Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Thập giá: mầu nhiệm tình yêu

Khi đứng trước Thập Giá Chúa Kitô, có hai loại cám dỗ tâm linh. Cám dỗ thứ nhất là nghĩ về một Đấng Kitô mà vắng bóng thập giá, nghĩa là chỉ coi Chúa Kitô là bậc thầy tâm linh chứ không phải là đấng đã trải qua thập giá, chiến thắng sự chết và phục sinh khải hoàn. Khi ấy thập giá chỉ hiểu theo một nghĩa tinh thần chứ không thực sự là thế. Cám dỗ thứ hai là nghĩ về thập giá mà vắng bóng Chúa Kitô, nghĩa là đi vào sự vô vọng. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng thứ Năm 14 tháng 9 tại nhà nguyện Marta, thánh lễ Suy tôn Thánh Giá Chúa Kitô.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Thập Giá Chúa chính là mầu nhiệm tình yêu. Cây Thánh Giá thật cao quý và diễn tả sự trung thành. Chẳng phải lúc nào cũng dễ dàng yêu mến thập giá. Để có thể yêu mến, chúng ta cần liên tục suy niệm và chiêm ngắm mầu nhiệm tình yêu này. Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô hai động từ: lên và xuống. Chúa Giêsu từ trời đi xuống, để dẫn chúng ta lên trời. Đây là mầu nhiệm của thập giá, như thánh Phaolô nói: Chúa Giêsu tự hạ đến nỗi vâng lời chịu chết và chết trên thập giá.

Chúa Giêsu đã tự khiêm tự hạ, tự trở nên thấp hèn, chịu sự sỉ nhục, trung thành trọn vẹn trong tình yêu mến dành cho Chúa Cha, và vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người, đã nâng Người lên. Chỉ khi nào chúng ta hiểu được điều này, chúng ta mới có thể hiểu được ơn cứu rỗi bí ẩn mà tình yêu ấy mang lại cho chúng ta.

Tuy nhiên, chẳng hề dễ dàng để hiểu điều ấy, vì có luôn có hai loại cám dỗ: hoặc là Đức Kitô vắng bóng thập giá, hoặc là thập giá vắng bóng Đức Kitô.

Nếu một Đức Kitô mà không có thập giá, thì Đức Kitô ấy là một bậc thầy tâm linh, một bậc thầy tôn giáo, và không có gì hơn. Có lẽ đó cũng là điều mà ông Nicôđêmô đang tìm kiếm. Đó là một loại cám dỗ. Thánh Phaolô đã giận dữ với những người trình bày một Đức Kitô như thế. Vì họ nói về Đức Kitô, nhưng không nói về Đức Kitô chịu đóng đinh. Còn nếu chỉ nói về thập giá mà không nói về Đức Kitô, thì đó chỉ là thập giá của vô vọng. Khi ấy, thập giá chỉ còn là khổ giá, chỉ còn là một trong những thảm kịch của nhân loại.

Thánh Giá Chúa Kitô là mầu nhiệm tình yêu, một tình yêu trung thành và cao quý. Hôm nay chúng ta có thể dành vài phút để tự hỏi lòng mình: Đức Kitô chịu đóng đinh vì tôi, điều này có phải là mầu nhiệm tình yêu chăng? Tôi có đang đi theo một Đức Kitô vắng bóng thập giá, một bậc thầy tinh thần với đầy an ủi và lời khuyên khôn ngoan? Hay tôi có đang đi theo một cây thập tự vắng bóng Chúa Kitô, nghĩa là đi trong than thở vô vọng? Tôi có đi vào mầu nhiệm tình yêu của Chúa, mầu nhiệm tự khiêm tự hạ, trở thành bé nhỏ đến độ hoàn toàn như không, và rồi được Chúa nâng dậy nâng lên?

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Nguyện xin Chúa ban ân sủng, để chúng ta có thể hiểu được mầu nhiệm tình yêu này, với trọn tâm hồn, trí khôn, sức lực, với trọn con người mình.

