Người Công Giáo Việt Nam vốn có lòng kính mến Đức Mẹ cách đặc biệt. Hầu như xứ đạo nào cũng có hang đá hoặc đài Đức Mẹ trong khuôn viên nhà thờ để mọi người đều có thể “tâm sự nhỏ to” cùng Mẹ. Rồi những chuyến hành hương Đức Mẹ La Vang, Tà Pao, sông Mê Kông, … thậm chí xa xôi như Đức Mẹ Fatima, Lộ Đức (Lourdes), Mễ Du (Medjugorje)… đều thu hút đông đảo tín hữu tham gia; đủ thấy lòng tin của người Công Giáo Việt Nam vào Đức Mẹ mãnh liệt đến chừng nào.

Tháng Giêng, ăn Tết ở nhà
Tháng Hai ngắm đứng, tháng Ba ra mùa.
Tháng Tư tập trống, rước hoa……

Bài vè lịch lễ Công Giáo được truyền khẩu tại các xứ đạo Công Giáo vùng đồng bằng Bắc bộ xưa cho ta thấy việc chuẩn bị cho tháng Năm - tháng Hoa Đức Bà - với nhiều hình thức phong phú. Chúa Nhật mỗi tuần các giáo xứ đều tổ chức rước kiệu, múa hát dâng hoa với các vãn hoa mà giai điệu được cải biên từ các làn điệu dân ca và các điệu múa được biên đạo qua các hình thức dân vũ. Một số giáo xứ còn tổ chức thi đua giữa các giáo họ để chọn ra đội hoa múa hát hay nhất dâng hoa vào Chúa Nhật cuối tháng được gọi là giã hoa, kết thúc tháng Hoa Đức Mẹ.

Việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng hoa thường tập trung vào hai hoạt động chính là rước kiệu Đức Mẹ và Dâng hoa kính Mẹ. Hôm rước kiệu, tượng Đức Mẹ xinh đẹp uy nghi được đặt trên kiệu với muôn sắc hoa khoe mầu rực rỡ. Giáo dân các họ ai nấy đều ăn mặc chỉnh tề, kéo nhau đến địa điểm theo giờ ấn định. Tại đây mọi người sẽ nhập vào đoàn thể của mình tùy theo tuổi tác hay giới tính: ở độ tuổi thiếu niên thì vào đoàn Nghĩa binh Thánh thể. Các thanh niên thanh nữ thì có hội hát, hội Con Đức Mẹ, hội Liên minh Thánh Tâm. Cao tuổi hơn nữa thì có hội Phạt tạ, hội Dòng ba v.v..

Cuộc rước sẽ xuất phát từ một điểm nào đó trong một giáo họ, vòng quanh làng xóm tiến về nhà thờ. Trên đường đi, ngoài những lúc hát hay đọc kinh, thỉnh thoảng hội kèn Tây lại trỗi lên những bài nhạc thánh ca hùng tráng. Đội trống với những trống lớn, trống con, chũm chọe tạo nên những nhịp trống rộn ràng vui tươi. Đội trắc với những thanh trắc gõ vào nhau cùng những cử điệu hình thể nhịp nhàng nghe giòn dã, vui tai lại trông đẹp mắt.

Hình ảnh Mẹ Maria được cung nghinh trên kiệu giữa ngàn hoa nhắc ta nhớ đến lời Giáo hội xưng tụng Mẹ trong Kinh cầu Đức Bà: “Ðức Bà như hoa hường mầu nhiệm vậy”. Vâng, Mẹ đã được Thiên Chúa tuyển chọn, và qua tiếng "Xin Vâng" Mẹ đã trở nên tuyệt mỹ hơn muôn ngàn phụ nữ.

Mẹ đã trở nên đóa hoa thơm ngát trước ngai tòa Thiên Chúa, đã trở nên đóa hoa độc nhất vô nhị của thế giới loài người. Khi ví Đức Mẹ là “hoa hường mầu nhiệm”, Giáo hội không chỉ nói đến sự tươi đẹp ở dáng vẻ bên ngoài mà còn nói đến nét đẹp xinh tươi trong tâm hồn vì Mẹ luôn sống trong ơn thánh và luôn làm đẹp lòng Chúa.

