Như chúng tôi đã đưa tin, lúc 07g20 sáng thứ Hai ngày 24 tháng 9, Đức Thánh Cha đã khởi hành bằng đường hàng không từ sân bay Quốc tế Vilnius để đến Riga.

Sau một giờ bay, Đức Thánh Cha đã đến thủ đô của Latvia lúc 08g20.

Sau nghi thức chào đón, Đức Thánh Cha đã đi xe đến dinh tổng thống nơi đã diễn ra cuộc gặp gỡ với tổng thống, chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn vào lúc 9g30.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Latvia là một quốc gia có lịch sử lâu đời tại châu Âu. Tổ tiên của người Latvia là những bộ lạc Baltic cổ đã sống ở phía đông bờ biển Baltic từ thiên niên kỷ thứ 3 trước Chúa Giáng Sinh.

Do nằm ở một vị trí chiến lược, Latvia thường xuyên bị xâm chiếm bởi những quốc gia lớn hơn xung quanh. Từ thế kỷ 18, Latvia bị sáp nhập vào Nga. Tuy nhiên, người Latvia giữ gìn được bản sắc dân tộc qua ngôn ngữ và âm nhạc, nên mặc dù bị đô hộ trong nhiều thế kỷ, họ không bị đồng hóa.

Ngày 18 tháng 11 năm 1918, nền cộng hòa của Latvia chính thức được thành lập. Với Hiệp ước bất tương xâm giữa Liên Sô và Quốc Xã Đức, thường được gọi là hiệp ước Molotov-Ribbentrop 1939, cùng với Lithuania và Estonia, Latvia lại bị sáp nhập vào Liên Bang Sô Viết với tên gọi Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Latvia.

Sau cuộc chính biến bất thành tại Mạc Tư Khoa, ngày 21 tháng 8 1991, Latvia tuyên bố trở thành một quốc gia độc lập chấm dứt thời kỳ hơn 50 năm chiếm đóng của Liên Sô.

Ngày nay, Latvia là thành viên của Liên minh châu Âu, Hội đồng Châu Âu, Hiệp định Schengen, OECD và NATO. Latvia cũng là một thành viên của Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu, và là một thành viên trong Liên minh hợp tác Bắc Âu-Baltic của các nước Bắc Âu.

Liên Hợp Quốc xếp Latvia vào hàng thứ 46 trong chỉ số “phát triển nhân bản”. Lý do là vì sau nhiều năm bị ngoại bang đô hộ, người dân Latvia tỏ ra đặc biệt quan ngại trước những di dân người Nga đang sống tại quốc gia này. Hiện nay, có khoảng 270, 000 trong số 740,000 người Latvia gốc Nga không được thừa nhận có quyền công dân do di dân từ Nga sang trong thời kỳ chiếm đóng của Liên Sô dù họ đã sống tại Latvia từ lâu. Những người này không có bất cứ quốc tịch nào và là căn nguyên khiến Latvia bị chỉ trích.

Năm 2016, Nils Ušakovs, đô trưởng Riga, một người Latvia gốc Nga, đã bị Trung Tâm Ngôn Ngữ Học quốc gia Latvia phạt tiền vì dám viết tiếng Nga trên Facebook của ông ta.

Latvia ngày nay là một quốc gia phát triển kinh tế rất nhanh chóng. Thu nhập bình quân đầu người là 27,600 Mỹ Kim một năm theo thống kê vào năm 2017.

Latvia theo Quốc Hội chế. Quốc Hội, gọi là Saeima /sæ-eɪ-mɒ/, gồm một viện duy nhất với 100 đại biểu có quyền bãi nhiệm tổng thống trong một cuộc biểu quyết với tỷ số hơn 2/3. Tổng thống chỉ là người đại diện cho nhà nước trong quan hệ quốc tế, thực hiện các quyết định của Quốc hội về phê duyệt các điều ước quốc tế, và là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.

Tổng thống hiện nay là ông Raimonds Vējonis /reɪ-mondz vɛ'-dʒʊ̈n-əns/, sinh ngày 15 tháng 6 năm 1966, đã đảm nhận chức vụ từ ngày 8 tháng 7 năm 2015. Ông là thành viên của Đảng Xanh, một phần của Liên minh Xanh và Nông dân. Ông từng là Bộ trưởng Bộ Bảo vệ Môi trường và Phát triển Khu vực vào năm 2002 và vào năm 2011. Ông cũng là Bộ trưởng Bộ Môi trường từ năm 2003 đến năm 2011. Ông trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Latvia năm 2014 và giữ chức vụ đó cho đến khi trở thành Tổng thống vào năm 2015.

Ông Raimonds Vējonis có cha là người Latvia, mẹ là người Nga. Ngoài tiếng Latvia, ông nói thông thạo tiếng Nga và tiếng Anh. Ông có gia đình và 2 con. Ông là một người theo dị giáo Baltic, một tôn giáo đa thần.

Trong diễn từ trước tổng thống, chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn, Đức Thánh Cha nói:

Thưa Tổng Thống

Qúy thành viên chính phủ và các thẩm quyền quốc gia

Qúy thành viên ngoại giao đoàn và qúy đại diện xã hội dân sự

Các bạn thân mến,

Thưa Tổng Thống, tôi biết ơn vì những lời chào đón ân cần của ngài và vì lời mời tới thăm Latvia mà ngài đã ngỏ cùng tôi trong buổi chúng ta gặp nhau tại Vatican.Tôi sung sướng được hiện diện ở đây lần đầu tiên, cả ở Latvia lẫn ở thành phố này, một thành phố, giống như toàn bộ đất nước, vốn phải đương đầu với các cuộc tranh đấu khó khăn về xã hội, chính trị, kinh tế và tâm linh, hậu quả của các chia rẽ và tranh chấp quá khứ, thế nhưng, hiện nay đã trở nên một trong các trung tâm văn hóa, chính trị và thương thuyền chính của cả vùng. Các đóng góp của qúy vị cho văn hóa, nghệ thuật và đặc biệt cho âm nhạc đã nổi tiếng quá bên kia các biên giới của qúi vị. Và hôm nay, tôi cũng có thể đánh giá cao những đóng góp đó lúc tôi tới phi trường. Với lời lẽ của Thánh Vịnh Gia, qúi vị quả có thể nói rằng “Ngài đã biến tang chế con thành múa nhẩy” (Tv 30:12). Latvia, đất của người Dainas, đã biến các sầu buồn và đau đớn của nó thành ca hát và múa nhẩy, và đã tìm cách trở thành nơi đối thoại và gặp gỡ, một cuộc sống chung hòa bình và hướng về tương lai.

Năm nay, quí vị cử hành 100 năm nền độc lập của đất nước quí vị, một thời điểm quan trọng đối với cuộc sống của xã hội nói chung. Quí vị biết quá rõ cái giá của nền tự do đó, tự do mà quí vị đã phải chiến thắng đi chiến thắng lại. Đó là một nền tự do được làm cho khả hữu nhờ vào cội rễ của quí vị, một cội rễ như Zenta Maurina, người từng truyền cảm hứng cho rất nhiều quí vị, từng nhận xét, “hiện diện ở thiên đàng”. Không có khả năng hướng thựợng này, không có khả năng nại tới các chân trời lớn hơn, những chân trời nhắc nhở chúng ta nhớ đến "phẩm giá siêu việt" ấy, phẩm giá mà tất cả chúng ta, như những hữu thể nhân bản, đều được ân ban (xem Diễn Văn với Nghị viện châu Âu, ngày 25 tháng 11 năm 2014), việc xây dựng lại quốc gia của quí vị sẽ không thể có được. Khả năng tâm linh biết nhìn sâu xa hơn ấy, như đã được biểu lộ trong các cử chỉ nhỏ mọn và hàng ngày của tình liên đới, cảm thương và hỗ trợ lẫn nhau, đã nâng đỡ quí vị và ngược lại, nó đã đem lại cho quí vị óc sáng tạo cần thiết để tạo ra các diễn trình xã hội mới, bất chấp các luồng tư tưởng duy giản lược và loại trừ luôn đe dọa cấu trúc của xã hội.

Tôi rất vui khi biết rằng Giáo Hội Công Giáo, trong khi hợp tác với các giáo hội Kitô giáo khác, là thành phần quan trọng của những gốc rễ đó. Sự hợp tác này cho thấy rằng có thể xây dựng sự hiệp thông giữa những khác biệt. Điều này sẽ xảy ra khi người ta được thúc đẩy để để lại phía sau các xung đột hời hợt và thấy nhau trong phẩm giá sâu sắc hơn của họ. Thật vậy, khi, trong tư cách cá nhân và cộng đồng, chúng ta học cách nhìn xa hơn bản thân và lợi ích riêng của chúng ta, thì sự hiểu biết và cam kết lẫn nhau sẽ mang lại hoa trái trong tình liên đới. Tình liên đới này, hiểu theo nghĩa sâu sắc nhất và thách thức nhất, trở thành một cách để tạo lịch sử tại một vùng nơi xung đột, căng thẳng và cả các nhóm có lúc bị coi là thù địch cũng có thể đạt được một sự hợp nhất về nhiều phương diện, tạo nên sự sống mới (xem Evangelii Gaudium, 228). Tin Mừng đã nuôi dưỡng đời sống của dân tộc qúi vị trong quá khứ; ngày nay nó có thể tiếp tục mở ra những nẻo đường mới giúp qúi vị đương đầu với các thách thức hiện tại, trân quí các dị biệt và, trên hết, khuyến khích “hiệp thông” giữa mọi người.

Việc cử hành bách chu niên này nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng xiết bao phải trân quí nền tự do và độc lập của Latvia. Những điều này chắc chắn là một hồng ân, nhưng cũng là một nhiệm vụ cho mọi người. Làm việc cho tự do là tự cam kết mình với sự phát triển toàn diện và toàn diện hóa các cá nhân và cộng đồng. Sở dĩ hôm nay chúng ta có thể ăn mừng, thì là do tất cả những người đã đi tiên phong và mở cửa cho tương lai, và để lại cho qúi vị cùng một trách nhiệm đó: mở cửa cho tương lai bằng cách hướng tới mọi điều có thể phục vụ sự sống, tạo ra sự sống.

Khi kết thúc cuộc gặp gỡ của chúng ta, chúng tôi sẽ đi đến Đài tưởng niệm Tự do, nơi các trẻ em, người trẻ và các gia đình sẽ có mặt. Họ nhắc nhở chúng ta rằng “tình mẹ” của Latvia - được lặp lại theo lối loại suy trong chủ đề của chuyến viếng thăm này - được phản ánh trong khả năng cổ vũ các chiến lược thực sự hữu hiệu tập trung vào khuôn mặt cụ thể của các gia đình, người cao niên, trẻ em và thanh thiếu niên này, hơn tính ưu việt của kinh tế so với sự sống. "Tình mẹ" của Latvia cũng được biểu lộ trong khả năng tạo ra các cơ hội nhân dụng, để không ai phải mất gốc mới có thể xây dựng được một tương lai. Chỉ số phát triển nhân bản cũng được đo lường bằng khả năng gia tăng và nhân thừa. Việc phát triển các cộng đồng không được phát sinh, càng không được đo lường, chỉ bằng số lượng hàng hóa hoặc tài nguyên mà họ sở hữu, mà đúng hơn bằng mong ước của họ tạo ra sự sống và xây dựng tương lai. Điều này chỉ có thể có theo mức độ họ có gốc rễ trong quá khứ, có óc sáng tạo trong hiện tại, tự tin và hy vọng vào tương lai. Lúc đó, nó cũng được đo lường bằng khả năng tự hy sinh và cam kết của họ, bắt chước gương sáng của các thế hệ đi trước.

Thưa Tổng thống, các bạn thân mến: với việc tôi bắt đầu cuộc hành hương của tôi ở lãnh thổ này, tôi cầu xin Thiên Chúa tiếp tục đồng hành, chúc phúc và làm cho thịnh vượng công trình của bàn tay qúi vị trong sự phục vụ đất nước này.