Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc chuyến viếng thăm Madagascar với cuộc gặp gỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại Đại học Tổng Lãnh Thiên Thần Micae tối ngày Chúa Nhật 8 tháng 9 năm 2019. Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Tôi cảm ơn anh chị em vì sự chào đón nồng nhiệt. Trước hết tôi muốn được gởi lời chào đến tất cả các linh mục và những người sống đời thánh hiến không thể ở bên chúng ta hôm nay vì sức khỏe kém, tuổi cao hoặc những lý do khác.

Tôi kết thúc chuyến thăm Madagascar ở đây với anh chị em. Khi chứng kiến niềm vui của anh chị em và nghĩ về mọi thứ khác mà tôi đã thấy trong thời gian ngắn ngủi trên đảo của anh chị em, trái tim tôi vang vọng những lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng của Thánh Luca. Tràn đầy niềm vui, Ngài thốt lên rằng: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” (Lc 10:21). Niềm vui của tôi đã được củng cố bởi những chứng từ của anh chị em, vì ngay cả những điều anh chị em thấy là vấn đề thì đó cũng là dấu chỉ của một Giáo Hội sống động, năng động và phấn đấu mỗi ngày để trở thành dấu chỉ cho sự hiện diện của Chúa.

Điều này khiến chúng ta phải nhớ đến với lòng biết ơn tất cả những người trong những năm qua đã không sợ gắn bó cuộc sống của họ với Chúa Giêsu Kitô và vương quốc của Người. Hôm nay anh chị em cũng chia sẻ di sản của các vị ấy. Tôi nghĩ đến những linh mục, tu sĩ Dòng Vinh Sơn, Dòng Tên, Dòng Chị em Thánh Joseph Cluny, Dòng Anh em các trường Công Giáo, Dòng truyền giáo Đức Mẹ La Salette và rất nhiều giám mục, linh mục và các tu sĩ nam nữ khác. Tôi cũng nghĩ đến nhiều giáo dân là những người đã giữ cho ngọn lửa đức tin ở vùng đất này mãi cháy sáng trong những ngày tháng bách hại khó khăn khi nhiều nhà truyền giáo và các linh mục, tu sĩ phải ra đi. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng bí tích rửa tội của chúng ta là bí tích lớn đầu tiên ghi dấu và thánh hiến chúng ta như con cái của Chúa. Mọi thứ khác là một diễn đạt và biểu hiện của tình yêu đầu tiên, mà chúng ta liên tục được kêu gọi để canh tân.

Những lời của Tin Mừng mà tôi trích dẫn ở trên là một phần trong lời cầu nguyện tán tụng của Chúa khi Ngài chào đón bảy mươi hai môn đệ trở về sau sứ mệnh của họ. Như anh chị em, những môn đệ này đã chấp nhận thách thức trong việc trở thành một Giáo Hội “tiến ra”. Các ngài trở về với những túi đầy, để chia sẻ mọi thứ mà họ đã thấy và đã nghe. Anh chị em cũng dám tiến ra, và anh chị em đã chấp nhận thử thách mang ánh sáng Tin Mừng đến các phần khác nhau của hòn đảo này.

Tôi biết rằng nhiều anh chị em phải sống trong những điều kiện khó khăn và thiếu các dịch vụ thiết yếu như nước, điện, đường xá và phương tiện liên lạc, hay các nguồn tài chính cần thiết cho cuộc sống và hoạt động mục vụ của anh chị em. Không ít anh chị em cảm thấy gánh nặng của những người hoạt động tông đồ và ảnh hưởng của chúng đối với sức khỏe của mình. Tuy nhiên, anh chị em đã chọn đứng bên cạnh người dân của mình, ở lại giữa họ. Tôi cảm ơn anh chị em vì điều này. Tôi cảm ơn anh chị em vì chứng tá chọn lựa ở lại và không biến ơn gọi của mình thành một “viên đá lót đường cho một cuộc sống tốt hơn”. Anh chị em vẫn ở lại với nhận thức, như Nữ Tu [Suzanne Marianne Raharisoa] đã nói, “trước tất cả những khó khăn và nhược điểm của chúng ta, chúng ta vẫn hoàn toàn dấn thân cho sứ mệnh truyền giáo vĩ đại”. Những người tận hiến, theo nghĩa rộng của thuật ngữ này, là những người nam nữ đã học được cách giữ cho mình gần gũi trái tim Chúa và trái tim dân tộc mình.

Khi đón các môn đệ trở về và lắng nghe niềm vui của họ, Chúa Giêsu ngay lập tức ca ngợi và chúc tụng Cha trên trời. Điều này làm cho chúng ta thấy một cái gì đó rất cơ bản trong ơn gọi của chúng ta. Chúng ta là những người nam nữ ngợi khen chúc tụng Chúa. Những người tận hiến có thể nhận ra và chỉ ra sự hiện diện của Thiên Chúa bất cứ nơi nào họ sống. Hơn thế nữa, họ có thể nương náu trong sự hiện diện của Ngài vì họ đã học được cách thưởng thức, tận hưởng và chia sẻ sự hiện diện đó.

