Mục tử đó là Đức Cha Phêrô Maria Khuất Văn Tạo, Giám Mục Giáo Phận Hải Phòng, từ năm 1956 tới khi qua đời năm 1977.

Và “Chứng Từ Của Một Mục Tử” là cuốn Hồi Ký của ngài do Hội Thân Hữu Giáo Phận Hải Phòng xuất bản ở Paris, Nhà Định Hướng ấn hành. Sách dầy gần 270 trang khổ A5, bìa in nhiều mầu trang nhã với hình Đức Cha Tạo hiền hòa tươi cười trên nền trời xanh hy vọng.

Và hy vọng đúng là nguyên lý nâng đỡ vị giám mục ốm yếu mà kiên cường này trong suốt 21 năm làm giám mục, một lúc coi hai giáo phận tan hoang vì chiến tranh và di cư là Hải Phòng và Bắc Ninh.

Theo phần Tiểu Sử của cuốn sách, Đức Cha Tạo tên mới sinh là Phêrô Khuất Văn Ẩn, con trai đầu lòng của Ông Giuse Khuất Văn Định và Bà Anna Nguyễn Thị Lợi. Ngài sinh năm 1900, khi qua đời năm 1977, thọ 77 tuổi. Quán xã Xuân Vân, huyện Phúc Thọ, Sơn Tây.

Năm 11 tuổi, dâng mình cho Chúa làm nghĩa tử Cha Giuse Nguyễn Công Triệu, giáo phận Hưng Hóa, bỏ tên Ẩn lấy tên Tạo. Mãi năm 17 tuổi mới nhập tiểu chủng viện Hà Thạch, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Năm 27 tuổi được gọi về học triết lý ở Hưng Hóa. Năm 33 tuổi, tức năm 1933, được thụ phong linh mục.

Sau khi được thụ phong, Cha Tạo về làm cha phó cho Cha Kim (Mazé, sau là giám mục Hưng Hóa). Năm 1939, được cử phụ trách trường tập mới mở; giữ chức vụ này qua thời đảo chính Nhật năm 1945, rồi đến Việt Minh lên nắm chính quyền. Khi Đức Cha Kim và các cha người Pháp phải về Hà Nội, Cha Tạo phải đảm nhiệm mọi công tác ở Nhà Chung Hưng Hóa (quản lý giáo phận, cha xứ Hưng Hóa, Bề trên Trường Tập).

Tháng 5 năm 1947, phi cơ Pháp bỏ bom Nhà Chung Hưng Hóa. Đến tháng 10 cùng năm, chúng lại đến ném bom một lần nữa và mấy hôm sau quân đội Pháp đến chiếm đóng Nhà Chung. Chỉ mấy hôm sau, họ rút đi. Khi rút đi, họ buộc Cha Tạo phải đi theo họ, dù ngài không muốn. Cha buộc họ phải tuyên bố với dân chúng là họ buộc ngài phải ra đi thì ngài mới chịu đi. Dù thế, sau này, nhà cầm quyền Hà Nội vẫn cho rằng ngài theo Tây để gây khó dễ!

Được quân đội Pháp thả tự do, Cha Tạo trở về Sơn Tây, đứng lập trại di cư Văn Côi hồi đầu những năm 1951. Năm 1952, Bề trên cử ngài phụ trách Tiểu chủng viện Thánh Giuse ở Tông, trong khi vẫn xây dựng một trại di cư ở Kim Sơn cho đến khi đồng bào di cư năm 1954.

Ngày 8-5-1955, Toà Thánh cử Cha Tạo làm Giám mục Caralla, quản trị 2 giáo phận Hải Phòng và Bắc Ninh thay Đức Cha Trương Cao Đại di cư vào Nam và Đức Cha Hoàng Văn Đoàn bị ngã đau chân xin từ dịch đi Hồng Kông.
“Chứng Từ Của Một Mục Tử” bắt đầu với việc bổ nhiệm này. Các sự kiện được kể dưới hình thức ghi chép hàng ngày trên hai tập vở khác nhau. Một tập được Nhóm Thực Hiện gọi là “Sổ Tay” tìm thấy ở văn phòng tòa Giám Mục Hải Phòng. Tập kia được gọi là “Hồi Ký” tìm thấy ở Văn Khố Xã Đoài, Giáo Phận Vinh.

