Ga 16, 12-15

Hôm nay Hội Thánh cử hành và tuyên xưng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Đây là niềm tin mà mọi Kitô hữu cùng tuyên xưng.

Tin, nhưng chúng ta có thể thắc mắc: tại sao ba lại là một và một lại là ba? Tại sao không đơn giản tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất như Do Thái giáo và Hồi giáo đã tin?

Câu trả lời cũng đơn giản thôi. Hội Thánh không tự mình bày vẽ hay phức tạp hóa vấn đề. Hội Thánh bắt nguồn từ Đức Giêsu Kitô. Hội Thánh tin vào Đức Giêsu Kitô. Do đó Hội Thánh tin vào mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, vì đây là chân lý được chính Đức Giêsu Kitô mạc khải.

Bản văn Tin Mừng hôm nay chính là một trong những lần Đức Giêsu mạc khải về mầu nhiệm Ba Ngôi: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người [Thần Khí sự thật] lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”.

Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là một trong những mầu nhiệm lớn lao nhất Đức Giêsu đã mặc khải cho nhân loại. Chỉ riêng Thiên Chúa làm người mới có thể cho ta biết được mầu nhiệm ấy vì “không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13), do đó “không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho” (Mt 11,27). Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi vượt khỏi tầm suy luận và hiểu biết của con người.

Chúng ta có thể thắc mắc tiếp: tại sao Đức Giêsu Kitô lại mạc khải một mầu nhiệm vượt khỏi tầm hiểu biết của con người như thế?

Thưa mầu nhiệm về Thiên Chúa thì vô tận, chúng ta đâu biết được hết, chúng ta chỉ có được hiểu biết tường tận về Thiên Chúa trong hưởng kiến trên Thiên Quốc.

Thánh Phaolô khẳng định: “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi” (1Cor 13,12).

Những gì giờ đây chúng ta biết về Thiên Chúa thì lờ mờ, nhiều sai lầm thiếu xót và hiểu biết đó chỉ cỏn con như cái móng tay so với vũ trụ. Đức Giêsu khi xuống thế làm người, Ngài không có ý định mạc khải tất cả các mầu nhiệm về Thiên Chúa: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi”. Đức Giêsu chỉ mạc khải những gì cần thiết cho ơn cứu độ. Thật vậy, tất cả những mặc khải của Đức Giêsu đều nhằm mang lại ơn cứu rỗi cho loài người, nếu không cần thiết cho ơn cứu độ Ngài đã không mạc khải. Thế nên, Đức Giêsu đã chẳng mặc khải mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi làm gì cho thêm rắc rối nếu chân lý này không cần thiết cho ơn cứu độ của chúng ta.

Vâng đây là mầu nhiệm hết sức quan trọng vì liên quan đến sự sống đời đời của chúng ta, liên quan đến ơn cứu độ của mỗi người chúng ta.

Thế nhưng liên quan thế nào?

Để làm sáng tỏ phần nào mầu nhiệm này, trước đây các nhà thần học thường dùng những tỉ dụ như hình tam giác đều, ba thể đặc lỏng khí của vật chất… Nay chúng ta thử dùng một hình ảnh mới hơn xem sao: chiếc quạt điện. Hãy quan sát chiếc quạt máy. Khi quạt đứng yên ta phân biệt rõ cả ba cánh quạt, nhưng khi cắm điện vào, quạt quay, ba cánh không còn phân biệt, quạt quay càng nhanh ba cánh càng hoà thành một.
Dĩ nhiên chẳng có so sánh nào là hoàn hảo, nhất là khi dùng một vật hữu hình để nói về mầu nhiệm cao cả của Đấng vô hình. Tuy nhiên, qua hình ảnh cái quạt, dẫu có khập khiễng, vẫn gợi ý cho chúng ta nói được chút gì đó về Thiên Chúa. Thật vậy, xét ở thể tĩnh, Thiên Chúa là ba ngôi vị riêng biệt. Thế nhưng, Thiên Chúa không bao giờ ở thể tĩnh, Người luôn ở thể động, nghĩa là Ba Ngôi luôn yêu thương trao hiến cho nhau… như chiếc quạt quay mãi, quay mãi không thôi. Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương nhau với một tình yêu thắm thiết chan hòa. Chúa Cha yêu Chúa Con và trao ban tất cả cho Chúa Con: “Mọi sự của Cha đều là của Con” (Ga 16,15). Chúa Con yêu Chúa Cha và dâng hiến tất cả cho Chúa Cha đến nỗi Ngài có thể nói: “Ta và Cha là một” (Ga 14,10). Chúa Thánh Thần là tình yêu thông hiệp giữa Chúa Cha và Chúa Con.

