Những người phụ nữ đầu tiên đến thăm mộ Chúa Giêsu Kitô lúc tảng sáng, họ liền được Thiên Thần nói cho biết Chúa Giêsu Kitô đã chỗi dậy sống lại từ cõi kẻ chết. Và còn dặn họ „ Xin về nói cho các môn đệ rằng Người sẽ đến Galilaea trước các ông như Người đã nói „ ( Mc 16,7).

Đó là những chi tiết Thánh sử Marcus thuật lại về Chúa Giêsu Kitô đã chỗi dậy sống lại từ nấm mồ người chết.

Nhưng tại sao Chúa Giêsu Kitô phục sinh lại hẹn gặp các môn đệ ở Galilaea?

Địa lý lịch sử Galilaea

Vùng Galilaea ở miền Bắc nước Do Thái. Từ thế kỷ 8. trước Chúa giáng sinh triều đại hoàng đế Omride đã thành lập vương quốc hùng mạnh ở miền Bắc nước Do Thái ngày nay, bao gồm vùng phía Tây Samaria và Galilaea. Vương quốc này có nhiều thành phố và trung tâm văn hóa.

Thành phố quan trọng bậc nhất là Sichem với đền thờ Garizim, sau này bị phân hóa thay thế bởi thành phố Samaria.

Galilaea bị người Assyria chiếm đóng và tầng lớp thượng lưu trí thức Do Thái bị phân hóa đưa đi lưu đày. Trên vùng lãnh thổ này dân chúng từ miền Đông kéo đến sinh sống lập nghiệp. Do đó, vương quốc phía Nam Do Thái thuộc chi tộc Juda trở nên hùng mạnh ở vùng Jerusalem.

Sau khi đế quốc Assyria sụp đổ, đền thờ Jerusalem trung tâm thờ phượng tôn giáo của Do Thái hồi sinh, và vùng Galilaea dưới quyền thống trị của Vua thuộc chi tộc Juda được thử nghiệm đưa nhập vào Jerusalem.

Sau thời kỳ lưu đầy bên Babylon nền chính trị này đã có thể mở rộng, và vùng Galilaea trở nên thành phần của vương quốc Jerusalem.

Trong thời kỳ đế quốc Roma cai trị năm 64 trước Chúa giáng sinh, vùng Galilaea trở thành vùng tự trị riêng.

Dưới thời kỳ Đạo binh thập tự vùng Galilaea là lãnh thổ độc lập lần lượt do các vị Lãnh chúa thủ lãnh cai trị. Từ 1099-1108 lãnh chúa Tanked, từ 1101-1106 lãnh chúa Falkenberg, từ 1106-1108 do lãnh chúa Gervaise Bazoches, từ 1113-1119 do lãnh chúa Joscelin Courenay, từ 1119-1143 do lãnh chúa Wilhelm 1., từ 1143-1150 do lãnh chúa Elinand, từ 1150- 1153 do lãnh chúa Simon, từ 1153-1158 do lãnh chúa Wihelm 1., từ 1159-1174 do lãnh chúa Walter St. Omer, từ 1159-1174 do lãnh chúa Raimund 3. , từ 1174-1187 do lãnh chúa Tripolis và 1187 vùng Galilaea bị Saladin chiếm đóng.

Vùng Galilaea có diện tích bằng một phần ba lãnh thổ đất nước Do Thái. Trong thời kỳ đất nước Do Thái bị đế quốc Roma chiếm đóng cai trị, nước Do Thái được phân chia thành ba vùng: Judaea, Samaria và Galilaea. Vùng Galilaea ở phía bắc và là vùng lãnh thổ có diện tích lớn nhất.

Vùng Galilaea trong Kinh thánh

Vua Salomon, con Vua David - Vua David người lập nước Do Thái cùng là tổ tiên dòng dõi trong gia phả Chúa Giêsu - đã cai trị nước Do Thái 40 năm từ năm 970 trước Chúa Giáng sinh đến 931 trước Chúa giáng sinh, đã nói đến miền Galilaea trong đất nước Do Thái:

„ Khi-ram vua Tia cung cấp cho vua Sa-lô-môn gỗ bá hương, gỗ trắc và vàng tuỳ thích; còn vua Sa-lô-môn thì trao cho vua Khi-ram hai mươi thành trong miền Ga-li-lê“ ( 1. SáchCác Vua 9,11) .

