Phòng Báo Chí của Tòa Thánh công bố các chi tiết sau đây về ngày đầu tiên, 30 tháng 11, Đức Phanxicô có mặt tại Bangladesh: hội kiến với Tổng Thống Hamid, gặp gỡ các nhà cầm quyền, đại biểu xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại Dinh Tổng Thống ở Dhaka.

Hồi 17 giờ 30, giờ địa phương, Đức Thánh Cha đã đến viếng xã giao Tổng Thống Cộng Hòa Bangladesh, Ông Abdul Hamid. Tới nơi, ngài được nghinh đón bởi Thư Ký Quân Đội; viên chức này tháp tùng ngài tới cửa danh dự, nơi Tổng Thống đứng sẵn chờ đợi. Cuộc hội kiến riêng diễn ra tại Phòng Quốc Thư, kết thúc với việc giới thiệu các thành viên trong gia đình và trao đổi quà tặng. Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng và Tổng Thống tiến ra đại sảnh nơi diễn ra cuộc gặp gỡ với các nhà cầm quyền và giới ngoại giao.

Đúng 18 giờ 00, tại Dinh Tổng Thống ở Dhaka, cuộc gặp gỡ đã diễn ra với các nhà cầm quyền chính trị và tôn giáo, thành viên ngoại giao đoàn và đại diện xã hội dân sự. Sau lời phát biểu của Tổng Thống Hamid, Đức Giáo Hoàng đã đọc bài diễn văn sau đây:

Kính thưa Tổng Thống
Qúy Nhà Cầm Quyền Chính Phủ và Dân Sự
Kính thưa Đức Hồng Y, các hiền huynh giám mục,
Kính thưa qúy thành viên ngoại giao đoàn
Kính thưa qúy bà và qúy ông

Lúc bắt đầu những ngày ngụ tại Bangladesh, tôi muốn được cám ơn ngài, thưa Tổng Thống, về lời mời nhân ái tới viếng thăm xứ sở này và về những lời nghinh đón khả ái. Tôi tới đây theo dấu chân của hai vị tiền nhiệm là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, để cầu nguyện với các anh chị em Công Giáo của tôi, và để đem đến cho họ một thông điệp của tình âu yếm và khích lệ. Bangladesh là một quốc gia trẻ trung, nhưng luôn có một vị trí đặc biệt trong trái tim các vị giáo hoàng, những vị từ đầu vẫn luôn bầy tỏ tình liên đới với nhân dân của nó, tìm cách đồng hành với họ trong việc vượt qua các nghịch cảnh buổi đầu, và hỗ trợ họ trong trách vụ đòi hỏi là xây dựng và phát triển quốc gia. Tôi biết ơn vì có dịp được ngỏ lời với cuộc tụ tập này, một cuộc tụ tập đem lại với nhau các người nam nữ có những trách nhiệm đặc thù trong việc lên khuôn tương lai của xã hội Bangladesh.

Trong chuyến bay tới đây, tôi được nhắc nhở rằng Bangladesh – tức “Bengal Vàng” – là một nước được thống nhất nhờ một hệ thống sông ngòi lớn nhỏ. Vẻ đẹp tự nhiên này, theo tôi, tượng trưng cho bản sắc đặc thù của qúy vị trong tư cách một dân tộc. Bangladesh là một quốc gia đang cố gắng kết hợp sự thống nhất về ngôn ngữ và văn hóa với việc tôn trọng các truyền thống và cộng đồng khác nhau, vốn là những thứ, giống như những dòng suối, từng rút tỉa và ngược lại đã phong phú hóa những luồng chẩy vĩ đại của đời sống chính trị và xã hội của đất nước.

Trong thế giới ngày nay, không một cộng đồng, một quốc gia hay một nhà nước đơn lẻ nào có thể tồn tại và tiến bộ trong cô lập. Là các thành viên của một gia đình nhân loại duy nhất, chúng ta cần đến nhau và tùy thuộc lẫn nhau. Tổng Thống Sheikh Mujibur Rahman hiểu và tìm cách hiện thân nguyên tắc này trong Hiến Pháp quốc gia. Ông có viễn kiến về một xã hội hiện đại, đa nguyên và bao gồm mọi người, trong đó, mỗi ngưởi và mỗi cộng đồng có thể sống trong tự do, hòa bình và an ninh, với lòng tôn trọng phẩm giá bẩm sinh và các quyền bình đẳng của mọi người. Tương lai của nền dân chủ trẻ trung này và sự lành mạnh trong đời sống chính trị của nó, từ trong yếu tính, vốn liên kết với sự trung thành đối với viễn kiến lập quốc này. Vì chỉ nhờ việc thành thực đối thoại và tôn trọng tính đa dạng hợp pháp một dân tộc mới có thể hoà giải được các chia rẽ, thắng vượt các lối nhìn một chiều, và nhìn nhận giá trị của các quan điểm dị biệt. Vì cuộc đối thoại đích thực biết nhìn về tương lai, nó xây dựng sự thống nhất để phục vụ ích chung và quan tâm tới các nhu cầu của mọi công dân, nhất là người nghèo, người kém thế và tất cả những người không có tiếng nói.