Trở lại với thí dụ cái quạt máy, muốn cho quạt quay đều, quay tốt thì ba cánh phải cân bằng, nếu một trong ba cánh nặng hơn nó sẽ làm cho chiếc quạt đảo, không vững. Cũng vậy, Ba Ngôi khác nhau nhưng bằng nhau, không Ngôi nào hơn Ngôi nào kém. Bằng nhau và nên một với nhau trong vinh quang, trong danh dự, trong ý chí, trong quyền năng…

Khi quay, quạt tạo ra luồng gió mát. Nguyên lý làm cho quạt quay là nguyên lý điện từ, do dòng điện đi qua cuộn dây dẫn điện. Nguyên lý hoạt động của Ba Ngôi là tình yêu. Không! Nói cách chính xác hơn Ba Ngôi là chính tình yêu, “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16). Ở chỗ này, thí dụ về cái quạt không còn phù hợp nữa: cái quạt là cái quạt, cái quạt không thể là nguyên lý điện từ. Thiên Chúa là tình yêu. Ba Ngôi hoạt động bằng tình yêu, trong tình yêu và với tình yêu… Hoạt động đó, như sách giáo lý cho biết: Chúa Cha sáng tạo, Chúa Con cứu chuộc, Chúa Thánh Thần thánh hóa. Tình yêu sáng tạo muốn chia sẻ hạnh phúc nên Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ vạn vật và con người. Tình yêu cứu độ muốn giải thoát con người khỏi tình trạng nô lệ tội lỗi nên Ngôi Hai đã xuống thế làm người. Tình yêu thánh hóa muốn đổi mới và làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn nên ngọn lửa của Chúa Thánh Thần không ngừng được đốt lên trong lòng các tín hữu.

Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi rất quan trọng, tối cần thiết để cho chúng ta đạt được ơn cứu độ. Nói cách khác Đức Giêsu đã ban cho chúng ta bí kíp để đạt tới ơn cứu độ. Ta không thể được ơn cứu nếu ta không sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Nói rõ hơn, mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi với nguyên lý hoạt động là tình yêu phải là nguyên mẫu tốt nhất và duy nhất cho mọi hoạt động của con người từ cấp độ cá nhân cho đến tập thể gia đình, xã hội, quốc gia.

Trở lại với cái quạt máy. Từ nguyên lý điện từ, người ta đã chế tạo ra các loại động cơ điện, cái thì làm quạt điện, máy bơm nước, cái thì làm máy kéo… phục vụ đời sống thường ngày, dùng trong nông nghiệp, công nghiệp, các ngành tiểu thủ công nghiệp… mang lại biết bao lợi ích. Tương tự như vậy và còn hơn vậy, hoạt động của con người chỉ có thể mang lại lợi ích tốt đẹp khi rập theo khuôn mẫu hoạt động của Ba Ngôi với động lực là tình yêu. Đi ngược lại khuôn mẫu tình yêu, tức là theo nguyên lý của hận thù oán ghét, con người chỉ mang lại đổ vỡ bất hạnh cho mình và cho người khác.

