Ông George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, nơi ông giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban William E. Simon về Các Nghiên cứu Công Giáo. 25 cuốn sách của ông bao gồm cuốn tiểu sử hai tập về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Chứng Nhân Hy Vọng, là cuốn sách bán chạy nhất của New York Times đã dịch sang 14 ngôn ngữ, và phần tiếp theo của nó, The End and Beginning, là tài liệu về những thất bại của chính sách Ostpolitik từ các tài liệu đã từng được mật vụ cộng sản phân loại là tuyệt mật.

Người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng định rằng những đề nghị mà Trung Quốc đưa ra hiện nay đã từng bị Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô thứ 16 bác bỏ. Dưới đây là bản dịch Việt Ngữ bài viết của ông.

Nguyên bản bằng tiếng Anh có thể xem tại đây:


Pope Francis Is Playacting Realpolitik

Trong những tuần gần đây, nhiều nhà quan sát đã rất hoang mang, và một số thật sự ngã lòng, bởi những gì dường như là một thỏa thuận sắp xảy ra giữa Vatican và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Thỏa thuận này sẽ thừa nhận một vai trò quan trọng của chế độ Cộng sản Trung Quốc trong việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo La Mã ở Trung Quốc, như một bước đi trên con đường dẫn đến mối quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Bắc Kinh và Tòa Thánh. Nhiều câu hỏi đã được nêu ra về một thỏa thuận như thế.

Tại sao Vatican lại tin tưởng vào bất cứ thỏa thuận nào với một thế lực độc tài, mặc dù đã có những kinh nghiệm không vui chút nào trước đó với Mussolini của Ý và Hitler của Đế Chế Đệ Tam, cả hai đều đã vi phạm một cách có hệ thống những thoả thuận của chúng với Toà Thánh?

Tại sao các nhà ngoại giao của Vatican (và thậm chí cả chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô) đã bác bỏ ngoài tai những lời cảnh báo từ bên trong Trung Quốc, và từ giám mục về hưu của Hương Cảng, là Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, về những tác động tiêu cực của một thỏa thuận như vậy đối với những người Công Giáo Trung Quốc vẫn trung thành với Rôma chứ không phải là với cái Hiệp hội Công Giáo yêu nước được chính quyền bảo trợ?

Tại sao Giáo hội lại vi phạm chính bộ Giáo Luật của mình (theo đó “không trao quyền hay bất cứ đặc ân nào liên quan đến các cuộc bầu cử, bổ nhiệm, tiến cử, hoặc bổ nhiệm các giám mục cho các quan chức dân sự”) như một bước tiến nhằm trao đổi ngoại giao đầy đủ với một chế độ thường xuyên vi phạm nhân quyền, quá thường khi với một sự tàn bạo kinh hoàng?

Điều gì thúc đẩy sự theo đuổi không mệt mỏi của các nhà ngoại giao Vatican đối với quan hệ ngoại giao giữa Toà Thánh và Trung Quốc trong bốn thập kỷ qua?

Trả lời những câu hỏi này đòi hỏi chúng ta phải quay lại ba thời điểm trong lịch sử: đầu tiên là năm 1870, rồi đến năm 1929, và cuối cùng là năm 1962.

Vào năm 1870, khi lực lượng của phong trào Risorgimento của Ý chiếm được Rôma và biến nó thành thủ đô của một nước Ý thống nhất, những di tích cuối cùng của nước Đức Giáo Hoàng cũ (từng bao gồm toàn bộ miền trung nước Ý) đã biến mất, và Đức Giáo Hoàng Piô thứ Chín đã phải quy ẩn sau bức tường Leonine, xem mình như “Tù Nhân tại Vatican”. Tòa Thánh, mà theo luật pháp quốc tế và tập quán ngoại giao quen thuộc từ lâu, đã được công nhận là hiện thân pháp lý của vai trò mục tử toàn thể Giáo Hội Công Giáo, tiếp tục gửi và nhận các đại sứ ngay cả khi Tòa Thánh chẳng còn bất kỳ lãnh thổ nào để thực hiện một thứ chủ quyền được quốc tế công nhận. Tuy nhiên, bốn vị Giáo Hoàng kế nhiệm Đức Piô đã cố gắng đạt được thỏa thuận với nhà nước Ý tân lập ngõ hầu có thể bảo đảm sự độc lập của Đức Giáo Hoàng với tất cả các quyền lực trần thế.

Mục tiêu đó cuối cùng đã đạt được bởi Đức Giáo Hoàng Piô thứ 11 qua Hiệp ước Latêranô vào năm 1929, tạo ra Quốc gia Thành Vatican độc lập trên một mảnh đất 108 mẫu tây quanh Đền Thờ Thánh Phêrô.

