Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Ðức Thánh Cha lặp lại ý muốn về thăm cố hương vào năm 2020.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo “La Nación” của Argentina phát hành ngày 7 tháng 7 năm 2019, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ mong ước trở về thăm quê hương Á Căn Đình của ngài vào năm 2020.

Bên lề chuyến viếng thăm Vatican của tổng thống liên bang Nga Vladimir Putin hôm 4 tháng 7 năm 2019, nhà báo Joaquín Morales Solá đã phỏng vấn Ðức Thánh Cha. Theo nhà báo này, Ðức Thánh Cha có thể thăm Á Căn Đình vào giữa năm 2020 hay sau đó. Thời gian chính xác sẽ được thông báo trước cuộc bầu cử tổng thống Á Căn Đình vào tháng 10 năm 2019.

Theo báo “La Nación”, Ðức Thánh Cha có thể nhân dịp này này để thăm thêm nước Uruguay, nơi ngài chưa viếng thăm.

Vào tháng 5 năm 2019, trong chuyến viếng thăm ad limina của các Giám mục Á Căn Đình, Ðức Thánh Cha cũng đã bày tỏ mong ước viếng thăm quê hương, nhưng ngài cũng nói thêm: “Anh em biết rằng tại thời điểm này, ưu tiên dành cho những người đau khổ nhất trên thế giới”. Nếu chương trình này được thực hiện, đây sẽ là chuyến viếng thăm đầu tiên của Ðức Thánh Cha tại quê hương kể từ khi ngài khởi đầu sứ vụ Phêrô.

2. Những vấn đề chung quanh chuyến về thăm cố hương của Đức Thánh Cha

Cristina Fernández de Kirchner, nguyên nữ tổng thống của Á Căn Đình là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp sau khi ngài được bầu vào ngôi Giáo Hoàng vào tháng Ba, 2013. Bà cũng là vị nguyên thủ quốc gia được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến nhiều nhất cho đến nay. Cho đến khi chấm dứt nhiệm kỳ vào ngày 9 tháng 12 năm 2015, bà đã được Đức Thánh Cha tiếp đến 5 lần một cách chính thức trong tư cách nguyên thủ quốc gia. Là một chính trị gia, Cristina Fernández rất hoạt bát và hay trả lời các cuộc phỏng vấn của báo chí. Câu hỏi thường xuyên là khi nào Đức Giáo Hoàng về thăm cố hương và câu trả lời là “Tôi không biết.”

Câu hỏi nêu trên cũng thường được đặt ra với các Giám Mục Á Căn Đình mỗi khi các ngài có dịp viếng thăm Vatican. Và câu trả lời vẫn là “Tôi không biết.”

Vị Giáo Hoàng đầu tiên của Mỹ Châu Latinh đã thực hiện chuyến tông du đầu tiên bên ngoài Italia bốn tháng sau cuộc bầu cử Giáo Hoàng. Đó là chuyến đi đến Ba Tây từ ngày 22 đến ngày 29 tháng 7, năm 2013.

Từ đó cho đến nay, vị Giáo Hoàng Á Căn Đình đã thực hiện gần 30 chuyến tông du. Ngài đã viếng thăm hầu hết các quốc gia Nam Mỹ trừ ra Venezuela và quê hương của ngài.

Tháng Giêng năm ngoái, 2018, người dân Á Căn Đình đã tỏ ra thất vọng khi Đức Thánh Cha viếng thăm Chí Lợi là quốc gia láng giềng mà không về thăm cố hương.

Câu hỏi khi nào Đức Giáo Hoàng về thăm cố hương gần như không ai muốn nhắc đến nữa.

Thế rồi, trong cuộc gặp gỡ với một nhóm các Giám Mục Á Căn Đình vào hôm thứ Năm mùng 2 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bất ngờ bày tỏ mong muốn có thể về thăm cố hương trong tương lai gần, có lẽ ngay trong năm sau 2020.

Nói chuyện với một nhóm các nhà báo Á Căn Đình đứng chờ ở quảng trường Thánh Phêrô sau cuộc họp kéo dài hai giờ với Đức Phanxicô, Đức Tổng Giám Mục Andres Stanovnik của tổng giáo phận Corrientes nói:

“Ngài đã lặp đi lặp lại nhiều lần mong muốn về thăm quê hương”.

Còn Đức Tổng Giám Mục Victor Manuel Fernandez của La Plata thì nói:

“Đó là điều đầu tiên ngài nói với chúng tôi trong cuộc họp.”

