Chương II: Các kinh nghiệm và loại ngôn ngữ

26. Như cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG đã nhấn mạnh một cách hữu hiệu, các thế hệ trẻ là những người mang theo một cách tiếp cận thực tại rất đặc thù, một cái vốn và một nguồn gốc của sự độc đáo; tuy nhiên, vốn liếng này cũng có thể lạc điệu hoặc gây bối rối cho người lớn. Dù thế, chúng ta cần tránh các phán đoán vội vàng. Cách tiếp cận của họ dành ưu tiên cho tính cụ thể và cho hành động hơn là phân tích lý thuyết. Nó không phải là chủ nghĩa đấu tranh mù quáng và khinh miệt đối với chiều kích tri thức: theo cách người trẻ hành động một cách tự phát, sự vật được hiểu bằng việc làm và các vấn đề được giải quyết khi chúng nảy sinh. Có một sự kiện không kém hiển nhiên: tính đa nguyên của các khác biệt, cả trong các hình thức triệt để của nó, là một điều người trẻ coi như chuyện đương nhiên. Đây không phải là sự bác bỏ duy tương đối, không muốn quả quyết căn tính, nhưng là một điều hàm ngụ rằng, về căn bản, ta biết có sự hiện hữu của những lối sống khác và ta cố ý nỗ lực sao cho những lối sống này cũng được bao gồm, để mọi người cảm thấy được đại diện bởi kết quả của công việc chung.

Dấn thân và tham gia xã hội

27. Nhìn vào các mâu thuẫn của xã hội, một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC nhận thấy sự nhạy cảm và sự dấn thân của giới trẻ, qua việc thiện nguyện, là một dấu chỉ cho thấy sự sẵn sàng nhận trách nhiệm và mong muốn được tận dụng tối đa các tài năng, kỹ năng và óc sáng tạo của họ. Trong số các vấn đề thân thiết hơn đối với trái tim họ, tính lâu bền của xã hội và môi trường, sự kỳ thị và phân biệt chủng tộc, là những điều nổi bật. Sự can dự của tuổi trẻ thường đi theo những con đường chưa từng có, bằng cách khai thác tiềm năng của truyền thông kỹ thuật số để đạt được sự động viên và áp lực chính trị: phổ biến các lối sống và mô hình tiêu thụ và đầu tư rất quan trọng, dựa trên tình liên đới và lưu tâm tới môi trường; các hình thức dấn thân và tham gia mới vào xã hội và chính trị; các phương cách tạo phúc lợi và bảo vệ mới cho các cá nhân yếu thế hơn. Như một số ví dụ gần đây từ mọi châu lục đã chứng tỏ, người trẻ có khả năng động viên, đặc biệt để hỗ trợ các chính nghĩa mà họ cảm thấy được trực tiếp can dự vào và họ thực sự có thể trở thành những người thủ vai chủ chốt chứ không chỉ đơn giản là những người lẽo đẽo theo đuôi các nhóm khác.

28. Người trẻ nhấn mạnh rằng hình ảnh của Giáo Hội xem ra có vẻ “nhị phân” (dicothomic), khi đụng đến việc cổ vũ công lý: vì một mặt, Giáo Hội muốn hiện diện trong các nếp gấp của lịch sử (folds of history) bên cạnh những người rốt hết trong các anh chị em của chúng ta, mặt khác, Giáo Hội vẫn còn nhiều việc phải làm để loại trừ các hoàn cảnh thối nát, thường khá nghiêm trọng và phổ biến, vì đó, Giáo Hội có nguy cơ uốn mình theo thế gian hơn là đem đến cho nó một giải pháp thay thế, được Tin Mừng linh hứng.

Tính tâm linh và tính tôn giáo

29. Cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG đã chứng tỏ rõ ràng rằng sự đa dạng là điều mô tả tốt nhất mối tương quan của người trẻ với đức tin và thực hành tôn giáo. Nói chung, họ tuyên bố mình cởi mở đối với tính tâm linh, mặc dù điều tâm linh thường khá tách biệt đối với cuộc sống hàng ngày của họ. Nhiều người tin rằng tôn giáo là một vấn đề riêng tư và tự xem mình là người tâm linh chứ không phải là người tôn giáo (theo nghĩa thuộc về hệ phái tôn giáo) (xem GMTHĐ 7). Tôn giáo không còn được xem là cửa ngõ ưu tiên dẫn vào ý nghĩa của đời sống, và nó thường được đặt bên cạnh - và đôi khi được thay thế bởi – các ý thức hệ và các dòng suy tư khác, hoặc thậm chí bởi sự thành công bản thân và nghề nghiệp (xem GMTHĐ 5).

30. Ta có thể nhìn thấy tính đa dạng trên trong mối tương quan của người trẻ với Chúa Giêsu Kitô. Nhiều người coi Người là Đấng Cứu Rỗi và là Con Thiên Chúa, và thường cảm thấy gần gũi với Người qua Đức Maria, Mẹ của Người. Những người khác không có mối liên hệ bản thân với Chúa Giêsu, nhưng thấy Người là một người tốt và là một điểm tham chiếu đạo đức. Đối với những người khác, Người là một nhân vật trong quá khứ, không có sự liên hệ hiện sinh nào, hoặc là một người rất xa lạ đối với kinh nghiệm của con người (giống như Giáo Hội cũng bị coi là xa cách). Những hình ảnh sai về Chúa Giêsu đã lấy đi khỏi Người bất cứ sự hấp dẫn nào trong con mắt người trẻ, cũng như khái niệm cho rằng sự hoàn hảo của Kitô giáo vượt quá khả năng với tới của con người khiến người trẻ cảm nhận Kitô giáo như là một tiêu chuẩn không thể nào đạt được (xem GMTHĐ 6). Trong một số bối cảnh, những người Công Giáo trẻ đòi hỏi các đề xuất cầu nguyện và các đề xuất bí tích biết lưu ý tới cuộc sống hàng ngày của họ, nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng các mục tử không phải lúc nào cũng có thể đồng điệu với điểm chuyên biệt có tính thế hệ trong các kỳ vọng này.

Người trẻ trong đời sống Giáo hội

31. Một số ít nhiều các người trẻ cảm thấy họ là một phần sống động của Giáo Hội và cương quyết phát biểu điều này bằng việc tích cực dấn thân trong Giáo Hội. Có những người trẻ, những người “cảm nghiệm Giáo Hội rất gần gũi với họ, ở những nơi như Châu Phi, Châu Á, và Châu Mỹ Latinh, cũng như trong các phong trào hoàn cầu khác nhau; ngay một số người trẻ tuy không sống theo Tin Mừng cũng cảm thấy được kết nối với Giáo Hội »( GMTHĐ 7). Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC lưu ý điều này: giới trẻ là - và nên được coi là - một phần cấu tạo ra Giáo Hội và cam kết với họ là một chiều kích căn bản của việc chăm sóc mục vụ. Thật không bình thường chút nào khi thấy các nhóm tuổi trẻ, ngay các nhóm thuộc các phong trào và hiệp hội, không thực sự được hòa nhập vào cuộc sống của cộng đồng của họ: khắc phục các động lực tách biệt này là mục tiêu có tính thượng hội đồng đối với một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC.

32. Mặc dù sự kiện nhiều người trẻ đề cập đến nguy cơ bị cho ra rìa, có rất nhiều hoạt động giáo hội tại những nơi họ được tích cực tham gia và thậm chí là những người đóng vai chủ chốt. Các hình thức làm việc thiện nguyện khác nhau khá nổi bật, một việc vốn là dấu hiệu đặc biệt của các thế hệ trẻ. Việc làm sinh động giáo lý và phụng vụ, giống như việc chăm sóc các trẻ em nhỏ tuổi hơn, đều là các lĩnh vực hoạt động bổ sung, những hoạt động, diễn ra trong các nguyện đường và các cơ cấu mục vụ tương tự khác, chứng tỏ có hiệu quả đặc biệt. Các phong trào, hiệp hội và tu hội cũng cung cấp cho người trẻ cơ hội dấn thân và đồng trách nhiệm. Trong nhiều bối cảnh, lòng đạo bình dân vẫn là một điểm để lui tới với đức tin rất quan trọng đối với các thế hệ trẻ, những người tìm thấy trong thân xác, trong cảm giới, trong âm nhạc và ca hát những kênh dẫn quan trọng để tự phát biểu. Cùng với các cuộc gặp mặt quốc gia, quốc tế và lục địa khác, NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI đóng một vai trò đáng kể trong cuộc sống của nhiều bạn trẻ bởi vì, như một HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC đã phát biểu, nó cung cấp «cảm nghiệm sống động về đức tin và sự hiệp thông, giúp họ đối đầu với những thách thức lớn lao của cuộc sống và tìm chỗ đứng của họ trong xã hội và trong cộng đồng giáo hội một cách có trách nhiệm».

33. Những người trẻ tuổi có tiếng thích làm việc đồng đội và họ giỏi về lãnh vực này, vốn là một vốn qúy trong nhiều tình thế. Đôi khi sự cởi mở này xung đột với tác phong độc đoán quá đáng về phía người lớn và các thừa tác viên: «Trong nhiều trường hợp, người trẻ khó tìm được một chỗ trong Giáo Hội để họ có thể tích cực tham gia và lãnh đạo. Người trẻ giải thích trải nghiệm của họ về Giáo Hội như một trải nghiệm trong đó họ bị coi là quá trẻ và thiếu kinh nghiệm để lãnh đạo hoặc ra quyết định vì họ sẽ chỉ phạm sai lầm mà thôi» (GMTHĐ 7). Điều cũng rõ ràng không kém là, bất cứ nơi nào người trẻ được tham gia và đánh giá cao, phong cách và tính năng động của Giáo hội đều có được một sức sống mạnh mẽ, có thể thu hút sự chú ý của họ.

Sự hiện diện cùng khắp của lục địa kỹ thuật số

34. Sự phổ biến của các phương tiện truyền thông kỹ thuật số và xã hội trong thế giới người trẻ là một điều hiển nhiên. Điều này đã được tuyên bố rõ ràng bởi người trẻ trong cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG: "Không thể đánh giá thấp tác động của các phương tiện truyền thông xã hội trong cuộc sống người trẻ. Các phương tiện truyền thông xã hội là một phần quan trọng trong bản sắc và lối sống của giới trẻ. Các môi trường kỹ thuật số có tiềm năng lớn trong việc hợp nhất chưa từng thấy các con người từ khắp những vùng xa xôi hẻo lánh. Việc trao đổi thông tin, lý tưởng, giá trị và lưu ý chung hiện nay khả hữu hơn nhiều. Việc tiếp cận các công cụ học tập trực tuyến đã mở ra các cơ hội giáo dục cho các người trẻ ở các vùng sâu vùng xa và đã chuyên chở kiến thức của thế giới trên đầu ngón tay của người ta» (GMTHĐ 4).

35. Trang mạng cũng có thể là một nơi của cô đơn, thao túng, bóc lột và bạo lực, dẫn tới trường hợp cực đoan là "trang mạng tối tăm". Người trẻ nhận thức có những rủi ro ở đấy: «Tuy nhiên, tính hai mặt của kỹ thuật trở nên hiển nhiên khi nó dẫn đến việc phát triển một số thói hư tật xấu. Mối nguy hiểm này được thể hiện qua sự cô lập, lười biếng, lẻ loi và chán ngán. Điều hiển nhiên là giới trẻ khắp thế giới đang tiêu thụ các sản phẩm truyền thông một cách đầy ám ảnh. Mặc dù sống trong một thế giới siêu kết nối, nhưng việc truyền thông giữa giới trẻ vẫn chỉ giới hạn nơi những người tương tự như họ […]. Với sự ra đời của các phương tiện truyền thông xã hội, điều này đã dẫn đến những thách thức mới trong đó các công ty truyền thông mới có quyền lực đối với cuộc sống của những người trẻ tuổi» (GMTHĐ 4). Phát triển khả năng tham gia vào cuộc đàm luận có ý thức và đối thoại trong đa dạng đang bị cản trở bởi tình trạng này, và trở thành một thách thức giáo dục liên hệ đến giới trẻ. Các HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC cũng đồng ý về sự mơ hồ này, mặc dù các ngài tập trung nhiều hơn vào việc đánh giá có phê phán. Ngoài ra do sự thiếu hiểu biết hoặc đào tạo không thỏa đáng, các mục tử và người lớn nói chung ít khi hiểu thứ ngôn ngữ mới này và cũng có xu hướng sợ hãi, cảm thấy như đang đứng trước một "kẻ thù vô hình và có mặt cùng khắp", một kẻ thù đôi lúc bị họ coi là ma quái.

Âm nhạc và các hình thức phát biểu nghệ thuật khác

36. Như nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC đã chỉ rõ, âm nhạc là ngôn ngữ căn bản đối với giới trẻ: đó là nhạc nền của cuộc đời họ, trong đó họ liên tục nhập vào, và nó góp phần vào sự đào tạo ra bản sắc họ một cách mà Giáo hội ít khi cịu thăm dò sâu sắc, dù ý thức chung chung được tầm quan trọng của nó. Âm nhạc gợi cảm xúc, làm con người can dự cả về thể lý; nó mở cửa các không gian nội tâm và làm dễ việc thông đạt của họ. Nó cũng truyền đạt các thông điệp, cũng như các phong cách sống và các giá trị nhất quán với hoặc thay thế cho những cách sống và giá trị được cổ vũ bởi các hình thức giáo dục khác. Trong một số nền văn hóa tuổi trẻ, thế giới âm nhạc có thể trở thành một nơi trú ẩn an toàn mà người lớn không thể lui tới được. Do sức mạnh của nó, thế giới âm nhạc cũng có thể dễ dàng bị ảnh hưởng và thao túng bởi các quyền lợi kinh doanh, hoặc thậm chí cả đầu cơ nữa.

37. Âm nhạc và việc chia sẻ nó kích hoạt diễn trình xã hội hóa. Các buổi hòa nhạc mang hàng ngàn bạn trẻ đến với nhau: nhưng có nhiều sự mơ hồ, vì các khác biệt cá nhân phải nhường chỗ cho áp lực đến với nhau. Các biến cố âm nhạc lớn có thể là một trải nghiệm tổng số hóa (totalizing): giải trí trực quan và âm thanh, nhảy múa, chuyển động, gần gũi và tiếp xúc thể lý cho phép người ta bước ra khỏi mình và cảm thấy đồng điệu với những con người xa lạ; đồng thời, chúng cũng có thể cung cấp cơ hội cho việc lắng nghe thụ động, trong đó, hiệu quả của âm nhạc, đôi khi được tăng cường do việc sử dụng ma túy, có tác dụng phi bản vị hóa (depersonalizing). Âm nhạc biểu diễn cũng có giá trị bản thân và xã hội. Nhiều nhà soạn nhạc và nhạc sĩ trẻ cảm thấy trách nhiệm phải giải thích kinh nghiệm sống của thế hệ họ và họ cố gắng truyền đạt các thông điệp có chủ đề xã hội liên quan đến bạn bè cùng trang cùng lứa của họ: từ tính dục đến các mối liên hệ liên ngã và việc nâng cao các nền văn hóa truyền thống.

38. Mặc dù ít phổ biến hơn âm nhạc, việc thưởng thức nhiều hình thức phát biểu nghệ thuật khác cũng đóng một vai trò căn bản trong việc đào tạo bản sắc bản thân và xã hội của người trẻ: hội họa, điêu khắc, làm phim, nghệ thuật tạo hình, khiêu vũ, sân khấu, nhiếp ảnh, hài hước, thiết kế họa hình, nghệ thuật mạng, viết lách, làm thơ, văn chương... Khi được tích cực thực hành, chúng cho phép người trẻ thực hiện được óc sáng tạo cá nhân của họ và tham gia vào việc phát biểu văn hóa, đặc biệt qua các sáng kiến thử nghiệm dựa vào việc sử dụng kỹ thuật ngày càng gia tăng. Các hình thức phát biểu nghệ thuật nào gắn liền với các truyền thống dân gian và địa phương đều rất được chú ý, đặc biệt là các hình thức liên hệ tới các nhóm dân tộc thiểu số, vì chúng nối kết các người trẻ vào di sản của quá khứ và tạo cơ hội cho hoạt động văn hóa, không phân biệt trình độ giáo dục hoặc việc sẵn có các phương tiện kỹ thuật.

Thế giới thể thao

39. Thể thao là một lĩnh vực quan trọng nữa để tăng trưởng và đối thoại cho người trẻ, trong đó Giáo hội đang đầu tư tại nhiều nơi trên thế giới. Đức Giáo Hoàng Phanxicô coi thể thao là một phần của nền giáo dục không chính thức, và kêu gọi hành động nhiều hơn trong lĩnh vực này để bù đắp sự nghèo nàn, không có được trình độ tri thức như giáo dục chính thức (xem Diễn văn cho những người tham gia Đại hội Thế giới về "Giáo dục ngày nay và ngày mai. Một Đam Mê Đổi Mới" Ngày 21 tháng 11 năm 2015). Các chuyên gia tin rằng xã hội của chúng ta đã trở thành “thể thao hóa”, và điều này đúng đối với thế giới người trẻ cách riêng. Tuy nhiên, chúng ta phải đặt câu hỏi, vượt lên trên mọi lời nói hoa mỹ, đâu là các giá trị và mô hình được cổ vũ trong xã hội của chúng ta qua hoạt động thể thao, một hoạt động thường tập chú vào thành công bằng mọi giá, thậm chí nhờ cả gian lận, đến quên hết công trình và cam kết đầy khó nhọc của các vận động viên thua trận.

40. Cũng giống như các buổi hòa nhạc lớn, các biến cố thể thao đại chúng là những tình huống trong đó bản sắc tập thể của chúng ta được rèn luyện, với những đặc điểm có tính nghi lễ hóa cao độ. Thế giới thể thao không thiếu các hình thức kinh doanh và thao túng đầu cơ, và nó cũng bị ảnh hưởng bởi các thực hành chống lại phẩm giá của con người nhân bản và các giá trị như chơi đẹp (dùng chất kích thích, hiện nay quá phổ biến nơi các vận động viên trẻ và nghiệp dư, hoặc tham nhũng); cũng không thiếu các hình thức bạo lực gây bất mãn và căng thẳng xã hội không liên quan gì đến thể thao. Nó cũng có thể được dùng làm phương tiện mạnh mẽ để hòa nhập những người vốn là nạn nhân của nhiều hình thức loại trừ và đẩy qua bên lề, như nhiều điển hình đã cho thấy, chẳng hạn như phong trào thế vận khuyết tật (paralympic).

Kỳ sau: Chương ba: Trong nền văn hóa vứt bỏ