Theo Ký giả Christopher White của tạp chí Crux, công trình tái thiết Nhà Thờ Đức Bà đã khởi sự và hiện đang ở trong giai đoạn hai. Tuy nhiên, còn rất nhiều giai doạn kế tiếp. Bạn đọc có thể đọc bài viết của ông tại https://cruxnow.com/notre-dame-cathedral-fire/2019/09/16/season-two-opens-for-famed-paris-cathedral-but-its-a-long-running-show/. Sau đây là bản dịch sang Việt ngữ:

Trong nhiều thế kỷ, khách du lịch đến thăm Paris đã dừng lại dọc theo bờ sông Seine để trố mắt ngắm Nhà thờ Đức Bà. Bây giờ, họ tạm dừng để xem xét những gì có thể đã xảy ra - những gì gần như đã xảy ra - năm tháng trước, khi một đám cháy gần như đã đánh sập cột mốc 850 năm tuổi đời này.

Quảng trường một lần bận rộn ở bên ngoài mặt tiền nhà thờ chính tòa, nơi người ta có thể thưởng ngoạn các cảnh điêu khắc từ việc sáng tạo ra thế giới đến cuộc phán xét cuối cùng, hiện chứa đầy các xe kéo xây dựng, giàn giáo và xe tải đang tìm cách bảo vệ một trong những kho báu quý giá nhất của Giáo hội Pháp.



Tuy nhiên, vì nhà thờ chính tòa vĩ đại là một địa điểm tôn giáo, nhưng nó lại thuộc quyền sở hữu của nhà nước Pháp, nên nó đã tạo ra một trong những thách thức đầu tiên khi các quan chức nhà thờ và nhà nước phải đối diện với triển vọng khôi phục nhà thờ Đức Bà.

Đức ông Patrick Chauvet, Cha sở Nhà thờ Đức Bà, mô tả vai trò của ngài ngày nay như vai trò của một “nhà ngoại giao”, phục vụ trong tư cách liên lạc viên giữa tổng giám mục Paris, thành phố Paris, Tổng thống Pháp và Bộ Văn hóa, bộ chịu trách nhiệm đối với các nỗ lực khôi phục.

Trong những tuần sau vụ hỏa hoạn ngày 15 tháng 4, đã có một thứ giằng co quốc gia giữa những người muốn sử dụng việc khôi phục để hiện đại hóa thiết kế của nhà thờ chính tòa và những người khác đang tìm cách đem nhà thờ chính tòa trở lại trạng thái chính xác trước khi xảy ra hỏa hoạn.

Bất chấp bi kịch này, Đức Ông Chauvet đã nói với Crux vào tháng trước rằng ngài đang hưởng được một mối “liên hệ tốt đẹp” với các bên liên hệ, nhưng thừa nhận đây là một diễn trình tế nhị. Trong khi đương nhiên quan tâm đến các vấn đề về thiết kế, an toàn và sửa chữa, ngài vẫn chủ yếu quan tâm đến việc đem Nhà thờ Đức Bà trở lại tư cách ngôi nhà cầu nguyện.

Đức ông Chauvet nói rằng “Tôi tiếp tục nhận được thư của những người mô tả hậu quả của đám cháy và tôi muốn duy trì một sự đổi mới thiêng liêng”.

“Tôi muốn Đức Mẹ có thể rời nhà thờ chính tòa vì chúng tôi không thể trở lại bên trong, nhưng ngài thì ngài có thể ra ngoài để gặp con cái của ngài”, Đức ông tiếp tục nói thế, trong khi mô tả ngài hy vọng ra sao trong việc đặt bức tượng Đức Mẹ thế kỷ 14 bên ngoài nhà thờ như một địa điểm hành hương mới trong khi những nỗ lực khôi phục đang được tiến hành.

Ngài nói “Chúng ta là một tôn giáo nhập thể. Chúng ta thích nhìn, vì vậy điều quan trọng đối với tôi là có thể làm một việc như vậy để duy trì ngọn lửa đổi mới thiêng liêng này”.

Tuy nhiên, đối với khoảng 13 triệu du khách ghé thăm nhà thờ mỗi năm, nhiều người lo lắng muốn biết khi nào họ sẽ lại được phép trở lại bên trong một trong những nhà thờ mang tính biểu tượng nhất thế giới.

Đức Ông Chauvet nói rằng việc khôi phục đang diễn ra trong ba giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên - giai đoạn hiện nay - là bảo đảm cấu trúc, sau đó là giai đoạn thứ hai để đưa lên một mái nhà bằng gỗ, cho phép lắp đặt giàn giáo trên đỉnh nhà thờ nơi đặt mái nhà nguyên thủy, bị sụp đổ trong đám cháy. Cuối cùng, giai đoạn khôi phục sẽ cho phép thợ mộc, thợ đá và các nhà điêu khắc bắt đầu công trình khôi phục nó trở lại trạng thái trước khi xảy ra hỏa hoạn.

Dọc theo đường Rue du Cloître-Notre-Dame, chạy song song với phía bắc của nhà thờ chính tòa, một bức tường chắn ngăn cách nhà thờ chính tòa với các quán cà phê và nhà hàng đã từng tấp nập khách hàng, vốn nằm dọc theo vỉa hè, nơi gần nhất để thưởng thức bánh crêpe trong khi ngắm nhìn những chiếc cửa sổ hoa Hồng Yêu dấu ở bên ngoài nhà thờ chính tòa, người ta đưa ra đủ ý kiến.

Một người quản lý quán cà phê, người yêu cầu không bị nhận diện, nói rằng công việc kinh doanh của cô đã giảm 70% kể từ vụ cháy, và cô đã phải vật lộn từ tháng nhà hàng bị đóng cửa sau vụ cháy.

Tuy nhiên, trong tổng giáo phận Paris, có văn phòng cũng song song với nhà thờ chính tòa, công việc đang dần bắt đầu trở lại bình thường, ngay cả khi chúng vẫn còn, theo nghĩa đen, nằm dưới bóng của nhà thờ chính tòa như một nhắc nhở hàng ngày về thảm kịch hỏa hoạn, nhưng với hy vọng đối với những gì đã được ngăn chặn.

Karine Dalle, giám đốc truyền thông của tổng giáo phận, nói rằng trong khi khoảng 750 triệu euro đã được hứa tặng, chỉ một phần nhỏ trong số đó đã được chuyển khoản. Bà nói thêm rằng Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit đã gửi lời cảm ơn đặc biệt đến nhiều người Mỹ đã hảo tâm trong các đóng góp của họ.

Dalle, người đã ở với Đức Tổng Giám Mục Aupetit trong những giờ phút lính cứu hỏa chiến đấu để cứu nhà thờ chính tòa, nói rằng bà nhớ những hình ảnh lửa và khói mỗi ngày - nhưng cả những cảnh người Paris dừng lại trên đường để nhìn Nhà thờ chính tòa khi nó đang bốc cháy và tham gia cầu nguyện công khai, trước nhất cho Nhà thờ khỏi sụp và sau đó, cầu nguyện tạ ơn vì phép lạ nó đã được cứu.

“Chúng tôi không còn phải quản lý khủng hoảng nữa”, bà nói trong khi đánh giá cơn lốc của năm tháng qua.

Bà Dalle tiếp tục cho hay “Nếu bạn muốn nghĩ theo các chương trình truyền hình, thì chúng tôi vừa hoàn thành giai đoạn một và giai đoạn hai đang bắt đầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều giai đoạn nữa ở phía trước”.