BẢN GÓP Ý NHÂN ĐỌC CUỐN “LỊCH SỬ GIÁO PHẬN VINH” DO ÔNG VƯƠNG ĐÌNH CHỮ CHỦ BIÊN

Giáo Phận Vinh xuất hiện trong lòng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam như là một giáo phận lớn về con số giáo sĩ, giáo dân và về bề dày lịch sử nên một cuốn sách mới xuất bản gần đây (2015) - nối tiếp các công trình biên khảo cùng một chủ đề xuất hiện từ trước - do ông Vương Đình Chữ chủ biên, tác phẩm “Lịch sử Giáo Phận Vinh”, Tập I – Công Giáo Nghệ -Tĩnh-Bình Thời Các Thừa Sai Nước Ngoài, có Lời Giới Thiệu của Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp và Lời Bạt của Giáo Sư Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương, cũng phản ảnh tầm vóc lớn lao đó. Việc biên soạn lịch sử của các tôn giáo ở Việt Nam trước đây phần nhiều đều do cá nhân hay một số chức sắc tôn giáo đảm trách, nhưng với tác phẩm “Lịch sử Giáo phận Vinh” được biên soạn do một tập thể gồm linh mục và giáo dân, điều này chứng tỏ tinh thần làm việc của Giáo Phận Vinh có tổ chức, có hướng dẫn. Sức mạnh đức tin của Giáo Phận Vinh chẳng những được biểu lộ qua số lượng giáo dân hơn nửa triệu người trong 21 giáo hạt mà còn tỏ ra sức sống mãnh liệt với việc nhiều tác giả trước đây cũng như hiện tại đã bỏ ra biết bao tâm sức để nghiên cứu, tìm tòi, sưu khảo các sử liệu, tư liệu, sách báo để hình thành nên nhiều tác phẩm viết về lịch sử dân Chúa khi hạt giống Tin Mừng đầu tiên được gieo vãi ngày 19-3-1627 trên vùng đất thánh thiêng này. Tôi chắc rằng, các giáo phận khác, cụ thể như Giáo Phận Huế với một số công trình như của Lm Stanilas Nguyễn Văn Ngọc, ông Nguyễn Văn Hội, GS Lê Ngọc Bích v.v… cũng đã có những công trình nghiên cứu riêng thể hiện mối quan tâm của các giáo dân đối với quá trình lịch sử của đạo Chúa trên vùng đất mình sinh ra hoặc lớn lên, như giáo phận Huế chẳng hạn. Tôi muốn nói lên niềm cảm phục đối với những công trình như thế với lòng ước mong trong tương lai, chúng ta sẽ có dịp được đọc những công trình biên khảo giá trị về lịch sử Giáo Hội Việt Nam tương tự như công trình của Giáo Phận Vinh mà chúng tôi có hôm nay.

Cầm trong tay một tác phẩm đồ sộ với 656 trang khổ lớn in rất sáng sủa, trình bày trang nhã, mỹ thuật với cách trích dẫn và cước chú các tư liệu theo đúng phương pháp sử học, chúng tôi nghĩ rằng ông Vương Đình Chữ, chủ biên tác phẩm cùng những vị cộng sự viên chắc chắn phải để nhiều tâm sức trong việc biên tập cuốn “Lịch sử Giáo Phận Vinh”, thận trọng trong việc sử dụng các tài liệu nhất là có nhiều công lao trong việc trình bày một cái nhìn mới qua một đề tài trước đây đã có nhiều tác giả viết tới. Cách nhìn mới đó đã được vạch ra rõ ràng trong bài tựa của Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp như là một bản cẩm nang tối cần thiết khi ngài muốn cuốn sách này phải được viết theo một số tiêu chí đó là “đầy đủ”, “hiện đại”, “theo yêu cầu khắt khe của nghề viết sử”, “trong vòng xoáy của lịch sử”, “trên con đường hội nhập” tuy “dài thăm thẳm” nhưng cũng phải đi tới đích.

I.- Thiên Chúa GIÁO ĐẾN ĐẠI VIỆT, BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ XÃ HỘI.

Trong phần mở đầu của Lời Giới Thiệu, ĐGM Nguyễn Thái Hợp đã có viết rằng: “Đạo Công Giáo đến Việt Nam giữa lúc người dân Việt đang triền miên sống trong những cuộc nội chiến tàn khốc: đất nước bị chia đôi, lòng người ly tán, hiềm khích, đố kỵ, tàn sát lẫn nhau giữa Nam và Bắc triều. Trong bối cảnh ly loạn đó, các thừa sai luôn bị nhìn với những cặp mắt canh chừng, hiềm khích, đố kỵ và cũng thường bị “chụp mũ” làm tay sai cho đối phương, nội thù cũng như ngoại xâm! Đàng khác, các bên xung đột đều lợi dụng các nhà truyền giáo để giữ liên lạc với tàu buôn Tây phương hầu mua khí giới sát thương và trao đổi hàng hóa, nhưng cũng dễ dàng trục xuất họ vì lý do chính trị.” (trang 13). Từ những dòng kế tiếp bắt đầu “Ở Đàng Trong… cho đến hết câu “…và tình đồng đạo.” chúng tôi thấy ĐGM Nguyễn Thái Hợp đã tóm lược đậm nét khung cảnh bi thảm của đất nước để nói lên tình trạng đen tối của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam trong đó dĩ nhiên có số phận của Giáo phận Vinh do Ngài coi sóc hiện nay. Thực trạng của đất nước khi đạo Công Giáo du nhập vào VN có bi thảm đến độ như vậy hay không xét về nhân tâm cũng như về cuộc sống, thiết tưởng đó là những vấn đề cần phải đào sâu tìm hiểu.