Nhưng dù Hiệp ước Latêranô bảo đảm sự tự do của Đức Giáo Hoàng trong việc thực thi sứ vụ toàn cầu của mình mà không bị can thiệp bởi một quốc gia khác, việc hạn chế lãnh thổ chủ quyền của Đức Giáo Hoàng trong phạm vi thành phố Vatican đã nhấn mạnh rằng, trong tương lai, nền ngoại giao Tòa Thánh sẽ phải tập trung vào việc thực hiện thẩm quyền luân lý của Đức Giáo Hoàng chứ không thể xem là các công cụ hữu hình thông thường của quyền lực nhà nước.

Tuy nhiên, hầu hết các dịch vụ ngoại giao của Vatican xem ra chẳng nắm bắt được ý nghĩa của Hiệp ước Latêranô. Thay vào đó, có vẻ như các chuyên gia về chính sách đối ngoại này vẫn tiếp tục nghĩ rằng Toà Thánh mới/ Quốc gia thành Vatican vẫn giống như Toà Thánh cũ/ Nước Đức Giáo Hoàng là quyền lực thứ ba ở châu Âu. Và khi bản thân Ý trở thành một diễn viên lu mờ dần trong chính trị thế giới, các nhà ngoại giao Ý của Đức Giáo Hoàng đã mưu tìm một vai trò quan trọng cho “Rôma” trên sân khấu toàn cầu, hành xử trong một hệ thống như thể một thứ cường quốc thứ ba khác.

Sau đó đến tháng 10 năm 1962. Người ta đã không chú ý đúng mức đến sự kiện là việc khai mở Công đồng Vatican II – một cuộc họp kéo dài bốn năm của tất cả các giám mục Công Giáo trên thế giới đã trở thành sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử Công Giáo kể từ phong trào Cải cách và đặt nền tảng cho vai trò hiện tại của Công Giáo như một định chế chủ yếu trong việc đề cao và bảo vệ nhân quyền - đã trùng hợp chính xác với cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII và đoàn ngoại giao Vatican đã bị chấn động trầm trọng trước khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân có nguy cơ kết thúc sớm Công Đồng Vatican II nên các vị đã nghĩ ra một sự chuyển hướng sâu xa trong chính sách ngoại giao của Vatican đối với thế giới cộng sản Châu Âu. Điều này được biết đến với cái tên là Vatican Ostpolitik, và đại diện chính của nó là một nhà ngoại giao của Vatican, Đức Tổng Giám Mục Agostino Casaroli.

Chính sách Ostpolitik của Đức Tổng Giám Mục Casaroli, được bắt đầu trong triều đại của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục (1963-1978), nhằm mục đích tìm ra một modus non moriendi, một “con đường để không chết” (là cụm từ Đức Tổng Giám Mục Casaroli thường nói) cho Giáo Hội Công Giáo sau bức màn sắt. Để có thể bổ nhiệm các giám mục, là những vị có thể truyền chức linh mục và do đó duy trì đời sống bí tích hay đời sống thiêng liêng của Giáo hội dưới các chế độ vô thần, Vatican đã kết thúc những luận điệu chống lại cộng sản tiêu biểu cho chính sách ngoại giao trong những năm 1950, loại bỏ các giáo sĩ cao cấp từ chối không nhượng bộ bất cứ điều gì đối với các chế độ cộng sản (như Đức Hồng Y Jozsef Mindszenty của Hung Gia Lợi và Đức Hồng Y Joseph Beran của Tiệp Khắc), dập tắt bất kỳ vai trò công khai nào của các nhà lãnh đạo Công Giáo lưu vong như Đức Hồng Y Josyf Slipyj, kêu gọi các giáo sĩ và giáo dân hầm trú ngừng các hoạt động chống lại các chế độ cộng sản tại địa phương, tập chú vào việc tìm kiếm các hiệp định với các chính phủ cộng sản. Một tiền đề hình thành nên sự trở mặt đáng kể này là luận cứ cho rằng những luận điệu chống lại cộng sản của Vatican trước đó đã khiến cho các chế độ cộng sản khủng bố Giáo hội; người ta giả định rằng nếu Vatican tỏ ra thân thiện hơn (từ thông dụng là “đối thoại”), thì một sự dịu giọng như thế sẽ được [cộng sản] hồi đáp.

Tình hình đã không xảy ra như thế. Và dưới bất kỳ một đánh giá khách quan nào, chính sách Ostpolitik của Casaroli là một thất bại - và trong một số trường hợp là một đại thảm hoạ.

