Dụ ngôn người quản lý bất lương thật hay. Hay vì khó giải thích, khó biện minh. Mà nếu biện minh được, thì mới thật hay. Bởi dụ ngôn nêu toàn là người xấu việc xấu mà cuối cùng lại được đánh giá là phải học hỏi noi theo y như người tốt việc tốt.

Ba loại người xấu trong dụ ngôn này là:

-Trước hết, viên quản lý. Tên của y rõ ràng là xấu: Nguyễn bất Lương. Y thụt két của chủ, y phung phí của cải nhà chủ. Phúc Âm ghi: Ông chủ mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản lý nữa!” Anh đã bất lương trước khi bị cảnh báo sa thải. Và anh bất lương mạnh hơn nữa sau khi nhận lời doạ cho về vườn.

-Các con nợ cũng là những người bất lương. Vì họ sẵn sàng kí sổ nợ bớt lại, thiệt hại cho ông chủ. “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu ô-liu”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai khống đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi”. Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: “Một trăm giạ lúa”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai khống của bác đây, viết lại tám mươi thôi”.

Quản gia này biết rằng hắn đã mất chức quản gia, vì thế nảy ra một sáng kiến. Hắn ghi sổ một cách gian lận để các con nợ được trả ít hơn cho chủ. Điều này có hai công hiệu. Thứ nhất, các con nợ phải mang ơn hắn. Thứ hai, còn có hiệu lực hơn, là hắn làm cho cùng liên lụy về hành động gian manh của hắn, và không ai dám tố cáo hắn, vì tố cáo sẽ thiệt mình, hại mình: bởi lòi ra chính mình gian dối, bất lương.

-Chính ông chủ của anh quản lý cũng là một phe cánh bất lương, bởi vì, thay vì khó chịu, ra tay ngay về hành động này, ông ta lại khen nó thông minh. Khen một người bất lương chẳng khác gì khuyến khích họ sống bất lương, và như thế cũng là bất lương.

Vậy ta giải thích làm sao ? Ba hạng người bất lương, và nhất là tên quản lý Nguyễn Bất Lương lại được chính Chúa khen.

Điều giải thích dễ nhất là : có thể rút được cái tốt qua cái xấu. Một ví dụ nhỏ, ta hay xưng tội chia trí, thì từ cái xấu là chia trí đó ta biến nó thành cái tốt, chia trí về ai thì cầu nguyệ cho người đó. Chia trí nghĩ tới người yêu thì cầu nguyện nhiều cho người tình. Nói dễ hiểu hơn: rút bài học, rút kinh nghiệm. Nhưng không phải kinh ngiệm xương máu, tức, không phải mình phải trải qua mới rút, mà người khác trải qua, mình nhìn vào và rút ra cái tốt cho mình từ một hành vi xấu của họ. Không phải mình sống bất lương trước, rồi mới rút bài học cho mình. Không phải ăn cướp trước, rồi khi sứt trán vào tù mới ngồi từ từ rút bài học trộm.

Vậy từ hành vi bất lương của quản gia Nguyễn bất Lương và các con nợ bất lương, kể cả ông chủ hơi bị bất lương vì khen kẻ bất lương, Chúa Giêsu đã rút dùm chúng ta 4 bài học. Và xin anh chị em yên tâm, tôi chỉ dừng lại một bài học thôi. Bốn bài học là :

1) Con cái đời này tỏ ra khôn khéo với đời hơn con cái sự sáng.

2) Của cải vật chất nên dùng để giữ gìn tình bạn. để mua lấy Nước Trời (chứ không phải chơi !)

3) Trung thành trong việc nhỏ dẫn đến trung thành trong việc lớn.

4) Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ.

Mỗi bài học xây dựng ít là được một bài giảng dài. Anh chị em có biết tôi sẽ rút bài học nào không ? Tôi trả lời ngay: bài đầu tiên. Con cái đời này tỏ ra khôn khéo với đời hơn con cái sự sáng.

Viên quản lý bất lương (con cái đời này) khôn khéo ở điểm nào:

1-Biết giới hạn của mình:

Khi bị chủ gọi và cho biết bị đuổi việc, người quản gia liền nghĩ bụng : 'Mình sẽ làm gì đây ? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi.

Viên quản lý biết cái giới hạn của mình. Chứ không giận quá mất khôn: đuổi thì đuổi, ta đâu có sợ. Với đôi tay này ta sẽ làm nên cơ đồ, với miệng lưỡi này ta sẽ xin (thuyết phục) được cả chục kẻ đến quì trước ta để xin ý kiến, tư vấn làm ăn.

Nhiều con cái sự sáng không khôn khéo, không biết cái giới hạn của mình như con cái đời này biết giới hạn của họ cuốc đất không nổi, ăn mày hổ ngươi. Con cái sự sáng cứ tưởng mình mạnh, mình có Chúa trong mình (không biết có hay không !) nên mình xông pha đó đây: càphê đèn mờ đèn tắt vào luôn, sợ gì. Sách báo phim xấu, gì đâu mà sợ, cứ xem qua cho biết chớ. Phải rút bài học tốt từ sách báo xấu mà. Ma tuý xì ke làm gì nổi con cái ánh sáng, ta chỉ thử cho biết thôi, chứ làm gì khiến ta nghiện được. Game online ta chơi cho biết thôi chứ sao khiến ta ghiền nó được.