Bông hoa tuyệt vời đó được dành riêng để dâng kính Thiên Chúa và cũng chính bông hoa ấy đã làm cho Thiên Chúa hài lòng. Trong Kinh thánh, hình ảnh của Đức Mẹ uy nghi lộng lẫy được ví như: "một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao" (Kh 12,1) đồng thời cũng là một người nữ xinh đẹp duyên dáng số một: "Kìa bà nào xuất hiện như rạng đông, diễm kiều như vầng nguyệt, lộng lẫy tựa thái dương, oai hùng như đạo binh chỉnh tề hàng ngũ ?" (Dc 6,10).

Khi đoàn rước vừa về đến nhà thờ thì tất cả các chuông lớn chuông nhỏ đều đổ liên hồi chào mừng. Tại đây bàn thờ kính Đức Mẹ đã được trang hoàng bằng đủ loại hoa đầy màu sắc. Kiệu Đức Mẹ được đặt sát gian cung thánh hướng về phía giáo dân. Buổi dâng hoa do các thiếu nhi đảm trách diễn ra liền sau đó thu hút sự chú ý theo dõi của mọi người. Không ai không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhìn những em thiếu nhi trong trang phục áo dài cổ truyền như những bông hoa sống động tinh tuyền múa ca nhịp nhàng tiến hoa lên Đức Mẹ.

Di cư vào miền Nam, nhiều giáo xứ vẫn còn giữ những tập tục như ngoài Bắc, nhưng dần dà con người và không gian sống đã hoàn toàn khác xưa. Ở những giáo xứ tại thành phố, không còn những đội trống, đội trắc để tập dợt. Không còn những kiệu rước trong xóm, quanh làng. Không còn những con hoa, đội hát của các khu để thi thố tài năng. Nơi nào khuôn viên nhà thờ rộng thì còn kiệu rước chung quanh nhà thờ vào đầu tháng hoa còn không thì chỉ rước kiệu từ đài Đức Mẹ vào nhà thờ.

Rồi người ta lại muốn cải biên và cách tân những bài vãn dâng hoa bằng những bài hát có nhịp điệu hiện đại. Nhiều đội hoa chạy theo trào lưu ca múa của thời đại bằng các “liên khúc dâng hoa” với những trang phục, cử điệu màu mè. Đội hoa chỉ làm những động tác theo một số bài hát trong băng, đĩa nhạc do ca sĩ hay ca đoàn hát.

Có thể nói đó là một cuộc “múa hoa” hơn là “dâng hoa” vì mặc dù trông đẹp mắt hơn, hoành tráng hơn nhưng lại thiếu đi tâm tình cầu nguyện và dâng tiến bên trong. Cộng đoàn thì chỉ như những khán giả ngồi xem một màn trình diễn chứ không thể tham dự cách tích cực vào việc đạo đức này.

Dâng hoa phải được hiểu và được làm như thế nào để vừa phát huy được những tinh hoa của truyền thống, lại vừa đáp ứng được những nhu cầu cách tân trong sinh hoạt đạo đức của người Công Giáo Việt Nam. Có lẽ đây cũng là những trăn trở của các nghệ sĩ Công Giáo vì đây là một trong những sinh hoạt đạo đức bình dân, đậm nét vui tươi; nhằm diễn tả tâm tình yêu mến, thảo hiếu đối với Mẹ Maria và qua Mẹ để tôn vinh Thiên Chúa.

Nhưng hoa nở rồi sẽ tàn, lòng người cũng sẽ phai nhạt và nguội lạnh nếu không đón nhận được ý nghĩa linh thiêng từ những việc đạo đức này. Chỉ những bông hoa thiêng liêng được vun tưới bằng tâm tình cầu nguyện, được ấp ủ bằng kinh Mân Côi, được chăm bón bằng Tin Mừng mới tỏa hương khoe sắc và sẽ được đón nhận bằng chính Trái tim yêu thương của Mẹ.

Trong tháng hoa này, đồng thời với việc dâng lên Đức Mẹ những bông hoa hữu hình tươi thắm, ta cũng cần dâng lên Thiên Chúa qua Mẹ Maria những đóa hoa thiêng không bao giờ tàn phai. Những bông hoa nhân đức lúc nào cũng khoe sắc và tỏa hương thơm ngát trong tâm hồn mỗi người con dân đất Việt.