Tại Rôma, chính sách này đã cho phép các cơ quan tình báo Đông Âu thâm nhập sâu xa vào Vatican. Đại thảm hóa phản gián này (ngày nay đã được ghi nhận đầy đủ từ các nguồn tài liệu gốc [của các chế độ cộng sản Trung - Đông Âu]) đã đẩy các nhà ngoại giao của Giáo hội xuống một vị trí yếu thế hơn nữa trong các cuộc đàm phán với các đối tác cộng sản của họ, là những kẻ biết quá rõ kế hoạch của Vatican nhờ công việc của các tiểu tổ và các cá nhân cung cấp thông tin được cài khéo léo bên trong Giáo triều Rôma.

Tại các quốc gia được cho là những nước được hưởng lợi chính từ chính sách Ostpolitik, không có cải thiện nào có thể coi là kết quả của lề lối ngoại giao con thoi của Casaroli, và trên thực tế nhiều thiệt hại đã xảy ra. Hàng Giáo Phẩm Công Giáo Hung Gia Lợi đã trở thành một công ty mà nhà nước Hung Gia Lợi sở hữu 100% vốn, điều đó có nghĩa là đảng cộng sản Hung Gia Lợi nắm hết toàn bộ. Sự đàn áp tăng lên tại miền đất lúc đó còn gọi là Tiệp Khắc, với các tổ chức giả danh Công Giáo thân thiện với chế độ được biểu dương mạnh mẽ trước công chúng trong khi các giám mục và linh mục hầm trú phải làm việc như những người bảo vệ, những thợ sửa cửa sổ, sửa chữa thang máy, để có thể lặng lẽ thực thi sứ vụ của mình vào ban đêm.

Chính sách Ostpolitik chẳng làm được gì để cải thiện tình hình của người Công Giáo ở Liên bang Xô viết: Giáo Hội Công Giáo Đông phương của Ukraine vẫn là cộng đồng tôn giáo bất hợp pháp lớn nhất trên thế giới, và các nhà lãnh đạo bất khuất của Công Giáo Litva đã phải cong lưng làm các công việc khổ sai trong các trại lao động cưỡng bách.

Tuy nhiên, chính sách Ostpolitik không có ảnh hưởng nghiêm trọng ở Ba Lan. Đức cố Hồng Y Stefan Wyszynski và Đức Hồng Y Karol Wojtyla, Tổng Giám mục Krakow, đã gật đầu lịch sự trước các cuộc thăm viếng của các nhà ngoại giao Vatican nhưng vẫn tiếp tục đối đầu với nhà cầm quyền Cộng sản Ba Lan với những cuộc biểu tình mạnh mẽ của công chúng vì các ngài nghĩ rằng điều cần thiết là phải bảo tồn vững vàng không gian tự do của Giáo hội trong một nhà nước cộng sản. Chính chiến lược đó lại giúp củng cố cộng đồng Công Giáo lớn mạnh nhất trong khối Xô viết, mặc dù chính sách Ostpolitik của Vatican đã làm suy yếu hầu hết các Giáo hội địa phương ở các quốc gia trong khối Hiệp ước Warsaw.

Khi Đức Wojtyla được bầu làm giáo hoàng vào năm 1978, lấy tên là Gioan Phaolô II, chính sách Ostpolitik Casaroli lặng lẽ bị chôn vùi - mặc dù Đức Gioan Phaolô đã bổ nhiệm Casaroli làm Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh của ngài, để tạo ra một chiến thuật gây hỏa mù. Casaroli sẽ tiếp tục công việc ngoại giao con thoi của ông ta tại Đông và Trung Âu. Nhưng điều đó, Đức Gioan Phaolô hiểu là sẽ tạo ra một tấm bình phong hữu ích để ngài có thể sử dụng loa phóng thanh của giáo hoàng thách thức mạnh mẽ các vi phạm nhân quyền của cộng sản trong các cuộc hành hương của ngài trên khắp thế giới, đáng chú ý nhất là chuyến viếng tông du đầu tiên của ngài trở lại Ba Lan vào tháng 6 năm 1979 và sau đó vào tháng 10 năm đó từ diễn đàn của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Chiến lược hai hướng này là một công cụ trong việc khơi dậy cuộc cách mạng lương tâm đã hình thành nên cuộc Cách mạng năm 1989 và tiến trình tự giải phóng các miền Đông và Trung Âu khỏi chủ nghĩa cộng sản.

