LƯỢC SỬ HỌ ĐẠO CHỢ ĐŨI (1859-2019)



Phóng viên: Kính chào Cha Sở Ernest, trước hết, xin Cha cho chúng con biết đôi nét về lịch sử họ đạo Chợ Đũi?

Cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng: Xin chào anh, theo báo Nam Kỳ Địa Phận (năm 1918) và sách Sài Gòn Năm Xưa, khoảng năm 1859, do thời cuộc, một số giáo dân (hơn 1.000 người) đã đến phía Tây Nam thành Sài Gòn, quanh khu vực Chợ Đũi, để sinh sống. “Đũi” là một loại lụa tơ tằm, chất liệu hơi giống vải thô, vải bố nhưng mềm và mịn hơn. “Chợ Đũi” chuyên bán đũi, bán lụa,… Thời đó, “Chợ Đũi” trải dài từ xóm Boresse giáp qua đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho. Có lẽ, vì các giáo dân đầu tiên sống quanh chợ này, nên khi thành lập đã lấy “Chợ Đũi” làm tên họ đạo. Thấy số giáo dân khá đông, Đức Cha Dominique Lefèbvre (Đức Cha Ngãi) đã dựng một nhà thờ bằng lá, và giao cho Cha Oscar de Noiberne (Cha Thiện) là Cha Sở họ đạo Chánh Toà kiêm nhiệm họ đạo Chợ Đũi. Cây Thánh Giá trên bàn thờ hiện nay khắc rõ con số 1862, rất gần với thời điểm thành lập họ đạo. Đây có thể là Thánh Giá của nhà thờ đầu tiên. Lịch sử họ đạo Cầu Kho (lưu trong văn khố Toà Tổng Giám Mục) ghi lại như sau: “Cha Phêrô Nguyễn Đức Nhi là Cha Sở Cầu Kho nhưng đồng thời lãnh lo luôn họ Chợ Đũi, khi ấy, nguyện đường Chợ Đũi ở chỗ nhà mồ Đội Bằng, nơi gọi là Mả Lái Gẫm.

Giai đoạn từ 1882 đến 1887, Cha Sở Lucien E. Mossard (Cha Mão) đã xây ngôi nhà thờ thứ hai bằng ngói thay cho nhà thờ lá ban đầu [không rõ năm xây dựng và địa điểm, có tài liệu ghi là 1885?]. Sổ Rửa Tội xưa nhất mà văn khố họ đạo còn lưu giữ là từ năm 1882, với chữ ký của Cha Sở Lucien E. Mossard.

Đến khoảng năm 1900, nhà thờ ngói bị hư hỏng nặng, nhờ ơn Chúa, cùng với sự lo toan của Đức Cha Lucien E. Mossard (Đức Cha Mão), vốn là Cha Sở họ đạo Chợ Đũi từ 1882 đến 1887, họ đạo đã được Ông Bà Philípphê Lê Phát Đạt dâng tặng một khoản tiền lớn để cất nhà thờ mới. Nhà thờ thứ ba do Cha Charles Boutier (Cha Thiết) thiết kế, và tồn tại đến ngày nay.

Nhà thờ được xây theo kiến trúc tân Gothic, là một trong số hiếm công trình sử dụng vật liệu đá granit Biên Hòa, ở mặt tiền cũng như các phần đế, nhất là các cột chính. Loại đá granit này rất cứng nên không có các chi tiết trang trí truyền thống như vẫn thường thấy. Theo dự tính ban đầu, nhà thờ gồm 5 gian, nhưng vì nhà thờ tạm ở Chí Hoà bị hư hỏng trầm trọng, không có nơi cho bổn đạo thờ phượng Chúa, nên giáo phận đã trích kinh phí một gian của nhà thờ họ đạo Chợ Đũi để xây nhà thờ Chí Hoà. Dựa vào con số khắc trên kính màu (1904) và bốn quả chuông (1905), có lẽ, nhà thờ thứ ba của họ đạo Chợ Đũi được khánh thành khoảng năm 1905.