Tin tức này đi rất nhanh về Á Căn Đình và gây bất ngờ cho nhiều người. Dù rất bất ngờ, mọi người đều tin rằng Đức Thánh Cha đã rất tha thiết muốn về thăm cố hương. Nhiều câu hỏi cũng được giới báo chí tại thủ đô Buenos Aires tung ra, trong đó có nhiều nghi vấn khiến người ta phải giật mình: Tại sao ngài muốn về thăm cố hương vào lúc này? Tình trạng sức khoẻ của Đức Giáo Hoàng ra sao? Có phải ngài có ý định thoái vị như Đức Bênêđíctô 16?

Đức Tổng Giám Mục Andres Stanovnik cho biết thêm “Thách thức hiện nay là chương trình nghị sự dày đặc của ngài.”

Đức Tổng Giám Mục Stanovnik và Đức Tổng Giám Mục Fernandez là hai trong số khoảng 30 giám mục đến từ Á Căn Đình hiện đang ở Rôma tham dự ad limina để viếng mộ hai Thánh Tông Đồ và thăm các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

Các vị là nhóm đầu tiên trong ba nhóm gồm 100 giám mục Á Căn Đình sẽ hoàn thành ad limina trước cuối tháng Năm.

3. Đức Thánh Cha không đi nghỉ hè

Tháng Bẩy tại Rôma là tháng nóng bức nhất, nên các vị Giáo Hoàng thường ngưng các buổi yết kiến và rời thành phố để tránh cái nóng nung người của Mùa Hè.

Từ khi bắt đầu triều Giáo Hoàng đến nay, Đức Phanxicô đã không nghỉ hè trong tháng nóng bức này, trái lại, ngài còn thực hiện nhiều chuyện rất đáng lưu ý.

Tháng 7 năm 2013: Ngài đi Lampedusa như dấu chỉ tình liên đới với các di dân; và sau đó dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Ba Tây; cũng như chấp thuận một phép lạ dọn đường cho việc phong thánh Đức Gioan Phaolô II.

Tháng 7 năm 2014: Lần đầu tiên, ngài gặp gỡ các nạn nhân của nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục; và đến thăm một nhà thờ của Phái Ngũ Tuần do một mục sư bạn người Á Căn Đình coi sóc.

Tháng 7 năm 2015: Ngài thăm 3 nước Châu Mỹ La Tinh: Bolivia, Ecuador và Paraguay, trong đó, ngài cực lực lên án chủ nghĩa tư bản với câu nói thời danh tiền bạc là đống phân của ma qủy.

Tháng 7 năm 2016: Đức Thánh Cha tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow, Ba Lan, trong đó, có chuyến viếng thăm Auschwitz; và cử hành thánh lễ cầu hồn cho cha Jacques Hamel, linh mục người Pháp bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS giết hại.

Tháng 7 năm 2017: Đức Giáo Hoàng bày tỏ sự ủng hộ đối với cha mẹ của bé Charlie Gard, những người yêu cầu phải giữ cho đứa con của họ bị chứng bệnh hiếm hoi được sống bất chấp lệnh tòa cho phép ngưng việc điều trị.

Tháng 7 năm 2018: Đức Thánh Cha loại Theodore McCarrick khỏi Hồng Y đoàn vì các cáo buộc lạm dụng tình dục, sau đó, ông này còn bị loại khỏi hàng giáo sĩ. Mùa hè năm ngoái, Đức Thánh Cha cũng viếng thăm thành phố Ý Bari.

4. 35 linh mục cầu nguyện cho người di dân tại bức tường biên giới Mễ Tây Cơ và Hoa Kỳ.

35 linh mục dòng truyền giáo thánh Carlo Borromeo, cũng còn được gọi là các nhà truyền giáo thánh Scalabrini, đã cầu nguyện cho người di dân trước bức tường phân cách Mễ Tây Cơ và Hoa Kỳ ở Tijuana.

Các linh mục tham gia buổi cầu nguyện đến từ Hoa Kỳ, Mễ Tây Cơ, Canada, Guatemala, El Salvador, Colombia, Việt Nam, Haití, và các nước khác.

Nói chuyện với hãng tin ACI, cha Patrick Murphy, dòng Scalabrini, phụ trách Trung tâm Di dân ở Tijuana, cho biết rằng các linh mục này tham gia vào một cuộc gặp gỡ quốc tế tại Hoa Kỳ và đã đến thăm cộng đoàn của cha. Cha nói với họ: “Chúng ta là 35 linh mục, sẽ rất tốt nếu chúng ta cầu nguyện tại bức tường để cầu xin sự giúp đỡ của Chúa. Bởi vì chúng ta không tìm thấy câu trả lời khác, nên chúng ta phải đặt mọi sự vào tay Chúa”.

Các linh mục đã cầu nguyện khoảng 15 phút, cầu xin sự trợ giúp và hy vọng vào Chúa, cũng như tìm kiếm giải pháp nhân đạo cho cuộc khủng hoảng nhân đạo. Cha Murray nói thêm: “Ở Tijuana, họ đến từ mọi hướng và chúng ta cần những giải pháp nhân từ, chứ không chỉ về chính trị”.

Cha cũng chia sẻ rằng trung tâm của cha mỗi ngày giúp đỡ cho khoảng 120 người. Nếu trước đây chỉ có đàn ông, thì nay có cả phụ nữ và trẻ em. Số trẻ em đông đến nỗi trung tâm phải tổ chức một loại hình trường học để các em không có thời gian ở không, không làm điều gì tại trung tâm.

5. Chỉ dẫn về về ấn tín giải tội của Tòa Thánh đã có tác dụng tích cực, ít nhất tại California, Hoa Kỳ.

Dự luật S.B. 360 được thượng viện tiểu bang California thông qua, nhưng trong khi đưa ra tòan thể quốc hội tiểu bang biểu quyết, đã được các nhà đề xướng thu hồi.

Điều ấy chứng tỏ: trước thái độ rõ ràng dứt khoát của Tòa Thánh, những người thử gân cốt Giáo Hội Công Giáo đành phải rút lui. Độc tài duy tương đối chỉ chịu dừng tay, khi ta đương đầu với nó thẳng thừng và cương quyết.

Theo Catholic News Service, trong một lật ngược bất ngờ, dự luật ở California đòi các linh mục phải vi phạm ấn tín bí tích xưng tội đã được các nhà bảo trợ rút lại. Thông tấn xã này nói là do chiến dịch hạ tầng phát động bởi các người Công Giáo ở tiểu bang, thành viên các nhóm tín ngưỡng khác, và các người cổ động cho tự do tôn giáo khắp nước.

Dự luật trên được thu hồi một ngày trước khi được dự tính đem ra điều trần tại Ủy Ban An Toàn Công Cộng của Quốc Hội California, với hiệu quả là sẽ không còn được xem xét nữa.

Tác giả dự luật, Thượng nghị sĩ Dân chủ Jerry Hill của San Mateo quyết định thu hồi dự luật sau khi được biết nó sẽ không đủ số phiếu để được Ủy Ban thông qua.

Quyết định của Ông Hill được đưa ra cùng ngày với việc Ủy Ban An Toàn Công Cộng công bố một tường trình của nhân viên nêu ra các lo ngại nghiêm trọng về Tu Chính Án Thứ Nhất và việc khả chấp pháp liên quan đến dự luật, trong khi ghi nhận rằng không một tiểu bang nào khác đã có cách tiếp cận như thế đối với bí tích.

Trong hình thức nguyên thủy của nó, dự luật S.B. 360 ra lệnh cho các linh mục phải tiết lộ bất cứ thông tin nào các ngài nghe được trong lúc xưng tội liên quan đến việc lạm dụng tình dục vị thành niên.

Một phiên bản đã tu chính, cũng vẫn bác bỏ các việc xưng tội bảo mật đối với các linh mục và các nhân viên Giáo Hội làm việc với các ngài, đã được Thượng Viện California thông qua với số phiếu 30-2 vào tháng 5, 2019.

6. Phản ứng của Đức Tổng Giám Mục Los Angeles

Đức Tổng Giám Mục Jose H. Gomez của Los Angeles, người đứng đầu các Giám Mục California trong chiến dịch chống đối dự luật, cho hay “S.B. 360 là một dự luật nguy hiểm. Nếu bất cứ ngành lập pháp nào cũng có thể buộc các tín hữu phải tiết lộ các suy nghĩ và tâm tư thầm kín nhất của họ chia sẻ với Thiên Chúa trong lúc xưng tội, thì thực sự không còn phạm vi nào trong cuộc sống nhân bản được tự do và an toàn khỏi chính phủ”.

Đức Tổng Giám Mục Gomez, trước đó, đã gọi dự luật là “một đe dọa giết chết tự do tôn giáo của mọi người Công Giáo” trong một cột báo ngày 17 tháng 5 và ngài được sự tham gia của mọi Giám Mục tiểu bang trong việc yêu cầu tín hữu thúc giục các dân biểu tiểu bang chống lại dự luật.

Bản phân tích của Ủy Ban An Toàn ghi chú rằng hơn 125,000 người đã bày tỏ sự chống đối dự luật của họ cho các nhà lập pháp. Nhưng các phân tích gia Công Giáo cho rằng con số ấy thấp. Chiến dịch #KeepTheSeal (Hãy Duy Trì Ấn Tín) phát động trong tổng giáo phận Los Angeles đã thành công phân phối hơn 140,000 lá thư tới Tòa Nhà Quốc Hội ở Sacramento tính đến ngày 8 tháng 7. Ngoài ra, 16,700 điện thư của các người Công Giáo quan tâm ở Los Angeles đã được gửi cho các dân biểu.