Chúa Giêsu sinh ra ở Bethlehem vùng Judaea, miền Nam nước Do Thái. Nhưng gia đình Chúa Giêsu, sau khi từ Ai Cập trở về đã định cư sống ở làng Nazareth thuộc vùng Galilaea miền Bắc nước Do Thái. Nơi đây Chúa Giêsu đã sinh sống lớn lên thành người trưởng thành, nên được gọi là người Nazareo.

Từ vùng miền Galilaea Chúa Giêsu ra đi đến xin nhận phép rửa của Thánh Gioan bên bờ sông Jordan . ( Mc 1,9).

Trên bước đường rao giảng nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã kêu gọi các Môn đệ đầu tiên ở vùng biển hồ Galilaea. ( Mc 1, 16).

Như thế (Nazareth trong) miền Galilaea là quê hương địa lý và đồng thời là cũng là quê hương văn hóa tinh thần của Chúa Giêsu. Và cũng từ vùng miền Galilaea như điểm nhấn bàn đạp, Chúa Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai ra đi rao giảng nước Thiên Chúa trong khắp nước Do Thái.

Galilaea, miền đất khởi thủy truyền giáo
Chúa Giesu sau quãng đường ba năm rao giảng nước Thiên Chúa từ quê hương vùng Galilaea, bị kết án chết trên thập gía và được mai táng ở Jerusalem và sau cùng sống lại ở Jerusalem, thuộc miền Nam nước Do Thái.

Nhưng sau khi sống lại từ cõi kẻ chết, Chúa Giêsu không quên quê hương Galilaea, nơi Ngài đã cùng với gia đình mình sinh sống lớn lên, nơi đã học hành làm việc, nơi Ngài khởi đầu công việc truyền giáo, nơi Ngài đã kêu gọi tuyển chọn các Môn đệ cũng là những người thuộc xứ Galilaea. Nên Ngài hẹn gặp lại các Môn đệ của mình ở chính ngay nơi quê hương cũ là Galilaea.

„ Xin về nói cho các môn đệ rằng Người sẽ đến Galilaea trước các ông như Người đã nói „ ( Mc 16,7).

Chúa Giêsu sống lại muốn cho các Môn đệ mình nhận ra chân dung căn tính Chúa Giêsu - thầy mình- khi xưa sinh sống trên mặt đất, đã bị đóng đinh vào thập gía và giờ đã sống lại ngay tại chính nơi quê hương Galilaea của Ngài và cũng của họ đã xuất thân ngày xưa.

Galilaea là nơi khởi điềm truyền giáo ngày xưa của Chúa Giêsu, rồi sau đó các Môn đệ đi tản mác khắp nước Do Thái vào miền Nam cho tới khi Chúa Giêsu chịu chết và được mai táng trong lòng đất. Sau khi sống lại Chúa Giêsu muốn tập họp các Môn đệ mình lại tại nơi khởi thủy truyền giáo quê hương vùng Galilaea, để bắt đầu một khởi đầu mới cho công cuộc truyền giáo loan báo tin mừng nước trời cho mọi dân nước trên trần gian.

Galilaea là miền đất khởi thủy công việc truyền giáo của Chúa Giêsu ngày xưa và của các Môn đệ sau khi Chúa Giêsu sống lại.

„Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến.17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi.18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.“ (Mt 28,16-20).

Galilaea không chỉ là nơi chốn hình thể địa lý trong đất nước Do Thái xưa nay. Nhưng còn là hình ảnh biểu trưng nơi con người sinh sống, lớn lên, làm việc giữa những con người khác niềm tin tôn giáo với mình, và cả nơi mình nhận ra có khó khăn vướng trở thi hành đức tin của mình vào Chúa Giêsu.

Chính nơi đó con người có thể nhận ra Chúa Giêsu, người đã sống trong đau khổ hy sinh luôn trung thành với Thiên Chúa Cha trên trời cho đến chết. Và Thiên Chúa Cha đã vì thế đã cho Chúa Giêsu sống lại.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long