2. Chiêm ngưỡng Chúa Giêsu vinh hiển trên thập giá

Hãy cùng với Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá để chiêm ngắm, chiêm ngưỡng Chúa Giêsu chiến thắng vinh hiển trên thập giá. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong Lễ Đức Mẹ Sầu Bi sáng thứ Sáu 15 tháng 9 tại nhà nguyện Marta.

Mở đầu bài giảng Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta hãy chiêm ngắm Mẹ của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng dấu chỉ của chiến thắng, một dấu chỉ rất mâu thuẫn. Đó là Chúa Giêsu. Người chiến thắng vinh hiển, nhưng lại trên Thánh Giá, trên Thánh Giá. Điều này rất mâu thuẫn và không thể hiểu nổi… Chúng ta cần có đức tin để có thể hiểu được điều ấy. Cần có đức tin để có thể tiếp cận mầu nhiệm này.

Mẹ Maria biết những điều ấy, và cả cuộc đời, Mẹ đã sống với tâm hồn đớn đau ấy. Mẹ đi theo Chúa Giêsu và nghe những lời bình phẩm mà người ta dành cho Chúa. Có những lần người ta khen tặng êm ai, có những lần người ta chống đối gay gắt. Nhưng phần Mẹ, Mẹ luôn bước theo Con của Mẹ. Đó là lý do mà chúng ta gọi Mẹ là người môn đệ đầu tiên. Và dấu hiệu của sự mâu thuẫn, duyên cớ vấp phạm, như Cụ già Simeon từng nói, tiếp tục đâm thâu tâm hồn Mẹ trong cuộc đời Mẹ.

Cho đến tận cùng, Mẹ đã ở đó, Mẹ đứng đó, lặng lẽ dưới chân thập giá, để nhìn Con của Mẹ. Có lẽ Mẹ cũng nghe những lời chê bai nhạo cười mà dân chúng nói: Hãy nhìn xem, kìa là mẹ của tên phạm pháp. Nhưng Mẹ vẫn đứng đó, trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Mẹ.

Trong thinh lặng, những lời nói ngắn gọn bé nhỏ lúc ấy, giúp chúng ta chiêm ngắm và bước vào mầu nhiệm này. Vào lúc ấy, trong đức tin, Mẹ đã sinh ra chúng ta, Mẹ sinh ra Giáo Hội. Chúa Con nói với Mẹ: Này Bà, đây là các con của Bà. Chúa đã không gọi là Mẹ, mà lại gọi là Bà. Bà ấy, người phụ nữ ấy đứng đó đầy dũng cảm, để rồi nói một cách không chần chừ do dự: Đây là Con của tôi.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta hãy dành thời gian để suy gẫm và chiêm ngắm đoạn Tin Mừng hôm nay. Chúng ta hãy để cho Chúa Thánh Thần nói với từng người chúng ta điều chúng ta đang cần.

3. Chứng từ của người mẹ Colombia có con làm linh mục

Chiều ngày 09/09 vừa qua, trong buổi gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô với các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và gia đình của họ tại thành phố Medellín, Colombia, bà María Isabel Arboleda Pérez đã đại diện cho hội các bà mẹ linh mục và chủng sinh chào mừng Đức Thánh Cha và trình bày chứng từ của mình.

Bà Arboleda Pérez thưa với Đức Thánh Cha như sau:

“Kính thưa Đức Thánh Cha,

Thật là điều tốt lành khi Cha hiện diện giữa chúng con. Con tên là María Isabel Arboleda Pérez. Cùng với chồng và 3 người con của con, trong đó có một linh mục, và đại diện cho tất cả các gia đình ở Antioquia có con làm linh mục, chúng con nồng nhiệt chào đón Cha.

Thưa Đức Thánh Cha, có một người con làm linh mục, thật sự là một phúc lành của Thiên Chúa.

Trong gia đình chúng con, chúng con luôn vun trồng các giá trị nhân bản và Kitô giáo nơi các con của chúng con. Với ơn Chúa, chúng con là một gia đình cầu nguyện và bác ái; điều này giúp khơi dậy ước muốn làm linh mục nơi con trai của con, bởi vì gia đình là nơi đầu tiên gieo mầm ơn gọi. Hiện này con của chúng con là một linh mục, gia đình chúng con tiếp tục đồng hành với con của con bằng sự hiện diện và lời cầu nguyện của chúng con.

