Trong những ngày này Hoa Kỳ đang long trọng tưởng niệm biến cố tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9, 2001 khiến 2,977 nạn nhân vô tội bị thiệt mạng cùng với 11 tên khủng bố. Thông tấn xã Catholic News Agency cho biết như sau về phản ứng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khi hay tin về biến cố bi thảm này.

Khi ba chiếc máy bay đâm vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới và Ngũ Giác Đài, và Chuyến bay 93 đã rơi xuống cánh đồng Pennsylvania vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, tiến sĩ Joaquín Navarro-Valls, vào thời điểm đó là giám đốc văn phòng báo chí của Vatican, đã chuyển tin tức cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

“Tôi nhớ buổi chiều khủng khiếp đó như thể là mới ngày hôm qua. Tôi đã gọi điện cho Đức Giáo Hoàng, lúc ấy đang ở tại Castel Gandolfo, tôi đã đưa tin cho ngài. Ngài đã kinh hoàng không chỉ bởi chính thảm kịch, mà còn bởi vì ngài không thể giải thích làm thế nào con người có thể đạt đến vực thẳm tội ác này, ” tiến sĩ Joaquín Navarro-Valls hồi tưởng lại trong một cuộc phỏng vấn năm 2011 với Vatican Insider.

Đức Gioan Phaolô II, là người đã lớn lên tại Ba Lan, đã tận mắt chứng kiến quê hương mình đầu tiên bị Đức Quốc xã xâm lược, và sau đó là Liên Sô, và trong tư cách là Giáo Hoàng đã điều hướng thế giới trong vùng biển quốc tế đầy nguy hiểm của Chiến tranh Lạnh, không xa lạ gì với bi kịch chiến tranh.

Tuy nhiên, các cuộc tấn công khủng bố vào Hoa Kỳ vẫn làm ngài rúng động sâu sắc.

“Ngài đã bị chấn động sâu sắc, buồn bã. Nhưng tôi nhớ rằng câu hỏi lớn nhất ngài đã tự hỏi mình là làm thế nào một cuộc tấn công khủng khiếp như thế có thể xảy ra. Cùng với nỗi đau trước những hình ảnh đó, là sự mất tinh thần của ngài,” tiến sĩ Navarro-Valls nói.

“Ngài đã ở lại một thời gian ngắn trước màn ảnh TV. Sau đó, ngài lui về nhà nguyện, chỉ cách phòng TV vài bước chân. Và ngài vẫn ở đó một thời gian dài để cầu nguyện. Ngài cũng muốn liên lạc với tổng thống George Bush, để truyền đạt sự hỗ trợ, nỗi đau, lời cầu nguyện của ngài. Nhưng không thể liên lạc với tổng thống, là người vì lý do an ninh đang di chuyển trên các máy bay của Air Force One.”

“Thay vào đó, Đức Gioan Phaolô II đã quyết định gửi thông điệp chia buồn và bảo đảm những lời cầu nguyện qua telegram, và là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới làm điều đó trong ngày bi thảm này.”

Trong điện văn, Đức Giáo Hoàng viết:

“Tôi vội vàng bày tỏ với ngài và đồng bào ngài nỗi buồn sâu sắc và sự gần gũi của tôi khi cầu nguyện cho Hoa Kỳ tại thời điểm đen tối và bi thảm này”, Đức Giáo Hoàng viết.

Trong một bài viết vào năm 2011 trên tờ National Catholic Register, đại sứ James Nicholson, người vừa nhậm chức tân đại sứ của Hoa Kỳ cạnh Tòa Thánh vào năm 2001, đã nhớ lại cuộc gặp gỡ đầu tiên với Đức Gioan Phaolô II, chỉ hai ngày sau vụ khủng bố.

“Điều đầu tiên Đức Giáo Hoàng nói với tôi là ngài cảm thấy rất buồn bã trước những gì vừa xảy ra tại Hoa Kỳ. Tiếp theo, ngài mời tôi cùng nhau cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ.”

“Sau đó, Đức Giáo Hoàng nói một điều rất sâu sắc và tiên tri về tai ương khủng bố quốc tế.” Ngài nói, “Đại sứ Nicholson, đây là một cuộc tấn công, không chỉ ở Hoa Kỳ, mà còn trên toàn nhân loại. Và sau đó, ngài nói thêm “Chúng ta phải làm mọi cách ngăn cản những người này nhân danh Chúa để giết hại người ta.”

Ngày 11 tháng 9 năm 2001 là ngày thứ ba.

Ngày hôm sau, thứ Tư, có buổi triều yết chung với những người hành hương tập trung tại quảng trường Thánh Phêrô. Ngài đã bỏ bài giáo lý được soạn sẵn sang một bên để nói về thảm kịch mà thế giới vẫn đang quay cuồng.

