Chúa Nhật VII THƯỜNG NIÊN
HÃY YÊU THƯƠNG KẺ THÙ
1 Sm 26.2.7-9.12-13.23-23; 1 Cr 15,45-49; Lc 6, 27-38

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề nghị chúng ta thực hiện một cuộc cách mạng vĩ đại của Tin Mừng là tha thứ, yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em. Dưới hình thức những câu danh ngôn, Chúa Giêsu cho chúng ta một khuôn vàng thước ngọc để hành xử và qua đó Người nói cho chúng ta biết rằng yêu thương kẻ thù là cách thế để “chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa.”

1- Yêu thương kẻ thù, thước đo và động lực
Thước đo của cách hành xử bao gồm hai phần: phần một liên quan đến tình yêu đối với kẻ thù, và phần hai là sự thấu hiểu huynh đệ. Trước hết là yêu kẻ thù: lý tưởng này được khai triển dựa trên những ví dụ cụ thể: ai vả má phải thì đưa cả má trái, ai lột áo ngoài thì nhường cả áo trong, ai xin thì hãy cho và cho vay mà không đòi lại. Tiếp theo là sự thấu hiểu để tránh xét đoán người khác. Khía cạnh này ngắn hơn. Chúa Giêsu dạy chúng ta thực hành những điều đó theo mẫu gương của Chúa Cha: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” Người kết luận: “Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”
Quả thật, giáo huấn của Chúa Giêsu về việc yêu thương kẻ thù phải trở thành quy luật hành xử của mỗi người môn đệ Chúa. Với khái niệm “kẻ thù,” có nhiều mức độ thù địch khác, ví dụ: từ sự ác cảm tự nhiên và từ việc không hợp tính khí, đến sự ganh đua bên trong hay thể hiện ra ngoài, từ thái độ thô lỗ và tính kiêu căng, sự xảo trá và lừa lọc, tà ý và phản bội, cuối cùng là sự thù oán và thù ghét, dẫn tới sự bách hại và giết chết.
Thứ đến động lực của tình yêu này đối với kẻ thù được tìm thấy trong việc noi gương bắt chước tình yêu nhưng không của Thiên Chúa đối với loài người: “Và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.” Lý do này kết hợp với lý do thần học “nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ,” nó làm dội lại lý do phổ quát khác: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Quả thế, những tiêu chuẩn này phải là nền tảng của cách hành xử chúng ta đối với tha nhân, đặc biệt đối với kẻ thù: đó là phải có lòng tốt, thương xót và sự thánh thiện của Thiên Chúa.
Khi chúng ta yêu hết mọi người với thái độ bao dung và nhân ái này, chúng ta trở nên giống Thiên Chúa và hình ảnh con người mới trong Chúa Kitô được tái hiện trong chúng ta. Yêu thương kẻ thù là giáo huấn cao thượng nhất giúp chúng ta đạt tới sự viên mãn và trưởng thành nhân bản, xét như là hữu thể được tạo dựng để yêu thương và được yêu thương. Chỉ khi nào yêu thương một cách vô vị lợi, con người mới có thể đạt tới hạnh phúc, và với tư cách là Kitô hữu, chúng ta đạt tới tầm mức con người mới trong Chúa Kitô. Như thế, chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa, Đấng yêu thương tất cả mọi người.

2- Một thông điệp “chói tai”
Tin Mừng hôm nay rất cao thượng, nhưng rất khó để sống, và dường như đôi khi là không thể thực hiện. Chúng ta có cảm tưởng “chói tai” khi nghe đoạn Tin Mừng này. Chúng ta khó chấp nhận tính cao thượng này vì bản thân luôn yếu đuối và giới hạn. Bởi lẽ, trong thực tế, người ta đối xử với nhau rất khác so với lý tưởng này. Chúng ta bị cám dỗ khi nghĩ rằng Chúa Giêsu chỉ là người xa rời thực tế, không hiểu thấu con tim con người. Có lẽ Người không biết rằng chúng ta mang trong mình một quy luật bẩm sinh về sự trả thù mà Cựu Ước nói tới: “Mắt đền mắt, răng đền răng.” Xin thưa rằng: không! Nhưng chính vì điều này mà Chúa Giêsu đề nghị chúng ta tiến đến một con đường giải thoát và hạnh phúc, không bằng bạo lực thù oán, nhưng bằng sức mạnh của tha thứ và yêu thương. Đây cũng là sự vĩ đại nhân bản mà Đavít đã thể hiện khi tha thứ cho kẻ thù đáng phải chết của mình là vua Saul, một người được xức dầu của Thiên Chúa (bài đọc I).
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống yêu thương kẻ thù luôn mãi, bởi vì chúng ta luôn bị thúc đẩy báo thù vì sự bất công và thù hận. Những cuộc tranh chấp và báo thù xảy ra hằng ngày không chỉ ở phạm vi cá nhân, gia đình mà còn ở phạm vi quốc gia và quốc tế nữa, con người thù địch lẫn nhau, quốc gia này thù địch với quốc gia kia.
Nếu không hành xử theo tình yêu và tha thứ mà Chúa Giêsu dạy, chúng ta không thể là Kitô hữu chính danh. Chúng ta được mời gọi đối xử với những kẻ thù của mình với lòng nhân từ mà Chúa Giêsu dạy. Mặc dầu chúng ta biết rằng việc thực hành những điều trên không dễ dàng chút nào.
Hơn nữa, chúng ta cũng cần biết rằng điều xem ra không thể đối với con người lại là điều có thể đối với Thiên Chúa. Nhờ ơn Chúa giúp, chúng ta có thể thực hiện được những điều vĩ đại và cao cả trong đời sống mình, nếu chúng ta biết cộng tác với ơn Chúa.

3- Yêu thương không cần đền đáp
Bởi thế, Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa?” Điều này những người khác đều làm, cả người xấu xa và kẻ vô đạo. Đối với các môn đệ, Chúa Giêsu đòi hỏi nhiều hơn: yêu thương cả những kẻ thù ghét mình, những kẻ không chào hỏi mình, những kẻ thô lỗ, những kẻ phản bội, làm hại và vu khống chúng ta, tóm lại, những kẻ thù của chúng ta.
Điều làm cản trở chúng ta khi sống giới răn yêu thương này đó là sự ích kỷ, toan tính và vụ lợi. Đặc biệt, khi đối diện với những người bị loại trừ, người nghèo, người già, người tàn tật, những nạn nhân xã hội, hay kẻ thù của mình..., chúng ta đặt câu hỏi: tôi kiếm được gì với những người này? Và câu trả lời: không gì cả!

Như thế, chúng ta khép lòng lại thay vì phải sống theo Lời Chúa dạy là quảng đại, nhân ái, thấu hiểu, đón tiếp, gần gũi, vui vẻ chia sẻ, yêu thương tha thứ cho họ.

Như thế, yêu thương kẻ khác với tấm lòng bao dung và phổ quát phải là khuôn vàng thước ngọc cho đời sống chúng ta đối với tha nhân. Yêu thương kẻ thù là tình yêu lớn nhất và là dấu chứng khả tín nhất về việc chúng ta nên giống Chúa trong cách hành xử của mình. Amen!