Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 8 tháng Chín, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh lễ tại cánh đồng Soamandrakizay. Theo tin sơ khởi của báo chí địa phương, đã có ít nhất một triệu người tham dự thánh lễ này.

Đây là thánh lễ Chúa Nhật thứ 23 mùa quanh năm, trong đó Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: “Ai không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:


Phúc Âm cho chúng ta biết “đoàn lũ đông đảo dân chúng đi theo Chúa Giêsu” (Lc 14:25). Như vô số người tụ tập dọc theo lộ trình của Ngài, anh chị em cũng đã đến đây rất đông để nhận được thông điệp của Người và tiến bước theo bước chân Người. Nhưng anh chị em cũng biết rằng theo Chúa Giêsu không phải là dễ dàng. Hôm nay, Tin mừng của Thánh Luca nhắc nhở chúng ta rằng sự dấn thân ấy có những đòi hỏi cam go như thế nào.

Chúng ta nên nhận ra rằng Thánh Luca đưa ra những đòi hỏi đó trong trình thuật nói về việc Chúa Giêsu khởi hành lên Giêrusalem. Vị Thánh Sử bắt đầu với câu chuyện ngụ ngôn về bữa tiệc mà mọi người được mời, đặc biệt là những người bị ruồng bỏ sống lang thang trên đường phố, nơi quảng trường và ở ngã tư đường. Và ngài kết luận với ba “dụ ngôn về lòng thương xót”, trong đó một bữa tiệc mừng được tổ chức khi tìm lại được những gì đã mất, sau đó một người dường như chết được chào đón với niềm vui và sống lại với khả năng bắt đầu cho một khởi đầu mới. Đối với chúng ta, là các Kitô hữu, những hy sinh của chúng ta chỉ có ý nghĩa trong ánh sáng của cử hành hân hoan được gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô.

Yêu cầu đầu tiên của Chúa Giêsu liên quan đến các mối quan hệ gia đình. Cuộc sống mới mà Chúa đưa ra cho chúng ta dường như thật ngỡ ngàng và bất công một cách tai tiếng đối với những người nghĩ rằng việc vào vương quốc thiên đàng chỉ có thể bị giới hạn hoặc hạn chế trong mối quan hệ huyết thống hoặc trong vòng các thành viên của một nhóm, một gia tộc hoặc một nền văn hóa cụ thể. Khi “gia đình” trở thành tiêu chí quyết định những gì chúng ta xem là đúng là tốt, thì chung cuộc là chúng ta biện minh và thậm chí “thánh hiến” các thực hành dẫn đến thứ văn hóa đặc ân và loại trừ: thiên vị, ô dù và một hệ quả không thể tránh khỏi là tham nhũng. Thầy Chí Thánh yêu cầu chúng ta nhìn vượt lên điều này. Ngài nói rất rõ về điều đó: bất cứ ai không có khả năng nhìn thấy những người khác như anh em hay chị em của mình, hay không thể hiện được sự nhạy cảm đối với cuộc sống và hoàn cảnh của họ bất kể xuất xứ gia đình, văn hóa hay giai tầng xã hội của họ đều “không xứng làm môn đệ Ta” (Lc 14:26). Tình yêu dâng hiến của Ngài là một ân sủng nhưng không, được dành cho tất cả mọi người và hướng đến tất cả mọi người.

Yêu cầu thứ hai của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy việc theo Ngài khó đến mức nào nếu chúng ta tìm cách xác định nước thiên đàng bằng các chương trình nghị sự cá nhân hoặc sự gắn bó của chúng ta vào một ý thức hệ lạm dụng danh thánh Thiên Chúa hay tôn giáo để biện minh cho các hành vi bạo lực, phân cách và thậm chí giết người, lưu đày, khủng bố và gạt ra ngoài lề. Yêu cầu này khuyến khích chúng ta đừng làm tan loãng hay thu hẹp thông điệp Tin Mừng, nhưng thay vào đó kiến tạo lịch sử trong tình huynh đệ và tình đoàn kết, hoàn toàn tôn trọng trái đất và các quà tặng của trái đất, đối kháng triệt để với bất kỳ hình thức bóc lột nào. Nó khuyến khích chúng ta thực hành coi “đối thoại là con đường; hợp tác lẫn nhau là quy tắc ứng xử; hiểu biết lẫn nhau là phương pháp và tiêu chuẩn” (Tài liệu về Tình Huynh Đệ Nhaân Loại, Abu Dhabi, ngày 4 tháng 2 năm 2019). Và không bị cám dỗ bởi những lời dạy phủ nhận rằng lúa mì và cỏ lùng không thể cùng nhau phát triển cho đến khi Thầy trở lại để thu hoạch (x. Mt 13: 24-30).