“Sổ Tay” ghi lại các sự kiện, tóm tắt theo kiểu gạch đầu dòng, nhưng cũng có khi viết chi tiết, viết nháp các thư chung, ghi thống kê các giáo xứ, phân công các linh mục và tiểu sử các linh mục trong giáo phận.

“Hồi Ký” viết trên giấy học trò, đánh số liên tục gồm 360 trang, chia thành 18 mục được Nhóm Thực Hiện chia thành 18 chương. “Hồi Ký” không có bìa, nhưng có hàng chữ đầu “Cuộc Đời Giám Mục”. Tuy nhiên, Nhóm Thực Hiện chỉ mới có tài liệu đến năm 1966, khi Đức Cha Tạo còn đang say sưa kể lại biến cố bị Quân Đội Pháp buộc phải rời Nhà Chung Hưng Hóa, theo lối kể chuyện của Nghìn Lẻ Một Đêm Ả Rập, nghĩa là mở hết ngoặc đơn này đến ngoặc đơn khác.

Trước khi đi vào chi tiết, Nhóm Thực Hiện cho biết họ đánh máy lại y hệt những gì Đức Cha Tạo ghi trong sổ sách của ngài, không bớt một chữ tuy có thêm một số (rất ít) các chữ in nghiêng để cho đầy đủ ý nghĩa câu văn. Chính vì thế càng thấy tâm hồn chân chất của vị giám mục thánh thiện và kiên cường này.

Làm giám mục bất đắc dĩ

“Chứng Từ” bắt đầu Tháng 2 năm 1955, với việc Đức Cha Kim nhắn tin Đức Khâm Sứ muốn gặp cha Tạo tại Hà Nội “càng sớm càng tốt”. Sau khi được giấy thông hành, ngài đạp xe đạp về Hà Nội gặp Đức Khâm Sứ, mới hay Tòa Thánh cử ngài làm giám mục hiệu tòa, cai quản 2 giáo phận Hải Phòng và Bắc Ninh.

Dĩ nhiên là ngài từ chối vì “khó hèn bất lực”. Đức Cha Khuê của Hà Nội có ý kiến khác: nhận đi thôi may ra “còn kéo được ít linh mục ở lại. Kẻo chậm về họ đi hết mất mà khó khăn đấy”. Dù thế, chờ cho đến khi Đức Khâm Sứ xác nhận Hải Phòng đã có Cha Chính (Tổng đại diện), ngài mới an tâm bỏ về Hưng Hóa.

Đến tháng 8 cùng năm, Đức Khâm sứ lại vời một lần nữa. Lại đạp xe đi Hà Nội. Lần này, vẫn chối, nhưng sau khi suy nghĩ rất lung “Cho rằng không làm được gì nữa chăng, ít ra cũng đứng hấng lấy mọi cái đỡ các linh mục”, nên đã nhận “đi làm dâu sang địa phận dòng Đaminh Hải Phòng và Bắc Ninh”.

Chính quyền không thèm biết

Đức Cha Kim báo cho nhà cầm quyền Sơn Tây biết việc Cha Tạo được Tòa Thánh cử làm giám mục cai quản 2 giáo phận Hải Phòng và Bắc Ninh. Họ trả lại thông báo: “Việc nội bộ Công Giáo, không liên quan chi đến chính quyền”.

Thực ra thì liên quan quá đi thôi ấy chứ. Vì họ không cho Cha Tạo rời Sơn Tây đi Hà Nội lo việc tấn phong. Thậm chí người đại diện đi Hà Nội sắm mũ gậy phẩm phục giám mục đã bị bắt giữ hơn cả tháng trời cùng với các đồ đoàn mới sắm!