Đến năm 2007, do nhu cầu sử dụng, Cha Sở Tôma Đặng Toàn Trí đã cho mở rộng và nối dài phòng thánh của nhà thờ. Hiện nay, nhà thờ họ đạo Chợ Đũi rộng 20 mét, dài 50 mét, tháp chuông cao 57 mét (kể cả Thánh Giá và con gà trống Gaulois).

Để ghi nhớ công ơn to lớn của Ông Bà Philípphê Lê Phát Đạt, họ đạo Chợ Đũi đã chọn Thánh Philípphê Tông Đồ, bổn mạng Ông Lê Phát Đạt, làm tước hiệu cho nhà thờ thứ ba của họ đạo [đang tra lại những văn bản chính thức?].

Cho nên, không lạ gì khi trong một số văn bản có dùng cụm từ “Họ Chợ Đũi - Sài Gòn – Thánh Đường Philípphê” [Từ sau 1970, xuất hiện con dấu “Họ Chợ Đũi - Sài Gòn – Thánh Đường Philípphê” trong các văn bản của họ đạo lưu ở văn khố Toà Tổng Giám Mục]. Ngoài ra, như chúng ta biết, Ông Lê Phát Đạt có tên khai sinh là “Sĩ,” đã từng làm ủy viên Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ, được phong hàm cấp huyện, nên được gọi là “Ông Huyện Sĩ.” Vì thế, Thánh Đường Philípphê của họ đạo Chợ Đũi còn được gọi với một tên khác là “nhà thờ Huyện Sĩ.” Tên gọi này được nhiều người biết đến hơn.

Từ khi thành lập đến nay, họ đạo Chợ Đũi đã trải qua các thời Cha Sở:

‒ Cha Oscar de Noioberne (Cha Thiện) từ năm 1859 đến 1871 [Cha Sở họ đạo Chánh Toà kiêm nhiệm họ đạo Chợ Đũi].

‒ Cha Henri de Kerlan (Cha Lành) từ năm 1871 đến 1874 [Cha Sở họ đạo Chánh Toà kiêm nhiệm họ đạo Chợ Đũi].

‒ Cha Phanxicô Xaviê Phan Đăng Khoa từ năm 1874 đến 1876 [Cha Sở họ đạo Cầu Kho kiêm nhiệm họ đạo Chợ Đũi].

‒ Cha Phêrô Nguyễn Đức Nhi từ năm 1876 đến 1882 [Cha Sở họ đạo Cầu Kho kiêm nhiệm họ đạo Chợ Đũi].

‒ Cha Lucien Emile Mossard (Cha Mão) từ năm 1882 đến 1887. Năm 1899, Cha được đặt làm Đại Diện Tông Tòa giáo phận Tây Đàng Trong.

‒ Cha Jean Baptiste Marie Clair (Cha Quang) từ năm 1887 đến 1891.

‒ Cha Renier (Cha Gẫm) từ năm 1891 đến 1899.

‒ Cha Lambert (Cha Lương) từ năm 1899 đến 1916 [có thể?].

‒ Cha Cyprien Theophile Brugidou (Cha Báu). Tìm được 2 nguồn tài liệu:

▪ Nam Kỳ Địa Phận số 234 (03/07/1913) mục “Văn tín”: “Cha Brugidou (Báu) ở bên Tây mới qua, đi Chợ Đũi.” Số 255 (23/11/1913) mục “Đổi sở”: “Cha Brugidou (Báu) ở Chợ Đũi xuống Cái Mơn.” Có 2 cách hiểu:

✓ Một là, Cha Brugidou (Báu) làm Cha Sở Chợ Đũi trong 4 tháng;

✓ Hai là, tháng 07, Cha đến sống tại Chợ Đũi (có thể là để học tiếng Việt), tháng 11 thì đổi xuống Cái Mơn (làm Cha Sở hoặc chỉ là lưu trú).

