Thế còn tất cả các tác phẩm nghệ thuật thì sao?

Ở mức hiểu biết thông thường, nhiều người thấy các con số này khá khó nhá, vì sưu tập tuyệt hảo của gần 18,000 danh phẩm tích tụ tại các Bảo Tàng Viện Vatican và được trưng bày tại nhiều khu vực của Vatican. Chưa có ai từng tính toán giá trị tiền mặt có thể có của chúng, nhưng chắc chắn phải hàng tỷ dollars. Tuy nhiên, các tài sản này không được bao gồm trong bất cứ bản báo cáo tài chánh nào của Vatican. Nếu theo nghĩa đen chúng không vô giá, thì các danh phẩm này, như bức điêu khắc Pietà của Michelangelo, cũng gần như thế, vì trong sổ sách của Vatican, chúng được đánh giá mỗi thứ 1 đồng euro.

Sở dĩ thế là vì theo quan điểm của họ, Vatican chỉ là người trông coi các danh phẩm này mà thôi như là thành phần của gia tài nghệ thuật và văn hóa của nhân loại, và không ai được bán hay cho mướn các danh phẩm này cả. Năm 1986, khi Vatican bị thâm thụt tới 56 triệu dollars, nhiều người lên tiếng kêu gọi Giáo Hội bán một số tác phẩm nghệ thuật để cân bằng sổ sách chi thu. Nhưng Vatican nhấn mạnh rằng các tài sản nghệ thuật là “kho tàng của cả nhân loại”, nên không thể bán được. Dĩ nhiên, đúng là Vatican kiếm được hàng chục triệu euro mỗi năm nhờ bán vé cho người ta vào các bảo tàng viện của mình để chiêm ngắm các danh phẩm này, nhưng họ cũng chi hàng chục triệu euro hàng năm để khôi phục và bảo trì chúng. Quả thực, đâu lại vào đấy cả.

Tại sao Vatican có ngân hàng riêng?

Viện Các Công Trình Tôn Giáo (Institute for the Works of Religion), thường được gọi tắt bằng tiếng Ý là IOR, nhận các khoản ký thác và thực hiện các vụ đầu tư, và chuyển tiền đi khắp thế giới, phần lớn nhân danh các thực thể Công Giáo như các giáo phận và dòng tu. Viện Các Công Trình Tôn Giáo có khoảng 33,000 khách hàng, phần lớn ở Âu Châu, dù có khoảng 3,000 khách hàng ở Châu Phi và Nam Mỹ. Tổng gía trị tài sản của nó, được biết dưới tên “gia sản”, được ước lượng khoảng 6 tỷ rưỡi dollars. Các giới chức cho hay mục đích chính của nó là cung cấp cách để các thực thể Công Giáo như các dòng truyền giáo rải rác khắp nơi trên thế giới giữ an toàn các ngân khoản của họ và chuyển chúng đi các nơi khi cần.

Nói cho đúng, phần lớn số tài sản 6 tỷ rưỡi dollars do Viện Các Công Trình Tôn Giáo kiểm soát này không phải tiền của Vatican, và nó cũng không thuộc về Đức Giáo Hoàng mà thuộc 33,000 người ký thác. Chính vì thế, thực sự không chính xác chút nào khi kể tài sản của Viện Các Công Trình Tôn Giáo dưới tựa đề “của cải của Vatican”.

Bất chấp việc người ta quen gọi Viện Các Công Trình Tôn Giáo là Ngân Hàng Vatican, những người hiểu chuyện nhấn mạnh rằng đó không phải là danh xưng thích đáng, vì các lý do sau đây:

• Viện Các Công Trình Tôn Giáo điều hành như một định chết vô vị lợi, trong khi phần lớn các ngân hàng là các cơ quan thương mại nhằm kiếm lời.

• Ngân hàng thường được định nghĩa như một định chế tài chánh để nhận ký thác và cho vay. Tuy nhiên, Viện Các Công Trình Tôn Giáo bị qui chế của nó cấm dùng tiền ký thác để cấp tín dụng.

• Vì Viện Các Công Trình Tôn Giáo không cho vay, nên nó không giữ bất cứ trữ lượng nào. Nó không duy trì một trữ lượng tiền tệ nào, hay vàng bạc, để bảo vệ các khoản vay và chống lại các vụ chạy tiền lớn bất thình lình do người cho vay đòi lại (runs), điều mà các ngân hàng thực sự bị luật lệ đòi phải làm.

• Không như phần lớn các ngân hàng, Viện Các Công Trình Tôn Giáo không phải là một thực thể tư. Nó là một thực thể công do một vị có toàn quyền tạo ra, tức Đức Giáo Hoàng.

• Viện Các Công Trình Tôn Giáo không mở ra cho công chúng. Tại một ngân hàng thông thường, gần như bất cứ ai cũng có thể bước vào và mở một chương mục. Muốn để tiền tại Viện Các Công Trình Tôn Giáo, bạn phải là một nhân viên hay viên chức của Vatican hay Tòa Thánh, một đại diện của một viện hay dòng tu Công Giáo, một giáo phận, hay một trong các qúy phụ tá riêng của Đức Giáo Hoàng, những người đảm nhiệm các chức năng có tính nghi lễ quanh tông điện.