11.- Đạo Công Giáo và thời điểm xuất hiện trong lịch sử Việt Nam.

Vào thế kỷ XIX, Leopold von Ranke (1795-1886), một sử gia lừng danh nhất trong số những sử gia lớn của thế giới, đã để lại một gia tài kếch xù gồm 51 tác phẩm biên khảo về lịch sử, rất nổi tiếng khi nói rằng sử gia phải viết lịch sử y như nó đã từng xảy ra (historians should tell thing as it was). Ý kiến của ông đã được lặp đi lặp lại, biện luận và trong thời gian dài được xem như là một trong những tiêu chuẩn của phương pháp sử học. Kiến thức của ông về lịch sử rất đỗi uyên bác về nhiều lãnh vực trong phạm trù tri thức và kinh nghiệm của nhân loại (Xem Paul Weiss, History: Written and Lived, Southern Illinois University Press, 1962, pages 7-9).

Đặt lại thời điểm du nhập của đạo Công Giáo vào Việt Nam trong chính khung thời gian của nó cũng là đáp ứng một đòi hỏi của bộ môn phương pháp sử học.

Về thời điểm xuất hiện đạo Công Giáo tại Đại-Việt, Linh mục Nguyễn Phương (1921-1993) trong bài viết Cha Đắc-Lộ với sự thành lập Giáo-hội Công-giáo Việt-Nam, đăng trên tạp chí Đại Học, cơ quan nghiên cứu Viện Đại Học Huế, số 1, tháng 2-1961 cho biết: “ Theo các tài liệu lịch sử hiện thời có thể thu thập được, thì đạo Công Giáo xuất hiện ở đất Việt vào quảng đầu thế kỷ XVI. “Theo sách Dã-lục thì tháng 3 năm Nguyên-hòa thứ nhất (1533) đời Lê Trang-Tôn, có người Tây-Dương tên là I-nê-Xu lén lút đến xã Ninh-cường, xã Quần-Anh, huyện Nam-Châu, và xã Trà-Lũ huyện Giao-thủy, ngấm ngầm truyền bá tả đạo Gia-Tô.” Thế là, ít ra, từ đó, đạo Công-giáo đã được biết ở Nam-Định.

Thực sự, việc đó không có gì khó hiểu, vì đầu thế kỷ XVI, các tàu buôn Bồ đã đi lại ở Ấn-độ-Dương và Nam-Hải. Người Bồ chiếm thành Goa năm 1510, Mã-Lai 1511, và năm đó, họ gửi một phái bộ sang Thái-Lan. Năm 1514, họ đến Canton, và không lâu sau họ đã biết bờ bể Đại-Việt, như các ông Fernado Perez năm 1516 và Duarte Cuelho năm 1524. Năm 1535, ông Antonio de Faria đã vào Vũng Đà-nẵng và đã chú ý đến cảnh trí của Hải-phố (Hội-An). Vậy, trước đó, chắc cũng đã có tàu Bồ vào Vịnh Bắc-Việt, và đang khi các thương gia mua bán cùng dò tình thế, thì có thể Linh-mục Tuyên-úy của tàu đã tiếp xúc với dân địa phương cùng giảng cho họ về Thiên-Chúa-giáo, tức là đạo Gia-tô. Mà đó phải là một biến-cố có tiếng dội, vì người ta đã nhớ lấy và ghi lại trong dã-sử.

Một sử liệu nữa nói đến Thiên-Chúa-giáo ở Việt Nam vào thế kỷ XVI, đó là bản gia-lục họ Đỗ ở Thanh-Hóa. Bản đó cho biết rằng ông Đỗ-Công-Biều, vào niên hiệu Chính-trị, làm Lại-bộ thuyên khảo thanh lại ti viên ngoại lang, tước Lương-khê-nam, có hai con trai “tòng Hòa-lan đạo”. Hiệu Chính-trị là hiệu thứ hai của Lê-Anh-Tôn, sau hiệu Thiên-hựu và ăn từ 1558 đến 1571. Bấy giờ là thời họ Trịnh đánh với họ Mạc, nên phải liên lạc nhiều với thương gia ngoại quốc để mua khí giới. Theo công trình nghiên cứu của các sử gia Poncet và Cadière – mà bấy giờ người ta gọi là đạo Hòa-lan – trong một dịp đi sứ ở Áo môn.”

