1. Các nhà thờ gỡ 10 Điều Răn Đức Chúa Trời xuống đưa những điều Bác Tập dạy lên

Các nhà thờ Kitô Giáo ở Trung Quốc đã được lệnh phải gỡ xuống Mười Điều Răn Đức Chúa Trời và thay bằng những lời dạy của Đại Đế Tập Cận Bình.

Theo Bitter Winter, một tạp chí về tự do tôn giáo và nhân quyền ở Trung Quốc, các nhà thờ Tam Tự của Trung Quốc đã được lệnh phải gỡ xuống hay đục bỏ Mười Điều Răn Đức Chúa Trời và thay bằng các lời dạy của “Bác Tập”.

Tưởng cũng nên biết: Từ tháng 7, 1950, các mục sư quốc doanh Trung Quốc thảo ra một hiến chương Kitô Giáo với sự cố vấn của Chu Ân Lai nhằm cổ vũ cho 3 chính sách là Tự Trị (自治、), Tự Cường (自养、) và Tự Truyền (truyền giáo, truyền chức..) (自传). Năm 1954, 138 nhà lãnh đạo Tin Lành thành lập ra giáo hội Tin Lành Tam Tự tại Trung Quốc. Các nhà thờ của giáo hội quốc doanh này gọi là nhà thờ Tam Tự.

Phúc trình của Bitter Winter cho biết, ban đầu, các nhà thờ được yêu cầu gỡ bỏ Điều răn thứ nhất, “Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi…Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.” (Xh 20:3) Lý do là vì “Bác Tập” không đồng ý với câu đó.

Báo cáo cho biết những người từ chối loại bỏ một vài Điều Răn hoặc tất cả Mười Điều Răn đã bị cầm tù. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo và các tín hữu tiếp tục bị quấy rối ngay cả trong các nhà thờ đã tuân thủ yêu cầu này.

Các quan chức của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc nói với cộng đoàn tại một nhà thờ Tam Tự ở thành phố Lạc Dương (Luoyang - 洛阳市) hồi cuối tháng 6 vừa qua rằng “Đảng phải được tuân thủ về mọi khía cạnh. Bạn phải làm bất cứ điều gì mà Đảng bảo bạn làm. Nếu bạn chống lại, nhà thờ của bạn sẽ bị đóng cửa ngay lập tức.”

Nhà thờ Tin Lành tại thành phố Lạc Dương đã phải gỡ bỏ Mười Điều Răn Đức Chúa Trời sau những áp lực liên tục từ bọn cầm quyền Trung Quốc.

Các nhà thờ Tam Tự chưa gỡ bỏ Mười Điều Răn Đức Chúa Trời đã bị đóng cửa, cùng chung số phận với một số nhà thờ tại gia bị bọn cầm quyền coi là bất hợp pháp. Các tín hữu ở các nhà thờ chống đối chính sách này bị đe dọa thường xuyên, bị cho nghỉ việc, và ngay cả con cái họ cũng bị cấm đến trường.

Thay vì Mười Điều Răn Đức Chúa Trời, các nhà thờ Tam Tự đưa lên các trích dẫn thúc đẩy chủ nghĩa xã hội và cảnh báo chống lại ảnh hưởng của phương Tây đối với Trung Quốc.

Một trong những “điều răn mới” được viết như sau:

“Các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội và văn hóa Trung Quốc sẽ giúp hội nhập các tôn giáo đa dạng của Trung Quốc, sẽ hỗ trợ cộng đồng tôn giáo bằng cách diễn giải triết lý tôn giáo, đạo lý và các giáo huấn một cách phù hợp với nhu cầu tiến bộ của thời đại. Kiên quyết chống lại sự xâm nhập của hệ tư tưởng phương Tây và tăng cường ý thức chống lại ảnh hưởng của các tư tưởng cực đoan”.

“Điều răn” này được trích từ một bài phát biểu của Tập Cận Bình tại một cuộc họp của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc vào tháng 5/2015.

Một mục sư trong nhà thờ Tam Tự nói với Bitter Winter rằng ông ta sợ bọn cầm quyền Trung Quốc đang cố gắng thần thánh hóa bọn lãnh đạo cộng sản Trung Quốc.

