Những nốt nhạc cho đời.

Đỉnh núi cao quang tiếng gọi mời,
Long Xuyên nhịp bước tiến ra khơi.
Cánh hoa chớm nở dâng cho Mẹ,
Gánh nặng trần gian gởi Chúa trời.
Từ ấy anh đi theo tiếng gọi,
Thế trần ảo mộng trả đời thôi.
Đường lên núi thánh không dừng bước,
Một tấm lòng trung tận hiến rồi.

( thân tặng bác Văn Chi. BG).

“ Gần nhau trao cho nhau tin yêu tình loài người, Gần nhau trao cho nhau thương yêu đừng gian dối…”. Giữa tiếng hát bay cao, anh em chúng tôi vẫn ngồi bên nhau. Tôi hỏi:

- Năm nay anh đã 70 rồi ư?

Anh nhẹ gật đầu:

- Tất cả anh em chúng ta đều lớn lên rồi! Tuổi thơ đã qua, nhưng nỗi buồn xa quê thì chẳng bao giờ nguôi!

Câu chuyện chỉ có thế. Sau đó là sự thinh lặng. Thinh lặng trong đáy mắt đưa chúng tôi về trường xưa. Ở đó, bước vào năm đệ lục, chúng tôi bắt đầu nhìn người đàn anh Văn Chi bằng ánh mắt nể phục. Ông ấy sẽ là nhạc sỹ tài hoa ư? Hay từ cánh đồng Long Xuyên, anh sẽ đưa lúa vươn tới mọi nơi, mọi chốn bằng lời ca tiếng nhạc của anh?

Dĩ nhiên, chẳng ai có thể trả lời cho câu hỏi vào lúc ấy? Bởi lẽ, tuổi trẻ và khát vọng của những năm tháng bậc trung học xưa thường ấp ủ những mộng mơ, hoài bão lớn! Gặp lúc không phải đánh vật với những bài thi, anh nào cũng vẽ vời lấy một bản gọi là Lưu Bút, rồi trao nhau viết một vài bài văn, bài thơ. Hoặc giả, vung tay vờn vẽ dăm ba nốt nhạc, bản vẽ, như để ghi nhớ là có tên ta trong cuộc đời. Và sự thường, những dấu tích đó chỉ là những kỷ niệm của đời học sinh như lưu ký mà thôi, ít người nghĩ đến hay tiếp tục theo đuổi cái nghề văn, thơ, nhạc, ấy khi bước vào đời. Tuy nhiên, Văn Chi xem ra lại là một câu chuyện khác thường.

Khởi đi từ những dòng nhạc Tin, Yêu, đầy ắp nguồn sống và ước mơ từ năm 1965, nhưng Văn Chi lúc ấy cũng chỉ nhận được những hờ hững thường tình. Hoặc gỉa là đôi lời khen, khích lệ cho có lệ vậy. Chẳng mấy người nghĩ đến, rồi ra Long Xuyên sẽ có một bậc tài hoa về âm nhạc. Phần anh, mặc cho dòng đời xoay, ngày ngày miệt mài với nghiệp sách đèn. Đến giờ chơi, lúc rảnh sau cơm chiều, “ông ấy” lại cứ một mình một cõi nhìn trời với đôi cánh tay nhè nhẹ vươn lên cao như trải dòng tâm tư với gío, với mây. Vào lúc ấy, có mấy ai nhìn ra được những vòng xoay (như bắt chuồn chuồn) từ đôi bàn tay nhỏ bé kia sẽ có ngày làm cho cả trời đất cũng phải vui lây theo lời ca tiếng nhạc của anh.