Tài liệu ngoại quốc cho biết rằng phái bộ bốn giáo-sĩ dòng Phanxicô đến Đại-Việt đầu tiên là vào năm 1583. Người lãnh đạo gọi là Diego Oropesa. Năm sau đó, có phái bộ của giáo sĩ Bartholorme Ruiz đến và được Mạc-mậu Hiệp trọng đãi. Kế đó là các giáo-sĩ Alfonso de Corta, Gonsalves da Sao vào giảng đạo ở Thanh-Hóa, ở An-Trường, năm 1588-1589. Các giáo-sĩ nầy lưu lại ở Thanh một thời gian và công việc xem ra có một vài kết quả. Pedro Ordunez de Cevallos, trong tập ký sự của ông, có kể chuyện một công chức nhà Lê đã theo Thiên-Chúa-giáo vào thời nầy và đã lập một dòng tu ở An-Trường năm 1591. Sử-gia Poncet đã đến tận nơi khảo sát di tích, và cho rằng Mai-Hoa Công-chúa là một nhân vật lịch-sử chứ không phải là một chuyện bịa.” (trang 71-72).

Tư liệu của Dã-lục ở trên được trích ra từ phần chua (tức chú thích) của Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục gọi tắt là Cương Mục, bản in chúng tôi có là tập II, Viện Sử Học, do nhà xb Giáo Dục, 1998, trang 301). Dã lục cũng như dã sử là sách của tư gia ở dân gian ghi chép, khác với sách của sử quan, nên gọi tên như thế. Tài liệu ngoại quốc mà sử gia linh mục Nguyễn Phương nói ở đây có lẽ là cuốn Essai sur les Origins du Christianisme au Tonkin et dans les autres pays annamites của Romanet du Caillaud, xuất bản ở Paris năm 1915, trang 34 và Bulletin Des Amis Du Vieux Hué (B.A.V.H) Juillet-Décembre 1931, trang 280.

Cũng Cương Mục, ở mục lời chua có hai đoạn nói về Lỵ (hay Lợi) Mã Đậu, 利 玛 窦 tức Matteo Ricci, một là của Nhất thống chí nhà Thanh chép năm Vạn lịch thứ 9 (1581) có Lỵ Mã Đậu mới vượt biển đến vụng Hương Sơn thuộc Quảng Châu; đến năm thứ 29 (1601) Lỵ Mã Đậu vào Yên Kinh, đồ đệ của ông ta theo đến rất đông, đều tôn sùng đạo Thiên Chúa, họ rất có tài về việc chế tạo và sáng tác; một là của sách Kiên biểu bí lục của Chử học Giá nhà Thanh chép: cuối năm Gia-Tĩnh (1522-1566) triều Minh, Mã Đậu học tập người đồng bạn đi tàu vượt biển du lịch các nước gồm 6 năm, đến nước An Nam rồi vào địa giới Quảng Đông. (Sách đã dẫn, trang 301). Sách của Chử học Giá thuộc loại bí lục (cũng như Gia Tô Tây Dương bí lục một thời được in và phát hành ở VN trước đây nhằm góp sức tấn công đạo Công Giáo) nên cũng khó mà kiểm chứng được những chuyện thực hư, vì nếu Lỵ Mã Đậu có tới An Nam thì chắc cũng có hoạt động truyền giáo ở đây, nhưng điều này chỉ là ước đoán. Tác phẩm Christians in China A.D. 600 to 2000 của Linh mục Jean-Pierre Charbonnier, do Les Indes Savantes ở Paris xuất bản năm 2000, cơ sở Ignatius tại San Francisco in lại năm 2007 nói nhiều đến các hoạt động của Matteo Ricci nhưng không thấy đề cập việc ngài có đến nước An Nam.

Sử gia Lê Thành Khôi trong tác phẩm Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, có viết: “ Tiếp theo sau các thương gia là các linh mục người châu Âu. Người đầu tiên được nói đến trong sách sử Việt Nam là một người nào đó có tên là Inêkhu, vào năm Lê Trung hưng (1533), có lẽ đã vào giảng đạo tại tỉnh Sơn Nam (Nam Định.- Cương Mục, q. XXXIII, trang 6b). Châu Á lúc này nằm ở nửa thế giới phía đông của kinh tuyến Acores được giáo hoàng Alexandre VI đặt dưới quyền bảo trợ của Lisbon vào năm 1493. Quyền bảo trợ này bao gồm cả phần đời lẫn phần đạo, và Bồ Đào Nha khư khư ôm lấy các đặc ân vật chất lẫn tinh thần được gói ghém trong quyền bảo hộ của họ. Mọi thừa sai sang truyền giáo tại vùng châu Á phải xuống tàu tại Lisbon. Các tàu này sẽ đi qua Goa, thủ đô của miền Đông Ấn, đuợc đặt dưới quyền kiểm soát của một vị phó vương và của Tòa án dị giáo. Tới đất truyền giáo, các thừa sai, theo nguyên tắc, chỉ được phép hoạt động dưới quyền của một bề trên người Bồ Đào Nha. Chính vào đầu thế kỷ XVII, các cuộc truyền giáo đầu tiên được thiết lập tại Đại Việt và do các thừa sai dòng Tên bị trục xuất khỏi Nhật Bản theo lệnh cấm đạo của Tokugawa.” (Nhà xb Nhã Nam/Thế Giới, 2014, trang 335).

Trong cuốn La République du Việt-Nam et les Ngô-Đình (do L’Harmattan tại Paris xuất bản năm 2013), các tác giả Ngô-Đình Quỳnh, Ngô-Đình Lệ Quyên (+2012), Jacqueline Willemetz có viết rằng “vào thế kỷ 14 gia đình Ngô-Đình sẽ là một trong các gia đình đầu tiên trở lại đạo Công Giáo sau khi nhận được sự dạy dỗ và suy tư về đạo từ một trong những thừa sai dòng Phan-Sinh, cha Odorico, sinh quán tỉnh Pordenone nước Ý. Được gửi đi làm thừa sai vào khoảng năm 1320, ngài đã tới Việt Nam sau khi đi khắp phương Đông từ Ấn độ tới Trung Hoa.” (Au 14ème siècle, la famille Ngô-Đình sera l’une des premières familles à se convertir au catholicisme après avoir recu et médité l’enseignement d’un père missionnaire franciscain. Il s’agit du Père Odorico, natif de Pordenone en Italie. Envoyé comme missionnaire aux alentours de 1320, il parvint au Vietnam après avoir parcouru l’Orient, de l’Inde jusqu’à là Chine.” (trang 11). Trong lời cước chú ở trang 12, cuốn sách này cho biết cha Odorico sinh tại Pordenone nước Ý vào khoảng 1286, có thể rút gọn câu chuyện về những cuộc hành trình của ngài khi ngài đến Ấn độ là vào khoảng 1321 và ngài đến Viễn Đông trong vòng ba năm trong thời gian đầu năm 1323 cho đến cuối năm 1328, thời điểm ngài trở lại nước Ý. Ngài mất tại tu viện các cha Phan Sinh ở Udine, thủ phủ của Frioul ngày 14 tháng giêng 1331, sau đó ngài được phong á thánh.

Linh mục Nguyễn Hồng qua sách Lịch sử truyền giáo ở Việt-Nam, cho biết “Theo nhiều nhà chép sử truyền giáo miền Đông-Á thì vào thế kỷ XIV, cha Odorico de Perdenone trong cuộc vượt biển từ Âu-châu sang Á-châu có đỗ lại ở tỉnh Bình-Định lúc đó còn là đất của người Chiêm Thành, đời vua Chế-A-Nan (1318-1343). Trước Cha, vào thế kỷ XI I I, Marco Polo trên con đường từ Vân-Nam xuống Chiêm Thành cũng qua đất Việt.” (Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt-Nam, quyển I, nhà xb. Hiện Tại, 1959, trang 17).

Trong cuốn sách Christians in China trích dẫn ở trên, Linh mục Jean-Pierre Charbonnier có đề cập đến linh mục Odorico, nguyên bản viết Odoric da Pordenone mà trong danh mục cuối sách có ghi tên Trung Hoa là Hòa Đức Lý 和 德 理,cho biết linh mục Odorico rời Ý khoảng 1314 và đến Trung Hoa năm 1323. Ngài tới Quảng châu rồi lên Bắc kinh, ở đó làm phụ tá cho Tổng Giám Mục Montecorvino trong ba năm.

Việc đạo Công Giáo truyền vào Việt Nam, theo tư liệu của hậu duệ dòng họ Ngô Đình, cho biết dòng họ này theo đạo từ thế kỷ XIV cũng có thể là một sự kiện cần tìm hiểu thêm khi nhân vật chính là linh mục Odoric là người đã có mặt tại Trung Hoa khá sớm, và được giới nghiên cứu sử học thế giới để cập đến trong nhiều sách sử. Trong cuốn sách nầy, các hậu duệ dòng họ Ngô-Đình có nhắc tới Ngô Quyền nhưng không khẳng định nguồn gốc Ngô Đình là xuất phát từ vị vua anh hùng này có thể họ chưa đủ bằng chứng, hoặc họ để việc làm đó cho các sử gia như từng làm trước đây hoặc sau này. Trong bài dẫn nhập, họ cho biết đã quyết định mở thư khố gia đình để viết thành cuốn sách trên, và với việc tiết lộ dòng họ Ngô-Đình đã gia nhập đạo Công Giáo từ thế kỷ XIV, chúng tôi nghĩ rằng nhóm hậu duệ đó có đủ tư liệu để khẳng định vấn đề này.

“Lịch sử Giáo phận Vinh”, bắt đầu chương II ở trang 39 cũng có một tiết ngắn nói về “Dấu vết ban đầu của Công Giáo ở Việt Nam” đề cập đến các hoạt động của các thừa sai Phan Sinh và Đa Minh với những tư liệu trích dẫn rất đầy đủ, ban chủ biên cho biết công cuộc truyền giáo đích thực và chính quy ở Việt Nam chỉ thật sự bắt đầu với các thừa sai Dòng Tên vào đầu thế kỷ XVII. Điều này có lẽ cũng lý giải được phần nào lời giới thiệu của ĐGM Nguyễn Thái Hợp, tuy nhiên nếu tiết đó được đưa vào phần mở đầu thì sẽ giải tỏa được thắc mắc về thời điểm xuất hiện của đạo Công Giáo ở Việt Nam.

