Theo Colleen Dulle của Tạp chí America, thế giới Công Giáo vừa mất đi một vị thánh sống khác, mà nhiều người coi không thua vị thánh sống trước đây là mẹ Têrêsa, người được Đức Phanxicô ca ngợi hết lời lúc ở Macedonia. Vị thánh sống khác này chính là Jean Vanier, sáng lập viên các cộng đồng L’Arche và Đức Tin và Ánh Sáng, nhằm nâng đỡ các người khuyết tật và gia đình họ. Ông vừa qua đời ngày 7 tháng 5 ở tuổi 90.

Ông nổi tiếng đã gợi hứng cho không biết bao nhiêu người qua thông điệp đơn giản gọi người khuyết tật là các thầy giáo của chúng ta.

Là một sĩ quan hải quân và là một giáo sư, Ông Vanier đã từ chức giảng dạy để thiết lập cộng đồng L’Arche đầu tiên trong đó, người khuyết tật và không khuyết tật sống và làm việc bên cạnh nhau. Ông hiện thân cho ý niệm thường được ông rao giảng là: người ta học hỏi để yêu thương tốt nhất khi leo xuống, thay vì leo lên, bậc thang giầu có và thành công trong xã hội.

Randall Wright, đạo diễn “Mùa Hè Trong Rừng” (“Summer in the Forest”), một cuốn phim tài liệu năm 2017 về Ông Vanier và L’Arche cho hay về Ông Vanier “Ông tìm được nhiều giải đáp qua việc hân hoan khám phá được mối liên hệ với những người ở tầng cuối của xã hội. Và qua việc hiểu ra rằng họ có điều gì đó hiến tặng ông mà trước đây, theo một nghĩa nào đó, không nhằm hiến tặng ông lúc ông ở tầng chót vót của xã hội, đó là một loại khả năng trung thực với việc làm con người nhân bản chứ không cần phải mang dáng tầm quan trọng và uy thế".

Trong một cuộc phỏng vấn điện thoại, Ông Wright nói rằng “Và do đó, tôi nghĩ điều Vanier làm là công bố rằng ông sẽ hiến đời mình; ông sẽ hy sinh cho những người ấy. Ông sẽ đi săn sóc họ suốt đời mình. Và khi quyết định như thế, ông không hề có ý niệm gì là nó sẽ dẫn ông đến thành công. Ông không hề có ý niệm gì là người ta lại có thể nói về nó mấy năm sau. Chỉ là một cách để tuyên bố là thế giới nên ra sao mà thôi”.

Những người biết ông đều nói ông có thân hình áp đảo nhưng lại tỏa ra một sự hiện diện hết sức dịu dàng.

Krista Tippett, người chủ chương trình truyền thanh “On Being” từng phỏng vấn Ông Vanier năm 2017. Cô diễn tả trải nghiệm này trong một e-mail gửi Tạp Chí America sáng 7 tháng 5. Cô viết “Ngồi với Jean là một trải nghiệm trong và tự nó có sức biến đổi. Chúng tôi gọi chương trình chúng tôi thực hiện với ông là ‘Túi khôn dịu dàng’, một túi khôn được toả chiếu, được hiện thân, trong sự hiện diện của ông. Ấy thế nhưng sự dịu dàng này cũng là một hình thức của sức mạnh, cũng nghịch lý và chân thực như giáo huấn Tin Mừng mà các cộng đồng L’Arche đã tiếp nhận làm lối sống – đó là sức mạnh trong yếu đuối, ánh sáng trong bóng tối và vẻ đẹp trong những điều thế gian coi là đổ vỡ tàn tạ”.

Ông Vanier sinh tại Genève, Thụy Sĩ, năm 1928 thuộc một gia đình ngoại giao Gia Nã Đại. Lớn lên tại Pháp, cho tới năm 1940, khi gia đình chạy trốn cuộc xâm lăng sắp tới của Đức Quốc Xã. Gia đình ông dọn về Gia Nã Đại, và không lâu sau đó, lúc mới 13 tuổi, Ông Vanier quyết định gia nhập Hải Quân Hoàng Gia Anh và bắt đầu theo học tại 1 học viện hải quân Anh.

Thời Thế Chiến II, ông phục vụ cả Hải Quân Hoàng Gia Anh lẫn Hải Quân Hoàng Gia Gia Nã Đại. Năm 1945, lúc nghỉ phép, ông cùng mẹ tình nguyện làm việc tại ga xe lửa Paris nơi những người sống sót các trại tập rung của Quốc Xã tới sau khi được giải phóng.