• Nói theo phương diện kỹ thuật, Viện Các Công Trình Tôn Giáo không có cả các chương mục. Khi một ai đó ký thác tiền ở Viện Các Công Trình Tôn Giáo, thuật ngữ nội bộ nói họ ký thác vào một “qũy” chứ không phải một “chương mục”.

• Không như các ngân hàng Âu Châu và Hoa Kỳ, Viện Các Công Trình Tôn Giáo không có các mạng lưới khách hàng và các công ty con (subsidiaries) trên thế giới. Thực thế, nó cấm các ngân hàng khác mở chương mục với nó ở Ý và ở nơi khác.

Viện Các Công Trình Tôn Giáo được quản trị bởi một ủy ban các Hồng Y và được lãnh đạo bởi 1 chủ tịch và một tổng giám đốc giáo dân, chịu trách nhiệm trước một hội đồng giám sát gồm 5 thành viên. (khi cuốn sách này đang được viết ra, thư ký của hội đồng giám sát này là Carl Anderson, Hiệp Sĩ Tối Cao của Hội Hiệp Sĩ Columbus). Tuy nhiên, một phúc trình năm 2012 của các chuyên viên chống rửa tiền của Âu Châu khuyến cáo rằng Viện Các Công Trình Tôn Giáo nên theo qui định của bên ngoài nhiều hơn. Phúc trình này cảnh cáo rằng việc thiếu sự giám sát như thế “sẽ đặt ra nhiều nguy cơ to lớn cho sự ổn định của lãnh vực tài chánh nhỏ của Tòa Thánh và Thị Quốc Vatican”.

Há Vatican đã không bị lôi kéo vào đủ thứ tai tiếng tài chánh đó sao?

Đúng như thế! Tình tiết nổi đình đám nhất thời hiện đại có lẽ là các tai tiếng của Ngân Hàng Vatican trong thập niên 1980, lúc người ta thấy nhà tài chánh người Ý, Roberto Calvi, được mệnh danh là “nhà ngân hàng của Thiên Chúa” do các liên hệ gần gũi của ông với Vatican, treo cổ tự tử dưới chân Cầu Blackfriars gần trung tâm tài chánh của London, tiếp theo việc Ngân Hàng Banco Ambrosiano của ông sụp đổ gây chú ý. Ngân hàng này mắc nợ khoảng 1 tỷ rưỡi dollars mà phần lớn đã bị tẩu thoát qua Ngân Hàng Vatican. Các lý thuyết gia theo thuyết âm mưu thì cho rằng đàng sau vụ này có sự thông đồng giữa Vatican, bọn lưu manh Ý và bè Tam Điểm. Còn các giới chức Vatican thì cho rằng mình chỉ bị cố vấn sai lầm mà thôi. Dù sao, cuối cùng, Vatican phải trả 224 triệu dollars cho các chủ nợ của Banco Ambrosiano như nói lên “trách nhiệm tinh thần” đối với việc sụp đổ, dù bác bỏ mọi tội lỗi về pháp lý.

Gần đây hơn, năm 2010, các công tố viên Ý tuyên bố một cựu viên chức cao cấp của Vatican, Đức Hồng Y Crescenzio Sepe, là mục tiêu của một cuộc thăm dò chống tham nhũng liên hệ tới nhiệm kỳ từ năm 2001 tới năm 2006 đứng đầu cơ quan truyền giáo đầy quyền thế của ngài, tức Thánh Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc của Tòa Thánh. Các công tố viên nghi ngờ rằng Đức Hồng Y Sepe đã dành cho các chính khách Ý nhiều thương lượng béo bở về các căn hộ, đồng thời, hàng triệu Euro của qũy nhà nước đã được phân bổ để tân trang nhiều dự án tại Thánh Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc, trong đó, có trụ sở chính của nó tại Piazza di Spagna ở Rôma. Người ta cho rằng Đức Hồng Y Sepe đã hối lộ để các viên chức công cộng chịu tài trợ cho công trình, một công trình không bao giờ được hoàn tất trong một số khía cạnh. Khi cuốn sách này được viết ra, cuộc điều tra vẫn còn đang tiếp diễn. Đức Hồng Y Sepe tuyên bố ngài vô tội, cho rằng “Tôi hành động chỉ vì lợi ích của Giáo Hội”. Cùng năm, các nhà cầm quyền Ý cũng đóng băng một thời gian ngắn 30 triệu dollars của Viện Các Công Trình Tôn Giáo vì có hai giao dịch bị coi là “nghi ngờ” vì vi phạm các qui định chống rửa tiền, và họ đã phát động một cuộc điều tra hình sự cả chủ tịch lẫn tổng giám đốc của Viện Các Công Trình Tôn Giáo.

Tai tiếng rì rỏ vĩ đại về Vatican trong các năm 2011 và 2012 cho thấy các tiết lộ về thư từ bí mật nhằm kết tội tham nhũng và óc bè đảng (cronyism) trong nền tài chánh Vatican, như ký nhận khế ước dựa trên tình bạn hay sự bảo hộ hơn là dựa vào việc cạnh tranh hợp lý. Các chương trình truyền hình gây ấn tượng vào các giờ cao điểm gợi ý cho người ta thấy: những ngày xưa xấu xa tại Ngân Hàng Vatican không bao giờ kết thúc thực sự; chúng cho rằng trong số nhiều vụ việc khác, ngân hàng này vẫn còn duy trì các chương mục bí mật dành cho các nhà đầu tư nào muốn tránh bị dòm ngó một cách không cần thiết. Các lời tố cáo này liên tiếp bị các giới chức Vatican bác bỏ. (Bất chấp các điều được các bản phúc trình gợi ý, số tiền thực sự có liên hệ với các tình huống này tương đối khá khiêm tốn. Thí dụ, một trong các lời tố cáo tham nhũng được phổ biến rộng rãi trên báo chí cho rằng Vatican đã trả quá nhiều tiền cho bộ giáng sinh hàng năm đặt tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô. Số tiền này lên đến 680,000 dollars. Đây không hẳn là một món tiền nhỏ, nhưng cũng đâu có thấm thía gì so với với hàng tỷ dollars tham nhũng trong việc chi tiêu quốc phòng chẳng hạn).

Các tai tiếng trên có dẫn tới việc cải tổ không?

Sự kiện Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI sẵn sàng đưa ra biện pháp bất thường là cất chức một giám mục không phải vì lý do tín lý trong các năm 2011 và 2012, và làm như thế 3 lần trong hơn một năm, cho thấy Đức Giáo Hoàng và Tòa Thánh mỗi ngày mỗi nhậy cảm hơn đối với việc cần có chuyện tính sổ trong việc quản lý tiền bạc. Năm 2010, Đức Bênêđíctô XVI cũng lập ra một cơ quan mới để giám sát tài chánh, tức Thẩm Quyền Thông Tin Tài Chánh, nhằm làm cho các cơ quan khác nhau được trong sạch và làm cho Vatican phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế trong cuộc chiến đấu chống việc rửa tiền.

Năm 2012 cũng đem đến một khúc rẽ khác dưới hình thức một cuộc đánh giá lần đầu tiên các nhiệp vụ tài chánh của Vatican do Moneyval, một cơ quan chống rửa tiền của Hội Đồng Âu Châu, thực hiện. Trước đó, chưa bao giờ Vatican mở các hệ thống tài chánh và pháp lý của mình cho một thứ duyệt xét độc lập từ bên ngoài, với các kết quả được công bố công khai. Trong các thế kỷ trước đó, nếu các nhà cầm quyền thế tục dám tiến hành một cuộc điều tra như thế, họ sẽ bị chống đối từ đầu tới chân. Đối với Moneyval, thảm đỏ đã được trải ra chào đón họ. Jeffrey Lena, luật sư người Mỹ, cố vấn cho Vatican trong diễn trình Moneyval, kể cho John Allen rằng các nhân viên đánh giá đã được phép khảo sát các hồ sơ liên quan tới việc hợp tác có tính pháp lý và ngoại giao, các chứng thư chứng nhận chống rửa tiền, các thư từ quản trị kế toán, các hồ sơ đăng ký qũy, và nhiều văn kiện bí mật về luật lệ.

Xét trong toàn bộ, các khai triển trên cho thấy Đức Bênêđíctô XVI quả đang từ từ cố gắng cổ vũ một bầu khí mới mẻ cho việc trong sáng hóa và chịu trách nhiệm trong Giáo Hội Công Giáo đối với việc quản lý tiền bạc, được động viên bởi ước muốn không lặp lại các tai tiếng đã qua.

Cha Daniel Mahan, giám đốc Trung Tâm O’Meara Ferguson Quản Lý Công Giáo (Catholic Stewardship) thuộc Đại Học Maria ở Indianapolis, là tiếng nói hàng đầu ở Hoa Kỳ đòi có sự trong sáng và chịu trách nhiệm trong việc Giáo Hội xử lý chuyện tiền bạc. Trong một cuộc hội nghị ở Rôma tháng Mười năm 2012, ngài nói rằng việc trong sáng hệ ở hai trụ cột sau đây:

• Thứ nhất, theo ngài, việc quản trị trong sáng và có trách nhiệm các của cải trần thế của Giáo Hội làm cho các của cải này gia tăng. Ngài bảo: “đây không phải là một phép lạ, nhưng là sự kiện đơn giản của cuộc sống”.

• Thứ hai, ngài cho rằng “khi các chi thể của Giáo Hội, nhất là các giáo dân, có một cái hiểu trong sáng và chính xác về các thực tại trần thế của Giáo Hội mà họ yêu thích, chắc chắn họ sẽ có nhiều triển vọng hơn trong việc hỗ trợ Giáo Hội và các sứ mệnh của Giáo Hội.

Còn tiếp