“Bước đầu tiên của nhà cầm quyền là cấm các bài thơ tôn giáo. Sau đó, nó tháo dỡ các thánh giá và bắt đầu thực hiện chiến dịch bốn yêu cầu trong đó có việc treo cờ nước và các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội trong các nhà thờ. Camera giám sát để theo dõi các tín hữu và các hoạt động tôn giáo sau đó được lắp đặt. Bước cuối cùng là thay thế Mười Điều Răn Đức Chúa Trời bằng các bài phát biểu của Tập Cận Bình,” ông nói.

Kể từ khi lên nắm quyền năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra lệnh phải “Trung Quốc hóa” tất cả các tôn giáo ở Trung Quốc, đó là một động thái mà Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ gọi là Chiến lược sâu rộng để kiểm soát, cai trị và thao túng mọi khía cạnh của niềm tin vào một khuôn mẫu xã hội chủ nghĩa theo ‘đặc điểm Trung Quốc’.

Bọn cầm quyền Trung Quốc đang thực hiện một kế hoạch ngũ niên nhằm “Trung Quốc hóa” Hồi giáo, một tôn giáo đã phải đối mặt với các cuộc đàn áp gia tăng ở nước này với ít nhất 800,000 người Hồi giáo tại Tân Cương (Uyghur, 新疆) bị giam giữ trong các trại giam.

“Trung Quốc hóa” Công Giáo là một trong các chủ đề được thảo luận nhiều trong quá trình đi đến một thỏa thuận chính thức giữa Vatican và Trung Quốc trong việc bổ nhiệm các giám mục.

Trước đây, các giám mục liên kết với Hiệp hội Yêu nước Công Giáo Trung Quốc, đã được tấn phong bất hợp pháp và bị vạ tuyệt thông.

Các điều khoản đầy đủ của thỏa thuận Vatican-Trung Quốc tới nay vẫn chưa được công bố.

2. Đức Thánh Cha Phanxicô gửi thông điệp bằng video tới Hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc bàn về sự biến đổi khí hậu

Đức Thánh Cha Phanxicô gửi thông điệp bằng video tới Hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc bàn về sự biến đổi khí hậu

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp bằng video tới những người tham dự viên Hội nghị Thượng đỉnh bàn về Khí hậu biến đổi của Liên Hợp Quốc đã diễn ra tại New York vào ngày 23 tháng 9 năm 2019.

Toàn văn sứ điệp của Đức Thánh Cha như sau:

Tôi xin chào mừng tất cả mọi đại biểu của Hội nghị Thượng đỉnh bàn về Khí hậu biến đổi của Liên Hợp Quốc 2019.

Tôi xin cảm ơn ngài Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông António Guterres, đã triệu tập cuộc họp này lôi cuốn đượcv sự thu hút và quan tâm của nhiều nguyên thủ quốc gia - và toàn bộ cộng đồng quốc tế và dư luận thế giới – trước một vấn đề nan giải về một hiện tượng đáng lo ngại của thời đại chúng ta là: sự biến đổi khí hậu.

Đây là một trong những thách đố quan yếu mà chúng ta phải đối diện. Để thực hiện được điều này đòi buộc toàn thế giới phải trau dồi ba phẩm chất đạo đức: lòng trung thực, trách nhiệm và can đảm.

Đối với Hiệp ước đã được đồng thuận tại Đại hội ở Paris ngày 12 tháng 12 năm 2015, cộng đồng quốc tế đã nhận thức được sự cấp bách và đề ra một giải đáp nhằm giúp duy trì ngôi nhà chung của chúng ta. Tuy nhiên, sau bốn năm Hiệp ước đồng thuận lịch sử đó, chúng ta có thể nhận thấy rằng các cam kết mà các quốc gia đề ra vẫn còn rất “yếu”, nghĩa là chưa được thực hiện và còn lâu lắm mới đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Cùng với rất nhiều sáng kiến, không phải chỉ bởi các chính phủ đề ra mà được toàn thể xã hội dân sự quan tâm đề xuất, Đại hội cần phải học hỏi các kiến nghị, ưu tư đó để tận dụng nguồn lực con người, tài chính và công nghệ lớn hơn hầu có thể làm giảm thiểu đi những tác động tiêu cực trước sự biến đổi khí hậu, hầu nâng đỡ những người nghèo khổ và dễ bị tổn thương nhất là những nạn nhân đang phải gánh chịu nhiều nhất sự biến đổi này!