Ông mô tả trải nghiệm trên cho Maggie Fergusson của Tờ The Economist: “tôi sẽ không bao giờ quên những người đàn ông và đàn bà ra khỏi các toa xe lửa – họ giống như các bộ xương cách trí, vẫn mặc các bộ đồng phục lam trắng có sọc của các trại tập trung, khuôn mặt họ hằn lên sự sợ hãi và lắng lo. Điều ấy, và vụ ném bom nguyên tử, củng cố cảm thức trong tôi rằng hải quân không còn là nơi dành cho tôi nữa, tôi muốn dành đời tôi cho các công trình hòa bình”.

Tuy nhiên, Ông Vanier vẫn tiếp tục phục vụ hải quân thêm 5 năm nữa cho tới lúc, vào năm 1950, ông từ nhiệm để theo học ban cử nhân tại Paris và theo đuổi con đường có tính tâm linh hơn. Ông suy tính đến việc trở thành một linh mục và bắt đầu biện phân với vị linh hướng vốn là bạn thân của gia đình, đó là Cha Dòng Đa Minh Thomas Philippe. Việc huấn luyện của Ông Vanier bị gián đoạn khi Cha Philippe nhận được lệnh của Rôma phải ngưng thừa tác vụ không biết vì lý do gì.

Thay vì trở thành linh mục, Ông Vanier học tiếp để lấy học vị tiến sĩ triết học tại Học Viện Công Giáo Paris, với luận án về ý niệm hạnh phúc trong đạo đức học Aristốt. Trong thời gian theo học, ông sống một mình và tiếp tục cầu nguyện xin Chúa cho ông hay Người muốn ông làm gì, có lúc đã đến cư ngụ tại một viện ẩn tu ở Fatima. Ông dạy triết học tại Đại Học St. Michael ở Toronto trong lục cá nguyệt mùa thu năm 1963.

Trong mùa nghỉ lễ Giáng Sinh năm đó, Ông Vanier đến thăm một viện tâm thần Pháp nơi Cha Philippe làm tuyên úy. Ở đấy, ông gặp các điều kiện sống rất ngặt nghèo của các bệnh nhân, bị coi như “những người khùng” và bị khóa kín bên trong, không được cung cấp chi ngoài việc phải ngủ trưa hai tiếng đồng hồ một ngày.

Cuộc gặp gỡ nay thành nổi tiếng ấy gợi hứng để tháng Tám năm 1964, Ông Vanier mua một căn nhà nhỏ ở Trosly-Breuil, một thị trấn vùng quê của Pháp. Ông mời 2 người khuyết tật tâm thần vốn cư ngụ tại viện trên là Raphaël Simi và Philippe Seux, đến sống với ông tại căn nhà mới mua. Căn nhà ấy chính là cộng đồng L’Arche tiên khởi.

L’Arche, đặt tên theo Tầu Nôê, hiện nay có 149 cộng đồng tại 35 quốc gia khắp 5 châu. Các nhà này và các cộng đồng ban ngày này được hướng dẫn bởi triết lý của Ông Vanier là: mọi người, bất luận có khả năng hay không có khả năng, phải được dành cơ hội để phát triền và học hỏi.

Nathan Ball, người gặp Ông Vanier như một thiện nguyện viên ở Trosly-Breuil vào khoảng năm 1980 viết trong một e-mail gửi Tạp chí America rằng “Trong các năm đầu tiên của L’Arche, ‘hiến chương’ duy nhất của chúng tôi là các mối phúc thật của Chúa Giêsu. Jean thích nói đến tình bạn của ông với Chúa Giêsu và với những người khuyết tật tri thức... Qua cái nhìn thấu suốt của Jean, có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội, người có khuyết tật tri thức được coi, không phải như đối tượng của bác ái mà như một hồng phúc qúy giá”.

Đầu thập niên 2010, một số phụ nữ, những người vốn được nhà dìu dắt Ông Vanier, là Cha Philippe, đồng hành về thiêng liêng lên tiếng tố cáo mình bị vị linh mục này lạm dụng tình dục. L’Arche bèn yêu cầu Giáo Hội điều tra và cuộc điều tra này xác nhận tội trạng của vị linh mục.