Chúng con luôn cầu nguyện với chân phước Mariano de Jesus Euse Hoyos, đấng bầu cử cho các ơn gọi linh mục.

Thêm nữa, từ 24 năm nay, một nhóm các bà mẹ của các linh mục và tu sĩ chúng con thường họp nhau định kỳ giống như tại nhà Tiệc ly để cầu nguyện cho sự kiên trì và thánh thiện của các người con linh mục và tu sĩ của chúng con. Một công việc tông đồ lớn mạnh thêm mỗi ngày.

Nhân danh tất cả các gia đình có niềm vui có con là linh mục, chsung con xin Cha, chúc lành đặc biệt cho các con của chúng con, các linh mục và tu sĩ và cho các con cái ở gia đình của chúng con.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho Cha, thưa Đức Thánh Cha

4. Nguồn gốc ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi

Trước cuộc cải tổ phụng vụ của Công đồng Vatican 1969, trong Phụng vụ có hai thánh lễ kính Đức Mẹ Sầu Bi. Thánh lễ thứ nhất được cử hành vào ngày thứ Sáu của tuần III sau lễ Phục Sinh. Năm 1482, bảy sự thương khó của Đức Mẹ mới được khai triển và truyền giảng ở Âu Châu. Năm 1912, Đức Giáo hoàng Piô X quyết định toàn thể Giáo Hội cử hành lễ này một lần nữa vào ngày 15-9 hằng năm, sau lễ kính Thánh Giá, đó là lễ thứ hai. Cả hai thánh lễ đều dùng thánh thi “Stabat Mater” (Mẹ Sầu Bi đứng dưới chân Thập tự Giá) của Giacopone da Todi (1360), tu sĩ dòng Phanxicô, làm thánh ca cho buổi lễ. Năm 1969, lễ Đức Mẹ Sầu Bi ngày Thứ Sáu trong tuần Khổ Nạn bị bãi bỏ do việc cải tổ phụng vụ sau Công đồng Vatican II. Lý do việc bãi bỏ là vì Giáo Hội không muốn mừng một biến cố hay một mầu nhiệm hai lần trong một năm.

Ý nghĩa của “Đức Mẹ Sầu Bi”

Đức Mẹ Sầu Bi có nghĩa là Đức Mẹ đau khổ, thương khó, thống khổ... Đức Mẹ là mẹ Đức Chúa Giêsu, trong cuộc đời 33 năm của Đức Chúa Giêsu, Mẹ đã cảm nhận nhiều nỗi đau thương: Lời tiên báo của ông Simêon (x. Lc 2,34-35); Cuộc chạy trốn sang Ai Cập (x. Mt 2,13-21); Lạc mất Chúa ba ngày (x. Lc 41,50); Vác thập tự giá lên đỉnh Calvê (x. Ga 19,17); Chúa bị đóng đinh và tử nạn trên thập tự giá (x. Ga 19,18-30); Tháo xác Chúa (x. Ga 19,39-40); Táng xác Chúa (x. Ga 19,40-42).

Và cho đến ngày hôm nay, tuy đã về trời, Đức Mẹ Maria vẫn còn tiếp tục phải chịu bao đau khổ khi chứng kiến biết bao ích kỷ, hận thù, chia rẽ, chiến tranh... giữa đoàn con cái của mình. Nhưng nỗi thống khổ lớn nhất của Đức Mẹ chính là việc trầm luân của biết bao linh hồn đang sống trong tội lỗi và sẽ sa xuống hoả ngục. Lời tiên tri của cụ già Simêon khi xưa quả rất hiện thực, vì con tim của Đức Mẹ vẫn không ngừng bị bao lưỡi đòng đâm thấu, và người đâm thấu tâm hồn Đức Mẹ lại chính là những đứa con mà Đức Mẹ đã một lần sinh ra trong ân sủng. Trong số những đứa con phản nghịch ấy, phải chăng có tôi và bạn?