Trước tình huống không mấy tốt đẹp và hành tinh chúng ta đang sống bị ảnh hưởng nhưng cánh cửa của một vận mệnh mới vẫn còn đang rộng mở cho chúng ta!

Bất chấp tất cả! Chúng ta đừng làm mất cơ hội đó. Chúng ta hãy tiến vào với một quyết tâm mà chúng ta quyết nuôi dưỡng nó với sự phát triển toàn diện của con người, để bảo đảm một cuộc sống tốt hơn cho các thế hệ tương lai. Mặc dù thời kỳ hậu công nghiệp này có thể được nhớ đến với nhiều người vô trách nhiệm nhất trong lịch sử, tuy nhiên chúng ta vẫn còn lý do để hy vọng rằng nhân loại ở vào buổi bình minh của thế kỷ hai mươi mốt này sẽ được nhớ đến vì đã nỗ lực chu toàn cái trọng trách nghiêm trọng của mình. “

Với lòng trung thực, trách nhiệm và can đảm, chúng ta phải dùng khả năng thông minh của mình mà “phục vụ cho một cái gì tiến bộ, lành mạnh và nhân bản hơn, một xã hội cao đẹp và thích hợp hơn”, dùng nguồn mạch kinh tế mà phục vụ con người, dựng xây hòa bình và bảo vệ môi trường sống.

Vấn đề biến đổi khí hậu có liên quan đến các vấn đề đạo đức, công bằng xã hội. Tình trạng suy thoái môi trường hiện nay có liên quan đến sự xuống cấp của con người, tới sự suy đồi đạo đức và băng hoại xã hội mà chúng ta đang phải đối diện hàng ngày. Điều đó đòi buộc chúng ta phải học hỏi và suy tư về các hình thức tiêu thụ và sản xuất của chúng ta, về quá trình giáo dục và nhận thức, để làm sao cho chúng phù hợp với phẩm giá con người.

Chúng ta đang đối diện với một “thách đố của nền văn minh” nhắm vào lợi ích chung. Điều này đã quá rõ ràng, thì chúng ta phải tìm ra những giải pháp nằm lòng trong tầm tay với của mọi người, ở cấp độ cá nhân cũng như tập thể xã hội, bằng một lối sống trung thực, can đảm và trách nhiệm.

Tôi mong muốn ba danh từ - trung thực, can đảm và trách nhiệm – phải là trọng tâm cho những công việc mà các bạn đang bàn thảo hôm nay và đưa vào hành động cho tương lai ngày mai…

Chân thành cám ơn các bạn.

Giáo hoàng Phanxicô

3. Thần học gia tuyên bố rút lui khỏi tiến trình công nghị có hiệu quả ràng buộc ở Đức

Một thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế đã tuyên bố rằng cô không thể tham gia vào tiến trình công nghị “có hiệu quả ràng buộc”, được thực hiện bởi Hội Đồng Giám Mục Đức.

Marianne Schlosser, một thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế, cho biết cô lo ngại về cả phương hướng lẫn phương pháp của tiến trình công nghị này đến mức không còn muốn tham gia vào tiến trình này nữa.

Schlosser, giáo sư thần học tại Đại học Vienna và là người đã nhận được Giải thưởng Ratzinger 2018, được mời tham gia tiến trình công nghị tại Đức trong diễn đàn “phụ nữ trong các vai trò và chức vụ trong Giáo Hội”, với tư cách là một chuyên gia.

Schlosser cho biết cô không thể đồng ý với Tài Liệu Làm Việc của nhóm chuẩn bị. Cô đã nêu ra một số vấn đề, đặc biệt là vấn đề “thành kiến cố hữu trong việc phong chức” cho phụ nữ.

Cái người ta gọi là “thành kiến cố hữu” này không phải là vấn đề có thể bàn cãi về mặt thần học, lịch sử, mục vụ hay linh đạo. Cô nói với KNA rằng Giáo Hội Công Giáo dạy rằng Giáo Hội không có thẩm quyền trong việc phong chức cho phụ nữ.