Tuy nhiên, những bài học rút ra từ tất cả những điều này - rằng chính sách Ostpolitik đã thất bại bởi vì việc nhượng bộ các chế độ độc tài cộng sản và các chế độ độc tài khác không bao giờ có hiệu quả, và rằng thẩm quyền duy nhất và thực sự mà Tòa Thánh và Đức Giáo Hoàng có trong chính trị thế giới ngày nay là thẩm quyền luân lý – đã không được những người thừa kế của Agostino Casaroli học hỏi, nhiều người trong số họ là những người có ảnh hưởng trong ngành ngoại giao Vatican ngày nay. Tại Học viện Giáo hoàng về Giáo Hội tại Rôma, chính sách Ostpolitik vẫn được giới thiệu với các nhà ngoại giao tương lai của Vatican như là một mô hình thành công, và ở bất kỳ cấp độ nào trong phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chẳng có một nhà trí thức nào nhắc đến các bằng chứng cho thấy những thất bại của chính sách ngoại giao Casaroli.

Cuộc bầu cử Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio của Buenos Aires vào cương vị Giáo Hoàng vào tháng 3 năm 2013 đã không làm thay đổi bộ máy lãnh đạo “Casarolian” trong tư tưởng ngoại giao của Vatican. Hoàn toàn ngược lại là đàng khác. Đức Bergoglio đã mang đến triều giáo hoàng của ngài một kỷ lục đối kháng chế độ độc tài Kirchner ở Á Căn Đình quê hương của ngài, trong đó ngài đã can dự vào một số vấn đề. Nhưng ngài không có kinh nghiệm về chính trị thế giới, và ngay từ đầu triều giáo hoàng, Đức Phanxicô đã nói rõ rằng ngài tin rằng “đối thoại”, có lẽ là từ ưa thích của ngài khi nói về các vấn đề quốc tế, có thể có tác dụng với những người như Vladimir Putin, Bashar al -Assad, Nicolás Maduro, và Raúl Castro.

Vì thế, dưới thời Đức Phanxicô, phương pháp Casaroli cho nền ngoại giao Vatican đã được hoan hô trở lại, trong khi các thành tựu thay đổi thế giới của Đức Gioan Phaolô II, kết quả của sự lãnh đạo tinh thần có sức lôi cuốn, xem ra đã bị các nhà ngoại giao cao cấp của Giáo hội phớt lờ. Và một kết quả của sự trở lại [phương pháp Casaroli] này là một bước tiến mới với Trung Quốc, là quốc gia mà những nhà ngoại giao cao cấp người Ý của Vatican coi như là một thế lực đang lên như diều trên thế giới nên cần phải xem là một “đối tác”.

Đức Gioan Phaolô và người kế nhiệm ngài là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã có thể đạt được một thỏa thuận như những gì đang được Bắc Kinh đề xuất hoặc một điều gì đó tương tự như vậy. Nhưng cả hai đều bác bỏ, bởi vì các ngài biết rằng đó không phải là một bước tiến mang lại tự do hơn cho Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc nhưng là một bước hướng tới sự phục tùng nặng nề hơn của người Công Giáo đối với chế độ Cộng sản Trung Quốc, đó là một sự phản bội những người Công Giáo bị bách hại trên khắp Trung Quốc, và là một trở ngại cho tương lai truyền giáo ở Trung Quốc. Cả hai vị cũng có thể đã cân nhắc rằng bất kỳ việc trao đổi ngoại giao chính thức nào của Vatican đối với Bắc Kinh cũng sẽ dẫn đến hệ lụy là phải chấm dứt mối quan hệ ngoại giao với Đài Loan, là nền dân chủ Trung Hoa đầu tiên trong lịch sử - và đó sẽ là một dấu chỉ rất xấu đối với phần còn lại của thế giới trước cam kết thực hiện học thuyết xã hội Công Giáo của Vatican.

Chính sách ngoại giao của Vatican ngày nay đang dựa vào những nền tảng rất lung lay và không an toàn - và đang dựa vào những hoang tưởng của những nhà ngoại giao Ý rằng Tòa Thánh ở thế kỷ 21 có thể hành xử trên trường quốc tế như thể vào năm 1815, khi Đức Hồng Y Ercole Consalvi, nhà ngoại giao chủ yếu của Đức Piô VII, là một diễn viên quan trọng tại Hội Nghị Vienna. Những nền tảng lung lay và hoang tưởng đó không phải là đơn thuốc cho một nền ngoại giao thành công. Đó là một đơn đặt hàng cho những thất bại cả trên hai phương diện ngoại giao và giáo hội, mà kết quả trước mắt là thỏa thuận hiện đang được cổ võ giữa Vatican và Trung Quốc.