12.- Vài nét khái quát về xã hội Đàng Trong và Đàng Ngoài.

Về “những cuộc nội chiến tàn khốc” mà ĐGM Nguyễn Thái Hợp muốn nêu ra ở Lời Giới Thiệu cần hiểu là các cuộc chiến tranh giữa triều đại nhà Mạc (1527- 1592) với nhà Lê Trung Hưng (1533-1788), và cuộc chiến giữa hai họ Trịnh-Nguyễn (1627-1672). Sử gia Trần Trọng Kim đã dùng các chữ Bắc triều, Nam triều để chỉ các cuộc chiến tranh giữa họ Mạc và vua Lê chúa Trịnh mà “tỉnh Thanh-Hóa làm biên thùy cho hai tiểu quốc” (Phan Phát Huồn, Việt Nam Giáo Sử, quyển I, bản in lần thứ hai, 1965, trang 28). Nếu là “Nam và Bắc triều” như trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim tức là chỉ lãnh thổ triều Mạc và họ Lê-Trịnh từ 1533 đến 1599 thì sự đất nước chia đôi không thấy trên thực địa qua một chiến tuyến rõ ràng nào cả, còn nếu bốn chữ đó là để chỉ cuộc phân tranh không có kẻ thắng người bại trong 45 năm giữa hai họ Trịnh Nguyễn thì nên dùng danh từ Đàng Trong và Đàng Ngoài vì sự phân chia đất đai giữa hai thế lực nhìn thấy rất rõ ràng qua ranh giới của một con sông là sông Gianh. Dù vậy trên mọi công văn, giấy tờ, sổ sách, sắc dụ quân lệnh khi các chúa Nguyễn cai trị và mở mang Đàng Trong, họ vẫn dùng danh nghĩa nhà Lê tức là dùng niên hiệu nhà Lê; và như thế đất nước tuy chia mà không chia. Chúng tôi mạo muội nghĩ rằng những cụm từ “đất nước chia đôi”, “lòng người ly tán”, “hiềm khích, đố kỵ, “tàn sát lẫn nhau” xem ra phản ảnh đúng tâm thức của cuộc chiến tranh Quốc-Cộng (1954-1975) hơn là thực tế của cuộc tranh đoạt vương quyền giữa thời Lê-Mạc hay thời Trịnh Nguyễn, bởi vì như linh mục Christoforo Borri, một giáo sĩ người Ý, đầu thế kỷ XVII, đã nhận xét về tâm tình người dân Việt như sau: “ Họ rất hòa hợp, ăn ý với nhau, đối xử với nhau một lòng ngay thẳng, thật thà như họ đều là anh em sinh ra và lớn lên trong cùng một nhà vậy, cho dù họ chưa từng thấy nhau, biết đến nhau bao giờ.” (Christoforo Borri, Relation de la nouvelle mission au royaume de la Cochinchine, Revue Indochinoise, 4-1909).

Một thương nhân Pháp, Pierre Poivre, giữa thế kỷ XVIII ghi nhận rằng: “ Dân cả hai miền đều nói chung một ngôn ngữ, theo cùng một phong tục và quý mến nhau.” (Description de la Cochinchine, Revue de l’Extrême-Orient, t. III (1884), tr. 84).

Dĩ nhiên hễ nói đến chiến tranh thì tất nhiên cũng có chết chóc, mất mùa, đói kém vì lực lượng nông dân được huy động cung ứng cho chiến trường dù thuộc phe phái nào, bởi vậy một sử gia ngoại quốc, bà Li Tana đã có những ghi nhận như sau:

“Vào năm 1594: Bấy giờ các huyện ở Hải Dương nhân dân mất mùa to, đói kém đến ăn thịt lẫn nhau, chết đói đến một phần ba” (Toàn Thư, quyển 3, trg. 902). Đây có lẽ là thời thảm họa dài nhất trong lịch sử Việt Nam với một cuộc nội chiến dữ dội kéo dài mấy thập niên, với 14 năm mất mùa trong vòng 49 năm… Ngoài số người chết vì nạn đói và dịch, cuộc chiến tranh giữa nhà Lê và nhà Mạc cũng đã gây nên những tổn thất nặng nề về nhân mạng. Có trên 40 cuộc đụng độ lớn vào các năm 1539 đến 1600 và vùng đất từ Thăng Long đến Thanh Hóa thường là nơi diễn ra các cuộc đụng độ này.” (Li Tana, Xứ Đàng Trong, Lịch sử Kinh tế - Xã hội Việt Nam Thế kỷ 17 và 18, Nhà xb. Trẻ, 1999, trang 37, bản dịch Nguyễn Nghị). Trương Hữu Quýnh, trong cuốn Chế Độ Ruộng Đất Ở Việt Nam, Nhà xb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1983, tập 2, trang 16) ước lượng có đến “hàng chục vạn trai tráng đã chết” trong thời kỳ này.