Chuyện là thế, nhưng ngay khi niềm vui chưa kịp lớn thì hồng thủy đổ ấp xuống trên miền nam. Nhìn ra đường chỉ thấy từng đoàn người gồng gánh, con thơ, mẹ gìa, bỏ nhà bỏ cửa mà trốn chạy cộng sản. Quay vào trong, mấy hôm sau cánh cổng trường lặng lẽ khép lại. Lũ học sinh dù không muốn cũng bị bó buộc phải rời trường khi đoàn quân của Hồ với dép râu Trung cộng lội đến chiếm đoạt. Từ đó, trường tan. Ai nấy xách vali về nhà chờ tin hay tự tìm lấy một tương lai nào đó cho bản thân. Ai ngờ, từ điểm không hẹn hò này, người vào tù, kẻ vượt biên. Anh rời trường, em bỏ học. Cuộc sống của từng người, từng nhà, bị cuốn theo với vận nước điêu linh, đen, đỏ!

Giữa những tang thương đổ gẫy ấy, Đức Micae Nguyễn khắc Ngữ, Giám Mục chính tòa của địa phận như nhìn thấy trước những nghịch cảnh sẽ đến cho đoàn chiên. Ngài đứng dậy, ra một quyết định khác lệ thường là gọi các thày đang học những năm cuối trong đại chủng viện trở về. Khi gặp, Ngài ân cần, mong mỏi trao nhiệm vụ chăn giữ đàn chiên trong cánh đồng giáo phận cho họ.

Từ lời gọi này, các thày đang học thần 3, và 4 năm ấy trở về chủng viện, gấp rút hoàn tất chương trình còn dở dang, rồi vào cuộc tĩnh tâm nhận lãnh nhiệm vụ mới. Tuy thế, khi mời gọi các thầy vào cuộc sống mới, Ngài đã nhắc nhở từng người là: Có thể các thày, các cha sẽ gặp khó khăn với CS khi trở về giáo xứ của mình. Theo đó, mỗi người được mời gọi phải tự quyết và gánh lấy phần đời hy sinh của mình. Không một ai bị ép buộc vì bất cứ lý do gì.

Câu chuyện như có nước mắt rơi vào chiều gặp gỡ hôm ấy là thế. Kết qủa, tất cả các anh trong lớp 60-61 hiện diện đều một lòng “Vì Ngài con xin hiến thân”. Và thày Văn Chi là một trong những người tự nguyện trong câu chuyện ấy.

1. Đời tu giờ thêm dấu huyền!

Niềm vui hân hoan trong ngày tạ ơn kéo dài chẳng bao lâu. không qúa vài tuần lễ. Nhiều LM mới dâng lễ mở tay, chưa kịp nhận bài sai về nhà xứ thì đã được cán cộng đến hỏi thăm. LM Văn Chi là một trong những người bị hỏi thăm ấy. Kết qủa, sau một lần chúng đến, giáo dân Thái Hòa, kinh Rivera không còn thấy bóng thày Văn Chi thanh thản vương nhịp trên cây cầu tre lắt lẻo qua kênh. Cũng không còn thấy cảnh, một tay thầy vịn chặt lấy thành cầu, còn tay kia thì không ngừng múa lộn giữa trời như vẽ hoa, vờn bướm, mỗi khi chiều về. Thay vào đó là một bản tin làm hốt hoảng từng nhà, nổ tung khu xóm: “Bọn Việt cộng đã bắt cha Chi rồi”! Sau câu trao đổi vắn vỏi ấy chỉ còn lại những đôi mắt trắng lo âu dành cho một Linh Mục trẻ chẳng tội tình gì, ngoài việc sáng tác Thánh ca, bị vướng vào vòng lao tù. Cùng lúc, nơi họ đạo Thái An gần đó, lại có dăm ba ca đoàn viên vương đôi mắt đỏ với dòng lệ lăn, thương cảm cho vị nhạc sỹ tài hoa, không biết hát hò theo Hồ cộng, đã bị vùi dập trong gông cùm cộng sản.