Ông Vanier bày tỏ sự ngỡ ngàng và đau buồn của mình trong một lá thư. Lá thư này có đoạn “có một hố phân cách kinh khủng giữa một bên là bản chất nghiêm trọng của các hành vi này vốn tạo nên đau khổ đến thế nơi các nạn nhân và, bên kia, là hành động của Thiên Chúa trong tôi và trong L’Arche qua Cha Thomas. Tôi không có khả năng hòa giải một cách bình an hai thực tại này”.

Ông Vanier viết tiếp “Nói thế nhưng khi nghĩ đến các nạn nhân và các đau khổ của họ, tôi muốn xin lỗi về mọi điều tôi đã không làm hay đáng lẽ đã nên làm”.

Dù đức tin Công Giáo của Ông Vanier đã lên khuôn cho nhà L’Arche đầu tiên, các cộng đồng này khắp trên thế giới có khuynh hướng đại kết nhiều hơn, phản ảnh các truyền thống tôn giáo nổi bật trong các khu vực chung quanh và hoan nghinh các phụ tá và các “thành viên nòng cốt” khuyết tật của mọi truyền thống.

Với Marie-Hélène Mathieu, Ông Vanier cũng đã đồng sáng lập “Đức Tin và Ánh Sáng”, một tổ chức quốc tế gồm những nhóm nhỏ gặp nhau thường xuyên để nâng đỡ và tôn vinh những ngừơi khuyết tật tri thức và gia đình họ.

Sau khi sống 1 năm rưỡi với Ông Vanier ở Trosly-Breuil, Ông Ball quyết định rời cộng đồng để học hậu đại học tại Toronto. Ông viết “lần viếng Jean cuối cùng trước khi tôi trở về Bắc Mỹ, Ông cám ơn tôi đã tới L’Arche, nhìn vào mắt tôi và đặt tay lên vai tôi. ‘Hãy làm ơn làm bất cứ điều gì có thể để giúp đỡ’. Ông không xin tôi ân huệ chi. Ông không xin tôi ở lại với L’Arche, dù trên thực tế, tôi không bao giờ bỏ nó”. Ông đã liên tiếp làm việc cho L’Arche hơn 20 năm qua.

“Đây là một người đàn ông sống một cuộc sống dấn thân không lay chuyển từng yêu cầu tôi làm y như vậy. Ông khiêm nhường, tin tưởng và hân hoan kêu gọi tôi làm việc cho hòa bình bằng cách giúp phát huy các cộng đồng yêu thương và công lý trên thế giới. Jean biết rõ không ai trong chúng ta có thể đi một mình và khi cố gắng, chúng ta có thể thất bại. Jean sống mầu nhiệm tươi đẹp của phận người, 1 thân phận cần đến nhau, trẻ cũng như già, mạnh cũng như yếu, và ông yêu cầu làm y như thế. Tôi mãi mãi biết ơn ông”.



Bà Tippett thì viết: “sáng nay, tôi liên tiếp nghĩ tới một ý niệm của Mẹ Teresa, 1 ý niệm vốn lên sinh lực cho Jean và ông tiếp nhận một cách khoái trá và mạnh mẽ - đó là chúng ta được kêu gọi bước ‘từ kinh tởm qua cảm thương và từ cảm thương qua ngưỡng phục’. Quả là một lời tuyên bố đối với thế giới chúng ta hiện nay. Ông tiếp tục dạy dỗ chúng ta”.

Ông Vanier viết hơn 30 cuốn sách và được cấp nhiều bằng danh dự, trong đó có Huân chương Gia Nã Đại (Order of Canada), Huân Chương Pháp (French Legion of Honour), Huân chương Pacem in Terris và Giải Thưởng Templeton.

Phản ứng của thế giới Công Giáo

Theo Cindy Wooden của Catholic News Service, trên chuyến bay từ Skopje, Bắc Macedonia, trở về Vatican ngày 7 tháng 5, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với các ký giả rằng ngài theo dõi bệnh tình của Ông Jean Vanier và đã điện đàm với ông 1 tuần trước khi ông qua đời.
Đức Giáo Hoàng nói “Ông lắng nghe tôi, nhưng gần như không nói được. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với chứng tá của ông. Ông là một con người có khả năng đọc thấy ơn gọi Kitô giáo trong mầu nhiệm sự chết, thập giá, bệnh tật, mầu nhiệm của những người bị khinh miệt và vứt bỏ”.