Vậy là không khôn khéo. Khôn khéo là biết giới hạn của mình. Các kẻ thù vừa kể, thế gian, xác thịt… cách thắng nó (nếu kể tên nó là kẻ thù 35) hay nhất là kế cuối cùng, kế 36: tẩu vi thượng sách. Cuốc đất không nổi đâu. Và chạy trốn chẳng hổ ngươi đâu.

2- Biết lo cho tương lai

Cái khôn khéo thứ hai là anh biết lo cho tương lai. Người quản gia liền nghĩ bụng : 'Mình sẽ làm gì đây ? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ !'

Mình biết phải làm gì rồi. Biết lo cho tương lai. Chứ không phải: kệ tới đâu hay tới đó.

Tương lai của con cái ánh sáng chắc hẳn phải là Đức Kitô Ánh Sáng. Nói bình dân hơn: sống đời này mà phải biết để dành cho đời sau.

Bạn nghĩ gì về một người nghèo được người ta đồng ý cho «đổi giấy lấy tiền» (cứ một tờ giấy thường nhỏ lấy một tờ giấy bạc 10.000đ, tờ giấy hoa đổi được 50.000đ VN, tờ giấy dày, đổi được 100 ngàn), mà lại không chịu đổi, cứ nhất định khư khư giữ lại những tờ giấy tầm thường cho mình? Bạn có bao giờ nghĩ mình (con cái ánh sáng) cũng đang làm tương tự như thế trên bình diện tâm linh không?

Chúng ta ai nấy đều có một thời gian rất ngắn ngủi ở trần gian này trước khi bước vào đời sống vĩnh cửu đời sau. So với đời sống mai hậu, đời sống này rất là ngắn ngủi trong đó mọi sự đều chóng qua, giả tạm, không bền. Như bọt bèo mỏng mảnh, như bóng câu qua cầu. Thật vậy, tất cả mọi sự ta đang có trong tay – trí tuệ, khôn ngoan, sức khỏe, cha mẹ, vợ con, anh em, nhà cửa, ruộng vườn, của cải, v.v… – có thể mất đi bất cứ lúc nào. Chỉ một cơn bệnh nặng hay một tai nạn ở đầu có thể làm ta mất hết trí tuệ, sức khỏe, làm ta điên loạn, không còn biết gì. Một cuộc đổi đời có thể làm ta mất hết địa vị, quyền lực và tiền bạc. Như thế tất cả những gì ta đang có trong tay, dù là tinh thần hay vật chất, đều không phải là của ta, mà chỉ để ta quản lý một thời gian thôi. Ta chỉ quản lý nó nhiều lắm là 100 năm ở đời này. 100 năm đó so với sự hiện hữu vĩnh cửu của ta thì cũng tương tự như một phút so với cả cuộc đời trần thế của ta.

Tuy nhiên, một điều rất lạ lùng và hết sức đáng mừng là ta có thể dùng những thứ giả tạm chóng qua mà ta đang quản lý ở đời này để tạo nên của cải đích thực và vĩnh cửu cho ta ở đời sau. Vì thế, xét về mặt này, hoàn cảnh của ta giống y hệt hoàn cảnh của viên quản lý trong dụ ngôn của Đức Giê-su. Vậy thì dại gì ta cứ giữ khư khư lấy những của giả tạm đó cho mình, mà không lợi dụng thời gian quản lý quí báu những của cải ấy để mua sắm lấy Nước Trời, tức hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu của mình. Vì thế, những kẻ chỉ lo làm giàu ở đời này mà không màng đến việc lo liệu cho hạnh phúc đời sau, thì đúng là bỏ mất những cơ hội hết sức quí báu để «đổi giấy lấy tiền». Cơ hội này mất đi sẽ không bao giờ trở lại.

Ở trong dụ ngôn này, các bạn có thể thắc mắc khi Chúa nói : hãy dùng tiền của bất lương mua lấy bạn hữu, để họ đón ta vào Nước Trời. Phải chăng Chúa nói cứ trộm cướp, gian xảo, tham nhũng lấy tiền của cách bất lương. Không phải. Tiền Của thời đó là bất lương, bản dịch viết hoa (Tiền Của như là tên riêng). Cũng như ta nói : “đồ quỉ” hay “đồ quỉ dữ” cũng như nhau, vì chẳng có loại quỉ hiền nào cả (ma soeur mới hiền), cho nên nói tiền, hay nói tiền bất lương thì cũng là như nhau. Việt Nam ta có kiểu chơi chữ cũng hay : tiền bạc mà. Tiền lúc nào cũng bạc bẽo, giống như tiền của lúc nào cũng bất lương trong dụ ngôn.

Vậy là từ con người xấu vẫn có thể múc lấy cái tốt. Cái tốt nơi người quản lý bất lương là khôn khéo. Khôn khéo 1 là nhận biết mình yếu: cuốc đất đau tay, ăn mày xấu hổ. Khôn khéo 2 là : biết chăm chút cho tương lai.

Chúng ta được xem như “con cái ánh sáng,” chúng ta nghĩ sao ?

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

(lấy một số gợi ý từ cha Hàm)