Mà nào có phải một mình ngài Văn Chi ngồi tù CS đâu. Trái lại, ngay từ 1954, cha mẹ anh và làng quê của anh đã phải từ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, trốn tù ngục ở miền bắc mà chạy vào nam. Lần ra đi ấy, ai cũng nghĩ là sẽ đến được bến bờ tự do và ở nơi ấy, người dân được sống một đời trong tin yêu cũng như được hưởng một nền tự do dân chủ trong một đất nước có Độc Lập. Và rồi, ở nơi ấy, người dân không còn phải ngửi thấy mùi rêu mốc của CS. Kết qủa, tất cả là nhầm lẫn. Những con đỉa hoang không bao giờ từ bỏ việc bám theo hơi máu thơm của người.

Đó là lý do, sau khi chúng tàn sát hơn 172000 người trong mùa đấu tố, chúng nhận thêm súng đạn của Nga,Tàu, rồi đưa súng đạn vào miền nam để săn đuổi, tiêu diệt ý thức Tự Do, Độc Lập của dân tộc Việt Nam. Kết qủa, sau hơn hai mươi năm chinh chiến, phủ lấp miền nam bằng máu và nước mắt với súng đạn của Tàu, Nga, tập đoàn CS/HCM đã hiện nguyên hình là những kẻ tay sai cho Tàu cộng vào sau ngày 30-4-1975.

Từ đây, sau ngày Nắng Vàng phai, tất cả mọi khát vọng và ước mơ của người dân Việt Nam đều gẫy đổ. Nhìn ra đường, chỉ có một đoàn người bơ phờ và sau lưng họ là những kẻ mang dép râu nón cối, tay lăm lăm súng đạn Nga Tàu. Và đi trước những nòng súng ấy là những người từng đem sinh mệnh của mình ra để bảo vệ lấy chữ Tự Do, Độc Lập cho dân, cho nước. Họ là những sỹ quan, viên chức của miền nam, trong đó có cả những tu sỹ của các tôn giáo của miền nam nữa. Nay, tất cả đều bị chúng khóa chung vào trong một cái thòng lọng với tên gọi “học tập, cải tạo”. Hỏi xem, học gì và tập gì?

- Học làm người gian dối theo yêu cầu của CS ư?

- Hay tập lấy những việc làm gian trá và bất lương của HCM mà sống?

Câu trả lời là, cuối đường của chuyến đi ấy có nhiều người ở miền nam trong mọi cấp đã bỏ xác nơi nhà tù của cộng sản. Một phần khác, ngậm lấy đắng cay theo vận nước để hy vọng mở tương lai cho ngày mai. Dĩ nhiên, tù nhân Chu Văn Chi cũng không có ngoại lệ.

2. Ngày về của một người trong lao tù CS.

Nếu đời tù là những ngày đóng khung, mơ cho mùa hoa nở sớm thì ngày về sẽ là tiếng hát bay cao trên đường đi vội vã. Có thế. Sau gần 4 năm bị khóa chặt trong nhà giam, một ngày giữa tháng 9-1987 cửa tù tạm mở ra cho anh về chữa bệnh. Ngày về, niềm vui reo lên theo từng hơi thở, bước chân. Nhưng bỗng hụt hẫng khi trở thành kẻ lang thang không nơi tựa. Địa chỉ nhà xứ, nơi anh bị bắt từ đó, nay anh không được phép trở lại. Nếu về quê nhà, lại phải chờ giấy chứng nhận của phường khóm mới. Đã thế, những cơn đau xé ruột gan cứ dồn dập rủ nhau đến. Thêm vào đó, từng cơn ho quặn thắt lồng ngực như muốn đưa thân xác nhỏ bé, gầy mòn kia, về miền đất lạnh. Vào đoạn kết, xe chở đến nhà thương, mặc những dòng nước mắt tuôn tràn mà chẳng một nơi nào đón nhận. Hỏi xem, còn tang thương nào hơn thế? “con chồn con cáo có hang, mà con người không có nơi tựa đầu”!