Cô Schlosser cho biết các cuộc thảo luận về việc phong chức cho phụ nữ đã “được tiến hành từ rất lâu rồi”, tất cả các lý lẽ tranh luận đã được trao đổi và được đưa hết lên bàn thảo luận rồi.

Vì đó là “không phải là một vấn đề liên quan đến kỷ luật”, nên chủ đề này “không thể được đàm phán trong một diễn đàn với các thành viên hỗn hợp”, tức là giữa các giám mục và giáo dân, cô nói.

Schlosser đã không tham dự trong hai cuộc họp chuẩn bị.

Nhà thần học cũng bày tỏ nỗi sợ hãi về sự phân cực trầm trọng trong Giáo Hội Đức.

Vào ngày 23 tháng 9 năm 2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Schlosser làm thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế. Cô cũng được chỉ định là thành viên của ủy ban nghiên cứu điều tra việc phong chức phó tế cho nữ giới vào năm 2016.

Schlosser, một người miền Bavaria, quê hương của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, cũng là cố vấn cho Ủy ban Đức tin của Hội Đồng Giám Mục Đức và kể từ tháng Giêng năm 2018, cô là một thành viên của Ủy ban Thần học của Hội Đồng Giám Mục Áo.

4. Con người giá trị hơn tiền tài vật chất

Trong buổi triều yết tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 22/9/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ rằng Chúa Giêsu mời chúng ta hãy dùng sự giầu có tiền bạc để thể hiện những điều tốt đẹp và nối kết các mối giao hảo.

Trước khi đọc kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ cho khách hành hương về Tin mừng Phúc âm của Chúa Nhật hôm nay về người quản gia xảo quyệt và bất công.

Bị buộc tội đã phung phí tiền bạc của chủ, người quản gia ấy sắp bị sa thải… Khi phải đối diện với tình huống này, ông ta nghĩ ra một cách để bảo đảm cho mình một tương lai an toàn cho mình bằng cách triệu gọi những chủ nợ tới và cắt giảm các khoản nợ cho họ. Mục đích của ông là mua lòng họ, với hy vọng sẽ được bù đáp trả trong tương lai lúc ông ta lâm nạn!

Thật tuyệt vời

Đức Thánh Cha nhận xét rằng Chúa Giê-su không trình bày dụ ngôn này để mở đường cho chúng ta không cần sống trung thực, mà Chúa muốn mời gọi chúng ta hãy sống khôn khéo! Đức Thánh Cha giải thích: với trí thông minh và sự khôn khéo giúp chúng ta vượt thoát được những tình huống khó khăn.

Sự giàu có thiếu trung thực

Chìa khóa để hiểu dụ ngôn này, theo lời Đức Thánh Cha Phanxicô, là lời khuyên của Chúa Giêsu dành cho chúng ta hãy biết xử trí với bạn bè giàu có thiếu lòng trung thực trong hoàn cảnh hoạn nạn mà vẫn chiếm hữu được nước trời.

Đức Thánh Cha cho hay “Sự giàu có không trung thực” có thể là tiền của - đôi khi còn được gọi là “ma quỷ cám dỗ” - khi chúng ta đề cập đến tiền của sang giầu vật chất.

Bức tường ngăn cách

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng sự giàu có của con người có thể đưa đến việc xây lên những bức tường ngăn cách và phân biệt đối xử. Đức Thánh Cha Phanxicô mời hãy gọi 'hãy dùng tiền của mà mua lấy bạn bè'; dùng tiền của mà thương giúp tha nhân vì con người thì quí hơn mọi thứ mà chúng ta có thể chiếm hữu.

Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta hãy biết dùng của cải mà mua lấy bạn hữu để chính họ sẽ đền ơn mà mời đón chúng ta vào nước trời; cũng như Đức Thánh Cha nhấn mạnh chúng ta hãy dùng tiền của sang giàu mà xây dựng tình huynh đệ và đoàn kết, thì sẽ không chỉ chiếm hữu được Thiên Chúa mà còn nối kết được với tha nhân trong tình sẻ chia những gì Chúa đặt để trong tay chúng ta.