▪ Tiểu Sử Cha Cipriano Brugidou đăng tại http://chinhtoaphanthiet.blogspot.com/p/tieu-su-cha-cipriano-brugidou.html viết: “Cuối cùng vào ngày 14/05/1913, ngài xuống tàu tại Marseilles. Đến Sài Gòn, Cha Brugidou được gửi đến Chợ Đũi, một giáo xứ lớn ở ngoại ô thành phố, sau đó đến giáo xứ Cái Mơn, tại đây ngài học thêm tiếng Việt và tìm hiểu cách quản trị giáo xứ. Năm 1914, ngài được bổ nhiệm làm chính xứ Tây Ninh.”

‒ Cha Céleste Nicolas (Cha Ninh). Bài viết Các Cha Thuộc Hội Thừa Sai Paris với Sự Hình Thành của Giáo Phận Đà Lạt đăng tại http://www.simonhoadalat.com/…/CacChaMEP/HoiThuaSaiParis.htm có ghi nhận: “Từ năm 1904 đến 1920, ngài lần lượt làm phó xứ Chợ Quán [19/10/1904-19/02/1905, theo lịch sử họ đạo Chợ Quán], phó xứ Tha-la, phó xứ nhà thờ Đức Bà Sài-gòn, Cha Sở Chợ Đũi. Trong thời gian đó, ngài phải ngưng công việc mục vụ hai lần để trở về Pháp chữa bệnh đau gan, vào các năm 1909 và 1916. Lần sau, do chiến tranh, ngài bị kẹt ở Pháp cho đến năm 1920 mới trở về lại nhiệm sở. Nhưng chưa đến một tháng sau, chứng đau gan của ngài tái phát. Bác sĩ tuyên bố dứt khoát rằng ngài không thể chịu được khí hậu nhiệt đới. Do đó, Đức Cha Quinton quyết định gửi ngài lên Đà-lạt như đã nói đến trên đây. Ngài đến Đà-lạt ngày 11/9/1920” [đang tra lại bản phúc trình năm 1920 của Đức Cha Quinton?].

‒ Cha Dư, Cha Nhu, Cha Frison (Cha Hoàng) [có lẽ là Cha Felix Frison?], Cha Victor Charles Quinton (Cha Tôn) [năm 1912, Cha Victor Charles Quinton được đặt làm Phó Đại Diện Tông Tòa giáo phận Tây Đàng Trong. Từ 1920, làm Đại Diện Tông Tòa giáo phận Tây Đàng Trong], và cha Nhượng [có lẽ là Phaolô Phạm Công Nhượng?], cũng có thời gian coi họ Chợ Đũi một ít lâu [phải chăng các Cha này tạm thời coi họ đạo trong thời gian Cha Céleste Nicolas đi chữa bệnh ở Pháp?]

‒ Cha Poitier (Cha Phước): [có thể?] từ năm 1916 đến 1923. Thời điểm năm 1918, họ đạo Chợ Đũi có 1.200 giáo dân.

‒ Cha Simon Nguyễn Văn Sang: từ năm 1923 đến 1943.

‒ Cha Gioakim Nguyễn Bá Luật: từ năm 1943 đến 1948 [không rõ nguyên nhân và năm mất?].

‒ Cha Carôlô Lê Văn Nhơn: [có thể?] từ năm 1948 đến 1974.

‒ Cha Gioan Baotixita Dương Hoàng Thanh: từ năm 1974 đến 1980.

‒ Cha Carôlô Lê Văn Nhơn: quyền Cha Sở từ năm 1980 đến 1981.

‒ Cha Gioan Baotixita Võ Văn Ánh: từ năm 1981 đến 1992.

‒ Cha Tôma Đặng Toàn Trí: từ năm 1992 đến 2012.

‒ Cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng: từ năm 2012 đến nay. Năm 2019, họ đạo có 2.500 giáo dân.

Như vậy, họ đạo Chợ Đũi đã hiện diện được 160 năm (1859-2019). Trước năm 1882, Cha Sở ở nơi khác kiêm nhiệm họ đạo Chợ Đũi. Từ 1882 cho đến nay, Chợ Đũi đã có Cha Sở thường trú để coi sóc bổn đạo.

