Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong thông báo được đưa ra vào đầu tuần này, Tòa Giám Mục Paris cho biết Thánh lễ đầu tiên tại nhà thờ Đức Bà Paris sau vụ hỏa hoạn phá hủy mái và ngọn tháp của nhà thờ sẽ được cử hành vào tối thứ Bảy 15 tháng Sáu trong một nhà nguyện bên trong nhà thờ với khoảng 20 người tham dự, và sẽ do Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit của tổng giáo phận Paris, chủ tế cùng với 6 hay 7 linh mục.

Cùng tham dự thánh lễ còn có các thành viên kinh sĩ đoàn của nhà thờ và các nhân viên của các đài truyền hình.

Tất cả những người tham dự sẽ phải đội mũ bảo hộ lao động.

Nhà nguyện nơi Thánh Lễ được cử hành không hề bị hư hại bởi ngọn lửa, và đó cũng là nơi Mão Gai Chúa Giêsu đội trong cuộc thương khó được lưu giữ.

Thánh lễ sẽ được trực tiếp truyền đi trên truyền hình Pháp.

Ngày 15 tháng Sáu được chọn vì đó là lễ kỷ niệm hàng năm biến cố Cung Hiến Bàn Thờ của nhà thờ chính tòa Paris.

Đức Ông Patrick Chauvet, Cha sở nhà thờ chính tòa giải thích với tờ La Croix International về quyết định cử hành thánh lễ này như sau:

“Điều rất quan trọng là cho thế giới biết rằng vai trò của nhà thờ chính tòa này là để làm rạng rỡ vinh quang Thiên Chúa. Cử hành Thánh Thể vào đúng ngày hôm đó, dù chỉ với một nhóm rất nhỏ, sẽ là dấu chỉ của vinh quang và ân sủng Chúa.”

Trước thánh lễ sẽ có các nghi thức cầu nguyện tại quảng trường phía trước nhà thờ, nơi một nhà nguyện kính Đức Mẹ sẽ sớm được xây dựng để kỷ niệm biến cố Đức Mẹ đã cứu ngôi nhà thờ chính tòa này khi các tín hữu chạy đến kêu cầu.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cảnh quan bên trong nhà thờ do Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO thực hiện. UNESCO quan tâm đặc biệt đến thiệt hại của ngôi thánh đường vô giá 850 tuổi này và các tác phẩm nghệ thuật có thể đã bị thiệt hại trong ngọn lửa.

Metchtild Rossler từ Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO cho biết: “Đây là một phần của di sản thế giới bên bờ sông Seine được UNESCO công nhận vào năm 1991 và đây là một trong những tòa nhà chính trong toàn bộ di sản thế giới đã được công nhận. Vì vậy, đối với chúng tôi câu hỏi đặt ra là sự ổn định của tòa nhà, và những gì đã mất. Ít nhất 2/3 mái nhà đã bị thiệt hại. Như thế, chắc phải có những thiệt hại lớn ở bên trong.”

Có rất nhiều mối quan tâm về các di tích tôn giáo quý giá và các tác phẩm nghệ thuật, liệu chúng có bị cháy, liệu chúng có bị hư hại hay không? Và dường như vào thời điểm này, phần lớn nếu không muốn nói là tất cả đã được cứu khỏi sự tàn phá của ngọn lửa.

“Nhiều thứ có thể đã cứu được. Anh có thể giải thích ý nghĩa điều này cho chúng tôi không?”

“Tất cả mọi người đang đề cập đến vương miện gai có lẽ là di tích quan trọng nhất tại ngôi nhà thờ này. Đây là vương miện gai mà Chúa Kitô đã đội theo trong cuộc thương khó của Ngài vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đầu tiên cách đây khoảng 2,000 năm. Và đây là một thánh tích đã đến tay vua Louis thứ Chín, phải gọi là Thánh Louis, vào thế kỷ 13, và ngài đã xây dựng một nhà nguyện bên trong nhà thờ Đức Bà với mục đích giữ gìn di tích này.”

“Còn cây đại phong cầm vĩ đại, một trong những nhạc cụ nổi tiếng nhất thế giới thì sao? Có bất kỳ thông tin nào về nó không?”

“Cho đến khi chúng ta có thể truy cập vào nhà thờ chính tòa một cách an toàn, sẽ không ai có thể nói chính xác về tình trạng của nhạc cụ này. Nhưng dựa trên cơ sở của một báo cáo được công bố sáng nay thì ngọn lửa đã không lan đến cây đại phong cầm. Báo cáo cũng viết rằng nước xịt vào để chiến đấu với ngọn lửa đã không ảnh hưởng đến cây đàn vì một tấm che trên cây đại phong cầm đã cản không để nước lọt xuống bên trong cây đàn. Đó là một tin rất tốt lành.”

Metchtild Rossler cho biết nhà thờ chính tòa sẽ được tái thiết như trước đây và điều này không khó vì có vô số phim ảnh về nhà thờ này.


Source:Aleteia