Giải đáp phụng vụ: Xin cho biết tư thế của phó tế trong phần Kinh Khẩn cầu Thánh Linh (Epiclesis). Nói thêm về âm nhạc sau hiệp lễ.

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con và các bạn đang thảo luận lý do nào mà thầy phó tế quỳ trong phần Kinh Khẩn cầu Thánh Linh, chứ không quỳ khi cộng đoàn quỳ. Con biết rằng việc này được quy định trong Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM), nhưng chúng con đang quan tâm đến lý do thần học hoặc biểu tượng, nếu có lý do ấy. - M. T., Chicago, Hoa Kỳ.


Đáp: Một trong các nguyên nhân không tìm thấy bất kỳ lý do thần học hay lý do biểu tượng cụ thể nào cho sự khác biệt này, có lẽ là không hề có lý do nào cả.

Các lý do cho sự khác biệt này chủ yếu có tính chất thực hành.

Trước hết, phải nhìn nhận rằng sự khác biệt này chỉ được tìm thấy ở một số quốc gia, chẳng hạn Hoa Kỳ.

Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma được sử dụng ở Anh và xứ Wales nói như sau:

“Số 43… Cộng đoàn sẽ quỳ, khi truyền phép Mnh Thánh, Máu Thánh, trừ khi vì lý do sức khoẻ, vì nơi chật hẹp, hoặc vì quá đông người dự lễ, hay vì những lý do chính đáng khác, không thể quỳ được. Những người không quỳ khi truyền phép thì phải cúi mình sâu khi vị tư tế quỳ gối sau truyền phép. Tuy nhiên, Hội Ðồng Giám Mục được quyền thích nghi các cử chỉ và điệu bộ ghi trong phần Thường Lễ của Sách Lễ Rôma, sao cho phù hợp với cách cảm nghĩ của mỗi dân tộc. Nhưng cũng phải liệu sao cho phù hợp với ý nghĩa và tính chất của từng phần Thánh Lễ.

“Ở đâu giáo dân có thói quen quỳ suốt sau câu tung hô Thánh Thánh Thánh (Sanctus) cho đến hết Kinh Nguyện Thánh Thể, và trước phần Hiệp lễ linh mục đọc Đây Chiên Thiên Chúa (Ecce Agnus Dei), thì đó là điều đáng khen nên duy trì. Nhằm có sự đồng nhất trong các cử chỉ và tư thế trong một buổi cử hành, các tín hữu nên tuân theo các hướng dẫn, mà phó tế, thừa tác viên giáo dân hay linh mục đưa ra, theo những gì được nêu ra trong Sách lễ”.

Tuy nhiên, tại Hoa Kỳ, số 43 nói như sau:

“Trong các Giáo phận Hoa Kỳ, cộng đoàn quỳ bắt đầu sau khi hát hoặc đọc Thánh Thánh Thánh (Sanctus), cho đến sau lời thưa Amen của Kinh nguyện Thánh Thể, trừ khi vì lý do sức khoẻ, vì nơi chật hẹp, hoặc vì quá đông người dự lễ, hay vì những lý do chính đáng khác, không thể quỳ được. Tuy nhiên, những người không quý khi truyền phép thì phải cúi mình sâu khi vị tư tế quỳ gối sau truyền phép. Các tín hữu quỳ sau Đây Chiên Thiên Chúa (Agnus Dei) trừ khi Giám mục Giáo phận quyết định thể khác.

“Nhằm có sự đồng nhất trong các cử chỉ và tư thế trong một buổi cử hành, các tín hữu nên tuân theo các hướng dẫn, mà phó tế, thừa tác viên giáo dân hay linh mục đưa ra, theo những gì được nêu ra trong Sách lễ”.

Bản dịch của Hội Đồng Giám Mục Anh phản ánh phiên bản chung cuộc tiếng Latinh của Sách Lễ. Bản dịch của Hoa Kỳ xác định một thực hành biến thể cho Hoa Kỳ, vốn đã được Tòa Thánh phê chuẩn hợp pháp như là luật riêng.

Trong thực tế, chính sau khi đã phê chuẩn thỉnh cầu của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ mà Tòa Thánh đã sửa đổi văn bản gốc, để bao gồm câu: “Ở đâu giáo dân có thói quen quỳ suốt sau câu tung hô Thánh Thánh Thánh (Sanctus) cho đến hết Kinh Nguyện Thánh Thể, và trước phần Hiệp lễ linh mục đọc Đây Chiên Thiên Chúa (Ecce Agnus Dei), thì đó là điều đáng khen nên duy trì”. Điều này có nghĩa là nếu các Hội Đồng Giám Mục khác muốn giữ lại thực hành này, họ có thể làm như vậy, mà không cần phải xin phép Tòa Thánh”.

Đối với phó tế, Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma nói:

“179. Trong phần kinh Tạ Ơn, thầy Phó tế đứng gần vị tư tế, phía sau một chút, để khi cần, giúp ngài mở chén, mở sách.

“Từ lúc đọc kinh khẩn cầu Thánh Linh cho đến khi nâng chén thánh, thường thì thầy phó tế quỳ. Nếu có nhiều phó tế, một thầy sẽ bỏ hương và xông hương lúc nâng bánh thánh và chén thánh sau truyền phép” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Do đó, phó tế về cơ bản tuân theo sự thực hành phổ quát, mặc dù có một sự thay đổi hợp pháp về tư thế đối với người ở Hoa Kỳ.

Điều này là bởi vì vai trò thừa tác riêng của phó tế thường đòi hỏi thầy phải đứng, ngoại trừ trong khi truyền phép.

Chẳng hạn, trong số các nhiệm vụ của thầy, có việc giúp linh mục với Sách lễ trong phần Kinh nguyện Thánh Thể.

Tương tự như vậy, nếu tấm đậy chén thánh được dùng, thầy sẽ cất tấm đậy ngay trước Kinh Khẩn cầu Thánh Linh, và có thể đậy chén thánh với tấm đậy sau lời tung hô tưởng niệm.

Thầy chắc chắn sẽ đến gần hơn, trước khi kết thúc Kinh nguyện Thánh Thể, để giúp nâng chén thánh khi kinh mục bắt đầu đọc Vinh tụng ca (doxology) cuối cùng.

Cuối cùng, phó tế tại bàn thờ không bao giờ thực hiện bất kỳ hành động phụng vụ nào trong khi quỳ. Một bàn tay thầy không bao giờ xuất hiện từ bên dưới bàn thờ để lật trang Sách lễ, hoặc cất tấm đậy khỏi chén thánh.

Như đã nói trên, tấm đậy chén thánh được cất đi trước Kinh Khẩn cầu Thánh Linh, hoặc nếu sự hiện diện của bụi hoặc côn trùng đòi hỏi phải giữ tấn đậy càng lâu càng tốt, linh mục có thể tự mình cất tấm đậy, cũng như ngài có thể lật trang Sách lễ, nếu cần.

Do đó, phó tế chỉ nên quỳ trong phần Truyền phép, vì thừa tác của thầy như lá phó tế đòi hỏi như vậy.

Trong một số trường hợp, chẳng hạn như cần phải giúp đỡ một linh mục già yếu, hoặc cần giữ micro cho linh mục nói được nghe rõ, thì phó tế, và kể cả một thừa tác viên thích hợp khác có thể đứng, ngay cả khi Truyền phép.

Sau bài trả lời của tôi ngày 5-2 về chơi nhạc ứng tấu sau Hiệp lễ, một linh mục đã bình luận:

“Trong các nhận xét kết luận về chơi nhạc ứng tấu sau Hiệp lễ, tôi đã đọc điều gì đó về âm nhạc giúp suy niệm. Tôi không nhớ đã đọc gì về âm nhạc giúp suy niệm sau Hiệp lễ trong các tài liệu chính thức. Tôi đã thấy rằng “cộng đoàn cũng có thể hát một thánh thi, một thánh vịnh hay một bài thánh ca ngợi khen” (xem số 88), nhưng không phải nhạc giúp suy niệm. Tôi hiểu thời gian sau Hiệp lễ là để ngợi khen thầm lặng hoặc ngợi khen bằng hát. Tôi nghĩ rằng lời ngợi khen thầm lặng hoặc ngợi khen bằng hát có thể củng cố các khía cạnh cộng đoàn, mà sự rước lễ chia sẻ có thể mang lại cho chúng ta, trong khi âm nhạc giúp suy niệm có xu hướng đưa chúng ta vào chính mình, và rời xa cộng đoàn vào thời điểm này trong phụng vụ”.

Bạn đọc linh mục này nói chính xác, và tôi thấy mình nó rõ ràng hơn. Trong thực tế, không có gì nỏi về tài liệu chính thức đề cập đến âm nhạc giúp suy niệm cả, liên quan đến phần này của phụng vụ. Chỉ có một gợi ý rằng âm nhạc cho thánh vịnh đáp ca có thể là loại nhạc giúp suy niệm.

Điều mà tôi đang cố gắng đưa ra là rằng, nếu người ta chọn thay thế thời gian tạ ơn thầm lặng bằng một thánh vịnh hay một bài thánh ca ngợi khen, thì âm nhạc đi kèm lời hát nên tìm cách tạo ra một thái độ cầu nguyện tương tự trong cộng đoàn.

Mặc dù không bắt buộc, một giai điệu mà âm nhạc suy ngẫm lời ca có vẻ phù hợp hơn về mặt phụng vụ, so với một bài hát sôi động vào thời điểm này của phụng vụ. (Zenit.org 19-2-2019)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/deacons-posture-at-the-epiclesis/