Trải qua 160 năm, có 3 nhà thờ đã được xây dựng, trong đó, có đến 2 nhà thờ (thứ hai và thứ ba) nhờ phần lớn công lao của Cha Lucien Emile Mossard (Cha Mão). Thánh đường Philípphê (nhà thờ Huyện Sĩ) 114 tuổi (1905-2019) là nhà thờ thứ ba của họ đạo Chợ Đũi.

Năm 2020 là đúng 120 năm ngày mất của Ông Philípphê Lê Phát Đạt (Ông Huyện Sĩ), 100 năm Đức Cha Lucien Emile Mossard (Đức Cha Mão) và Bà Agnes Huỳnh Thị Tài (Bà Huyện Sĩ) qua đời.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, con cái của họ đạo đã dâng mình cho Chúa gồm có:

‒ Cha Phaolô Nguyễn Minh Kính, chịu chức Linh Mục năm 1937, giáo phận Sài Gòn (X).

‒ Cha Phaolô Nguyễn Đình Ngát, giáo phận Liegie (X).

‒ Cha Phanxicô Xaviê Trịnh Văn Phát.

‒ Cha Stêphanô Nguyễn Phan Khiêm, Dòng Đa Minh.

‒ Cha Micaen Nguyễn Văn Lộc, Cha Sở Phú Nhuận, giáo phận Sài Gòn - TP. HCM.

‒ Cha Máccô Nguyễn Đức Huỳnh, Dòng Don Bosco (X).

‒ Cha Inhaxiô Hồ Văn Xuân, Tổng Đại Diện giáo phận Sài Gòn - TP. HCM.

‒ Cha Bênêđitô Nguyễn Văn Nghĩa, Dòng Xitô Phước Sơn.

‒ Cha Giuse Trương Vĩnh Phúc, Cha Sở Mông Triệu, giáo phận Sài Gòn - TP. HCM.

‒ Cha Gioakim Nguyễn Xuân Tiến, Dòng Thánh Thể, đang mục vụ tại Nhật Bản.

‒ Cha Gioakim Nguyễn Xuân Thinh, giáo sư Đại Chủng Viện, giáo phận Melbourne, Australia.

‒ Cha Phaolô Nguyễn Vũ Thông, Cha Sở Phú Lộc, giáo phận Sài Gòn - TP. HCM.

‒ Cha Micaen Nguyễn Tiến Bình, Thư Ký của Đức Giám Quản giáo phận Sài Gòn - TP. HCM.

‒ Thầy Giuse Quách Minh Đức, Dòng Chúa Cứu Thế.

‒ Thầy Giuse Phạm Anh Nghĩa, Tu Đoàn Nhà Chúa.

‒ Soeur Marie Joseph Nguyễn Thị Thơm, Dòng Đức Bà (X).

‒ Soeur Marie Sophie Nguyễn Thị Phú, Dòng Đức Bà.

‒ Soeur Marie Amélie Nguyễn Thị Sang, Dòng Đức Bà.

‒ Soeur Agnes Nguyễn Thị Ánh, Dòng Cát Minh.

‒ Sơ Marie Gabriel Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Dòng Cát Minh.

‒ Soeur Marie Gisèle Trần Thị Xuân Liên, Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu.

‒ Soeur Maria Trương Thị Ngọc Mai, Dòng Phaolô thành Chartes (X).

Phóng viên: Được biết, Thánh Mátthêu Lê Văn Gẫm đã tử đạo trên phần đất của họ đạo?

Cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng: Đúng vậy. Mátthêu Lê Văn Gẫm, sinh năm 1813 tại họ đạo Tắt, làng Long Ðại, xứ Gò Công, tỉnh Biên Hòa. Ngài là con trai trưởng trong một gia đình sáu người con. 15 tuổi, Mátthêu Gẫm xin vào Chủng Viện Lái Thiêu, nhưng vì hoàn cảnh cha mẹ già yếu, đông các em, nên cậu Gẫm phải rời Chủng Viện để về phụng dưỡng cha mẹ và coi sóc các em. 1833, Mátthêu Gẫm kết hôn với một thiếu nữ thuộc họ đạo Thành, làng Long Điền, phủ Phước Tuy (Bà Rịa). Hai vợ chồng sống với nhau rất êm ấm thuận hoà và sinh hạ được bốn người con. Tuy nhiên, nghề thương nhân thường phải xa nhà, một lần kia, Mátthêu Gẫm sa ngã, theo đuổi một thiếu nữ khác. Nhưng khi nghĩ lại, ông cương quyết từ bỏ mối tình ngang trái. Để bù lại, ông yêu thương vợ nhiều hơn, và chú tâm vào việc giáo dục con cái, nhất là về đời sống đạo đức.