Giữa lúc khốn cùng ấy, xem ra tiếng kèn cho một ngày đi không trở lại chừng như đà sắp sẵn. Tiếng chuông buồn của nhà thờ khi xưa cũng sẵn chờ cho giờ báo hiệu. Anh sẽ đi. Đi một chuyến không trở lại chăng?

Ngờ đâu, trong giờ tuyệt vọng ấy, thần chết lãng trí và một người quen, rồi một người thầy cũ biết tin. Họ đã tìm cho Ngài được một chốn hồi sinh. Đó là bệnh viện St Paul Sài Gòn. Từ đây, lời Tạ Ơn đã vang lên. Nhờ những bàn tay và những tâm hồn mở rộng, từng cơn đau thâu đêm đã từ từ giảm bớt, nhạc sỹ Văn Chi đã hồi sinh. Chẳng bao lâu sau, đôi tay gầy yếu kia đã có thể giơ lên cao theo những cung bậc Hiến Dâng. Và cũng diệu kỳ không kém, từ chính nơi này, nhạc sỹ Văn Chi đã xuống thuyền vào một chiều tháng 5 năm sau.

3. Đôi dòng tiểu sử của LM Paul Chu văn Chi:

Sinh ngày14-5-1949 tại Duyên Phúc, Ninh Bình. (bắc việt)

1961- 1968 theo học tại chủng viện Gò Vấp, Á Thánh Phụng, Châu Đốc rồi Têresa, Long Xuyên.

1969- 1975 Đại chủng Viện thánh Giuse, Sài Gòn.

Thụ phong Linh Mục ngày15-6-1975. Được chuyển về làm phó xứ Thái Hòa thuộc kinh B “Rivera”. Sau đó chuyển sang xứ Thái An cùng kênh.

Vào ăn cơm nhà tù Việt cộng từ ngày 5.3.1984. Bị xuất huyết bao tử và được trả về nhà vào tháng 9-1987 với lý do: “cho nó chết ở nhà hơn là ở trong trại”

Khi về, bệnh viện nào cũng chê. May thay St Paul Sài Gòn đưa vai gánh vác. Anh đã được điều trị, bị cắt hai phần bao tử tại đây. Cũng từ đây, vào tháng 5-1988 Anh đã lên thuyền ra khơi.

LM Chu văn Chi được Đức Hồng Y Clancy bảo lãnh đến Úc từ trại tỵ nạn Phi luật Tân vào ngày 24-11-1989. Ngài đã sinh hoạt trong địa phận và cư ngụ tại Sydney từ đó.

4. Những tác phẩm của LM Văn Chi.

A, Thời kỳ trong nước.

Những tác phẩm của nhạc sỹ Văn Chi đã xuất bản ở Việt Nam gồm có 10 tập “Trầm khúc hoan ca” trong đó có khoảng 700 bài thánh ca và sinh hoạt cho thiếu nhi và các đoàn thể. Và bài “Tình Yêu Chúa” là bản nhạc đầu tay của Ngài được viết từ năm 1965.

Đặc biệt bản Du ca mang tên “ Yêu bằng tình loài người” (1973) với lời ca chân thành đã đưa người người vào yêu thương gắn bó. Ở đó là lời nhắn nhủ mà ai ai cũng đều thiết tha mong mỏi cho nhau. Hơn thế, còn như truyền rao nguồn sống cho mọi thời đại là “Gần nhau trao cho nhau tin yêu tình loài người” đã được nhạc sỹ Văn Chi sáng tác vào ngày 27-01-1973. Mấy ai ngờ, hôm ấy cũng là ngày ghi lại mốc điểm quan trọng trong Lịch Sử của Việt Nam. Đó là ngày ký Hiệp Định đình chiến Ba Lê nhằm chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.