Trong mấy tháng gần đây, tinh thần đại lượng và liên đới, một tinh thần vốn là đặc điểm rõ nét của xã hội Bangladesh, đã được chứng tỏ một cách sống động nhất trong việc họ nối vòng tay lớn nhân đạo với đoàn lũ đông đảo người tỵ nạn từ Tiểu Bang Rakhine, bằng cách cung cấp cho họ nơi trú ẩn tạm thời và các nhu cầu căn bản của cuộc sống. Điều này được thực hiện với không ít sự hy sinh. Nó cũng được thực hiện dưới con mắt của toàn thế giới. Không ai trong chúng ta lại có thể không biết đến sự trầm trọng của tình thế, số lượng khổng lồ các đau khổ của con người, và điều kiện sinh sống bấp bênh của rất nhiều anh chị em chúng ta, mà đa phần là phụ nữ và trẻ em, chen chúc nhau trong các trại tị nạn. Điều bắt buộc là cộng đồng quốc tế phải đưa ra các biện pháp có tính quyết định nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng trầm trọng này không nguyên bằng cách giải quyết các vấn đề chính trị, tức các vấn đề từng dẫn đến việc tản cư hàng loạt người dân, mà còn phải trợ giúp tức khắc về vật chất cho Bangladesh trong cố gắng của họ nhằm đáp ứng hữu hiệu các nhu cầu cấp bách của con người.

Dù chuyến viếng thăm của tôi chủ yếu nhằm nói với cộng đồng Công Giáo, nhưng một khoảnh khắc đặc ân sẽ là cuộc gặp gỡ của tôi với các nhà lãnh đạo đại kết và liên tôn. Cùng nhau, chúng tôi sẽ cầu nguyện cho hòa bình và tái khẳng định sự dấn thân của chúng tôi làm việc cho hòa bình. Bangladesh nổi tiếng vì sự hài hòa mà theo truyền thống vốn hiện hữu giữa các tín đồ của các tôn giáo đa dạng. Bầu khí tôn trọng lẫn nhau, và bầu khí đối thoại liên tôn mỗi ngày một gia tăng, sẽ giúp các tín hữu tự do biểu lộ các xác tín sâu sắc của họ về ý nghĩa và mục đích đời người. Nhờ cách này, họ có thể đóng góp vào việc cổ vũ các giá trị tâm linh vốn là nền tảng vững chãi cho một xã hội công chính và ưa chuộng hòa bình. Trong một thế giới tôn giáo thường bị lạm dụng một cách đầy tai tiếng để xúi giục chia rẽ, một chứng tá đối với sức mạnh hòa giải và thống nhất như thế càng cần thiết hơn nữa. Điều này được thấy một cách đặc biệt hùng hồn trong phản ứng bất bình chung tiếp theo cuộc tấn công khủng bố dã man tại Dhaka vào năm ngoái, và trong sứ điệp rõ ràng của các nhà lãnh đạo tôn giáo của quốc gia, sứ điệp này nói rằng danh rất thánh của Thiên Chúa không bao giờ được kêu tới để biện minh cho thù hận và bạo lực chống lại các đồng loại nhân bản của chúng ta.

Các người Công Giáo của Bangladesh, dù tương đối ít về số lượng, nhưng đã cố gắng đóng một vai trò xây dựng trong việc phát triển quốc gia, nhất là qua các trường học, bệnh xá và phòng phát thuốc của họ. Giáo Hội đánh giá cao quyền tự do thực hành đức tin của mình và theo đuổi các việc bác ái, vốn mang lợi ích cho toàn thể quốc gia, bằng cách ít nhất cũng cung cấp cho giới trẻ, vốn đại diện cho tương lai của xã hội, một nền giáo dục có phẩm chất và một nền đào tạo về các giá trị đạo đức và nhân bản lành mạnh. Trong các trường học của mình, Giáo Hội tìm cách cổ vũ nền văn hóa gặp gỡ, một nền văn hóa giúp học sinh khả năng biết lãnh lấy trách nhiệm của họ trong đời sống xã hội. Quả vậy, đại đa số các học sinh và nhiều thầy cô trong các trường này không phải là Kitô hữu, mà xuất thân từ các truyền thống tôn giáo khác. Tôi tin tưởng rằng, phù hợp với chữ nghĩa và tinh thần của Hiến Pháp quốc gia, cộng đồng Công Giáo sẽ tiếp tục được hưởng quyền tự do thực hiện các việc làm tốt đẹp này như một cách nói lên cam kết của họ đối với ích chung.

Kính thưa Tổng Thống, qúy bạn thân mến:

Tôi xin cám ơn qúi vị đã chú ý và tôi xin bảo đảm với qúy vị tôi sẽ cầu nguyện để, trong các trách nhiệm cao qúy của qúy vị, qúy vị sẽ luôn được gợi hứng bởi các lý tưởng cao cả về công lý và phục vụ các đồng công dân của qúy vị. Tôi sẵn lòng xin Đấng Toàn Năng ban xuống qúy vị và mọi người dân Bangladesh ơn hài hòa và bình an.