Năm 1846, vì nhu cầu của giáo phận, ông Gẫm không sợ nguy hiểm, đã sang Singapore đón Đức Cha Dominique Lefèbvre (Đức Cha Ngãi), Cha Pierre Duclos (Cha Lộ) và ba chủng sinh về Sài Gòn. Nhưng chẳng may, trên đường trở về, thuyền của ông đã bị quan quân triều đình bắt giữ. Ông Mátthêu Gẫm tự nhận là người chủ mưu nên bị biệt giam ở Sài Gòn. Vài ngày sau, các quan đưa ông ra tòa lấy khẩu cung và kêu gọi quá khóa (bước qua Thánh Giá). Dù bị tra tấn đau đớn nhưng ông vẫn kiên cường chịu đựng, không khai một ai, cũng không chịu bước qua Thánh Giá. Sau bảy tháng giam cầm, bản án xử trảm được vua Thiệu Trị châu phê. Ngày 11 tháng 05 năm 1847, ông Mátthêu Lê Văn Gẫm được đưa đến pháp trường chợ Da Còm (nay là 47 D Nguyễn Trãi, P. Bến Thành, Q.1, Tp. HCM). Các tín hữu và lương dân hiện diện rất đông. Khi tiếng chiêng hành hình vang lên, viên đao phủ phải chém đến ba nhát thì đầu vị tử đạo mới lìa khỏi cổ.

Ngày 27 tháng 09 năm 1857, ông Mátthêu Lê Văn Gẫm được Đức Thánh Cha Piô IX tuyên là Đấng Đáng Kính. Ngày 27 tháng 05 năm 1900, được Ðức Lêô XIII tuyên Chân Phước. Ngày 19 tháng 06 năm 1988, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên Mátthêu Lê Văn Gẫm lên hàng Hiển Thánh.

Phóng viên: Xin Cha chia sẻ về họ đạo Chợ Đũi trong hiện tại, và những thao thức mục vụ của Cha cho họ đạo ?

Cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng: Khi về nhận họ đạo năm 2012, tôi chỉ có một mục đích duy nhất là làm sao cho Đức Kitô lớn lên nơi cộng đoàn. Tất cả những hoạt động trong họ đạo đều nhắm đến điều đó, nghĩa là dần dần tiến đến điều đó. Năm 2019, họ đạo Chợ Đũi có 2.500 giáo dân, chia là 6 giáo khu. Họ đạo hiện có: 8 đoàn thể, 12 ca đoàn, 1 cộng đoàn Anh Chị Em Hàn Quốc, Chủng Viện Dự Bị của giáo phận Sài Gòn - TP. HCM. Các Dòng Tu phục vụ tại họ đạo gồm: MTG Chợ Quán, MTG Cần Thơ, Trinh Vương, MTG Cái Nhum, Phan Sinh.

Tiếp nối các Cha Sở tiền nhiệm, tôi mong muốn xây dựng họ đạo trên nền tảng mến Chúa - yêu người.