Trong lời chúc tụng, chúng ta khám phá vẻ đẹp của bản sắc của chúng ta như là một phần của một dân tộc. Việc ngợi khen chúc tụng giải phóng các môn đệ tử khỏi nỗi ám ảnh về “những gì phải được thực hiện”; nó phục hồi nhiệt tình truyền giáo của chúng ta và ước muốn ở lại giữa dân mình. Tán tụng ca khen giúp chúng ta tinh chỉnh các “tiêu chí” mà chúng ta đưa ra để xem xét chính mình và những người khác, cũng như tất cả các dự án truyền giáo của chúng ta. Bằng cách này, nó giữ chúng ta khỏi đánh mất “hương vị” phúc âm của mình.

Chúng ta thường rơi vào cám dỗ lãng phí thời gian của mình để nói về “thành công” và “thất bại”, tính chất “hữu dụng” của những gì chúng ta đang làm hay “ảnh hưởng” mà chúng ta có thể gây nên. Chung cuộc, những cuộc thảo luận như thế chiếm trọn thời gian và, không hiếm khi, làm cho chúng ta, giống như các bại tướng, mơ về những dự án tông đồ rộng lớn, được lên kế hoạch tỉ mỉ. Cuối cùng, chúng ta phủ nhận lịch sử của chính mình - và lịch sử của dân tộc mình - một lịch sử thật vinh quang vì đó là lịch sử của hy sinh, hy vọng, đấu tranh hàng ngày, một cuộc sống trung thành với công việc, mệt mỏi như có thể xảy ra (x. Niềm Vui Phúc Âm, 96).

Khi ngợi khen tán tụng Chúa, chúng ta học cách không trở thành “mê sảng”, biến phương tiện thành cùng đích, hay những điều không cần thiết thành tối quan trọng. Chúng ta giành được tự do để bắt đầu quá trình chứ không phải là tìm cách lấp đầy chỗ trống (x ibid., 233), tự do thúc đẩy bất cứ điều gì mang lại sự tăng trưởng, phát triển và sinh hoa trái cho dân Chúa, thay vì tự phụ trên những “thu hoạch” mục vụ dễ dàng và chóng vánh, nhưng không bền. Phần lớn cuộc sống của chúng ta, niềm vui của chúng ta và kết quả truyền giáo của chúng ta phải được thực hiện với lời mời gọi tán tụng ngợi khen của Chúa Giêsu. Romano Guardini, một người khôn ngoan và thánh thiện, thường nói: “Ai tôn thờ Thiên Chúa trong sâu thẳm trong trái tim mình thì sống trong sự thật qua những hành động cụ thể của mình, bất cứ khi nào có thể. Người ấy vẫn có thể bị nhầm lẫn về nhiều thứ, vẫn có thể bị choáng ngợp và kinh hoàng vì tất cả các quan tâm của mình, nhưng khi tất cả đã được nói và làm, cuộc sống của người ấy vẫn được dựa trên một nền tảng vững chắc” (R. Guardini, Glaubenserkenntnis, Mainz, 3rd ed., 1997, tr. 17).

Bảy mươi hai môn đệ nhận ra rằng sự thành công trong sứ mệnh của họ phụ thuộc vào việc sứ mạng ấy được thực hiện “nhân danh Chúa Giêsu”. Đó là điều làm họ ngạc nhiên. Nó không liên quan gì đến những nhân đức, tên tuổi hay chức tước của họ. Không cần phải tuyên truyền về chính mình; không phải là danh tiếng hay viễn kiến của họ đã khuấy động và cứu rỗi người khác. Niềm vui của các môn đệ được nảy sinh từ xác tín của các ngài rằng các vị đã hành động nhân danh Chúa, chia sẻ trong kế hoạch của Người và tham gia vào cuộc đời của Người, đó là những điều mà các ngài yêu thích đến mức muốn chia sẻ với những người khác.

