Đức Tổng Giám Mục Peter Comensoli của tổng giáo phận Melbourne cho biết Đức Hồng Y George Pell, năm nay 78 tuổi, có thể chết trong tù vì tình trạng sức khoẻ suy sụp nhanh chóng và nỗi buồn bị một bản án quá oan khiên.

“Ngài đã là một người già yếu, sức khỏe của ngài chưa bao giờ thực sự là tốt trong một thời gian dài.”

Trong cuộc phỏng vấn dành cho 3W, Đức Tổng Giám Mục nói với người phỏng vấn Neil Mitchell rằng ngài luôn tin rằng Đức Hồng Y Pell vô tội và vẫn là một người bạn của Đức Hồng Y Pell.

Đức Tổng Giám Mục Comensoli nói với Neil Mitchell rằng ngài không đặt câu hỏi liệu người khiếu nại Đức Hồng Y có từng bị ai đó lạm dụng hay không, nhưng ngài không bao giờ tin rằng Đức Hồng Y Pell đã lạm dụng người ấy.

Khi được hỏi liệu ngài có muốn gửi tin nhắn cho Hồng Y Pell trên đài phát thanh không, Đức Tổng Giám Mục Comensoli nói: “Chào Đức Hồng Y George, xin ngài biết về lời cầu nguyện và mối quan tâm và tình bạn của con dành cho ngài, và xin cũng biết rằng chúng con Giáo Hội tại Melbourne sẽ tiếp tục các hoạt động dành cho các nạn nhân mà con nghĩ rằng ngài hằng mong muốn chúng con làm điều đó.”

Đức Tổng Giám Mục Comensoli chỉ nói như thế nhưng trong mấy ngày qua, ngài đã là nạn nhân của một cuộc tấn công cường tập của giới truyền thông thù hận với Công Giáo.

Một người khác cũng lên tiếng bênh vực Đức Hồng Y Pell là Thẩm phán Mark Weinberg, một trong ba Thẩm phán trong hội thẩm đoàn trong phiên tòa kháng cáo.

Trong bản án dài 325 trang do Tòa phúc thẩm đưa ra, lý luận của Thẩm phán Weinberg chiếm tới 200 trang. Ông tin rằng có một “khả năng đáng kể” là vị Hồng Y không hề phạm vào tội lạm dụng tính dục mà ngài đang ngồi tù và lẽ ra ngài phải được trả tự do.

Thẩm phán Mark Weinberg nói rằng ông không cảm thấy thuyết phục trước các chứng cứ của nạn nhân và không thể loại trừ khả năng một số phần trong lời khai của người cựu ca viên trong dàn hợp xướng là “bịa đặt”.

Thẩm phán Mark Weinberg nói quyết liệt như thế nhưng giới truyền thông thù hận Công Giáo chỉ dám đăng lại một bài trên tờ Financial Review với hàng tít rất nhã nhặn “Pell có thêm bạn hiền mới”.

Trong khi thả giàn tấn công một Tổng Giám Mục Công Giáo, giới truyền thông thù hận Công Giáo tại Úc chỉ dám nói đến thôi. Nói mạnh hơn chút nữa là ở tù vì tội khinh mạn tòa án.

Thẩm phán Weinberg, cựu Thẩm phán Tòa án Liên bang, là người đã chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án James Gargasoulas giết người trên đường Bourke của Melbourne, hồi năm ngoái, cho biết có cả một lô chứng cứ khiến ông “không thể chấp nhận” lời khai của người khiếu nại.

“Từ.. . lý chứng của người khiếu nại, có thể thấy rằng có nhiều yếu tố trong lời khai của anh ta có thể bị chỉ trích một cách hợp pháp. Có những mâu thuẫn, bất nhất, và một số câu trả lời của anh ta đơn giản là vô nghĩa”, Thẩm phán Weinberg đã viết như trên trong bản án được đưa ra vào hôm thứ Tư.

“Một đặc điểm khác thường của vụ án này là nó phụ thuộc hoàn toàn vào việc chấp nhận lời khai của người khiếu nại, coi anh ta là một nhân chứng đáng tin cậy và xác thực, bất kể sự nghi ngờ hợp lý. Bồi thẩm đoàn đã được kêu gọi chấp nhận chứng cứ của anh ta mà không có bất kỳ sự hỗ trợ độc lập nào khác.”

Sau khi đánh giá các bằng chứng được đưa ra tại phiên tòa xét xử Hồng Y Pell vào năm ngoái, Thẩm phán Weinberg nói rằng theo ông tòa án nên hủy bỏ năm bản án về tội phạm tình dục trẻ em gán cho Đức Hồng Y.

Nhưng Thẩm phán Weinberg chỉ là thiểu số. Hai đồng nghiệp của ông trong hội thẩm đoàn phúc thẩm - là Chánh án Anne Ferguson và Thẩm phán Chris Maxwell – cho rằng nạn nhân nói sự thật và đơn kháng cáo của Hồng Y Pell nên bị bác bỏ.

Thẩm phán Weinberg không cảm thấy thuyết phục bởi bằng chứng của nạn nhân còn sống sót, là người đã có lúc thừa nhận tại phiên tòa rằng anh ta không thể “nói dứt khoát năm nào” mà anh ta bị lạm dụng.

Thẩm phán Weinberg coi trọng lời khai của các quan chức Giáo Hội, những người tuyên bố Hồng Y Pell chưa bao giờ bị bỏ lại một mình tại Nhà thờ St Patrick và thường chào đón giáo dân ở lối ra vào khi vụ lạm dụng được cho là đã xảy ra.

“Tất cả những nhân chứng này đều quan trọng, nhưng có một số người mà lời chứng của họ rất quan yếu”, ông viết.

“Hoàn toàn có thể nói rằng lời chứng của họ, nếu được chấp nhận, chắc chắn sẽ dẫn đến sự tha bổng tức khắc.”

“Kết quả tương tự sẽ xảy ra, thậm chí khi kết luận duy nhất có thể được đưa ra là các bằng chứng của họ, liên quan đến các sự kiện được đề cập, là một lời khai 'có thể là hợp lý' về những gì đã xảy ra.”

“Tôi thấy khó khăn trước thực tế là tôi phải bảo lưu một ý kiến khác biệt với hai đồng nghiệp của mình, là những người mà tôi luôn rất tôn trọng”, ông viết.

“Điều đó đã khiến tôi suy tư thậm chí còn cẩn thận hơn về kết quả đúng đắn của đơn kháng cáo này. Tuy nhiên, sau khi đã làm như vậy, tôi không thể, với lương tâm ngay lành của mình, có thể làm khác hơn là duy trì sự bất đồng quan điểm của tôi.”


Source:The Australian