Đức Tổng Giám Mục Gomez đã yêu cầu dọc lá thư đó tại mọi giáo xứ trong mọi Thánh Lễ trong các ngày cuối tuần 15-16 tháng 6.

Trong lá thư đó, ngài viết “Chúng ta không thể để chính phủ bước vào các tòa giải tội của chúng ta để áp đặt các điều khoản cho mối liên hệ đích thân của chúng ta với Chúa Giêsu”. Ngài kêu gọi các tín hữu chống đối dự luật.

Tổng giáo phận cũng lập một trang mạng, tên là KeepTheSeal.com, để các tín hữu viết cho các dân biểu của họ và học hỏi nhiều hơn về bí tích hòa giải.

Các nhà bình luận nhấn mạnh rằng không có bằng chứng nào được trình bầy trong dự luật cho thấy việc xưng tội đã được sử dụng để che đậy việc lạm dụng tình dục vị thành niên. Đồng thời, các lo ngại ngày càng nhiều đối với dự luật đã được gióng lên từ nhiều người Công Giáo khắp Hoa Kỳ và các nhà lãnh đạo các tôn giáo khác.

7. Chính quyền Pháp khởi công trùng tu Notre Dame De Paris dù mới chỉ nhận được 38 triệu euro ủng hộ.

Hôm 8 tháng 7 năm 2019, Ðức Tổng Giám Mục Michel Aupetit của Paris cho biết rằng việc khởi công trùng tu Notre Dame De Paris đã bắt đầu dù số tiền thật sự mà các tổ chức chịu trách nhiệm quyên góp được để tài trợ cho việc tu sửa nhà thờ Ðức Bà Paris nhận được chỉ mới lên đến 38 triệu euro.

Hồi giữa tháng 5 năm 2019, Bộ trưởng Văn hóa Franck Riester đã ước lượng số tiền được hứa quyên tặng cho nhà thờ sau vụ hỏa hoạn hôm 15 tháng 4 năm 2019 là khoảng 850 triệu euro.

Ðức Tổng Giám Mục Aupetit nói với đài RTL (Radio Télevision Luxembourg) rằng: “Cho đến nay, số tiền nhận được thực sự trị giá 38 triệu Euro. Ðiều này tương đương với 10% tổng số tiền người ta hứa giúp cho 4 Tổ chức”. Ðức Tổng Giám Mục không nói rõ số tiền người ta đã hứa giúp là bao nhiêu.

Bốn tổ chức phụ trách quyên góp cho việc tu sửa nhà thờ Ðức Bà là Trung tâm Di tích Quốc gia, Ngân quỹ Notre-Dame, Ngân quỹ Di sản và Ngân quỹ nước Pháp.

Tuy thế, Ðức cha Aupetit tin tưởng rằng sẽ nhận được số tiền tài trợ nhiều hơn. Ngài nghĩ rằng phải cần một thời gian để nhận được tiền từ các nhà tài trợ lớn. Ngài cũng cho biết rằng vì công việc sửa chữa cấp thời và trả lương cho công nhân, Hiệp hội “Friends of Notre-Dame” - Bạn Nhà Thờ Ðức Bà - đã cung cấp ngân khoản bốn triệu euro.

8. Giáo hội Hung Gia Lợi giúp Iraq 500 ngàn đô la xây dựng lại nhà cửa.

Thông cáo của Hội đồng Giám mục Hung Gia Lợi cho biết Giáo hội nước này sẽ giúp cho Iraq 500 ngàn đô la để xây dựng lại nhà cửa.

Vào tháng 6 năm 2017, Hội đồng Giám mục Hung Gia Lợi đã thông cáo về cuộc lạc quyên trên mạng để giúp các anh em Kitô hữu Trung đông.

Mục đích chính của cuộc quyên góp này là giúp các Kitô hữu có cơ hội trở về lại nơi cư trú của họ, bằng cách giúp tái thiết các nhà cửa bị hư hại và tạo những điều kiện cần thiết cho cuộc sống hàng ngày.

Dựa trên kết quả của cuộc lạc quyên, Hội đồng Giám mục Hung Gia Lợi đã trao tặng 500 ngàn đô la qua Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Baghdad để trợ giúp những anh chị em nghèo khổ nhất. Theo Ðức Thượng phụ Sako, việc tái thiết các nhà cửa bị phá hủy ở Batnaya có thể được bắt đầu dù cho hoàn cảnh khó khăn.

Thông cáo của Hội đồng Giám mục Hung Gia Lợi viết: “Sự trợ giúp tài chính không chỉ là sự trợ giúp cụ thể cho các gia đình tản cư, nhưng cũng là cử chỉ diễn tả tình tương thân huynh đệ của cộng đồng Kitô giáo Hung Gia Lợi, được xây dựng trên niềm hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ chuẩn bị tương lai và hòa bình cho những người sống trong tình cảnh khó khăn nhất.