Hãy giữ gìn ký ức về lịch sử ơn cứu rỗi. Khi anh chị em “quay lưng” đi với chính tâm hồn mình, anh chị em có nguy cơ có một “trái tim không có la bàn”. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm mùng 7 tháng Ba tại nhà nguyện Santa Marta. Đây là thánh lễ đầu tiên trong Mùa Chay được cử hành tại nhà nguyện này.

Bài giảng của Đức Thánh Cha đã tập trung vào ba cụm từ chính từ bài đọc Một trong ngày, được trích từ sách Đệ Nhị Luật. Để chuẩn bị cho họ tiến vào Đất Hứa, ông Môisê đặt ra trước dân một thử thách, thực tế, là một lựa chọn giữa sự sống và cái chết. Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng: “Đó là một lời mời gọi hướng đến tự do của chúng ta,” là lời cảnh tỉnh về những hậu quả nếu anh chị em “quay lưng lại với con tim mình”; nếu anh chị em “không muốn lắng nghe”; và nếu anh chị em “lầm đường lạc lối đi tôn thờ và phục dịch các vị thần khác”.

Khi anh chị em “quay lưng lại với con tim mình”, khi anh chị em chọn những nẻo đường không đúng – hoặc là đi sai hướng hoặc là đi theo một con đường hoàn toàn khác, chứ không phải là đường ngay nẻo chính - anh chị em mất cảm giác về phương hướng, anh chị em lầm đường lạc lối. Và một trái tim không có la bàn là một mối nguy hiểm công cộng: đó là mối nguy hiểm cho chính người đó và cho những người khác. Và một con tim có nguy cơ sẽ đi theo con đường sai lầm này khi nó không biết lắng nghe, khi nó cho phép mình lạc xa chính lộ, bị các thứ thần dữ lôi đi, khi nó trở thành một kẻ thờ ngẫu tượng.

Tuy nhiên, thường thì chúng ta không có khả năng lắng nghe, Đức Thánh Cha cảnh giác. Có nhiều người “điếc đặc trong tâm hồn” - và “chúng ta cũng vậy, lúc này lúc khác chúng ta trở nên điếc lác trong tâm hồn, chúng ta không nghe thấy tiếng Chúa.” Ngài cảnh báo về “pháo hoa” muôn mầu muôn sắc đang níu kéo chúng lại, về “các vị thần giả” đang mời gọi chúng ta tôn thờ ngẫu tượng. Đây là mối nguy hiểm mà chúng ta phải đối mặt trên con đường “hướng về vùng đất đã hứa cho chúng ta: vùng đất gặp gỡ với Chúa Kitô phục sinh”. Mùa Chay “giúp chúng ta đi theo con đường này”, Đức Thánh Cha nói.

Cụm từ thứ hai, “không muốn lắng nghe” Lời Chúa - và những lời hứa mà Ngài đã thực hiện cho chúng ta. Điều này có nghĩa là mất đi ký ức. Đức Thánh Cha nói rằng khi chúng ta mất ký ức “về những điều vĩ đại mà Chúa đã làm trong cuộc sống của chúng ta, mà Ngài đã thực hiện cho Giáo Hội, và cho dân Ngài”, thì chúng ta quen dần với việc đi một mình, với sức mạnh của riêng mình, với não trạng tự túc của chúng ta. Vì thế, Đức Thánh Cha kêu gọi chúng ta bắt đầu Mùa Chay bằng cách xin “ân sủng ký ức”. Theo ngài, đây là điều mà Môisê khuyên người Do Thái làm trong bài đọc Một, đó là hãy nhớ tất cả những gì Chúa đã làm cho họ trên đường đi. Mặt khác, chúng ta phải cảnh giác rằng khi mọi chuyện đều êm đẹp, khi chúng ta cảm thấy hài lòng về mặt tinh thần, chúng ta có nguy cơ đánh mất “ký ức về cuộc hành trình”:

Sự hài lòng, thậm chí hài lòng về mặt tinh thần, có mối nguy hiểm này là nguy cơ mất đi những ký ức nhất định, quên đi những điều lẽ ra chúng ta phải luôn ghi nhớ. Tôi thấy như thế này tốt rồi, và tôi quên đi những gì Chúa đã làm trong cuộc đời tôi, tất cả những ân sủng mà Ngài đã ban cho tôi, và tôi tin rằng tất cả chỉ là nhờ vào công đức của riêng tôi. Và rồi trái tim bắt đầu quay đi, bởi vì nó không lắng nghe tiếng nói của chính trái tim: là ký ức. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng của ký ức.

Đức Thánh Cha đã nhắc nhớ một đoạn tương tự, trong thư Thánh Phaolô gởi các tín hữu Do Thái, trong đó thánh nhân khuyên các tín hữu Do Thái hãy nhớ lại “những ngày xa xưa”. Đức Thánh Cha cảnh báo rằng “mất trí nhớ là một hiện tượng rất phổ biến. Ngay cả dân Israel cũng bị mất trí nhớ”. Hơn thế nữa, việc mất trí nhớ này là có chọn lọc. “Tôi nhớ những gì thuận tiện cho tôi bây giờ và tôi không nhớ bất cứ điều gì đe dọa tôi”. Chẳng hạn, dân Do Thái khi đi trong sa mạc thì nhớ rõ rằng Chúa đã cứu họ; họ không thể quên Ngài. Nhưng họ bắt đầu phàn nàn về tình trạng thiếu nước và thịt, và “nghĩ về những thứ họ đã có ở Ai Cập”. Đức Thánh Cha lưu ý rằng đây là một loại ký ức chọn lọc, bởi vì họ quên rằng những điều tốt đẹp mà họ có ở Ai Cập đã được ăn tại “bàn của những kẻ nô lệ”. Để tiến bước, chúng ta phải nhớ, chúng ta không được “quên lịch sử: lịch sử cứu độ, lịch sử cuộc đời tôi, lịch sử của Chúa Giêsu với tôi”. Ngài cảnh báo rằng chúng ta không được dừng lại, chúng ta không được quay đầu lại, chúng ta không thể bị các loại thần tượng lôi kéo đi.”

Ngài nhấn mạnh rằng thờ ngẫu tượng không chỉ có nghĩa là “đi đến một ngôi đền ngoại giáo và thờ cúng một bức tượng”.

Thờ ngẫu tượng là một thái độ của trái tim, khi anh chị em thích làm điều gì đó vì nó thoải mái hơn đối với mình, bất kể lệnh truyền của Chúa – thì chính xác là lúc đó chúng ta đã quên mất Chúa. Vào buổi đầu Mùa Chay này, thật là tốt nếu chúng ta nhớ đến những gì Chúa đã thực hiện trong cuộc đời ta: Ngài yêu ta như thế nào, Ngài bảo bọc ta ra sao. Và từ ký ức đó, chúng ta đi tiếp. Và cũng thật tốt khi nhắc lại lời khuyên của thánh Phaolô cho Timôthêô, người môn đệ yêu dấu của thánh nhân: “Hãy nhớ rằng Chúa Giêsu Kitô đã Phục sinh từ trong kẻ chết”. Tôi nhắc lại: “Hãy nhớ rằng Chúa Giêsu Kitô đã Phục sinh từ trong kẻ chết”. Hãy nhớ đến Chúa Giêsu, Đấng đã đến với tôi, và sẽ đồng hành cùng tôi cho đến lúc tôi nhìn thấy Ngài trong vinh quang. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để giữ gìn ký ức”.


Source:Vatican News