ở Đức. Bạn biết người ta nói nhiều về sự tục hóa ở Đức, nhưng tại Đức vẫn có những người trẻ Công Giáo và các gia đình Công Giáo thánh thiện. Tôi tin rằng Chúa Kitô đã nói Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta, Ngài sẽ ở bên chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Tôi đặt niềm xác tín nơi Ngài. Tôi hoàn toàn tin tưởng Ngài.


Source:The First Things