Chỉ sau khi Đức Cha Tạo đã thụ phong đâu đấy rồi, họ mới thả người đại diện ra với một câu nhận xét nói lên tất cả: “không có các cái này, thằng Tạo [nguyên văn] nó cũng chịu chức được à?”.

Bất chấp các khó khăn trên, việc tấn phong Đức Cha Tạo vẫn được tiến hành ngày 7 tháng 2 năm 1956, 6 tháng sau sắc phong, theo sự thúc giục của Đức Khâm sứ “bất cứ tổ chức bằng cách nào”.

Đức Cha kể lại: “Thành phần phân công thế này: Đức Cha Kim chủ phong, tôi thụ phong, Cha Chính Thi và Cha Hiển trợ phong (coconsecratores), Cha Vy phụ trách lễ nghi, còn Cha Huệ, quản lý địa phận vừa bổ củi vừa gác cổng”.

Linh mục phong chức giám mục đủ thấy cái bi đát của tình huống, dù giáo luật có dự trù trường hợp này. Chưa hết, lễ tấn phong không một tín hữu nào được tham dự, kể cả bà cố Đức Cha. Hãy nghe ngài kể lại: “Tôi chẳng có mũ hàm ếch (mitra) cũng chẳng có gậy chăn chiên (baculus pastoralis), phải mượn của Đức Cha Kim, lúc ban phép lành đầu tiên chỉ trọi có 4 bức tường, không có mặt con chiên nào”.

Chẳng hề chi, chỉ mong sao về phục vụ hai giáo phận được trao trọng trách. Mà nào có được. Địa phương không dám cấp giấy di chuyển về Hải Phòng. Phải lên Hà Nội gặp chính Thủ Tướng Phạm Văn Đồng mới xong, với câu phán “Thôi, xong cả!” của ông Đồng.

Nhưng nào có xong cả đâu, mãi 23 tháng 3 năm 1956, Đức Cha mới được địa phương cấp giấy di chuyển. Hôm sau, Đức Cha lên đường đi Bắc Ninh. “Bước lên xe, lòng xúc động, trông ra thấy mấy em nhỏ, đứng xa áp tường nhà thờ Tông, nhìn vào xe một cách sợ hồn nhiên. Vừa qua đợt Cải Cách Ruộng Đất, mọi người hoảng sợ, người nhớn (lớn) ở họ Tông không một ai có mặt lúc đó!”

Đến Bắc Ninh đỡ hơn, nhưng “giáo hữu đến không đông mấy, có nơi đi dân công, chiều 24-3-1956 mới được đến dự”. Đức Cha “khuyên mọi người tin cậy mến thờ Chúa, thương yêu đoàn kết và trung thành với Chúa, với Hội Thánh, với tổ quốc”.

Không nói có đại diện chính quyền nào tới dự. Nhưng Đức Cha vẫn giữ phép xã giao, vội đến thăm Ủy Ban Hành Chính tỉnh Bắc Ninh. Họ đáp lễ bằng cách vặn hỏi về vụ người Pháp đưa ngài đi Tu Vũ và liệu họ còn “bảo vệ” ngài hiện nay không. Tuy thế, ngài vẫn mời họ tới “dự bữa liên hoan, do địa phận tổ chức”.

Trong “bữa liên hoan” này, Đức Cha phát biểu với mọi người “Yêu nước, thấy điều gì ích nước lợi dân, chúng ta tích cực mà làm lấy hơn người, cũng bằng người chứ đừng chịu thua ai kẻo mang tiếng. Nhưng phải sáng suốt, đừng theo đuôi một số người hoặc vì vô tình mù quáng hoặc vì ích kỷ cầu an tham danh lợi, đang hành động hại dân hại nước, ngoài miệng cứ bô bô khoe mình làm việc yêu nước. Người Công Giáo chúng ta còn phải chôn sâu vào tâm trí điểm này nữa là chúng ta phải yêu nước chúng ta hơn và trước nước khác, song không được phép ghét, căm thù các nước khác đâu, ngược lại, chúng ta luôn luôn phải yêu các nước khác nữa.