Cũng theo công trình nghiên cứu của Li Tana, “Vào thế kỷ 17, trong suốt năm mươi năm chiến tranh Trịnh-Nguyễn, cuộc di dân từ phía bắc vẫn tiếp tục, như công trình nghiên cứu mới đây của nhà nghiên cứu Huỳnh Công Bá, cho thấy rõ. Theo tác giả, gia phả của sáu mươi ba dòng họ ở phía bắc Quảng Nam ghi là tổ tiên của họ đã tới đây trong thời chiến tranh Trịnh-Nguyễn.” (Li Tana, Sách đã dẫn, tr. 38).

Ở một chỗ khác, cũng trong Lời Giới Thiệu (trang 14), ĐGM Nguyễn Thái Hợp có viết: “Tuy nhiên, đứng trên bình diện lịch sử, người ta không thể không đau xót khi thấy Tin mừng đã đến Việt Nam vào đúng giai đoạn bi thảm nhất: bên trong cuộc nội chiến dai dẳng đang đẩy dân tộc vào cảnh nồi da xáo thịt; còn bên ngoài các thế lực thực dân đang lăm le thôn tính mảnh đất hình chữ S này. Đất nước khánh kiệt và điêu linh, nhân tâm ly tán, lòng người đố kị, thù hận, đối kháng nhau. Riêng nhà cầm quyền không những chẳng mấy thiện cảm với “tôn giáo ngoại lai”, mà còn coi sự hiện diện của các thừa sai ngoại quốc với đám tín đồ đông đảo người Việt như một đe dọa cho quyền bính chính trị của mình.”

“Cuộc nội chiến” nói ở đây cũng gợi thêm thắc mắc. Nếu là năm 1627 tức thời điểm khai diễn trận chiến đầu tiên giữa Đàng Ngoài với Đàng Trong thì lúc đó Tin Mừng đã có mặt ở Nam hà được 12 năm. Năm 1627 cũng là năm cha Đắc-lộ truyền đạo ở Thanh-Hóa lúc Trịnh Tráng chuẩn bị quân lực đi đánh Đàng Trong. Cha rất thành công trong việc giảng đạo, cuối năm 1627 có 1200 người theo Công Giáo. Năm 1628 số đó thêm 2.000, năm sau thêm 3.500. Tin Mừng như vậy được phát triển trên vùng đất khá thuận lợi dù đang có cuộc chiến với Đàng Trong, nếu không có các thế lực phá hoại như các phi nữ và các quan nội giám của phủ Chúa.

Đoạn văn “ bên ngoài các thế lực thực dân đang lăm le thôn tính mảnh đất hình chữ S này” đặt vào thời điểm đạo Công Giáo truyền vào Việt Nam thượng bán thế kỷ 17 thì thật quá sớm và thật sự chỉ đúng với hơn hai thế kỷ sau khi chiến thuyền Pháp tấn công Đà Nẵng năm 1858.

Những điều mô tả về xã hội như “đất nước khánh kiệt và điêu linh, nhân tâm ly tán, lòng người đố kỵ, hận thù, đối kháng nhau” nói ở trên có lẽ đúng với Đàng Ngoài hơn là với Đàng Trong bởi vì năm kỷ tị (1629) khi Trịnh Tráng nói đến việc tái xâm Đàng Trong, Nguyễn Danh Thế là một vị tướng đã từng dẫn 5.000 quân vào đánh họ Nguyễn năm 1627, đã can chúa với những lời rất chính xác về tình hình hai bên, thẳng thắn nhận định rằng “nay miền nam hòa mục, nước giàu binh mạnh, mà ta liên niên đói kém, quân nhu không đủ...”

Đàng Ngoài gặp nạn đói trầm trọng vào năm 1681 và tiếp đó là ba năm mất mùa tại Thanh Hóa. Nạn đói cũng diễn ra liên tục trong các năm 1712, 1713, 1721 tại một số nơi ở miền bắc.

Dưới thời chúa Trịnh Tùng, phủ liêu sống rất xa hoa trong khi dân chúng bị nạn tham nhũng, cường quyền bóc lột trấn áp thậm tệ khiến cho rất nhiều tờ khải được dâng lên chúa đề nghị các chính sách nhằm đánh dẹp miền nam, cải tiến chế độ như tờ khải của Thị lang bộ Hộ Diễn gia hầu Lê Bật Tứ tháng 10 năm 1610, rồi năm nhâm tí (1612) một nhóm khác gồm nhóm Nguyễn Duy Thì và nhóm Phạm Trân nói về sự mâu thuẫn trong phương cách trị dân của đấng cầm quyền và kẻ thừa hành có nhiều điều ghi nhận như sau: “Nay thánh thượng để ý đến dân, chính sách nào đem ra cũng cốt nuôi dân, mệnh lệnh nào ban xuống cũng cấm hại dân, lòng yêu dân của thánh thượng thật không khác gì độ lượng của trời đất cha mẹ. Hận một nỗi người thừa hành chưa biết thể theo đức ý của cấp trên, chỉ lo ăn ở hà khắc bạo ngược, đua nhau xa xỉ, coi một huyện thì làm khổ một huyện, coi một xã thì làm khổ một xã, phàm những cách sách nhiễu, không cách nào họ không làm, khiến dân trong nước con trai có người không áo, con gái có người không váy, các cuộc hát xướng không còn, các lễ cưới xin không đủ, các việc như sống phải nuôi, chết phải đưa, không trông cậy được vào đâu, ăn uống tiêu dùng hằng ngày đều thiếu, dân mọn nghèo nàn cho chí sâu bọ cỏ cây, đều không sống được một cách thích thỏa…” (Nguyễn Phương, Việt Nam Thời Bành Trướng: Trịnh Nguyễn, bản thảo chưa in, trang 136).

Năm 1618, một tờ biểu khác của nhóm Lê Bật Tứ, Lưu Đình Chất cũng được dâng lên chúa Trịnh nêu lên sáu việc : 1.- xin sửa chữa để cầu mệnh trời, 2.-ngăn quyền hào để nuôi sức dân, 3.- cấm phiền hà để dân có thể sống, 4.- cấm xa xỉ để dân phong túc, 5.- dẹp trộm cướp để dân được yên ổn, 6.- sửa quân chính để bảo hộ dân sinh.

Cũng năm 1618, các triều thần lấy danh nghĩa tập thể dâng lên hai bài liền, một bài cho chúa và một bài cho vua đại khái cũng cho rằng chính quyền thối nát vô cùng và rằng người dân gian khổ hết chỗ nói, rằng yêu cầu tu đức, sửa đổi chính lệnh, đặc biệt có những chỗ đáng ghi như sự trách móc của triều thần: “… việc thu thuế đã có bộ Hộ, mà lại sai người ra dân thu tranh, việc kiện cáo đã có nha môn xét hỏi, lại giản hoặc nghe người vu cáo bắt người lấy của, việc quân đã có phủ ty vệ sở, lại gián hoặc sai người bắt lấy quân dịch nặng nề…kỷ cương pháp độ đã có phép cũ để lại, như tướng chỉ coi quân, không được coi dân, mà nay bọn cai quản lại chuyên coi dân, chuyên lấy của, chuyên giết người, lại tuyển riêng lấy thêm binh, một nhà đến 6, 7 người, thu nặng thuế công, một thửa ruộng đến 3, 4 lớp tô, bọn cai tổng, cai xã thì bắt hỏi việc kiện về hộ hôn điền thổ, đường thủy, đường bộ thì đặt riêng nha môn tuần ty, tuần sát…(Nguyễn Phương, bản thảo chưa in, trang 141).

Cả một thực trạng đau khổ, đói rách, bất ổn, nhân tâm ly tán, tham nhũng chồng chất của xã hội Đàng Ngoài rõ ràng phơi bày ra trước mắt.

Nếu nói rằng Tin Mừng đến Việt Nam thì thời điểm chính xác là năm 1615 khi các giáo sĩ Francisco Buzomi và Diego Carvalho từ Áo-môn đến Nam-hà. Lúc này chưa xảy ra chiến tranh giữa Đàng Trong với Đàng Ngoài. Dưới sự cai trị của chúa Nguyễn Hoàng, Đàng Trong dần dần trở nên hưng thịnh. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết về Chúa Tiên Nguyễn Hoàng như sau: “ Hoàng vỗ trị mấy chục năm, chính lệnh khoan hòa, thường ban ân huệ, dùng phép công bằng, chấn chỉnh, khuyên răn tướng sĩ bản bộ. Cấm chỉ, trừ bỏ bọn hung ác, dân hai trấn đều cảm mến nhân đức, thay đổi phong tục, chợ búa không nói thách, dân chúng không làm giặc, cổng ngoài không đóng, thuyền buôn nước ngoài đều tới buôn bán trao đổi phải giá, quân lệnh nghiêm cẩn, người người gắng sức. Do vậy, họ Mạc không dám dòm ngó, trong cõi được an cư lạc nghiệp.” ( Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Tập 3, Nhà xb. Khoa Học Xã Hội, 1998, trang 147).

Xã hội Đàng Trong được tổ chức chu đáo theo chính sách “dạy dân luyện lính” của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng nhằm lôi cuốn người di dân từ Đàng Ngoài, như nhẹ thuế khóa, nhiều ưu đãi trong phân phối đất đai, tổ chức thi cử để tuyển lựa nhân tài v.v… nên từ trước khi có chiến tranh (1627) cho đến về sau vẫn có rất nhiều gia đình từ các vùng Thanh, Nghệ, Tĩnh trốn vào Đàng Trong. Đất có lành chim mới đậu, sử gia Li Tana cho biết “Thuận Hóa, dĩ nhiên, trở thành nơi trú ẩn của dân tỵ nạn từ phía bắc. Tiền Biên ghi nhận có hai làn sóng tỵ nạn đổ về Thuận Hóa vào các năm 1559 và 1608.” (Li Tana, Sách đã dẫn, tr. 38.) Cụ thể là việc Đào Duy Từ người tỉnh Thanh Hóa, bất mãn với Đàng Ngoài mà bỏ vào Đàng Trong, tìm kế tiến thân và đã được trọng dụng.

