28. XỬ TRÂU XÉT NGỖNG

Có hai nhà nông cùng nuôi trâu.

Một lần nọ, hai con trâu húc nhau và một con bị chết, nên cả hai đến cáo nơi cửa quan, huyện quan phán hỏi:

- “Hai con trâu cùng húc nhau một chết một sống, con chết thì chia nhau ăn thịt, con sống thì cùng nhau cày ruộng”.

Lại có người nuôi một con ngỗng, ngỗng ăn lúa đang phơi của người hàng xóm nên bị đánh chết, chủ con ngỗng đi cáo người hàng xóm, quan xét án nói:

- “Mỏ của con ngỗng như cái thoi nên ăn rất ít lúa, chủ ngỗng bồi thường lúa, chủ lúa đền ngỗng !”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 28:

Ông quan xét xử đúng là công bằng không thiệt thòi cho ai cả, bởi vì hai con trâu húc nhau mà chết một con thì không phải lỗi của ông chủ, ngỗng ăn lúa thì bồi thường lúa, đánh chết ngỗng thì bồi thường ngỗng, đó là chuyện công bằng của người nhà quê, huề cả làng...

Nhưng cái còn cao hơn sự công bằng trong xét xử này chính là tình nghĩa hàng xóm với nhau, ông quan không để bên nào thiệt thòi khi họ đến kiện tụng, một vị quan đầy lòng yêu thương bá tánh.

Đức Chúa Giê-su không hỏi ai ngỗng bị đánh chết ai bị mất lúa để xét tội nhân loại, nhưng Ngài nại đến tình yêu thương vô bờ bến của Ngài đã dành cho nhân loại tội lỗi, tình yêu đến hiến mạng sống vì nhân loại. Bởi vì Ngài vừa là người bị mất lúa (từ bỏ vinh quang Thiên Chúa) vừa bị đánh chết ngỗng (đóng đinh chết trên thập gía) cho nên xét xử của Ngài không những rất công bằng mà còn đầy lòng từ bi nhân hậu.

Tôi thường kiện cáo anh em chị em trong tòa giải tội với linh mục, mà không chịu nhận ra tội lỗi của mình để xin Chúa thứ tha; tôi cũng thường đòi hỏi sự công bằng nơi cửa quan quyền thế gian, mà không thấy được tình đồng loại nơi tha nhân; tôi thường làm quan tòa xét xử người khác nhưng không tự đấm ngực mình mà nói: Chúa sẽ xét xử tôi khi tôi xét xử người anh em mình....

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

-----------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info