Hãy biến cái sai thành cái thiện

Cuối cùng Đức Thánh Cha tiếp tục chia sẻ rằng Tin Mừng hôm nay làm nổi bật người quản gia bất lương khi bị người chủ của cho thôi việc đã tự hỏi mình phải làm gì bây giờ?

Đối diện với những thất bại của chúng ta, Đức Đức Thánh Cha nói Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta rằng chúng ta phải luôn cảnh tỉnh để sửa sai lỗi lầm của mình bằng cách làm điều tốt.

Sau cùng, Đức Thánh Cha kết thúc: “Nếu ta gây sầu buồn cho ai, hãy ủi an họ! Nếu ta đối xử bất công với ai, hãy đền trả cho họ!” Sống như vậy, chúng ta sẽ được Thiên Chúa ân thưởng.

5. Đức Giáo Hoàng nói với các bác sĩ: Hãy chối bỏ cơn cám dỗ để trợ giúp hay cổ võ sự tự sát và an tử

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mời gọi các bác sĩ hãy bác bỏ cơn cám dỗ trợ giúp và cổ võ cho việc tự sát và an tử, khi nhắc nhớ các bác sĩ về lời thề Hippocartic mà họ đã thề hứa cam kết để tuyệt đối tôn trọng sự sống con người và sự thánh thiêng của mạng sống con người.

“Y học, về định nghĩa, là một sự phục vụ sự sống con người, vốn có liên hệ đến sự tham chiếu thiết yếu và không thể thiếu đối với con người theo một cách chính trực về mặt tinh thần và vật chất, trong chiều kích cá nhân và xã hội của con người”. “Do đó y khoa là để phục vụ con người, toàn thể nhân loại, mọi người”, Đức Giáo Hoàng nói với khoảng 350 đại diện của Liên Đoàn Quốc Gia Các Nhà Phẫu Thuật và Nha Sĩ của Ý là những người đã gặp gỡ Ngài vào Thứ Sáu tại Vatican.

Ngài nói với họ rằng bệnh tật không phải là một sự thật thuần tuý mang tính y học chỉ giới hạn với y khoa mà thôi, Ngài nói, các bác sĩ được mời gọi để liên hệ với các bệnh nhân, xem xét cá nhân người ấy mà thôi là người đang mang bệnh, chứ không phải như trường hợp bệnh mà người bệnh có.

Đó là lý do vì sao, Đức Giáo Hoàng nói, thật quan trọng là “người bác sĩ không được đánh mất tầm nhìn về sự độc nhất của mỗi người bệnh, với phẩm giá và sự mỏng giòn của họ”. “Một người đàn ông hay phụ nữ cần phải được đồng hành bằng lương tâm, sự thông thái và con tim, đặc biệt là trong những hoàn cảnh nghiêm trọng nhất”.

“Với thái độ này”, Đức Giáo Hoàng nói, “chúng ta có thể và phải bác bỏ cơn cám dỗ, cũng gồm cả bởi những thay đổi pháp lý, để sử dụng y khoa cổ võ cho sự bằng lòng có thể của người bệnh để được chết, mang lại sự trợ giúp cho việc tự sát hay trực tiếp tạo nên cái chết bởi an tử”.

Đức Giáo Hoàng nói rằng đây là những cách thế tồi tệ của việc giải quyết những chọn lựa vốn không phải, như chúng thể hiện, là một sự thể hiện sự tự do của một người, khi chúng bao gồm cả sự bỏ đi một bệnh nhân như một khả năng, hay một lòng thương cảm sai trái khi đối diện với yêu cầu được trợ giúp để thực hiện cái chết.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc lại “Định Chế Mới Đối Với Những Người Hoạt Động Trong Lãnh Vực Y Tế” của Hội Đồng Giáo Hoàng về Sự Trợ Giúp Mục Vụ cho Các Chuyên Viên Y Tế của Toà Thánh Vatican vốn viết: “Không có quyền nào được thực hiện cách tuỳ tiện trên sự sống của một người, vì thế không một bác sĩ nào có thể trở thành một người bảo vệ thừa hành của một quyền không tồn tại”.

Ngài cũng nhắc lại vị tiền nhiệm của Ngài, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, là vị đã nói đến chiều kích đạo đức nền tảng và không thể thiếu của nghề y tế của lời thề Hippocratic, mà theo đó “mọi bác sĩ được yêu cầu phải cam kết tôn trọng tuyệt đối sự sống con người và tính thánh thiêng của nó”.

