1. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu lần hạt cầu nguyện cho Giáo Hội cách đặc biệt trong tháng Mười

Thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh được công bố hôm thứ Bảy 29 tháng 9 cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi “tất cả tín hữu trên toàn thế giới, lần hạt Mân Côi mỗi ngày” trong tháng Mười là tháng Đức Mẹ.

Sau đây là toàn văn bản thông cáo:

Lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô

Đức Thánh Cha quyết định mời gọi tất cả các tín hữu, trên toàn thế giới, lần hạt Mân Côi mỗi ngày, trong suốt tháng Mười là tháng Đức Mẹ, để hiệp thông và ăn năn đền tội cùng toàn thể dân Chúa, đồng thời cầu xin rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời và Tổng Lãnh Thiên Thần Micae bảo vệ Giáo Hội khỏi quỷ dữ, là kẻ luôn tìm cách tách chúng ta khỏi Thiên Chúa và chia rẽ với nhau.

Trong những ngày gần đây, trước khi khởi hành đi các nước vùng Baltic, Đức Thánh Cha đã gặp Cha Fréderic Fornos, linh mục Dòng Tên, giám đốc quốc tế của Mạng lưới cầu nguyện thế giới cho Đức Giáo Hoàng, và yêu cầu ngài truyền bá lời kêu gọi này đến tất cả các tín hữu trên hoàn cầu, mời gọi họ sau khi lần hạt Mân Côi hãy đọc lời cầu cổ kính “Sub Tuum Praesidium”, và lời nguyện cùng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae xin Thánh Thiên Thần bảo vệ chúng ta và giúp chúng ta trong cuộc chiến chống ma quỷ.

Trích dẫn chương đầu tiên trong sách Gióp, Đức Thánh Cha đã khẳng định cách đây vài ngày, chính xác là vào ngày 11 tháng 9, trong bài giảng thánh lễ ban sáng tại Santa Marta rằng lời cầu nguyện là vũ khí chống lại tên Đại Cáo Buộc chuyên “đi vòng quanh thế giới tìm cách tố cáo”. Chỉ có lời cầu nguyện mới có thể đánh bại được nó. Các nhà thần bí người Nga và những vị thánh vĩ đại của tất cả các truyền thống đã khuyên chúng ta trong những khoảnh khắc xao xuyến linh hồn hãy trú ẩn dưới áo Mẹ Thiên Chúa với lời kinh cầu “Sub Tuum Praesidium” – tiếng Việt gọi là “Kinh Trông Cậy”.

Sub Tuum Praesidium

Lời kinh “Sub Tuum Praesidium” như sau:

“Sub tuum praesidium confugimus Sancta Dei Genitrix. Nostras deprecationes ne despicias in necessitatibus, sed a periculis cunctis libera nos semper, Virgo Gloriosa et Benedicta”.

“We fly to Thy protection, O Holy Mother of God. Do not despise our petitions in our necessities, but deliver us always from all dangers, O Glorious and Blessed Virgin.”

“Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ đồng trinh, hiển vinh sáng láng. Hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ.”

Với Kinh Trông Cậy này, Đức Thánh Cha yêu cầu tất cả mọi người trên thế giới cầu nguyện xin Mẹ Thánh Thiên Chúa đặt Giáo Hội dưới lớp áo bảo vệ của Mẹ: để bảo vệ Giáo Hội khỏi những tấn công của ma quỷ, là tên Đại Cáo Buộc, và đồng thời làm cho Giáo Hội nhận thức rõ hơn về những lỗi lầm, những sai sót và những lạm dụng đã phạm trong hiện tại và quá khứ, và cam kết chiến đấu không do dự, để điều ác không thể chiếm ưu thế.

Lời cầu cùng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae

Đức Thánh Cha cũng đã yêu cầu sau khi đọc Kinh Mân Côi trong tháng Mười này, các tín hữu hãy đọc lời cầu nguyện được viết bởi Đức Giáo Hoàng Leo XIII:

“Sancte Michael Archangele, defende nos in proelio; contra nequitiam et insidias diaboli esto praesidium. Imperet illi Deus, supplices deprecamur: tuque, Princeps militiae caelestis, Satanam aliosque spiritus malignos, qui ad perditionem animarum pervagantur in mundo, divina virtute, in infernum detrude. Amen”.

