ỦY BAN THÁNH NHẠC

Trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam


MẤY NHẬN ĐỊNH VÀ ĐỀ NGHỊ VỀ THÁNH NHẠC


Ủy Ban Thánh Nhạc chúng con nhận được gợi ý từ nhiều nơi gửi tới phàn nàn về tình trạng bỏ ngỏ và thiếu những qui định rõ ràng về Thánh nhạc, nhất là về những bài hát sử dụng trong Phụng Vụ.

Nay chúng con xin gửi tới HĐGM/VN một vài nhận định và đôi điều đề nghị để có thể thống nhất một số qui cách chung, hầu san định và xây dựng một nền Thánh Nhạc Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn.

I- MẤY NHẬN ĐỊNH.

1. Sự bỏ ngỏ: Đúng như Đức Cha Phaolô Nguyễn văn Hoà, nguyên đặc trách Thánh Nhạc của Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã từng nhận định là từ sau 1975, các Đấng Bản Quyền chưa có những qui định chung về việc chuẩn nhận những bài ca dùng trong Phụng Vụ, mặc dầu theo Giáo luật, những bài ca chỉ được dùng trong Phụng Vụ khi đã được Đấng Bản Quyền cho phép in (Imprimatur). Do đó,

  • Một số nhạc sĩ sáng tác và tự in ấn dưới dạng “phổ biến nội bộ” mà không hề xin Đấng Bản Quyền chuẩn nhận, trong đó có cả những tác phẩm được ghi rõ là của Linh mục nọ, tu sĩ kia.
  • Một số người vì tư lợi, thâu góp bài của các tác giả (không hề xin phép trước, không tôn trọng luật về tác quyền), in và kinh doanh những tập “THÁNH CA CỘNG ĐỒNG”, không phân biệt bài nào được dùng trong Phụng Vụ, bài nào chỉ dùng trong sinh hoạt… Một vài cuốn kể trên có ghi là “được dùng trong Phụng Vụ” nhưng không xác nhận Vị Bản Quyền nào chấp thuận.
  • Những người có trách nhiệm về việc ca hát thường không tham khảo ý kiến các vị hữu trách, cứ thấy có sách bán là mua về hát, không phân biệt là có hợp Phụng vụ hay không. Ngoài ra, họ thường lựa chọn theo thị hiếu.
2. Sự thiếu đồng bộ: Một vài Giáo phận ra thông cáo hoặc Đấng Bản Quyền chỉ thị bằng miệng cấm hát bài này, bài nọ trong giáo phận nhưng chỉ là nội bộ nên tạo ra sự phân bì qua lại giữa những nơi không được hát và những nơi vẫn hát.

3. Sự thiếu tính cộng đồng: Trong các lễ trọng, ca đoàn của một số nơi thường hát bài hợp xướng mà quên đi tính cộng đồng trong các cử hành Phụng vụ.

II- MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ.

Từ những nhận định trên, Uy Ban Thánh Nhạc xin đệ trình lên các Đấng Bản Quyền một số đề nghị sau:

1. Lập Ban Thánh Nhạc các Giáo Phận

  • Ngay từ khi mới lên ngôi Giáo Hoàng, Đức PIO X, trong tự sắc Tra le sollecitudini (ban hành ngày 25-12-1903), đã phán định: “ Các Giám mục phải thiết lập trong giáo phận, nếu chưa có, một Ban gồm những người am tường về Thánh Nhạc. Các ngài sẽ trao cho Ban này những trách vụ thích nghi, để có thể chăm sóc tốt nền âm nhạc cử hành trong thánh đường “(số 24)
  • Huấn thị về Thánh Nhạc trong Phụng Vụ (của Bộ Phụng Tự, ban hành ngày 5-3-1967) cũng nhắc nhở: “Ban Thánh Nhạc giáo phận góp công lớn trong việc làm tiến triển nền Thánh nhạc trong Giáo phận phù hợp với nền Phụng vụ - Mục vụ. Vì vậy, phải có Ban đó trong mỗi Giáo phận, những Ban đó sẽ hợp nhất nỗ lực của mình với nỗ lực của Uy Ban Phụng Tự mà làm việc”.
  • Huấn thị thứ 5, số 99, ban hành năm 2001 qui định: “Cần lập các Ủy Ban Phụng vụ âm nhạc thánh và nghệ thuật thánh theo các qui tắc của luật pháp trong mỗi giáo phận và cho mỗi HĐGM.”
Vì vậy, chúng con tha thiết xin các Đấng Bản Quyền cho lập Ban Thánh Nhạc trong giáo phận, để chúng con có thể liên lạc trực tiếp, trao đổi tài liệu, phổ biến các qui định cần thiết và nắm bắt các sinh hoạt Thánh Nhạc khắp nơi.

Nếu Giáo phận nào -vì thiếu nhân sự- chưa thành lập được một Ban như thế, thì ít ra cũng xin cử một Linh mục đặc trách Thánh Nhạc trong Giáo phận để ngài theo dõi việc thực thi những chỉ thị của Toà Thánh về Thánh Nhạc trong các cử hành Phụng Vụ và phối hợp với Uy Ban Thánh Nhạc trực thuộc Hội Đồng Giám mục trong những quyết định chung.