Cuối cùng, thật khó khăn để chia sẻ cuộc sống mới mà Chúa ban cho chúng ta khi chúng ta liên tục bị thúc đẩy để tự biện minh, bởi vì chúng ta nghĩ rằng mọi thứ phụ thuộc hoàn toàn vào nỗ lực và nguồn lực của chúng ta! Hoặc, như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ nhất, khi cuộc đua tích lũy tài sản trở nên ngột ngạt và áp đảo, thì điều này chỉ làm tăng sự ích kỷ của chúng ta và khiến chúng ta sẵn sàng sử dụng các phương tiện vô đạo đức. Yêu cầu của Chúa Giêsu là chúng ta khám phá lại làm sao để biết ơn và nhận ra rằng cuộc sống và tài năng của chúng ta là kết quả của một ân sủng chứ không phải là do thành tựu cá nhân (x. Tông huấn Mừng rỡ Hân hoan, 55), đó là một ân sủng được Thiên Chúa tác thành thông qua sự tương tác thầm lặng của rất nhiều người mà chúng ta sẽ chỉ biết tên trên nước thiên đàng.

Với ba yêu cầu này, Chúa muốn chuẩn bị các môn đệ của Người cho việc đón mừng vương quốc của Thiên Chúa và giải thoát họ khỏi chướng ngại vật nghiêm trọng, mà tối hậu, là một trong những hình thức nô lệ tồi tệ nhất: đó là chỉ sống vì chính mình. Đó là sự cám dỗ để trở lại vũ trụ nhỏ bé của chúng ta, và chung cuộc chỉ để lại một không gian nhỏ nhoi cho những người khác. Người nghèo không còn bước vào bên trong, chúng ta không còn nghe thấy tiếng nói của Thiên Chúa, chúng ta không còn tận hưởng những niềm vui yên tĩnh trong tình yêu của Người, chúng ta không còn háo hức để làm điều thiện. .. Nhiều người, bằng cách đóng chặt cõi lòng như thế, có thể cảm nhận “sự an toàn bề ngoài”, tuy nhiên họ rơi vào tình trạng cay đắng, buồn rầu và thiếu sức sống. Đây không phải là cách để sống một cuộc sống viên mãn và đúng phẩm giá; đó không phải là ý muốn của Thiên Chúa dành cho chúng ta, cũng không phải là sự sống trong Thánh Linh có nguồn gốc từ trái tim của Chúa Kitô phục sinh (x. Niềm Vui Phúc Âm, 2).

Với những đòi hỏi này, Chúa, trên đường hướng về Giêrusalem, yêu cầu chúng ta nâng tầm nhìn, điều chỉnh các thứ tự ưu tiên của chúng ta và trên hết, dành chỗ cho Chúa trở thành trung tâm và các trục tham chiếu trong cuộc đời chúng ta.

Nhìn xung quanh, chúng ta có thể thấy biết bao những người nam nữ, thanh niên và trẻ em đang đau khổ và quẫn bách! Đây không phải là một phần của kế hoạch của Thiên Chúa. Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta một cách khẩn thiết biết bao hãy tận diệt thói quy hướng vào chính mình, chủ nghĩa cá nhân và niềm tự hào của chúng ta! Như thế, chúng ta mới có thể để cho tinh thần huynh đệ chiến thắng – đó là tinh thần được nảy sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thâu qua của Chúa Giêsu Kitô, là tinh thần trong đó chúng ta được sinh ra như gia đình của Chúa - và trong đó mọi người có thể cảm thấy được yêu thương, cảm thông, chấp nhận và nhân phẩm của mình được đánh giá cao. “ Đối mặt với sự khinh miệt phẩm giá con người, chúng ta thường khoang tay đứng nhìn hoặc giơ hai tay lên cao như là một dấu chỉ thất vọng trước sức mạnh tàn nhẫn của cái ác. Tuy nhiên, là Kitô hữu, chúng ta không thể đứng khoanh tay thờ ơ, hoặc vươn tay ra trong bất lực. Là các tín hữu, chúng ta phải chìa bàn tay ra, như Chúa Giêsu đã làm với chúng ta “ (Bài giảng cho Ngày Thế giới của người nghèo, 18 Tháng 11 2018).

Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe mời gọi chúng ta một lần nữa, hãy dám thực hiện bước nhảy vọt định tính này và chọn lựa sự khôn ngoan không dính bén của cải cá nhân này làm cơ sở cho công bằng xã hội và cho cuộc sống cá nhân của chúng ta. Cùng nhau, chúng ta có thể chống lại tất cả những hình thức thờ ngẫu tượng khiến chúng ta chỉ nghĩ về những bảo đảm an ninh phù phiếm như quyền lực, sự nghiệp, tiền bạc và việc tìm kiếm vinh quang của con người.

Những đòi hỏi mà Chúa Giêsu đặt ra trước chúng ta không còn là gánh nặng nữa ngay khi chúng ta bắt đầu nếm trải niềm vui của cuộc sống mới mà chính Ngài đặt ra trước chúng ta. Đó là niềm vui nảy sinh khi biết rằng Ngài là người đầu tiên tìm kiếm chúng ta ở ngã tư đường, ngay cả khi chúng ta lạc lối như con chiên lạc hay đứa con hoang đàng. Cầu xin cho hiện thực khiêm nhường này truyền cảm hứng cho chúng ta dám đón nhận những thử thách lớn lao và ban cho anh chị em niềm khát khao biến đất nước xinh đẹp của mình thành nơi mà Tin Mừng trở thành sự sống, và nơi cuộc sống là vì vinh quang lớn hơn của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy dấn thân và thực hiện kế hoạch của Chúa cho chúng ta.


Source:Libreria Editrice Vaticana