Thật thú vị khi thấy Chúa Giêsu tổng kết công việc của các môn đệ bằng cách nói về chiến thắng trước sức mạnh của Satan, một sức mạnh mà chúng ta, không bao giờ có thể vượt qua, nếu không nhân danh Chúa Giêsu! Mỗi người trong chúng ta đều có thể làm chứng cho những trận chiến.. không thiếu những lần chiến bại. Trong tất cả những tình huống mà anh chị em đề cập khi anh chị em nói về những nỗ lực truyền giáo của mình, anh chị em chiến đấu với trận chiến tương tự nhân danh Chúa Giêsu. Nhân danh Ngài, anh chị em chiến thắng sự dữ bất cứ khi nào anh chị em dạy mọi người ca ngợi Cha chúng ta trên trời, hay chỉ đơn giản là dạy Kinh Thánh và giáo lý, hay thăm viếng người bệnh và mang đến cho họ niềm an ủi. Nhân danh Chúa Giêsu, anh chị em chiến thắng bất cứ khi nào anh chị em cho một đứa trẻ cái gì đó để ăn, hoặc cứu một người mẹ khỏi tuyệt vọng khi phải cô đơn đối diện với mọi thứ, hay cung cấp công việc cho một người cha gia đình. Trận chiến được chiến thắng bất cứ khi nào anh chị em vượt qua sự ngu dốt bằng cách cung cấp một nền giáo dục. Anh chị em mang đến cho người dân sự hiện diện của Chúa bất cứ khi nào ai trong anh chị em giúp thể hiện sự tôn trọng đối với tất cả các thụ tạo, trong trật tự xứng hợp và sự hoàn hảo của chúng và ngăn chặn việc lạm dụng hoặc khai thác. Đó là dấu hiệu chiến thắng của Chúa mỗi khi anh chị em trồng cây hoặc giúp mang lại nguồn nước uống cho một gia đình. Thật là một dấu hiệu tuyệt vời của chiến thắng trước cái ác, bất cứ khi nào anh chị em làm việc để giúp hàng ngàn người khôi phục được sức khỏe tốt!

Hãy tiếp tục chiến đấu những trận chiến này, nhưng luôn luôn cầu nguyện và ngợi khen.

Cũng có những trận chiến mà chúng ta chiến đấu trong chính mình. Thiên Chúa có thể phá hỏng ảnh hưởng của tinh thần ma quỷ, là điều rất thường gợi lên trong chúng ta “một mối quan tâm quá mức đến tự do cá nhân và sự thư giãn, dẫn chúng ta đến chỗ thấy công việc của mình chỉ như một phần phụ trong cuộc sống chứ không phải là một phần trong chính bản sắc của chúng ta. Trong khi đó, đời sống tinh thần bị đồng hoá với một vài cuộc linh thao có thể cung cấp một chút ủi an nhất định, nhưng không khuyến khích nổi cuộc gặp gỡ với những người khác, dấn thân với thế giới hay một niềm đam mê truyền giáo” (Niềm Vui Phúc Âm, 78). Kết quả là, thay vì là những người nam nữ ngợi khen chúc tụng, chúng ta trở thành các “chuyên gia tâm linh”. Chúng ta hãy đánh bại tinh thần ma quỷ ngay trên địa giới của chính nó. Bất cứ khi nào nó bảo chúng ta đặt niềm tin vào an ninh tài chính, những không gian quyền lực và vinh quang con người, chúng ta hãy đáp lại bằng trách nhiệm truyền giáo và sự thanh bần, là những điều truyền cảm hứng cho chúng ta cống hiến cuộc đời mình cho sứ vụ (x. thd., 76). Chúng ta đừng cho phép mình bị cướp mất niềm vui truyền giáo!

Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu ngợi khen Cha vì đã tiết lộ những điều này với những “kẻ bé mọn”. Chúng ta thực sự là những kẻ bé mọn, vì niềm vui của chúng ta, hạnh phúc của chúng ta, được tìm thấy một cách chính xác trong mặc khải của Người mà những người đơn sơ bé mọn có thể “nghe thấy và nhìn thấy” trong khi những gì những bậc thông minh, tiên tri, vua chúa quan quyền không thể nghe, không thể thấy. Chính là vì Chúa hiện diện nơi những người đau khổ và bị thương tích, những người đói khát công lý, và những ai có lòng xót thương (x. Mt 5: 3-12; Lc 6: 20-23). Hạnh phúc thay anh chị em, hạnh phúc thay một Giáo Hội của người nghèo và cho người nghèo, một Giáo Hội thấm đẫm hương thơm của Chúa, một Giáo Hội sống trong hân hoan bằng cách rao giảng Tin mừng cho những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, và cho những người gần gũi nhất với trái tim Chúa.

Xin hãy truyền đạt đến cộng đồng của anh chị em tình cảm của tôi và sự gần gũi của tôi, những lời cầu nguyện của tôi và phước lành của tôi. Giờ đây tôi ban phép lành cho anh chị em nhân danh Chúa, tôi xin anh chị em nghĩ về cộng đồng và nơi truyền giáo của anh chị em, để Chúa có thể tiếp tục nói về những điều thiện hảo cho tất cả mọi người, dù họ ở bất cứ nơi đâu. Cầu xin cho anh chị em có thể tiếp tục là một dấu chỉ cho sự hiện diện sống động của Chúa ở giữa chúng ta!

Đừng quên cầu nguyện cho tôi và yêu cầu những người khác cũng làm như vậy! Cảm ơn anh chị em!


Source:Libreria Editrice Vaticana