Thứ nhất, mến Chúa. Một ghi nhận thoáng qua đó là: các Thánh Lễ ngày thường và Chúa Nhật đều có đông người tham dự, người trong họ đạo, và cả những người từ nhiều nơi khác đến. Nhận xét chung của nhiều người là họ tìm thấy bình an và tâm tình cầu nguyện khi tham dự các lễ nghi phụng vụ ở nhà thờ Huyện Sĩ. Tôi thiết nghĩ, đó là ơn Chúa ban cho tất cả mọi người khi đến nhà Chúa. Phần chúng tôi, những Linh Mục phục vụ tại họ đạo, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, chúng tôi chỉ góp một phần công sức rất nhỏ, khi giúp mọi người tìm gặp Chúa dễ dàng hơn, qua việc dâng Thánh Lễ, giảng dạy, cử hành các bích tích…

Thứ hai, yêu người. Từ nhiều năm nay, với sự góp sức của các Anh Chị Em trong và ngoài họ đạo, chúng tôi đã bắt đầu thực hiện bếp ăn tình thương cho người nghèo, không phân biệt lương giáo. Qua bếp ăn tình thương, họ đạo có dịp gặp gỡ và sẻ chia với những cuộc đời khó nhọc. Song song đó, từ năm 2016, một nhóm Anh Chị Em nhiệt thành đã cùng với các Cha trong họ đạo đi thăm anh chị em lương dân tại các giáo điểm của giáo phận Sài Gòn - TP. HCM như: Doi Lầu, Vĩnh lộc B, An Thới Đông. Chuyến đi xa và khá vất vả nhưng nụ cười luôn nở trên môi của mọi người: từ con đến cha, từ người có đạo đến người chưa tin Chúa.

Vài lời sơ lược như vậy để thấy rằng: khi sống giới răn mến Chúa - yêu người, cộng đoàn họ đạo Chợ Đũi đã tìm được niềm vui thật sự của đời sống Kitô hữu, đó là niềm vui Tin Mừng, thật đúng như lời Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui của Tin Mừng): “Niềm Vui của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu” (số 1).

Phóng viên: Thưa Cha, Cha mong mỏi những gì khi nhìn về tương lai họ đạo Chợ Đũi?

Cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng: Họ đạo Chợ Đũi nằm ở khu vực trung tâm thành phố. Do nhu cầu cuộc sống, một số bổn đạo kỳ cựu của họ đạo đã phải di chuyển đến một nơi ở mới, ngoài họ đạo. Cho nên, số giáo dân của họ đạo đã bị giảm đi. Nhưng mặt khác, nhà thờ Huyện Sĩ lại ngày ngày được tiếp đón rất nhiều con cái Chúa từ khắp nơi “tiện đường” ghé vào cầu nguyện, tham dự Thánh Lễ. Cho nên, theo cái nhìn chủ quan của tôi thì về lâu về dài, nên chăng, họ đạo cần là một họ đạo “mở” để mọi người, không phân biệt lương - giáo, Chợ Đũi hay không Chợ Đũi, có thể đến và gặp gỡ Chúa nơi ngôi thánh đường Huyện Sĩ cổ kính.

Điểm cuối cùng đó là chỉnh trang lại khuôn viên nhà thờ. Như anh thấy, Nhà Sinh Hoạt của họ đạo, nhờ ơn Chúa, cùng sự chung sức của mọi người trong họ đạo, đã hoàn thành vào năm 2018, và góp phần không nhỏ trong các sinh hoạt chung của họ đạo, của giáo phận. Tuy nhiên, khuôn viên xung quanh vẫn còn chưa ổn định, hy vọng, trong thời gian tới, họ đạo có thể hoàn thành được việc này. Nhiều người lo lắng cho tôi: “Trời ơi, việc nhiều quá làm sao cha lo hết!” Nhưng tạ ơn Chúa, tôi được kế thừa tâm huyết của các Cha Sở tiền nhiệm, sự hỗ trợ từ Đấng Bản Quyền giáo phận, từ các cha trong họ đạo, và quý nhất là tấm lòng của tất cả anh chị em trong họ đạo Chợ Đũi (còn ở tại họ đạo hoặc đã chuyển đi nơi khác). Tôi nghĩ, đó là ơn Chúa ban cho tôi khi tôi được sai về phục vụ họ đạo Chợ Đũi. Và tôi nhớ đến lời thánh Phêrô: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1 Pr 4,10).

Phóng viên: Xin cám ơn Cha đã dành cho chúng con một cuộc trao đổi này.

Cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng: Cám ơn Anh. Xin Chúa ở cùng Anh. Chào Anh.