Nhưng, cũng theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Vanier sẵn sàng đứng lên vì những người “có nguy cơ bị án tử ngay trước khi được sinh ra đời. Nói một cách đơn giản, tôi muốn cám ơn ông và cám ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta con người này với một chứng tá vĩ đại đến thế”.

Tại Paris, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit nói rằng mới đây ngài có đến thăm Vanier tại Bệnh Viện Jeanne Garnier ở Paris. Đức Tổng Giám Mục viết trong một tuyên bố “ông rất tỉnh táo và vui vẻ, hoàn toàn phó thác trong bàn tay Thiên Chúa, giống đứa con trên đường về nhà Cha. Cuộc đời ông được thánh hiến để làm chứng cho vẻ đẹp của mọi con người trên thế gian này, nhất là những người bị thương tích. Tôi chia sẻ niềm đau buồn và hy vọng của thân nhân ông, và tôi âu yếm chúc lành cho mọi thành viên của L’Arche và Đức Tin Và Ánh Sáng”.

Đức Tổng Giám Mục cũng ca ngợi Vanier, người “đã bị đánh động bởi sự mỏng dòn của con người".

Đức Cha Georges Pontier của Marseille ca ngợi Vanier đã triển khai các cộng đồng L’Arche, những cộng đồng “tỏa rạng... niềm vui, tình bạn và sự sâu sắc nhân bản mà tất cả chúng ta đều rất cần. Đó là những nơi đầy hy vọng”.

Đức Hồng Y Thomas Collins của tổng giáo phận Toronto cho rằng Vanier “dạy chúng ta biết trân qúy phẩm giá của mọi cá nhân. Trong một thế giới ngày càng thúc đẩy chúng ta đo lường thành công và giá trị bằng những gì mình sở hữu hay những ai mình quen biết, ông nhắc nhở chúng ta rằng tình yêu chân chính, tình bạn và cộng đồng mới là điều chúng ta cần thực sự”.

Hiệp sĩ tối cao Carl Anderson nói rằng Ông Vanier "sống một cuộc sống dành cho một niềm tin đơn giản nhưng bất khả xâm phạm là mỗi người chúng ta đều được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và mỗi cuộc đời đều thánh thiêng và đáng được tôn trọng, bảo vệ và, trên hết, yêu thương”.

Năm 2005, Anderson đã trao tặng Vanier Giải Thưởng Gaudium et Spes, là giải thưởng cao nhất của Hội Hiệp Sĩ Columbus, chỉ vài giờ sau khi Thánh Gioan Phaolô II qua đời.

Anderson mô tả Vanier như một người bạn và triết gia đồng thời là một con người hành động.

Các giám mục Anh và Wales, đang hội họp ở Tây Ban Nha, nghe tin Vanier qua đời, đã bày tỏ “nỗi xúc động sâu xa”. Đức Hồng Y Vincent Nichols của Westminster, chủ tịch hội đồng giám mục Anh và Wales, cho biết như thế.

Ngài viết trong một tuyên bố: “Trong hơn nửa thế kỷ nay, ông đã gợi hứng cho toàn bộ cách đánh giá cao ơn phúc của những người khuyết tật tri thức và biểu lộ trái tim sâu sắc nhất của cộng đồng nhân bản”.

Nửa vòng thế giới bên kia, Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge của Brisbane, Úc Châu, chủ tịch hội đồng giám mục Úc, viết “Xuống tận cùng phẩm giá con người, #Jean Vanier ngoi lên trên mọi cuộc đấu tranh ý thức hệ... thế giới cảm thấy hơi chút nhỏ hơn, lạnh lẽo hơn và tối tăm hơn khi không có ông”.

Lãnh đạo của L’Arche Quốc Tế, Stephan Posner, nói rằng Vanier “để lại một di sản phi thường. Cộng đồng Trosly của ông, các cộng đồng L’Arche, Đức in Và Ánh Sáng, nhiều phong trào khác, và vô vàn người trân qúi lời lẽ ông và hưởng nhờ viễn kiến của ông”.

Linh mục James Martin, Dòng Tên, tổng biên tập của tạp chí America cho rằng “Ít có người như Jean Vanier đã chỉ cho chúng ta thấy sức mạnh áp đảo của sự dịu dàng. Không chỉ trong thừa tác vụ của ông với người khuyết tật mà còn cả trong giọng nói, cách ứng xử, chính sự hiện diện của ông nữa. Thời ông, tôi nghĩ không ai xứng đáng được danh hiệu ‘thánh sống’ hơn ông”.