Hãy nghiệm lại nơi chính bản thân chúng ta: những thói xấu, những tội lỗi, những đổ vỡ trong chính chúng ta hay trong tương quan với người khác… không phải là do chúng ta đã không sống theo khuôn mẫu tình yêu Ba Ngôi hay sao? Ngược lại những gì là vui tươi, bình an, hiệp nhất… không phải là kết quả của nguyên lý yêu thương của Ba Ngôi hay sao?

Hãy nghiệm xem nơi chính cộng đoàn của chúng ta, gia đình chúng ta, xã hội chúng ta… Gia đình chẳng hạn. Phải nói gia đình là cộng đồng ngôi vị giống với mẫu Ba Ngôi Thiên Chúa nhất, gia đình sao chép một cách tự nhiên nhất hình ảnh của Ba Ngôi. Gia đình thật đẹp với cha mẹ và con cái… Gia đình là thiên đàng khi có Ba Ngôi ngự trị. Nhưng biết bao gia đình là hỏa ngục vì vợ chồng thiếu sự yêu kính, tôn trọng, chung thủy…; con cái thay vì được chăm sóc yêu thương lại phải chịu biết bao nhiêu hình thức của bạo hành, hạ nhục. Và đến lượt chúng, chúng trở thành những kẻ thích gây bạo hành cho người khác…

Không theo khuôn mẫu Ba Ngôi Thiên Chúa, hoạt động của con người chỉ mang đến bất hạnh và cuối cùng là chết chóc và hủy diệt. Chết chóc và hủy diệt ở phạm vi hẹp là cộng đoàn và gia đình. Chết chóc và hủy diệt ở phạm vi rộng là xã hội, là thế giới… mà biểu hiện cụ thể là chiến tranh, là bất công, là ô nhiễm môi trường, là tội ác dưới mọi hình thức…

Đó là kinh nghiệm mà đất nước chúng ta đã trải qua và hậu quả còn kéo dài cho đến hôm nay. Cái gọi là cuộc cách mạng long trời lở đất đặt nền tảng trên nguyên lý nào? Trên nền tảng hận thù, bạo lực, hoàn toàn trái ngược với nguyên lý tình yêu của Ba Ngôi. Cuộc cánh mạng đó đã mang lại điều gì? Đất nước thống nhất ư? Thống nhất địa lý nhưng lòng người vẫn ly tán, vết thương hận thù chia rẽ vẫn rỉ máu. Xoá bỏ bất công ư? Xoá bất công này để xây bất công khác, bất công chồng lên bất công, tạo ra một tầng lớp thống trị mới, độc tài hơn, hung ác hơn, man rợ hơn… Thế nên con đường để dựng xây lại đất nước, không thể là con đường hận thù bạo lực. Niềm hy vọng có được một đất nước dân chủ tự do chỉ có thể thành sự khi phát xuất từ nguyên lý yêu thương, theo nguyên mẫu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chỉ những ai có con tim yêu thương mới thực sự xây dựng hoà bình, mang lại hạnh phúc và an lạc cho xứ sở này.

Mỗi ngày chúng ta làm dấu thánh giá nhiều lần. Mỗi lần làm dấu thánh giá hãy ý thức rằng chúng ta đang ghi dấu tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi trên thân thể và đang nhân danh Ba Ngôi để thực hiện hoạt động của mình. Chỉ những hoạt động nhân danh Ba Ngôi tình yêu, được khơi nguồn từ chính nguồn mạch tình yêu Ba Ngôi, được thúc đẩy bởi tình yêu, được nuôi dưỡng bằng tình yêu, được thực hiện vì tình yêu thì mới mang đến sự giải phóng và đổi mới thực sự bản thân và xã hội, mới mang lại cho con người sự sống và hạnh phúc đích thực. Chính lúc đó chúng ta đang sống mầu nhiệm Ba Ngôi một cách đúng đắn và tích cực. Có như thế mầu nhiệm này mới thực sự trở thành trung tâm niềm tin Kitô giáo của chúng ta.

ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn