Theo tin Elise Harris/CNA/EWTN News, Đức Phanxicô đã tới Genève hôm thứ Năm nhằm thúc đẩy các liên hệ đại kết. Ngài nói rằng sự chia rẽ giữa các Kitô Hữu là do tinh thần thế gian, do đó, phải đặt Chúa Kitô thành ưu tiên hàng đầu, trên mọi dị biệt vốn cản trở con đường hợp nhất.



Trong diễn văn đầu tiên sau khi đặt chân xuống Genève, Đức Phanxicô nói rằng các Kitô hữu được kêu gọi cùng nhau tiến bước trên con đường của Chúa Thánh Thần nghĩa là “từ bỏ tinh thần thế gian” và “quyết chọn khung trí phục vụ và lớn lên trong tha thứ”.

Đức Giáo Hoàng nói chuyện với các tham dự viên buổi tụ tập cầu nguyện đại kết nhân chuyến viếng thăm ngày 21 tháng Sáu của ngài tại Genève để dự lễ kỷ niệm năm thứ 70 ngày thành lập Hội Đồng Thế Giới các Giáo Hội.

“Điều ấy có nghĩa đóng vai của chúng ta trong lịch sử, nhưng trong thời tốt đẹp của Thiên Chúa, không để mình bị cuốn theo chiều gió thối nát, nhưng bình thản tiến trên đường mà bảng chỉ dẫn là giới răn duy nhất này ‘ngươi hãy yêu người lân cận như chính ngươi’”.

Ngài nói rằng “chúng ta được kêu gọi, cùng nhau, bước theo con đường này”, một việc đòi không ngừng hồi tâm và “đổi mới lối suy nghĩ của chúng ta, để nó có thể phù hợp với lối suy nghĩ của Chúa Thánh Thần”.

Ngài cũng cho rằng bước đi lối này là “điều hành với một thua lỗ, vì nó không bảo vệ thích đáng các quyền lợi của các cộng đồng cá thể vốn liên kết chặt chẽ với căn tính sắc tộc hay chia rẽ theo hướng phe phái, bất kể là ‘bảo thủ’ hay ‘cấp tiến’”.

Đức Giáo Hoàng sau đó đã nhắc đến thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát, trong đó, thánh tông đồ nói với cộng đồng này rằng “không còn Hy Lạp hay Do Thái, không còn nô lệ hay tự do, không còn nam hay nữ; vì anh chị em tất cả đều là một trong Chúa Giêsu Kitô”.

Ngài cũng nhắc đến đoạn thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô, trong đó, thánh tông đồ phê phán các chia rẽ trong cộng đồng này, khi nói rằng “mỗi người trong anh chị em nói rằng ‘tôi thuộc Phaolô’ hay ‘tôi thuộc Apollos’, hay ‘tôi thuộc Cephas’ hay ‘tôi thuộc Chúa Kitô’. Phải chăng Chúa Kitô đã bị phân chia? Phải chăng Phaolô chịu đóng đinh cho anh chị em? Hay phải chăng anh chị em chịu phép rửa nhân danh Phaolô?”

Đức Phanxicô nói rằng điều các Kitô hữu hiện đại được yêu cầu là ‘thuộc về Chúa Giêsu trước khi thuộc về Apollos hay Cephas; thuộc về Chúa Kitô trước khi là ‘Do Thái hay Hy Lạp’; thuộc về Chúa trước khi đồng hóa mình với phe hữu hay phe tả; nhân danh Tin Mừng, quyết chọn anh chị em mình trước cả bản thân mình”.

Theo ngài, “dưới con mắt thế gian, điều này có nghĩa là hoạt động với một thua lỗ” và ngài bảo phong trào đại kết là một “doanh nghiệp hoạt động với một thua lỗ”.

Tuy nhiên, sự thua lỗ này “có tính Tin Mừng” và ngài trích dẫn lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng khi Người dạy các môn đệ rằng “Những ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất nó, và những ai mất mạng sống mình vì Thầy sẽ cứu được nó”.

Ngài nói: “Chỉ cứu điều gì của chúng ta mà thôi là bước đi theo xác thịt; mất mọi sự theo bước chân Chúa Giêsu là bước đi theo Thần Khí. Chỉ bằng cách này, vườn nho của Chúa mới sinh hoa trái”.

Bài giảng của Đức Phanxicô tại buổi tụ tập cầu nguyện là bài diễn văn chính thức đầu tiên của ngài trong chuyến thăm Genève một ngày của ngài. Ngài lên tiếng tại trụ sở của Hội Đồng Thế Giới các Giáo Hội sau khi hội kiến riêng với Tổng Thống Liên Bang Thụy Sĩ, Alain Berset.

Trong bài giảng, Đức Giáo Hoàng nói rằng các chia rẽ của Kitô hữu, theo lịch sử, phát sinh vì “khung trí thế gian đã thấm vào” gốc rễ của họ.

Ngài nói điều đã xẩy ra là việc “chỉ biết quan tâm đến mình đã chiếm ưu thế đối với việc quan tâm tới Chúa Kitô” và khi điều này đã xẩy ra, thì ma quỉ ‘không có khó khăn gì trong việc chia rẽ chúng ta, vì hướng chúng ta chọn là hướng của xác thịt, không phải hướng của Thần Khí”.

Ngay một số cố gắng chấm dứt các chia rẽ này trong quá khứ cũng “đã thất bại thê thảm vì chúng chủ yếu được gợi hứng bởi lối suy nghĩ của thế gian”. Vì thế, theo ngài, phong trào đại kết “xuất hiện như một ơn thánh của Chúa Thánh Thần”.

Theo ngài, “Phong trào đại kết giúp chúng ta lên đường phù hợp với thánh ý Chúa Kitô và phong trào này sẽ có khả năng tiến bộ nếu chịu theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần mà không ngừng bác bỏ việc thu mình vào chính mình”.

Dựa vào các liên hệ giữa các giáo hội Kitô Giáo hiện đại và số lượng các vấn đề thường cản trở con đường hợp nhất hoàn toàn, Đức Phanxicô nói rằng kinh nghiệm hiện thời gần giống như kinh nghiệm của các cộng đồng Kitô Giáo tiên khởi tại Galát.

Ngài bảo: “Thắng vượt các cảm quan cứng cỏi và phát huy hiệp thông là điều khó khăn xiết bao! Bỏ lại sau lưng các bất đồng và các kết án hỗ tương đã có nhiều thế kỷ nay khó khăn biết chừng nào!”

Có lúc, “chống lại các thúc đẩy nhẹ nhàng liên kết với người khác, cùng đi với họ còn khủng khiếp hơn nữa chỉ vì để thỏa mãn một quyền lợi phe phái nào đó”. Tuy nhiên, đó không phải là khung trí của một tông đồ, mà là thái độ của Giuđa, kẻ từng đi với Chúa Giêsu, “nhưng vì các mục đích của riêng hắn”.

Đức Phanxicô cho rằng lễ kỷ niệm 70 năm của Hội Đồng Thế Giới các Giáo Hội là lời mời gọi củng cố các bước tiến đại kết đã từng được đưa ra.

Ngài nói các Kitô hữu không nên ngưng cuộc tìm kiếm hợp nhất của họ khi đương đầu với những dị biệt liên tục, và họ cũng không nên để mình bị tràn ngập bởi mệt mỏi hay “thiếu hứng khởi”.

Theo ngài, “các dị biệt của chúng ta không được là các viện cớ. Cả lúc này, chúng ta vẫn có thể cùng bước đi trong Thần Khí: chúng ta có thể cầu nguyện, rao giảng Tin Mừng và phục vụ với nhau. Điều này khả hữu, và rất đẹp lòng Thiên Chúa! Bước đi, cầu nguyện và làm việc với nhau: đây là nẻo đường lớn chúng ta được kêu gọi bước theo”.

Mục đích của nẻo đường này là hợp nhất và nẻo đường ngược lại là nẻo dẫn tới chia rẽ, dẫn tới “tranh chấp và tan vỡ”. Ngài nhấn mạnh rằng thiếu hợp nhất nơi các Kitô hữu không những là điều “công khai đi ngược lại thánh ý Chúa Kitô” mà còn là “một tai tiếng đối với thế giới và làm hại tới chính nghĩa thánh thiêng nhất là rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật”.

Ngài bảo: Chúa ‘yêu cầu chúng ta hợp nhất; thế giới chúng ta, bị xé nát bởi quá nhiều chia rẽ ảnh hưởng tới những người yếu thế nhất, đang khẩn khoản xin hợp nhất”.

Còn đối với các Kitô hữu, bước đi với nhau không phải chỉ là “một mánh khoé củng cố các quan điểm của chúng ta”, nhưng đúng hơn là hành vi vâng theo Chúa Giêsu và tình yêu của Người dành cho thế giới. Đức Phanxicô nói thế và ngài kết luận bằng việc cầu xin Thiên Chúa giúp các Kitô hữu “bước đi với nhau một cách cương quyết hơn trên các nẻo đường của Thần Khí”.

“Xin thánh giá hướng dẫn các bước đi của chúng ta vì ở đấy, trong Chúa Giêsu, các bức tường phân cách đã được phá sập và mọi sự thù đích đã được lướt thắng”.