2. Chuẩn ấn (Imprimatur) các bài Thánh ca.

Theo qui định của Toà Thánh, chỉ có những bài Thánh ca đã được Đấng Bản Quyền chuẩn ấn mới được sử dụng trong Phụng Vụ. Thiết tưởng cần phân biệt:

Thẩm quyền của Đấng Bản Quyền địa phương (Giám Mục Giáo phận) : Ngài có quyền chuẩn ấn các bài thánh ca dùng trong Phụng Vụ, kể cả âm nhạc của các Bộ Lễ (Missa)

Thẩm quyền của Hội Đồng Giám mục: Toà Thánh dành việc chuẩn ấn cho Hội đồng Giám Mục trong:

- Cung điệu dành cho Chủ Tế và Thừa tác viên: Theo Huấn thị về Thánh Nhạc trong PV, số 57, tham chiếu Huấn Thị Inter oecumennici, số 42, thì các cung hát dành cho Chủ tế và thừa tác viên phải được thẩm quyền địa phương chấp nhận. Nguyệt san Phụng Vụ (số 339, ra tháng 2 năm 1966) đã giải thích: “thẩm quyền địa phương ở đây là Hội Đồng Giám mục”.

- Bản văn những bài hát thay thế CA NHẬP LỄ, CA HIỆP LỄ…theo Qui chế tổng Quát Sách lễ Rôma (ấn bản mẫu thứ ba, số 48 và 87) phải được Hội Đồng Giám Mục chấp thuận.

Như vậy, chúng con xin các Đấng Bản Quyền (qua Ban Thánh nhạc giáo phận)

chuẩn ấn các bài hát của các nhạc sĩ thuộc giáo phận và chỉ cho dùng trong Phụng Vụ những bài hát đã được chuẩn ấn. Uy Ban Thánh Nhạc sẽ theo dõi việc thực thi quyết định này.

Theo định ước đã có từ trước năm 1975, một bài hát đã được Giám Mục giáo phận nào chuẩn ấn, các giáo phận khác có thể tùy nghi sử dụng. Do đo, nếu có thể được, khi đã chuẩn ấn bài hát nào, xin vui lòng cho Uy Ban Thánh Nhạc chúng con bản sao để lưu và để các Giáo phận khác có thể tham khảo.

3. Một vài tiêu chuẩn cho việc chuẩn ấn bài Thánh Ca:

Để dễ dàng và đồng bộ, chúng con căn cứ vào các tài liệu của Toà Thánh, ghi lại đây một số tiêu chuẩn như sau.

Về LỜI: Cần phân biệt:

- Các bản văn cố định: Trong Phụng Vụ, nhất là trong Thánh Lễ,

một số bản văn có tính cố định, không ai được sửa đổi hay thay thế với bất cứ lý do gì, dù để dễ dệt nhạc hay dễ hát. Do đó, xin chỉ chuẩn nhận những bài thuộc loại này khi sử dụng đúng bản văn Hội Đồng Giám Mục đã chuẩn nhận và Toà Thánh đã châu phê.

Trong loại này, đặc biệt xin chú ý tới Bộ Lễ (Kinh Thương Xót, Kinh Vinh Danh, Kinh Tin Kính, Thánh, Lạy Chiên Thiên Chúa), các câu Xướng-Đáp, Thánh vịnh đáp ca, các lời tung hô (nhất là lời Tung Hô Tưởng Niệm sau Truyền Phép)

- Các bản văn dùng thay thế CA NHẬP LỄ, CA HIỆP LỄ, như đã nói trên, cần phải được Hội Đồng Giám Mục chuẩn nhận.

- Các bản văn tự sáng tác : Cần được xét định theo hai tiêu chuẩn:

  • Đúng : Phải đúng về nội dung, tức là đúng với Tín Lý Công Giáo, đúng về hình thức, tức là đúng về từ ngữ, văn phạm, hợp với khung cảnh trang nghiêm của Phụng Vụ, khơi động những tâm tình đạo đức của tín hữu (tránh ủy mị, từ ngữ sáo rỗng…)
  • Hay: cố gắng để hay về nội dung, quí nhất là được trích dẫn từ Thánh kinh và nguồn Kinh Nguyện Phụng vụ của Giáo Hội, và hay về hình thức, có giá trị về văn chương, thi ca, giàu hình ảnh, âm điệu và cách gieo vận…
Về NHẠC: có thể phân biệt:

- giai điệu: Cần đơn sơ, trôi chảy:

  • âm vực vừa phải, nhất là những bài hát dành cho cộng đoàn.
  • tiết tấu, giai điệu phải phù hợp với từng hoạt động của cử hành Phụng vụ.
  • không đặt lời Đạo vào các bài ca đời (kể cả những bài dân ca) rồi đem hát trong Phụng Vụ.
Nên phát huy bản sắc dân tộc, khai thác những nét đặc trưng của nhạc cổ truyền Việt Nam để tạo một bản sắc riêng cho Thánh Nhạc Việt Nam.

-Tiết tấu : Khai thác các hình thức tiết tấu khác nhau để diễn tả những tâm tình cần biểu lộ cho mỗi hoạt động của cử hành Phụng Vụ, nhưng:

  • Cố gắng tạo nét bình dị, trang nghiêm và thích hợp cho cộng
  • đoàn.
  • Cấm dùng những ĐIỆU phát xuất từ nhạc có tính cách trần tục (kích động, lãng mạn). Đây là chỉ thị rõ ràng của Giáo Hội qua thư đề ngày 25-1-1966 của Đức Hồng y LERCARO, chủ tịch Hội Đồng thực thi Hiến Chế Phụng Vụ)
-Hòa âm : Hoà âm cổ điển dựa trên khoa âm học đã được hình thành và qui luật hoá, được khắp nơi công nhận, nên khi viết những bài thánh ca nhiều bè, mong các nhạc sĩ cần tìm hiểu và tuân thủ.

Chúng con xin đệ trình mấy nhận định và đề nghị trên đây, mong ước được các Đấng Bản Quyền xét định và ban phép thi hành.

Cần thơ, ngày 28 thang 9 năm 2004

Gm Đặc Trách Thánh Nhạc