6. Năm mươi tộc trưởng bản địa sẽ có mặt tại Rôma ở Thượng hội đồng Amazon

Hôm 20 tháng 9, Vatican News cho biết, năm mươi tộc trưởng bản địa sẽ có mặt tại Rôma để tham dự Thượng hội đồng Amazon. Linh mục Michael Czerny, thư ký đặc biệt của Thượng hội đồng cho biết, “sáng kiến này đáp ứng nhu cầu của các tộc trưởng để họ cảm nhận Giáo hội cùng đi với họ.”

Để có thể lắng nghe người dân bản địa hơn, một sự kiện có tên “Amazon ngôi nhà chung” sẽ tổ chức song song với thượng hội đồng. Khoảng 130 sự kiện sẽ được tổ chức trong Rôma và vùng phụ cận Rôma, với sự có mặt của hơn 50 tộc trưởng người bản địa từ Amazon và các vùng khác đến. Trong các dịp này, các giáo phụ sẽ đến gặp họ.

Trong khi cả các chính trị gia và các doanh nhân “không có thì giờ” để nghe người dân bản địa, Đức Phanxicô và Giáo Hội Công Giáo sẵn sàng lắng nghe. Đó là nhận định của người dân bản địa Amazon được Đức Hồng Y Pedro Ricardo Barreto Jimeno, Tổng Giám mục Huancayo (Peru) và là Phó Chủ tịch Mạng lưới Giáo hội Liên vùng Amazon (REPAM) chuyển lại.

Linh mục Michael Czerny cho biết, “sáng kiến này đáp ứng nhu cầu của các tộc trưởng để họ cảm nhận Giáo hội đi cùng với họ.” Nhiều chủ đề sẽ được thảo luận, chẳng hạn như sự cô đơn mà giáo dân Công Giáo bản địa gặp phải hoặc vai trò của phụ nữ trong Giáo hội.

Đây là lúc cùng đồng hành với các Giáo phụ

Linh mục Fratel Antonio Soffientini, thư ký điều hành của sự kiện cho biết, đây là thời gian để lắng nghe, một loạt các buổi gặp gỡ nhằm mục đích đồng hành với công việc của các Giáo phụ. Linh mục Michael Czerny nói thêm: “Đây là thành quả của thượng hội đồng ngay cả trước khi thượng hội đồng bắt đầu.”

Ông Daniela Finamore, điều phối viên của chương trình châu Âu của hiệp hội Phong trào Khí hậu Thế giới Công Giáo cho biết, nhiều người trẻ cũng đã đóng góp sáng kiến.

Trong số tất cả các sự kiện diễn ra từ ngày 5 đến 27 tháng 10, có ba điểm nổi bật. Vào ngày 5 tháng 10 và 12 tháng 10, một buổi cầu nguyện và một buổi tối hòa giải sẽ được tổ chức tại Nhà thờ Traspontina (Rôma). Và ngày 19 tháng 10, các người bản địa và các Giáo phụ sẽ đi hành hương từ đồi Monte Mario Hill đến quảng trường Thánh Phêrô.

7. Cha Renato Chiera, người cha của những đứa con không được yêu thương

Cha Renato Chiera nhận mình là một linh mục đường phố, sống như một Kitô hữu tại các vùng ngoại biên của Giáo hội để ở bên cạnh những người không được yêu thương. Cha đến các khu ổ chuột của Brazil vào năm 1978 và năm 1986, cha đã thành lập “Nhà cho trẻ vị thành niên”.

Cha Renato Chiera là con nhà nông dân chính hiệu. Cha sinh ra trong một gia đình nghèo có 8 người con, tại một thị trấn nhỏ ở vùng Piemonte, nước Ý. Năm 8 tuổi, cậu bé Renato đã muốn là một “Gioan Bosco nhỏ”, nghĩa là muốn giúp đỡ cho những người trẻ. Năm 12 tuổi, cậu gia nhập chủng viện để học làm linh mục, với ước muốn sống vì tha nhân.

