Dù kết quả cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa kỳ có thế nào đi nữa, các chuyên gia về mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị tại nước này cho rằng cả ứng cử viên công giáo là ông John Kerry, thuộc đảng dân chủ, và tổng thống George Bush đều đã tận lực xử dụng tôn giáo trong cuộc vận động bầu cử vừa qua.

Ông Robert George, một giáo sư chính trị học tại Ðại học Princeton nói như sau: "Lần đầu tiên, cuộc bầu cử này đã đặt giới lãnh đạo Giáo hội Công giáo vào thế phải đương đầu với một ứng cử viên bất đồng ý kiến với giáo huấn của Giáo hội".

Giáo sư George cũng là thành viên của Hội đồng các mối quan hệ ngoại giao và Hội đồng đặc trách về Ðạo Ðức Sinh Học của phủ tổng thống. Ông nói rằng, mặc dù có một số giám mục đã công khai bày tỏ lập trường đối với các chính trị gia ủng hộ phá thai hay nghiên cứu tế bào gốc, Giáo hội vẫn không có một lập trường thống nhứt.

Giáo sư George và một số giáo sư khác cho rằng Giáo hội Công giáo cũng cần phải xác định lại lập trường đối với chính sách chung của chính phủ.

Kể từ sau cố tổng thống Kennedy, ông John Kerry là ứng cử viên tổng thống công giáo đầu tiên đuợc đại đa số đảng viên Dân Chủ tín nhiệm. Nhưng trong khi cố tổng thống Kennedy đành phải chiều theo làn sóng bài công giáo trong cuộc vận động bầu cử của ông, thì ông John Kerry lại bị chính Giáo hội của mình công kích vì tuyên bố rằng ông không thể áp đặt lên xã hội các tiêu chuẩn luân lý của Giáo hội liên quan đến những vấn đề như phá thai chẳng hạn.

Một số ít giám mục Mỹ nói rằng vì ông Kerry ủng hộ cho việc hợp thức hoá hành động phá thai, ông sẽ không được cho rước lễ nếu ông đến xin các ngài cho rước lễ. Một số vị khác cũng nói rằng cử tri công giáo nào bỏ phiếu cho một chính trị gia có những hành động công khai đi ngược lại với giáo huấn của Giáo hội về tính thánh thiêng của sự sống, về sự kết hợp giữa những người đồng tính luyến ái hay về công cuộc nghiên cứu các tế bào gốc: bỏ phiếu như thế là một tội trọng.

Nhưng trong tuyên ngôn cũng như qua các lá thư mục vụ, rất nhiều giám mục Mỹ khác lại nói rằng mặc dù sự sống con người là một vấn đề vô cùng quan trọng, tuy nhiên các cử tri cũng nên xử dụng Giáo huấn của Giáo hội để đánh giá lập trường của các ứng cử viên trong những lãnh vực khác.

David Leege, nguời đã từng giảng dạy về môn chính trị học tại đại học công giáo Notre Dame và hiện đang nghiên cứu về tôn giáo và chính trị, nói rằng cuộc bầu cử tổng thống năm nay (2/11/2004) là cơ hội để Giáo hội nhìn lại mối quan hệ của mình đối với các chính trị gia.

Theo ông, một số giám mục Mỹ đã công khai ủng hộ ứng cử viên cọng hoà, tức đương kim thống Bush. Dĩ nhiên, lập trường này không đương nhiên thuyết phục mọi người công giáo phải bỏ phiếu cho ông Bush, nhưng dù sao cũng chứng tỏ rằng các ngài xem sự sống con người là một vấn đề nghiêm trọng trong chính trị.

Cha David Hollenbach, một giáo sư thần học tại phân khoa thần học Boston, thì lại nghĩ rằng đưa vấn đề sự sống vào cuộc bầu cử có thể tạo ra một cuộc xung đột mạnh và cho rằng đây là một sai lầm.

Theo vị linh mục dòng tên này, trong quá khứ, cứ mỗi lần các đức giám mục ủng hộ một ứng cử viên nào đó, thì kết quả lại hoàn toàn trái ngược với điều mong muốn của các ngài.

Cha David Hollenbach đưa ra một thí dụ điển hình: trước cuộc bầu cử tại bang Massachusetts hồi năm 1980, đức hồng y Humberto Medeiros, tổng giám mục Boston, đã cho đọc trong các nhà thờ một lá thư mục vụ trong đó ngài kêu gọi người công giáo hãy tẩy chay hai ứng cử viên có lập trường ủng hộ phá thai. Vậy mà hai ứng cử viên này đã đắc cử một cách vẽ vang. Rất nhiều người công giáo đã dồn phiếu cho họ.

Ngoài những vấn đề mà lập trường của ứng cử viên John Kerry tạo nên, cả hai ứng cử viên đều quan tâm đến những người có đạo. Nhứt là trong những tuần lễ cuối cùng của chiến dịch vận động, cả ông Bush lẫn ông Kerry đều đến viếng thăm các nhà thờ để ve vãn các tín hữu. Chỉ 10 ngày trước cuộc bầu cử, ông Kerry đã giải thích niềm tin tôn giáo đã ảnh huởng như thế nào trên các quyết định và trong đời sống hằng ngày của ông.

Trong khi đó thì tổng thống Bush lại nhấn mạnh đến niềm tin tôn giáo và những cố gắng nhằm kêu gọi các tổ chức tôn giáo dấn thân vào việc phục vụ công ích.

Nhưng dù cho hai ứng cử viên có nhấn mạnh đến vai trò của tôn giáo như thế nào đi nữa, vai trò của Giáo hội Công giáo trong cuộc bầu cử 2/11/2004 này đã thay đổi mối quan hệ của Giáo hội với chính trị.

Hơn nữa, uy tín tinh thần của các đức giám mục Mỹ đã bị sứt mẽ nhiều bởi những tai tiếng về tình dục trong hàng giáo sĩ. Ngoài ra, trong bốn năm vừa qua (2000-2004), vai trò của các đức giám mục cũng bị lu mờ trước ảnh hưởng của các nhóm tin lành.

Lập trường bất đồng của ông Kerry đối với Giáo huấn của Giáo hội là dịp để Giáo hội đào sâu về mối quan hệ của mình đối với trật tự dân sự và chính trị.