Dĩ nhiên sự hình thành của một Đàng Trong khởi đi từ năm 1558 khi Chúa Nguyễn Hoàng được Trịnh Kiểm cử vào Trấn thủ đất Thuận Quảng mà như sử gia Li Tana nói: “Trịnh Kiểm chỉ có ý tống khứ một địch thủ. Nhưng ông đã đi sai nước cờ. Và thay vì tống khứ, ông lại đã cho không Nguyễn Hoàng một vương quốc. Và một chuỗi các sự kiện diễn ra đã làm thay đổi toàn bộ lịch sử Việt Nam nói riêng và lịch sử Đông Nam Á nói chung.” (Li Tana, Sđd, trang 15).

Linh mục Léopold Cadière, trong cuốn “Le mur de Đồng-Hới” đã từng nói lên sự khác biệt trong quan điểm chiến tranh giữa Đàng Trong với Đàng Ngoài qua lời của tướng Nguyễn Hữu Dật khi trả lời cho Trịnh Căn: “Trước mắt chúng ta là người ngoại quốc.” Theo cha Cadière, quân đội Đàng Trong chiến đấu vì nền độc lập của họ trong khi quân đội Đàng Ngoài chiến đấu vì tham vọng của vua chúa ngoài ấy. (La flame du patriotism excitait leur ardeur: “Ceux que nous avons devant nous sont l’étranger,” disait fièrement Hữu Dật ern 1672. Ils luttaient pour leur independence. Les Tonkinois, au contraire, bien que détestant cordialement les gens du Sud, combattaient surtout pour satisfaire l’ambition de leur souverain. Le Mur de Đồng-Hới, etude sur l'établissement des Nguyễn en Cochinchine, page 235).

Dựa trên thực tế lịch sử, chúng tôi cho rằng thực trạng xã hội của Đàng Ngoài và Đàng Trong phản ảnh hai khuôn mặt khác nhau khi đạo Công Giáo được truyền vào trên đất nước chúng ta. Đàng Trong là một vương quốc mới đón chào rất nhiều các tầng lớp lưu dân bỏ vùng đất cũ là miền bắc để xuôi nam lập nghiệp trong tinh thần hội nhập với những thể chế được xây dựng tương đối tự do, với nhiều ưu đãi như nói ở trên về đất đai, thuế khóa, chế độ thi cử, giao lưu hướng ngoại. Mức sống của dân chúng Đàng Trong so với Đàng Ngoài cao hơn, giàu có hơn như sự miêu tả của Lm Christoforo Borri trong cuốn Xứ Đàng Trong Năm 1621 của ông qua những trang nói về y phục các giới trong xã hội, chế độ ẩm thực, cơ chế quân sự, y khoa, vệ sinh v.v… Người Đàng Trong “để cho mọi người tự do sống theo đạo của mình… phục giáo thuyết của người nước ngoài và dễ dàng chuộng đạo giáo của người nước ngoài hơn đạo giáo của mình…” (trang 53).

Mô tả về con người Đàng Trong, năm 1618, nhân chuyến ghé thăm Đà Nẵng, Lm Christoforo Borri có những lời như sau: “… Họ (người Đàng Trong) có thân hình vừa phải, nghĩa là không nhỏ như người Nhật, không lớn như người Hoa; họ lại vạm vỡ và rắn chắc hơn cả hai giống người ấy, đồng thời họ hơn hẳn người Hoa cả về trí tuệ lẫn can trường…Và, do bản tính, người Đàng Trong dễ thương và lịch thiệp hơn trong sự tiếp xúc với người Âu Tây, dẫu họ có tự đánh giá cao về mình. Hô nghĩ rằng nếu nổi giận thì là hạ thấp mình. Trong khi tất cả các nước khác ở phương Đông xem người Âu Tây như những kẻ phàm tục, ghê tởm họ, và mỗi khi lần đầu chúng ta vào xứ sở nào để tiếp xúc thì những người ấy vội vàng lánh xa ta. Còn ở Đàng Trong, hoàn toàn ngược lại, họ lũ lượt đến chen vai thích cánh với ta, họ hỏi ta cả ngàn chuyện, mời ta về nhà dùng cơm. Nói tóm lại là họ vận dụng đủ mọi thứ bặt thiệp, thân mật và tao nhã.”

(Bài Les Européens qui ont vu le vieux Hué : Cristoforo Borri. Trong tạp chí BAVH, 1931, tháng 7-12, tr. 308. Dẫn lại theo Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Nhà xb. Trẻ, 1999, tr. 64).

Sau chiến tranh giữa hai họ Trịnh Nguyễn, nhân dân hai bên bờ sông Gianh vẫn qua lại giao thương, sinh sống với nhau như giới nghiên cứu sử học đã từng thừa nhận. (Xin tham khảo thêm Linh mục Léopold Cadière, Géographie historique du Quang-Binh, Le mur de Dong-Hoi; Nguyễn Tú, Những nét đẹp về văn hóa Quảng Bình (4 tập ), Quảng Bình Nhân Vật Chí; Phan Huy Lê, trong bộ Tìm Về Cội Nguồn. – ) (Còn tiếp).

Nguyễn Đức Cung

Philadelphia June 08-2017