“Đứng trước tình thế hiện đại ngày nay đất nước chúng ta còn đang chia rẽ Nam Bắc, chúng ta hãy đoàn kết với nhau bất phân giai cấp, cần giúp các nhà cầm quyền được sáng suốt khôn ngoan để mưu ích chung cho đất nước, đặt lợi ích của tổ quốc trên lợi ích cá nhân gia đình”.

Từ ngay ngày hôm sau, Đức Cha đã bắt đầu lo việc mục vụ: bầu hội đồng địa phận, phụng vụ Tuần Thánh, “làm phép cưới”, phép Thêm Sức, rửa tội, thăm trại phong, thăm các giáo xứ, giáo họ. Đồng thời vận động đi Hải Phòng, di chuyển trong địa hạt địa phận Bắc Ninh: “được [tỉnh Bắc Giang] cấp thêm tấm giấy chỉ định rõ ngày nào được đến địa điểm nào với một điều kiện khi gặp giáo dân phải đến trình giấy với chính quyền xã địa phương”.

Về việc đi Hải Phòng, trước đây (10-4-1956), Đức Cha hỏi tỉnh Bắc Ninh, được trả lời “dễ thôi”, nhưng ngày 18-4-1956, xin nữa, được trả lời “hãy lưu lại thong thả”, để ngày hôm sau, họ còn gọi ngài tới để hạch hỏi “Tối hôm cụ tới đây cụ có hô hào đoàn kết bất phân biệt giai cấp đang lúc Chính Phủ đấu tranh giai cấp địa chủ?”

Mãi đêm ngày 27-4-1956, mới được giấy, sau nhiều vận động ráo riết. Đến Hải Phòng, mặc dù đã được mời nán ở ngoài chút đỉnh, đợi bên trong chuẩn bị việc đón rước cho phải phép, cũng chỉ có một số linh mục hiện diện, “giáo hữu đến dự thưa thớt vì các nơi đang Cải Cách Ruộng Đất”.

Cũng như khi ở Bắc Ninh, Đức Cha giữ đủ phép xã giao, tới thăm Ủy Ban Hành Chính Thành Phố Hải Phòng, Mặt Trận Tổ Quốc, mời họ tới dự “tiệc trà do các xứ nội ngoại thành Hải Phòng tổ chức... Mọi sự đơn giản thích hợp với hoàn cảnh, rất xứng với phận khó hèn của tôi từ lúc lọt lòng mẹ cho đến bây giờ”.

“Ngày 30-4-1956, tiếp linh mục Võ Thành Trinh và Nguyễn Hiếu Lễ, Liên Lạc Công Giáo ở Miền Nam ra. Tuyên bố không ban tờ ban phép làm các phép bất cứ ở đâu trong hai địa phận Hải Phòng và Bắc Ninh”.

Chính quyền Hải Phòng rõ ràng không ưa Đức Cha, họ tìm cách không cho Đức Cha ở lại Thành Phố. Ngày 30-5-1956, nhân dịp ngài xin giấy đi Hà Nội, họ chấp thuận nhưng buộc phải từ Hà Nội về Bắc Ninh. Nhờ phản đối mạnh, nên hôm sau, họ cho biết ngài có thể ở lại Hải Phòng.

Từ Hà Nội, Đức Cha về thăm mục vụ Bắc Ninh, mãi 28-6-1956, mới trở lại Hải Phòng. Hôm sau, “đồn công an Nhà Máy Nước gọi tôi hai lần về thủ tục giấy thông hành, không có gì quan trọng. Tưởng rằng hôm nay vào đồn Antonio (1) hay là theo quan thày lên đồi Jamiulo (2) theo quan thầy. Nhưng chưa đến ngày Chúa để cho được như thế”.

Còn tiếp

(1) Đồn Antonio nơi Philatô xét xử Chúa Giêsu
(2) Đồi Janiculo nơi Thánh Phêrô, quan thầy Đức Cha Phêrô Maria bị giết theo lệnh của hoàng đế Nêrô vào khoảng năm 64 CN.