Ngài nói:

“Tôi không thể bắt đầu buổi triều yết chung này mà không bày tỏ nỗi buồn sâu sắc của mình trước các cuộc tấn công khủng bố diễn ra ngày hôm qua đã mang đến cái chết và sự hủy diệt cho nước Mỹ, cướp đi sinh mạng hàng ngàn nạn nhân và làm bị thương vô số người. Tôi xin gửi đến Tổng thống Hoa Kỳ và tất cả công dân Mỹ, nỗi buồn chân thành. Trước nỗi kinh hoàng khó tả như vậy, chúng ta không thể không rúng động sâu sắc. Tôi thêm tiếng nói của mình vào tất cả những tiếng nói trong những giờ này để bày tỏ sự lên án, sự phẫn nộ, và tôi mạnh mẽ nhắc lại rằng những phương thế bạo lực sẽ không bao giờ dẫn đến những giải pháp đích thực cho những vấn đề của loài người.

Hôm qua là một ngày đen tối trong lịch sử nhân loại, một sự khủng khiếp đối với phẩm giá con người. Sau khi nhận được tin, tôi đã theo dõi với sự quan tâm mãnh liệt về tình hình đang phát triển, với những lời cầu nguyện chân thành dâng lên Chúa. Làm sao một hành vi tàn ác dã man như vậy có thể xảy ra? Trái tim con người có những chiều sâu mà từ đó những âm mưu tàn bạo đôi khi xuất hiện, có khả năng phá hủy trong một khoảnh khắc cuộc sống hàng ngày bình thường của cả một dân tộc. Nhưng đức tin đến trợ giúp chúng ta vào những thời điểm này khi những lời nói dường như thất bại. Từ Chúa Kitô là từ duy nhất có thể đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi gây hoang mang cho lòng trí chúng ta. Ngay cả khi các thế lực bóng tối dường như chiếm ưu thế, những người tin vào Chúa biết rằng cái ác và cái chết không có tiếng nói cuối cùng. Hy vọng Kitô giáo dựa trên sự thật đó. Vào những thời điểm như thế này chúng ta kín múc sức mạnh từ đức tin và lời cầu nguyện của mình.

Với lòng cảm thông sâu sắc, tôi xin gửi những lời này đến dân tộc thân yêu Hoa Kỳ trong thời điểm đau khổ và đớn đau này, khi lòng can đảm của rất nhiều người nam nữ có thiện chí đang bị thử thách. Cách riêng, tôi bày tỏ sự gần gũi với gia đình của những người bị thiệt mạng và những người bị thương, và bảo đảm với họ về sự gần gũi về tinh thần của tôi. Tôi phó dâng cho lòng thương xót của Đấng Tối Cao những nạn nhân bất lực của thảm kịch này, là những người mà tôi đã dâng thánh lễ sáng nay, cầu xin cho họ được yên nghỉ trong cõi vĩnh hằng. Xin Chúa ban ơn can đảm cho những người sống sót. Cầu xin Ngài nâng đỡ các nhân viên cấp cứu và nhiều tình nguyện viên hiện đang nỗ lực hết sức để đối phó với tình huống khẩn cấp như vậy.

Anh chị em thân mến,

Anh chị em hãy cùng tôi cầu nguyện cho họ. Chúng ta hãy cầu xin Chúa để vòng xoáy của lòng thù hận và bạo lực không thắng thế. Xin Đức Trinh Nữ, Mẹ của Lòng Thương Xót, lấp đầy trái tim của tất cả mọi người bằng những suy nghĩ khôn ngoan và ý định hòa bình.

Hôm nay, sự cảm thông chân thành của tôi xin được gởi đến người dân Mỹ, hôm qua đã phải chịu những cuộc tấn công khủng bố vô nhân đạo cướp đi mạng sống của hàng ngàn con người vô tội và gây ra nỗi buồn khôn tả trong trái tim của tất cả những người nam nữ. Hôm qua thực sự là một ngày đen tối trong lịch sử của chúng ta, một cuộc tấn công kinh hoàng chống lại hòa bình, một cuộc tấn công khủng khiếp chống lại nhân phẩm.

Tôi mời tất cả anh chị em tham gia cùng tôi phó dâng những nạn nhân của thảm kịch kinh hoàng này cho tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin ơn an ủi của Người đối với những người bị thương, các gia đình bị ảnh hưởng, tất cả những người đang làm hết sức mình để giải cứu những người sống sót và giúp đỡ những người bị thương.

Tôi xin Chúa ban cho người dân Mỹ sức mạnh và lòng can đảm mà họ cần vào thời điểm đau buồn và thử thách này.”


Source:Catholic News Agency