Ngày 20 tháng 4, Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Quan Sát Viên Thường Trực của Toà Thánh tại LHQ, đã đọc một tham luận trong cuộc tranh luận công khai của Hội Đồng Bảo An về "Tình hình ở Trung Đông, bao gồm Vấn Đề Palestine".

Trong bài phát biểu của mình, Đức Tổng Giám mục Auza nói rằng việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria và các vụ đánh bom khủng bố vào Chúa Nhật Lễ Lá ở Ai Cập đã đẩy một phần của Trung Đông xuống mức thấp hơn nữa của sự man rợ, bằng cách tấn công chính nền tảng của nhân phẩm và nhân quyền. Ngài nói rằng an ninh của Li Băng và các nước láng giềng đang bị đe doạ bởi các nhóm vũ trang, gây nguy cơ cho khả năng cai trị của khu vực.

Toà Thánh nhắc lại sự ủng hộ của mình đối với giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine do hai bên thương thảo. Tòa Thánh cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo lên tiếng mạnh mẽ chống lại việc sử dụng khủng bố trong khu vực và kiểm soát những người theo mình vốn đang cho rằng Thiên Chúa đứng đằng sau sự thống trị bằng khủng bố của họ. Đức Tổng Giám Mục Auza kêu gọi các nhà cung cấp vũ khí hành động phù hợp với các chuẩn mực đã được quốc tế thỏa thuận, kẻo các vũ khí này bị sử dụng để sát hại người vô tội và phá hủy cơ sở hạ tầng chủ yếu. Ngài nói rằng chuyến viếng thăm từ ngày 28 đến ngày 28 tháng 4 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Ai Cập nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại và gặp gỡ như một đối cực chống lại bạo lực và hận thù.

Dưới đây là bản văn lời tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Auza:

***

Bản tuyên bố của Ngài Tổng Giám Mục Bernardito Auza,
Khâm Sứ Tòa Thánh và Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc
Cuộc Tranh Luận Công Khai của Hội Đồng Bảo An về Tình Hình ở Trung Đông, bao gồm Vấn Đề Palestine
20 tháng 4 năm 2017


Thưa Bà Chủ Tịch,

Một số hành vi tàn ác mới đây đã đẩy một số khu vực của Trung Đông xuống hỗn loạn bạo lực sâu hơn và một mức man rợ tồi tệ hơn nữa. Việc sử dụng các chất hóa học gần đây ở Syria, một lần nữa, đã tạo nên một việc vi phạm trắng trợn luật nhân đạo quốc tế và Công Ước về Vũ Khí Hoá Học. Các vụ đánh bom khủng bố vào Chúa Nhật Lễ Lá ở Ai Cập và cuộc tấn công vào những người tị nạn đang trốn chạy là những cuộc tấn công kinh tởm đối với thường dân vô tội tụ tập nhau để cầu nguyện tại những nơi linh thiêng hoặc cố gắng để trốn thoát bạo lực và do đó là những cuộc tấn công chống lại chính nền tảng của nhân phẩm và nhân quyền. Phái đoàn của tôi xin gửi lời chia buồn chân thành đến các gia đình những người có thân nhân đã bị tàn sát và cầu chúc tốt đẹp đến những người sống thoát các vụ tấn công và gia đình họ.

Thưa Bà Chủ Tịch,

Toà Thánh quan tâm sâu sắc đến tình hình hiện nay ở Trung Đông. Li Băng đang anh dũng mang gánh nặng tiếp đón hàng triệu người tị nạn từ các quốc gia và lãnh thổ láng giềng đang có xung đột. Ngoài các tác động của gánh nặng này, sự ổn định của nó còn bị đe dọa bởi các nhóm có vũ trang. Để ổn định Li Băng, Hội Đồng Bảo An đã thông qua các nghị quyết 1559, 1680 và 1701, kêu gọi giải giáp tất cả các tác nhân có vũ trang không thuộc quốc gia nào. Ấy thế mà, các nhóm dân quân và các nhóm có vũ trang và được tài trợ bởi các nguồn bên ngoài vẫn hoạt động ngoài sự kiểm soát của nhà cầm quyền Li Băng.

Các tình thế song hành đang tồn tại ở các lãnh thổ và quốc gia láng giềng, nơi các nhóm khủng bố và các tác nhân có vũ trang phi nhà nước khác đang hoạt động, làm cho khu vực này lấn sâu hơn nữa xuống việc không thể nào cai trị được, bách hại các nhóm thiểu số sắc tộc và tôn giáo và chà đạp các nhân quyền cơ bản.