Ngay sau khi được chịu chức linh mục, cha Renato nghe thấy tiếng gọi từ sâu thẳm lòng mình, mời gọi cha “đi vào” thế giới. Cha cảm thấy giáo phận mình “hơi chật hẹp” và cha mơ đến những chân trời rộng lớn hơn. Năm 1978, Đức Giám Mục giáo phận Mondovi của cha đề nghị cha đến truyền giáo tại giáo phận Nova Iguaçu, một vùng ngoại biên rộng lớn và nhiều tệ nạn và bạo lực bên Brazil. Và từ đó, trái tim cha bắt đầu nhịp đập vì thế giới của những người bị loại bỏ và vì Brazil.

Cha đã rời bỏ vị trí giáo sư triết học để đi đến những vùng ngoại biên về địa lý cũng như cuộc sống của miền Baixada Fluminense, vì “bị lôi cuốn bởi Chúa Giêsu, Đấng đau khổ và tiếng kêu than vì bị bỏ rơi của Người đang vang lên nơi một dân tộc bị tiêu diệt, không có hy vọng và không được yêu thương”. Cha cảm thấy ngay lập tức đã tìm ra được chỗ của mình và Giáo hội của mình.

Biến cố đổi đời

Cha Renato kể về bước ngoặt trong ơn gọi của mình. “Tôi bị đánh động bởi câu chuyện và thảm kịch của những thiếu niên không được yêu thương, bị thương tổn, bị kết án vì bạo lực, ma túy và chết sớm”. Một số sự kiện đã để lại dấu ấn sâu sắc: cha đã cho một người trẻ trú ngụ trong nhà, người được gọi là “tên cướp biển”, khi anh ta bị cảnh sát bắt và săn lùng. Và rồi một ngày nọ, anh ta bị giết trên tường của ngôi nhà. Cha nói với cảm giác bất lực: “Tôi đã không đến Brazil để trở thành một linh mục chôn người chết, nhưng để cứu các sự sống.”

Một lần khác, một cậu bé khác xuất hiện đã khiến cha phải đối đầu với một thực tế tàn bạo: “Trong giáo xứ của cậu ta đã có 36 thiếu niên bị giết trong tháng này” và cậu bé nói rằng mình là người đứng đầu trong danh sách tử thần. Cậu bé hỏi: “Cha sẽ để họ giết tất cả chúng con sao? Không ai làm điều gì cả sao?” Trong bóng đêm, cha Renato nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Giêsu thấp thoàng nơi khuôn mặt của cậu bé: “Các con đã làm điều đó với Thầy”. Và để là sự hiện diện của Thiên Chúa, của cha mẹ, gia đình đối với những người không được ai yêu thương, cha đã bắt đầu một cuộc phiêu lưu mới, khó khăn nhưng thú vị.

Những đứa con bị bỏ rơi

Những thiếu niên này là những đứa con bị các gia đình, trường học, xã hội, chính quyền và cả Giáo hội bỏ rơi. Họ là những đứa con của sự thiếu vắng: kết quả của “phá thai cộng đồng”. Các em lang thang trên các con đường với ánh nhìn vô hồn, như những xác chết biết đi, bị mọi người chối bỏ, là khách lạ ngay trên chính quê hương của mình, bị tiêu diệt, không có điểm quy chiếu, không định hướng, không có ước mơ cũng như tương lai. Đối với họ, đường phố vừa là là tất cả và cũng là vô định.

Các em là kết quả của một xã hội độc ác và loại trừ, không yêu thương, đánh cắp các quyền cơ bản của các em, lên án và giết chúng để dập tắt những tiếng nói nghe giống như lời buộc tội. Các em đã bị đánh cắp mọi thứ, ngay cả quyền là trẻ em, là thanh thiếu niên, quyền được có giường ngủ, được ăn, được chơi, có thể mơ ước, có triển vọng và tương lai. Các em là gương phản chiếu của một xã hội có mối quan hệ bệnh hoạn sâu sắc, là tiếng kêu than, là sự sợ hãi, là bức ảnh cho thấy mặt tối của xã hội.

Tuy nhiên, ngày nay, những đứa trẻ này không còn sống trên đường phố như trước đây như khi chúng tìm kiếm sự an toàn, tìm tương lai trong việc buôn bán ma túy. Ở đó, chúng được sống và giết, và bị giết: bởi vì đây là luật của những nhóm tội phạm trong môi trường đó.