“Saint Michael Archangel, defend us in battle, be our protection against the wickedness and snares of the devil; may God rebuke him, we humbly pray; and do thou, O Prince of the heavenly host, by the power of God, cast into hell Satan and all the evil spirits who prowl through the world seeking the ruin of souls. Amen”.

“Lạy ơn Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, xin giúp chúng con trong cơn giao chiến, đánh phá sự hiểm ác mưu sâu quỉ dữ. Chúng con sấp mình nguyện xin Chúa chế trị nó cùng xin nguyên soái cơ bình trên trời lấy quyền phép Chúa mà hạ Satan cùng các quỉ dữ đang rong ruổi khắp thế làm hại các linh hồn. Xin bắt chúng giam cầm trong hỏa ngục. Amen”

2. Những âu lo của Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput trước thềm Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên

Trong một bài xã luận được công bố hôm thứ Bảy trên tờ Il Foglio của Ý, Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của Philadelphia đã nhắc lại những âu lo của ngài về Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên với chủ đề “Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi”, bắt đầu từ ngày 3 tháng Mười.

Theo Đức Tổng Giám Mục Chaput, sau báo cáo của đại bồi thẩm đoàn toàn tiểu bang Pennsylvania, và các tai tiếng lạm dụng ở Chí Lợi, Đức và các nơi khác, “Giáo hội đang trong tình trạng hỗn loạn.”

“Trong môi trường hỗn loạn này, Tòa Thánh sẽ tổ chức một Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên, từ ngày 3 đến 28 tháng 10, tại Rôma. Hợp lưu của những sự kiện xấu diễn ra vào một thời điểm tồi tệ quá sức tưởng tượng khiến cho chủ đề 'Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi' trở nên mỉa mai và khó khăn hơn bao giờ.”

Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục giải thích rằng “điều này không có nghĩa là Thượng Hội Đồng Giám Mục này nhất thiết phải thất bại. Lời kêu gọi cá nhân của Đức Thánh Cha Phanxicô và thiện chí của nhiều người đối với chủ đề này vẫn còn rất mạnh mẽ.”

“Đây là lý do tại sao nhiều linh mục trẻ, chẳng hạn như những vị đã viết một bức thư ngỏ cho các nghị phụ của Thượng Hội Đồng sắp xảy ra vào đầu tháng này, xem Thượng Hội Đồng này một cơ hội quý giá. Và như các vị đã chỉ rõ, thành công của Thượng Hội Đồng này phụ thuộc vào sự trông cậy sâu sắc vào Lời Chúa và sứ mệnh của Giáo hội, bất chấp tội lỗi của hàng lãnh đạo.”

“Chính là với ánh sáng đức tin của các vị, và đức tin của những người nam nữ trẻ khác như họ, mà Tài Liệu Làm Việc cần phải được xem xét và sửa đổi. Với tình trạng như hiện nay, văn bản quá chú trọng đến khoa học xã hội, nhưng xem nhẹ lời mời gọi hướng đến đức tin, hoán cải, và truyền giáo,” Đức Tổng Giám Mục Chaput viết.

Trích dẫn một sự bài phân tích thần học được công bố gần đây, Đức Tổng Giám Mục Chaput than thở rằng tài liệu “có những sai sót thần học nghiêm trọng… bao gồm: sự hiểu biết sai lạc về lương tâm và vai trò của lương tâm trong đời sống đạo đức;” một “sự chia cách giả tạo được dựng lên giữa sự thật và tự do”, “một sự chú trọng thái quá về các yếu tố văn hóa xã hội, đến mức loại trừ các vấn đề tôn giáo và đạo đức sâu sắc hơn”, “một sự vắng mặt những hy vọng của Tin Mừng,” và “một sự phân tích quá thiếu sót đối với tai tiếng lạm dụng tính dục.”

Đức Tổng Giám Mục Chaput thừa nhận rằng “Những nhận xét này xem ra có vẻ khắc nghiệt, nhưng không thể bỏ qua. Một Thượng Hội Đồng Giám Mục đề cập đến vấn đề tình dục và thanh thiếu niên cũng nên đối phó một cách trung thực và triệt để với căn cội của thảm họa lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.”

Đức Tổng Giám Mục Chaput kết luận rằng:

“Trước một liều lượng quá mạnh những cảm tính, những tương nhượng, và những phân tích thiên về xã hội học cả Đức Giáo Hoàng lẫn Giáo hội chẳng được ơn ích gì, đặc biệt trong một thời điểm bị sỉ nhục và khủng hoảng như thế này”.

Tờ Il Foglio- được thành lập vào năm 1996 bởi nhà báo Ý Giuliano Ferrara với khuynh hướng độc lập. Mặc dù số lượng phát hành giới hạn chỉ có 47,000 mỗi ngày, tờ báo được coi là một trong những tiếng nói độc lập và có ảnh hưởng nhất của Ý trong các vấn đề về chính trị, văn hóa và tôn giáo.

3. Đức Giáo Hoàng trục xuất linh mục Chí Lợi Fernando Karadima khỏi hàng giáo sĩ

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng một “quyết định ngoại thường” nhằm trục xuất Fernando Karadima khỏi chức tư tế đã được thực hiện “vì lợi ích của Giáo Hội.”

Chiều thứ Sáu 28 tháng 9, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã huyền chức Fernando Karadima Fariña của Tổng Giáo Phận Santiago de Chile.

Karadima là trọng tâm của vụ tai tiếng lạm dụng tình dục gần đây nhất ở Chí Lợi.

Bản tuyên bố, được viết bằng tiếng Tây Ban Nha, nói rằng “Đức Thánh Cha đã đưa ra quyết định ngoại thường này theo lương tâm và vì lợi ích của Giáo Hội”; và cho biết tiếp rằng, “ngài đã thực hành 'thẩm quyền tối thượng, đầy đủ, ngay lập tức, và phổ quát trong Giáo Hội,' với ý thức về sự phục vụ của ngài đối với dân Chúa trong tư cách người kế nhiệm Thánh Phêrô.”

Sắc lệnh được ký bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày thứ Năm, có hiệu lực ngay lập tức từ thời điểm đó, và bao gồm việc bãi bỏ tất cả các nghĩa vụ thuộc hàng giáo sĩ của Karadima.

4. Khuynh hướng ngông cuồng: Đặt tên con trẻ là Lucifer

Văn phòng Thống kê Quốc gia của Anh quốc cho biết 7 bé trai đã bị cha mẹ đặt tên là Lucifer ở Anh và xứ Wales vào năm 2017. Tính đến nay, ít nhất 11 trẻ em ở Anh và xứ Wales hiện mang tên là Lucifer.

Cái tên được sử dụng phổ biến nhất để chỉ ma quỷ đã trở nên phổ biến hơn. Năm trước đó, 2016, chỉ có bốn đứa trẻ bị cha mẹ đặt cho cái tên chắc chắn khó ngóc đầu ngóc cổ lên được này.

Sự phổ biến của cái tên quái đản này có thể là xuất phát từ tâm tình bài bác tôn giáo ngông cuồng. Tuy nhiên, theo tờ Catholic Herald, cũng có thể là vì sự hâm mộ đối với một bộ phim truyền hình nhiều tập của Netflix. Bộ phim, có tên là Lucifer, nói về các hoạt động của cảnh sát nhằm vạch trần sự gian ác và quỷ quái của chủ một hộp đêm ở Los Angeles.

Theo thống kê, ba bé trai khác trong năm 2017 được đặt tên là Johnpaul, 18 bé trai được gọi là John-Pauls; 233 em tên là Francis và 91 em được gọi là Benedict.

5. Khái quát về Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên

Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên, là Thượng Hội Đồng Giám Mục bình thường khóa 15, sẽ diễn ra từ ngày 3 đến ngày 28 tháng 10 năm 2018 và có chủ đề “Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi”. Mục đích được đề ra là nhằm “tháp tùng những người trẻ tuổi trên hành trình của họ hướng đến sự trưởng thành sao cho, thông qua một quá trình phân định, họ có thể khám phá dự án cuộc sống của mình và nhận ra nó với niềm vui, mở ra cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa và với con người, cũng như tích cực tham gia vào việc xây dựng Giáo Hội và xã hội”.

Chủ đề đã được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn sau khi tham khảo các thành viên của Ủy Ban Thượng Hội Đồng Giám Mục, các Hội Đồng Giám Mục khu vực và quốc gia, Liên hiệp các Bề Trên Tổng quyền, các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo phương Đông và những người khác. Chủ đề này, theo Đức Thánh Cha Phanxicô, sẽ cho phép việc xem xét sự suy giảm ơn thiên triệu cùng với câu hỏi rộng lớn hơn về sự phân định ơn gọi cuả thanh niên.

Vào tháng Giêng năm 2017, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công bố một lá thư mời “Những người trẻ tuổi” đóng góp vào việc lập kế hoạch của Hội đồng. Ngài viết:

“Một thế giới tốt hơn có thể được xây dựng như là kết quả của những nỗ lực của các bạn, mong muốn thay đổi của các bạn và sự quảng đại của các bạn. Đừng sợ lắng nghe Thánh Linh, Đấng đề xuất những lựa chọn táo bạo; đừng trì hoãn khi lương tâm các bạn yêu cầu các bạn chấp nhận rủi ro khi theo Thầy. Giáo Hội cũng mong muốn lắng nghe tiếng nói của các bạn, sự nhạy cảm và đức tin của các bạn; ngay cả những nghi ngờ của các bạn và những lời chỉ trích của các bạn. Hãy làm cho tiếng nói của các bạn được cất lên, để nó vang dội trong cộng đồng và để nó được lắng nghe bởi những mục tử phần hồn của các bạn.”

6. Tiến trình chuẩn bị

Tháng 6 năm 2017, Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục, đã công bố việc ra mắt một trang web để trình bày tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục kèm theo một bảng câu hỏi bằng tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức và Ý để thu thập các đề nghị. Ngài bày tỏ hy vọng sẽ tổ chức một cuộc gặp gỡ thanh thiếu niên trước Thượng Hội Đồng Giám Mục. 53 câu hỏi chủ yếu là những câu hỏi với các lựa chọn sẵn, được chia thành bảy phần và nhắm đến việc học hỏi kinh nghiệm địa phương cụ thể của thế hệ trẻ.

Tài liệu dự thảo cho biết Thượng Hội Đồng Giám Mục lần này nhắm chủ yếu đến những người trẻ, tuổi từ 16 đến 29, với ưu tiên là giao tiếp với họ: “Trong hoạt động mục vụ, những người trẻ không phải là các đối tượng nhưng là những tác nhân. Thông thường, xã hội coi họ là không cần thiết hoặc bất tiện. Giáo Hội không thể phản ánh một thái độ như vậy, bởi vì tất cả những người trẻ, không có ngoại lệ, đều có quyền được hướng dẫn trong cuộc hành trình cuộc sống.” Tài liệu dự thảo của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên cũng đặt ra một bộ câu hỏi khác cho các giám mục để đánh giá cách thức các ngài làm việc cho thanh niên và bao gồm một số câu hỏi nhắm đến các vùng địa dư cụ thể và hỏi về những vấn đề tương đối mang tính chất chuyên biệt của địa phương, chẳng hạn như, về đáp trả đối với “bạo lực cực đoan” hay công ăn việc làm trong một xã hội “thế tục hóa cao độ”.

Vào đầu tháng 7, Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri báo cáo rằng bảng câu hỏi đã nhận được hơn 60,000 câu trả lời và trang web đã thu được 173,000 địa chỉ email liên hệ. Đức Hồng Y nói ngài hy vọng những vấn đề nêu ra trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên sẽ lôi cuốn “tất cả những người trẻ, chứ không chỉ những người trẻ Công Giáo tích cực”. Tháng Chín vừa qua, Đức Hồng Y đã có cuộc hội thảo với khoảng 20 thiếu niên và thanh niên để nghe ý tưởng của họ về Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên. Những người tham gia không bị giới hạn trong việc trình bày ý kiến của họ về các chủ đề và về những cố gắng của họ để hiểu những gì mà Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên muốn đạt đến.

7. Những vị tham gia trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên

Đức Hồng Y Baldisseri công bố vào tháng 1 năm 2017 rằng các kiểm toán viên tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên, tức là những người tham dự không có quyền biểu quyết, sẽ bao gồm những thanh niên thiếu nữ được chọn để đại diện cho toàn thế giới.

Theo dự kiến ban đầu, trong số các Giám mục tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên, báo chí đặc biệt đề cập đến Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của Philadelphia, Hoa Kỳ; Đức Hồng Y Reinhard Marx của Đức; Đức Hồng Y Gerald Lacroix của Quebec, Canada; Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Đời sống; Đức Hồng Y Blase Cupich của Chicago, Hoa Kỳ; và Đức Hồng Y Joseph Tobin ở Newark, Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, vào ngày 21 tháng Chín, Đức Hồng Y Tobin tuyên bố không tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên vì cảm thấy công việc quan trọng hơn của ngài hiện nay là giải quyết các vấn đề liên quan đến tai tiếng lạm dụng tình dục trong Tổng Giáo phận Newark.

Trong thông cáo đưa ra hôm 15 tháng Chín vừa qua, Tòa Thánh cho biết có khoảng 300 Hồng Y, giám mục, linh mục, tu sĩ và tham dự viên giáo dân đại diện mọi miền trên thế giới. 151 vị do các Hội Đồng Giám Mục đề cử; 39 vị do chính Đức Phanxicô đề cử. Ngoài ra, tất cả các vị đứng đầu các cơ quan cấp bộ và ngang bộ của Tòa Thánh sẽ tham dự. Đó là chưa kể 15 thành viên của Ủy ban Thượng Hội Đồng, do các tham dự viên tại Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa 14 bầu ra.

Giáo Hội Việt Nam có hai Giám Mục là Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, Giám Mục Phụ Tá giáo phận Vinh; và Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám Mục Phụ Tá tổng giáo phận Sàigòn.

Giáo Hội tại Hoa Kỳ đề cử 4 vị là Đức Hồng Y Daniel N. Dinardo, Tổng Giám Mục Galveston-Houston, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục; Đức Cha Frank J. Caggiano, Giám Mục Bridgeport; Đức Tổng Giám Mục José Horacio Gómez của Los Angeles và vị Giám Mục Phụ Tá của ngài là Đức Cha Robert Emmet Barron. Bên cạnh đó còn có Đức Hồng Y Blaise Cupich, Tổng Giám Mục Chicago được Đức Phanxicô đích thân mời; và Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của Philadelphia là thành viên của Ủy ban Thượng Hội Đồng.

Nếu không có gì thay đổi vào giờ chót, các vị nắm giữ các nhiệm vụ quan trọng tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên sẽ gồm có:

Tổng tường trình viên: Đức Hồng Y Sérgio da Rocha, Tổng Giám Mục Brasilia

Thư ký: Linh mục Giacomo Costa, dòng Tên; và Linh mục Rossano Sala dòng Salêsiêng Don Bosco.

Chủ tịch thừa ủy: Đức Hồng Y Louis Raphael I Sako, Đức Hồng Y Désiré Tsarahazana, Đức Hồng Y Charles Maung Bo, và Đức Hồng Y John Ribat.

8. Tài Liệu Làm Việc

Tài liệu làm việc sẽ hướng dẫn các cuộc thảo luận của các giám mục đã được công bố vào tháng 6 năm 2018. Tài liệu này nhằm cung cấp một cái nhìn tổng quan về các tình huống mà những người trẻ tuổi từ 16 đến 29 đang đối mặt trên toàn thế giới. Tài liệu được hình thành trên cơ sở những câu trả lời của người trẻ và của các Hội Đồng Giám Mục. Tài liệu khẳng định “Những người trẻ cảm thấy thiếu sự hài hòa với Giáo Hội” và “Có vẻ như chúng ta không hiểu từ vựng, và do đó, không hiểu được nhu cầu của giới trẻ.”

Văn hóa vứt bỏ, một mối quan tâm đặc biệt của Đức Thánh Cha Phanxicô, sẽ được thảo luận, cùng với những vấn nạn như cái chết, tham nhũng, chiến tranh và nạn buôn bán ma túy. Tài Liệu Làm Việc cũng liệt kê những chủ đề khác như tình bạn, tin giả và trò chơi điện tử, hiện trạng di dân trên thế giới và những người khuyết tật. Phong trào đại kết Kitô Giáo và đối thoại liên tôn cũng sẽ được thảo luận. Tài liệu cũng đề cập đến những thách thức và cơ hội mà Internet mang lại. Nhờ kỹ thuật mới này, Giáo Hội có thể tiếp cận những người trẻ thông qua các phương tiện truyền thông xã hội. Tuy nhiên, tài liệu cũng dành một phần quan trọng để phê phán các trò chơi điện tử về cách thức chúng “hình thành nơi giới trẻ một tầm nhìn đánh lo ngại và gây tranh cãi về con người và thế giới, nuôi dưỡng một phong cách quan hệ với tha nhân dựa trên bạo lực.” Tài Liệu Làm Việc cũng làm nổi bật nhiều khía cạnh tích cực của người trẻ như ao ước tham gia tích cực vào cuộc sống dân sự, bảo vệ môi trường, và mong muốn nhổ tận gốc rễ nạn tham nhũng và phân biệt đối xử.

Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên cũng sẽ xem xét vấn đề tính dục của người trẻ như “những hoạt động tình dục sớm, việc có nhiều bạn tình, khiêu dâm kỹ thuật số, việc phô bày thân thể trên mạng và du lịch tình dục” là những điều có “nguy cơ biến dạng vẻ đẹp và chiều sâu của cuộc sống tình cảm và tình dục”.

Trong một bài đăng trên tờ First Thing, Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput bày tỏ âu lo rằng tài liệu chỉ than vãn về việc làm biến dạng vẻ đẹp và chiều sâu của đời sống tình cảm và tình dục “mà không đề cập gì đến hậu quả của nó là làm biến dạng linh hồn, hậu quả mù lòa tâm linh của nó, và ảnh hưởng của nó ra sao đối với việc tiếp nhận Tin Mừng của một người bị thương tích đến như thế.

Các mối quan tâm của thanh thiếu niên đồng tính “là những người, trên tất cả, muốn gần gũi với Giáo Hội,” sẽ là một mối quan tâm đặc biệt. Những câu trả lời cho bản hỏi đáp của Thượng Hội Đồng Giám Mục cho thấy nhiều thanh thiếu niên đồng tính nói rằng họ muốn “được hưởng những ơn ích từ sự gần gũi hơn với Giáo Hội” và muốn được Giáo Hội chăm sóc nhiều hơn.” Tài liệu này cũng nhấn mạnh rằng Giáo Hội phải cởi mở và chào đón tất cả, kể cả người đồng tính là người Công Giáo, hay tín hữu của các tôn giáo khác, và cả những người không có đức tin. Trong buổi họp báo giới thiệu Tài Liệu Làm Việc, Đức Hồng Y Tổng thư ký Lorenzo Baldisseri cho biết Giáo Hội đang nỗ lực để lôi cuốn sự tham gia của cộng đồng những người đồng tính bởi vì “chúng ta cởi mở. Chúng ta không muốn tự mình đóng cửa.”

Cách nói của Đức Hồng Y Baldisseri là một vấn nạn cho nhiều người. Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput thẳng thừng phê phán rằng Tài Liệu Làm Việc bàn nhiều về những gì giới trẻ muốn, nhưng lại ít bàn đến việc những mong muốn này của các em phải được biến đổi bằng ân sủng như thế nào cho một cuộc sống phù hợp với thánh ý Chúa dành cho cuộc sống của các em. Người đọc có thể dễ dàng đi đến kết luận rằng phần sau là không quan trọng đối với Giáo Hội.

Tài Liệu Làm Việc cũng thừa nhận rằng “các vấn đề gây tranh cãi, như tránh thai, phá thai, đồng tính luyến ái, sống chung không kết hôn” là nguồn tranh luận giữa giới trẻ, cả bên trong Giáo Hội và trong xã hội. Trong khi một số người thấy giáo huấn của Giáo Hội là “nguồn vui”, những người có quan điểm khác với giáo huấn của Giáo Hội về những vấn đề này nhưng “vẫn muốn tiếp tục là một phần của Giáo Hội” đang đòi hỏi sự minh định rõ ràng hơn về phía Giáo Hội. Hệ quả là, các nghị phụ trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên được yêu cầu “đối đầu, một cách cụ thể, với những tranh luận có tính tranh cãi như đồng tính luyến ái và các vấn đề giới tính, mà giới trẻ đã tranh luận một cách tự do và vượt ra ngoài những điều cấm kỵ.” và đồng thời các ngài cũng phải giải thích giáo huấn của Giáo Hội về tính dục với xã hội đương đại. Tài Liệu Làm Việc nhấn mạnh rằng những vấn đề liên quan đến tính dục phải được thảo luận công khai hơn và không được có thành kiến. Nghiên cứu được trích dẫn trong tài liệu cho thấy những người trẻ phải đối mặt với sự kỳ thị vì giới tính, tầng lớp xã hội của họ, liên kết tôn giáo, khuynh hướng tính dục, vị trí địa lý, khuyết tật hay chủng tộc. Những người trẻ tuổi cũng “báo cáo sự phân biệt đối xử tôn giáo dai dẳng, đặc biệt là những tấn kích chống lại các Kitô hữu.”

Tài Liệu Làm Việc báo cáo rằng các phiếu phỏng vấn kêu gọi một Giáo Hội “dấn thân cho công lý”, sẵn sàng thảo luận về vai trò của phụ nữ, có những bài giảng liên hệ thiết thực hơn với cuộc sống và những băn khoăn của họ, và một hình thái Phụng Vụ “sống động và gần gũi hơn” đối với họ. Tài Liệu Làm Việc cho rằng Giáo Hội phải tháp tùng những người trẻ trong cuộc sống của họ, vì giáo dục và truyền giáo là một “nghĩa vụ của Giáo Hội” và là “quyền của mỗi người trẻ.” Theo Tài Liệu Làm Việc, những người trẻ cho rằng Giáo Hội thường có vẻ xa xôi, và mong muốn Giáo Hội gần gũi hơn, minh bạch hơn và liên hệ hơn với thời đại. Theo tài liệu, Giáo Hội cũng được kêu gọi để lắng nghe thanh thiếu niên và sẵn sàng thảo luận các vấn đề khó khăn. Tài Liệu Làm Việc nói rằng những tai tiếng trong Giáo Hội và xã hội, cũng như một cảm nhận theo đó “nhiều lần Giáo Hội tỏ ra quá nghiêm khắc và thường gắn bó với đạo đức quá mức”, đang khiến những người trẻ rời bỏ Giáo Hội. Tài liệu thừa nhận có những “lý do nghiêm trọng và đáng kể”, dẫn đến hiện trạng là quá thường khi người trẻ chỉ đóng một “vai trò thụ động trong cộng đồng Kitô hữu.” Những người trẻ cho biết trong các phiếu hỏi đáp rằng họ muốn có một vai trò tích cực trong Giáo Hội.