Suy Niệm Chúa Nhật Phục Sinh – Năm B

Trong ba năm đời sống công khai, Đức Giêsu đã nhiều lần báo trước Ngài sẽ chịu chết nhưng sau ba ngày Ngài sẽ sống lại. Ngài còn dùng sự kiện tiên tri Giona nằm trong bụng cá ba ngày và việc xây thành Giêrusalem trong ba ngày để nói về cái chết và sự phục sinh của Ngài. Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy lời tiên báo của Đức Giêsu đã trở thành hiện thực.

Trước hết, lời chứng của Thánh Phêrô trong bài đọc thứ nhất, trích sách Công vụ Tông đồ. Sau khi cho biết, Đức Giêsu đã chịu phép rửa bởi Thánh Gioan, được Thánh Thần xức dầu tấn phong, đi khắp nơi rao giảng, làm nhiều phép lạ, bị giết treo trên thập giá, thì Thánh Phêrô khẳng định rằng “ngày thứ ba Ngài đã sống lại.” Thật vậy, Thánh Phêrô khẳng định: “…Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Và Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết.” (Cv 10, 40-42). Các động từ như “hiện ra”, “ăn uống với các tông đồ” và “truyền cho các ông đi rao giảng” được Thánh Phêrô dùng để diễn tả hành động của Đức Giêsu sau khi sống lại. Thật vậy, chỉ có con người sống mới “hiện ra”, “ăn uống” và “truyền”, chứ người chết không bao giờ làm được như vậy.

Thứ đến, lời chứng của Thánh Gioan trong đoạn Tin mừng chúng ta vừa nghe: Ngài nhắc đến người phụ nữ được Chúa trừ khỏi bảy quỷ, có tên là Maria Mađalêna. Sau khi táng xác Chúa trở về, bà nóng lòng chờ cho đến sáng để đi ra mồ viếng Chúa. Thế rồi, khi trời còn tờ mờ sáng, bà đã đi ra mồ Chúa. Khi đến nơi, trông thấy ngôi mồ trống, không thấy xác thầy đâu, bà liền chạy về báo tin cho ông Phêrô và các tông đồ biết. Nghe thế, ông Phêrô và ông Gioan vội vàng chạy ra mồ. Đúng như bà Maria Mađalêna báo, hai ông không thấy xác Thầy đâu. Nhưng hai ông thấy “những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ.” (Ga 20,6-7) Tin mừng cho biết về phản ứng của Thánh Gioan: “ông đã thấy và ông đã tin”. Tin mừng không cho biết phản ứng của Phêrô nhưng chắc chắn Phêrô cũng xác tín như Gioan, vì khi chứng kiến những sự việc trên ông không hoảng hốt nhưng rất bình tĩnh. Thực ra, ngôi mồ trống cũng không thể chứng minh được sự kiện Chúa sống lại nếu không có những bằng chứng khác. Vì thế, những người Do thái không tin vào sự kiện đó và cho rằng có ai đó đã lấy trộm xác Đức Giêsu. Chỉ có những người thân tín với Đức Giêsu mới có thể tin Ngài sống lại từ ngôi mồ trống. Vì từ ngôi mồ trống các ông đã nối kết với lời tiên báo của Đức Giêsu trong Kinh Thánh: “Con Người phải đau khổ nhiều, bị các vị Kỳ lão, các Thượng tế, và các Luật sĩ khai trừ và giết chết, nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại.” (Lc 9,22)

Như vậy, từ những bằng chứng trên đây, chúng ta xác tín sâu xa rằng, Đức Giêsu đã sống lại. Đó là đức tin làm nền tảng cho mọi hoạt động của chúng ta. Nói như Thánh Phaolô: “Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.” (1Cr 15,14).

Khi xác tín vào sự sống lại của Đức Giêsu, chúng ta cần phải làm gì?

Trước hết, chúng ta phải sống mầu nhiệm đau khổ vì phải qua đau khổ mới tới vinh quang. Chính Đức Giêsu đã trải qua đau khổ rồi mới tới vinh quang phục sinh. Ngài mời gọi mọi người rằng: “Ai muốn theo ta hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta.”(Mt 16,24). Nơi khác Ngài nói: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” (Ga 12,24). Ngài còn nói thêm: “Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.”(Ga 12,25). Vì thế, khi chúng ta từ bỏ mình, vác thập giá, chết đi cho tội lỗi, liều mất mạng sống mình ở đời này…thì chúng ta cũng sẽ được phục sinh với Đức Kitô.

Thứ đến, chúng ta hãy sống niềm tin vào Mầu nhiệm Phục sinh. Vì khi tin vào sự phục sinh của Đức Giêsu và sự sống đời đời sẽ giúp chúng ta có động lực phấn đấu và vượt qua những rào cản trong cuộc sống đời này để được hạnh phúc đời sau. Trong bài đọc II hôm nay, trích thơ gửi tín hữu Côlôsê, thánh Phaolô mời gọi chúng ta là những người đã chịu phép Rửa tội, đã được tham dự vào mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô: “Hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”(Cl 3,1-2). Tìm kiếm những gì thuộc thượng giới chính là biết: tìm kiếm Chúa, yêu mến Chúa, yêu thương anh em như chính mình. Đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới chính là biết: tránh xa tội lỗi, tránh xa sự cám dỗ của ma quỷ, sự lôi kéo của thế gian và xác thịt.

Thứ ba, chúng ta có trách nhiệm loan báo Tin mừng phục sinh cho những người khác. Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy, nhờ bà Maria Mađalêna báo tin mà các Tông đồ mới biết Đức Kitô phục sinh. Tiếp đến, các Tông đồ đã loan báo Tin mừng Phục sinh cho những người Do thái. Cứ như thế, nhờ các Tông đồ, các nhà truyền giáo và Giáo hội chúng ta mới nhận được Tin mừng Phục sinh như hôm nay. Đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải loan báo Tin mừng Phục sinh cho những người khác. Chúng ta có thể loan báo Tin mừng Phục sinh bằng lời nói, bằng chứng tá đời sống, thậm chí bằng cả chính cái chết của mình.

Nguyện xin Đức Kitô Phục sinh giúp chúng ta có niềm tin vững mạnh vào sự Phục Sinh của Ngài, để từ đó chúng ta biết sống Mầu nhiệm Phục sinh và loan báo cho những người xung quanh. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành