Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 8 giờ 46 phút ngày 11 tháng Chín, 2001, chiếc Boeing 767 gồm 11 thành viên phi hành đoàn, và 81 hành khách trong đó có 5 tên không tặc, khởi hành từ Sân bay Quốc tế Logan ở Boston, để đến Sân bay Quốc tế Los Angeles đã đâm vào mặt phía bắc của Tòa Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới, giữa các tầng 93 và 99.

Cha Mychal Judge, tuyên úy của lính cứu hỏa thành phố New York chạy ngay đến hiện trường. Ông Rudolph Giuliani, thị trưởng thành phố New York, kể lại rằng ông đã xin cha Mychal cầu nguyện cho thành phố và các nạn nhân khi thấy ngài không ngại hiểm nguy chạy đi chạy lại cử hành các nghi thức sau cùng cho những người đang hấp hối và cầu nguyện cho các thi thể nằm trên đường phố. Trong khi đó, một cảnh tượng kinh hoàng vẫn tiếp tục diễn ra. Nhiều người ở trên các tầng lầu cao không còn đường thoát thân lao ra từ các cửa sổ.

Trong khi cảnh tượng kinh hoàng vẫn đang tiếp diễn, lúc 9 giờ 03 phút, một chiếc Boeing 767 khác của hãng hàng không United Airlines, chở 9 thành viên phi hành đoàn và 56 hành khách, trong đó có 5 tên không tặc, khởi hành từ Sân bay Quốc tế Logan ở Boston, để bay đến Sân bay Quốc tế Los Angeles, lại đâm vào mặt phía nam của Tháp phía Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới, giữa các tầng 77 và 85.

Lúc 9:59 sáng, tòa tháp này sụp đổ. Các mảnh vỡ đã bay qua tháp phía Bắc, giết chết nhiều người trong đó có cha Mychal Judge đang xức dầu cho những người hấp hối.

Chứng kiến cái chết của cha Mychal Judge và các đồng đội mình, đội trưởng lính cứu hỏa của sở cứu hỏa thành phố New York, Tom Collucci đã suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng quyết định trở thành một linh mục Công Giáo.

Xin kính mời quý vị và anh chị em nghe chính cha Tom Collucci giải thích về bước ngoặt này trong đời mình, qua lời dịch của Như Ý.

Cha Tom Collucci kể lại như sau:

“Vào ngày 11 tháng Chín, 2001, mặt trời chiếu sáng rực rỡ trên bầu trời trong xanh của thành phố New York. Tôi cảm thấy nhẹ nhàng sau một ca trực tại sở cứu hỏa và đang trên đường trở về nhà nghỉ ngơi, thì tôi được nghe về các cuộc tấn công khủng khiếp. Cảnh sát và lính cứu hỏa được gọi đến hiện trường.

Tôi quay xe ngược trở lại thành phố và trình diện ở sở cứu hỏa. Chúng tôi lấy các thiết bị và hối hả lao xuống xa lộ West Side để đến hiện trường.”

Lúc ấy Tom Collucci là một đội trưởng lính cứu hỏa của sở cứu hỏa thành phố New York.

Cha Tom Collucci kể tiếp:

“Chúng tôi chạy đến Tháp phía Nam và bắt đầu đào bới trong đống đổ nát tìm kiếm bất cứ thi thể và cố gắng cứu sống các nạn nhân hết sức có thể. Khi chúng tôi còn đang ở hiện trường, tòa tháp thứ hai sụp đổ.”

Tom Collucci bàng hoàng chứng kiến tận mắt các đồng đội của mình hy sinh như thế nào cùng với vị tuyên úy của họ là cha Mychal Judge.

“Chiếc xe cứu hỏa Ladder 3 của chi khu cứu hỏa phía Đông Manhattan bị những khối đá khổng lồ đổ xuống. Tôi đã từng đi trên chiếc xe cứu hỏa ấy một vài lần khi tôi còn phục vụ ở bên Manhattan. Tôi biết rõ từng người lính cứu hỏa bị giết trong ngày đó.”

“Chúa ở đâu trong ngày đó?

Tôi cho rằng hình ảnh ấn tượng nhất tôi có thể nghĩ đến là cách nhiều người phản ứng trước cảnh tượng này. Có các lính cứu hỏa, cảnh sát, các nhân viên cấp cứu, bác sĩ, y tá và đông đảo người chạy đến cứu giúp tại hiện trường. Tất cả họ đều lao vào cứu giúp. Mọi người nói ‘Chúa Kitô ở đâu trong cái ngày này?’ Những người chạy đến cứu giúp tại hiện trường này chính là nhiệm thể của Chúa Kitô! Chúa Kitô hiện diện nơi tất cả những người này, tất cả những người chạy đến trong ngày đó. Chúa ở cùng chúng ta trong đau khổ và nỗi buồn sầu của chúng ta. Tôi nghĩ chính là Chúa, là Thánh Thần của Người đã giúp nâng đỡ chúng ta vượt qua thảm kịch, đào bới trong đống đổ nát cả hàng 9 tháng, tham dự các nghi lễ an táng, chia sẻ những đau khổ và nỗi buồn biến cố này gây ra. Do đó, tôi xác tín rằng Thiên Chúa chắc chắn ở cùng chúng ta trong ngày đó.”

Vì thế, đội trưởng lính cứu hỏa của sở cứu hỏa thành phố New York, Tom Collucci, quyết định trở thành một linh mục Công Giáo.

Cha Tom Collucci giải thích về quyết định của ngài như sau:

“Tôi đã chứng kiến sự tồi tệ nhất của nhân loại trong ngày đó. Nhưng tôi cũng được chứng kiến điều tốt đẹp nhất của nhân loại trong ngày này. Tôi cho rằng điều này linh hứng cho tôi trở thành một linh mục vì tôi thấy nơi thảm kịch này rằng chúng ta dự phần trong một điều gì đó lớn hơn cái thế giới nhỏ bé của chúng ta. Tất cả chúng ta đều liên hệ với nhau trong một gia đình nhân loại rộng lớn. Có điều gì đó lớn hơn, có một mục đích khác trong cuộc đời này. Vì thế, tôi nghĩ rằng tôi muốn làm điều gì đó nhằm giúp đỡ cho nhiều người, một số đông người. Tôi luôn nghĩ đến việc trở thành một linh mục nhưng cần một điều củng cố quyết định của tôi hơn nữa để trở thành một linh mục. Tôi đã được thụ phong hai năm trước đây và thật là một cuộc sống tuyệt vời. Tôi tạ ơn Chúa vì tất cả ơn lành mà người đã ban cho tôi khi từ người lính cứu hỏa cứu giúp người chuyển sang một linh mục cứu giúp các linh hồn. Trong công việc của một người lính cứu hỏa cũng như sứ vụ của một linh mục, chúng ta giúp những người đang cần. Ở sở cứu hỏa, người ta gọi chúng tôi cả ngày lẫn đêm, chúng tôi chẳng bao giờ hỏi họ là ai. Chúng tôi chỉ đơn giản là chạy đến, đáp ứng và giúp họ. Điều đó cũng như vậy đối với một linh mục.”