Bắt đầu từ “bức ảnh” buồn này, dự án “Casa do menor” – nhà cho trẻ vị thành niên - được bắt đầu, để cho các em được có sự hiện diện của một gia đình, của tình yêu, của trường học, của nghề nghiệp, của tương lai, của người giữ vai chính và nhân phẩm.

Cha Renato tìm kiếm các người trẻ trên đường phố và nói cho các em biết về sự hiện diện của Thiên Chúa

Không hối tiếc

Cha Renato Chiera, thực sự không hối hận vì đã rời vị trí giáo sư triết học. Trên đường phố, cha có một vị trí khác và học một triết lý khác. Cha cảm thấy mãn nguyện khi là một linh mục đường phố, một linh mục của “crazolandie” (thành phố của đụng độ, ma túy), những nơi giờ đây là các thánh đường mới của cha. Chính tại đó, cha gặp được Thiên Chúa, cha ôm lấy thân xác đang sống của Chúa Kitô, chầu trước những “bánh thánh chảy máu”, đang kêu khóc vì bị bỏ rơi và tìm kiếm sự hiện diện của tình yêu, của triển vọng, của tương lai. Đôi khi họ hài lòng với chỉ một cái ôm hay một viên kẹo. Trên đường phố và trong “thành phố đụng độ và ma túy”, chúng ta có thể nhận ra mỗi ngày kết quả và hậu quả của một xã hội chia rẽ, của sự suy thoái của một nền văn minh.

“Nhà cho trẻ vị thành niên”, một người mẹ cộng đồng

Ngày nay, “Nhà cho trẻ vị thành niên” có mặt ở 4 tiểu bang của Brazil; đó là một “bà mẹ cộng đồng”, không bỏ rơi trẻ em đường phố, nhưng giúp chúng sống lại như những đứa con yêu dấu của Chúa. Trong 33 năm, hơn 100 ngàn trẻ em được đón tiếp, 70 ngàn em ngày nay có một công việc và một tương lai. Cha Renato thường nói rằng cha sẽ hiến chính mạng sống của mình “để cứu dù chỉ một đứa trẻ hay thanh thiếu niên”.

Từ “Casa do menor” đã nảy sinh một gia đình của những người thánh hiến, được gọi là “Gia đình sự sống”. Một gia đình cho những người không được ai yêu thương. Một số thành viên của “Gia đình sự sống” này cũng đã bị bỏ rơi, nhưng giờ đây họ trở thành những người cha và người mẹ của những người bị bỏ rơi. Cộng đồng mới này là sự bảo đảm tương lai cho các thiếu niên, duy trì sức sống cho công việc truyền giảng Tin Mừng.

Một hành động yêu thương

Tiếng kêu khóc của các trẻ em và những thiếu niên là tiếng kêu gào của nhu cầu cảm thấy được yêu thương như con cái. Ai không cảm thấy mình như một đứa con thì không yêu chính mình và sẵn sàng phá hủy mọi thứ và hủy diệt chính mình. Do đó, nó không thể là cha mẹ hoặc xây dựng những triển vọng trong tương lai. “Casa do menor” cố gắng đón nhận tiếng khóc của những người không cảm thấy được yêu thương khi cho họ một ngôi nhà, một gia đình, một nghề nghiệp và khả năng gia nhập xã hội và thế giới công việc. Trong gia đình, nhiều đứa trẻ có thể thực sự tái sinh trong cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa là tình yêu, sự hiện diện trung thành không bao giờ bỏ rơi.

Cha Chiera nhắc đến một chàng trai trẻ bị thương ở đầu vì cha anh ta đã cố giết anh ta bằng cách cho anh ta vào một hố ga trên đường phố. Anh ấy đã được nhận vào “Casa do menor”. Một ngày kia - Ngày của Mẹ - anh muốn đến thăm mẹ mình. Anh hỏi cha Renato: “Con có thể đi không?”. Cha đã mua cho bà ta một chiếc áo sơ mi. Khi trở về, anh ta rất buồn: mẹ anh ta đã chết. Anh nói: “Con không còn ai nữa”. Sau đó, đưa chiếc áo cho linh mục, anh nói thêm: “Cha là mẹ của con”.