Thưa Bà Chủ Tịch,

Từ năm 1947, Tòa Thánh đã liên tục ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho Quốc Gia Israel và Quốc Gia Palestine tồn tại song song trong hòa bình. Tòa Thánh muốn nhắc lại niềm tin của mình rằng diễn trình hòa bình giữa người Do Thái và người Palestine chỉ có thể diễn tiến nếu nó được thương thảo trực tiếp giữa các bên, với sự hỗ trợ mạnh mẽ và hữu hiệu của cộng đồng quốc tế. Chỉ duy các cuộc đàm phán kéo dài trong thiện ý mới giải quyết được các khác biệt và đem lại hòa bình cho các dân tộc Israel và Palestine. Các nhà lãnh đạo và công dân của cả hai bên phải có tầm nhìn xa và lòng can đảm để đưa ra các nhượng bộ hợp tình hợp lý, vì một thỏa thuận sẽ không thể nào có được bao lâu các yêu cầu loại trừ lẫn nhau cũng như bất khả vẫn còn ở đó. Không có gì thay thế cho một thỏa thuận được thương thảo, nếu cả Israel và Palestine muốn hưởng an ninh, thịnh vượng và sống chung hoà bình, bên cạnh nhau với các biên giới được quốc tế công nhận.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cam đoan dành tất cả các cố gắng và lời cầu nguyện của ngài để các vết thương sâu hoắm đang phân chia người Do Thái và người Palestine có thể cảm nghiệm được sự chữa lành. Các quyết định đơn phương, các hành vi bạo lực và lời lẽ khiêu khích chỉ có thể làm sâu hoắm thêm các vết thương, tăng cường hận thù và mở rộng chia rẽ, làm cho các cuộc đàm phán trở nên khó khăn hơn và việc hòa giải xa tít hơn mà thôi. Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi cả hai bên lắng nghe các tiếng nói đối thoại, tỏ thiện chí và mở rộng các cử chỉ gặp gỡ hòng đem lại hoà bình cho các dân tộc của họ, một nền hòa bình mà lòng họ hết sức ước mong.

Thưa Bà Chủ Tịch,

Các chủ trương tôn giáo bị bóp méo hòa lẫn với các ý thức hệ đòi lại lãnh thổ đang góp phần vào việc đổ máu trong khu vực. Những hành vi man rợ không thể tưởng tượng đang được thực hiện nói là nhân danh Thiên Chúa hay tôn giáo. Các nhóm sắc tộc và tôn giáo thiểu số, trong nhiều thiên niên kỷ đã chung sống hòa bình với các cộng đồng Hồi Giáo đa số, đang bị các phần tử cực đoan nhắm làm mục tiêu. Di sản văn hoá và lịch sử của họ đã bị phá hủy, đe dọa hủy diệt mọi dấu vết của sự hiện diện lâu đời của họ trong khu vực. Tòa Thánh kêu gọi cộng đồng quốc tế, thông qua Hội Đồng Bảo An, đừng quên họ và tăng cường các nỗ lực nhằm cứu họ thoát khỏi tai họa diệt chủng của các nhóm khủng bố bạo lực và các tác nhân phi nhà nước khác.

Tòa Thánh kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo lên tiếng mạnh mẽ chống lại việc khủng bố như vậy và hành động để kiểm soát hữu hiệu các tín hữu của họ, những người đang đáng trách nhìn nhận rằng mình hành động nhân danh Thiên Chúa bằng các phương tiện khủng bố. Không nhà lãnh đạo tôn giáo nào chịu khoan dung cho việc sử dụng tôn giáo như là một cái cớ để hành động chống lại nhân phẩm và chống lại các quyền căn bản của mọi người nam nữ, nhất là quyền sống và quyền mọi người có tự do tôn giáo. Về vấn đề này, hồi tháng Hai năm nay, Al-Azhar và Toà Thánh đã tổ chức một cuộc thảo luận tại Cairo nhằm chống lại các hiện tượng cuồng tín, cực đoan và bạo lực nhân danh tôn giáo.

Hơn nữa, Tòa Thánh kêu gọi các nhà cung cấp vũ khí hành động phù hợp với các tiêu chuẩn được quốc tế thỏa thuận về việc mua bán vũ khí. Máu của các công dân vô tội đang hét lên chống lại lượng lưu chuyển vũ khí không bị kiểm soát trong khu vực. Tòa Thánh không thể nhấn mạnh đủ việc xem thường các hiệp ước nhằm qui định việc buôn bán và trao đổi vũ khí đã góp phần như thế nào vào việc xung đột vũ trang, vào tội ác, vào các hành vi khủng bố và vào sự rời cư của người dân, một việc, ngược lại, đã phá hoại hòa bình và an ninh, ổn định và phát triển bền vững. Tòa Thánh không thể nhấn mạnh đủ việc này là phần lớn những người bị ảnh hưởng xấu bởi xung đột vũ trang và các hình thức bạo lực vũ trang khác đều là thường dân và không thể làm ngơ việc các vũ khí này năng được sử dụng xiết bao để tấn công các cơ sở hạ tầng dân dụng như trường học và bệnh viện, các phương tiện cung cấp nước và thực phẩm.

Thưa Bà Chủ Tịch,

Phái đoàn của tôi muốn kết thúc các nhận xét của mình bằng lời cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô sau những cuộc tấn công mới đây ở Ai Cập và Syria: "Xin Chúa hồi tâm cõi lòng của những người gieo rắc khủng bố, bạo lực và chết chóc" và "xin Người ban cho các nhà lãnh đạo các quốc gia lòng can đảm họ cần để ngăn chặn việc lan tràn các cuộc xung đột và chấm dứt việc mua bán vũ khí ". Chuyến viếng thăm dự trù của Đức Giáo Hoàng tại Ai Cập vào các ngày 28 và 29 tháng 4 chắc chắn sẽ nhấn mạnh một lần nữa rằng không có đối cực nào mạnh hơn chống lại bạo lực và thù hận bằng đối thoại và gặp gỡ.

Cảm ơn Bà, thưa Bà Chủ Tịch.