Hỏi xem, còn nỗi mừng nào lớn hơn cho người dân khi nghe tin chấm dứt chiến tranh? Và hỏi xem, có phải vì từ ước mơ có hòa bình, đểđem yêu thương đi về muôn lối mà bài hát này đã như hoa nở trên mắt môi mọi người Việt Nam, không phải chỉ trong thời gian ấy, nhưng còn là mãi mãi về sau? Tiếc rằng, từ phía mang tên liềm búa kia chỉ đáp lại tình người bằng những gian dối, phản bội, thay vì tình nghĩa yêu thương của con người.

B. Những sáng tác nơi hải ngoại.

Lời ca tiếng hát của nhạc sỹ Văn Chi, không phải là đã bị chết chìm trong ngục tù CS. Trái lại, mãi còn vươn cao, vượt cả thời gian và không gian. Sau 30 năm nơi đất khách, những lời ca Cảm Tạ, Ngợi Khen, trong cuộc lữ hành trần thế của người Nhạc sỹ này hầu như không ngừng nghỉ. Tính đến nay đã có hơn 700 bài, gồm thánh ca và một số bài ca sinh hoạt đã được phát hành. Trong số này phải kể đến các bản Trầm khúc Hoan Ca tập 11 phát hành tại Phi luật Tân. Rồi 12, 13, 14 in tại Úc. Tập 15, 16 in tại Hoa Kỳ. Các tập 17, 18, 19, 20, 21, 22 và 23, 24, 25 đều in tại Sydney. Nếu làm một bài toán cộng, nhạc sỹ Văn Chi đã sáng tác tổng cộng khoảng 1450 ca khúc. Trong đó có Con đường Chúa đã đi qua, Hành trình với Mẹ, Trang sử mẹ quê hương Việt Nam, Truờng Ca hãy tạ ơn Chúa và các tập Trầm Khúc Hoan Ca và Du ca…

Giữa lòng cung bậc trầm thấp, vươn cao ấy, niềm vui của Nhạc Sỹ Văn Chi như bay bổng khi người anh là LM Chu văn Nghi sau nhiều năm tháng lao tù CS đã được sang Úc thăm em. Nào có ai ngờ, tiếng đàn hoan lạc vừa vút lên mây. Cung trầm đã điểm, đón chờ ngoài hiên. Ối! sau bao năm chờ tháng đợi, niềm vui chưa tầy gang thì LM Chu văn Chi đầu quấn khăn tang, xin được thay mặt gia đình mà tiễn biệt người anh thân yêu của mình là LM Chu văn Nghi vào miền Vĩnh Cửu ngày 05-8-2001.

5. Giấc mơ về mái nhà xưa.

Đêm xuống lâu rồi, một số anh em cùng trường với Ngài khi xưa vẫn còn ngồi bên nhau và bên những dòng nhạc của anh. Tất cả cùng quay về, điểm lại những nốt thời gian. Có ai ngờ, một Văn Chi “như mộng” hôm nào, nay đã bước vào cái tuổi được gọi là “thất thập cổ lai hy” (70). Một đời như thế qủa là tinh khôi, lưỡng đạt nhỉ?

Đến khi những ngọn nến được thắp sáng lên trên chiếc bánh mừng sinh nhật Anh, mọi người cùng đứng dậy, nắm lấy tay nhau và cùng hòa theo lời ca vang vang, chúc mừng Anh và chúc tụng Đấng Cao Cả đã che chở Anh trên đường trần thế:

“ Gần nhau trao cho nhau tin yêu tình loài người.
Gần Nhau trao cho nhau yêu thương đừng gian dối.
Gần nhau trao cho nhau ánh mắt nhân loại này,
Tình thương trao cho nhau xây đắp trong tình người.
Cho dù rừng thay lá xanh đi,
Cho dù biển cạn nước bao la,
Ta vẫn thương yêu nhau mãi mãi… (Văn Chi, 27-01- 1972)

Bảo Giang

Tháng 7-1019