TIN VUI THỜI ĐIỂM

“Các người thường nói: “Ráng chiều ửng hồng, rạng đông sẽ đẹp;” hoặc “Trời kia màu đỏ pha thâm, hôm nay giông gió không nhầm đâu ai.” Các người đã biết nhìn điềm trời mà luận thời tiết, cớ sao không biết xem dấu chỉ mà luận thời kỳ?” (Mt 16:1-3).


THỜI ÐIỂM ĐỢT SÓNG THỨ BA SAU TƯ BẢN TOÀN CẦU

Nạn suy thoái kinh tế đã lan khắp thế giới trong những năm đầu của một thiên niên kỷ mới. Ai nấy vội vã rút hết tiền ra khỏi những dịch vụ đầu tư. Chú Sam vẫn ung dung “chơi cha” thiên hạ và vẫn trấn an rằng đồng đô la khỏe re thì cũng đã nếm mùi đắng những năm đầu thiên niên kỷ khi thị trường chứng khoán nhảy xuống một cách ghê sợ, khiến bao người đầu tư phải khốn đốn. Chỉ trong một ngày mà ông vua điện toán là Bill Gates thua mất trên 4 tỉ Mỹ kim. Những tay khác đầu tư về ngành kỹ thuật cũng nướng sấp sỉ trên dưới một tỉ hay mấy trăm triệu trong vòng một nháy mắt.

CHU KỲ KHỦNG HOẢNG KINH TẾ

Báo Newsweek số ngày 14 tháng 9.1998 đã nêu lên vấn đề: tư bản toàn cầu đã đến hồi đưa đám? (Global Capitalism, R.I.P.?) Vì rằng người ta cứ nghĩ thị trường tự do có nghĩa đương nhiên là làm cho thịnh vượng hơn. Các nước giầu đã đổ kỹ thuật và vốn vào các nước nghèo, tạo ra một cái chợ vĩ đại liên quốc gia và nặn ra những người tiêu thụ trung lưu thời mới biết lái xe hơi, biết xem Tivi đài CNN và ăn Big Mac... Nhưng điều mà nhiều người chẳng chịu biết là đồ sản xuất thì cứ đà mà tăng lên, mà người tiêu thụ thì có hạn. Nghĩa là số cung vượt quá số cầu thì đương nhiên sẽ ứ đọng. Ðàng khác tiền đem đầu tư lấy từ đâu nếu không phải là của mỗi người chúng ta đang mua chứng khoán hay quĩ tín dụng trong ngân hàng. Nghĩa là các tay buôn đã mượn đầu heo nấu cháo, lấy chỗ này đập vào chỗ nọ. Nhưng rồi đã đến lúc không lấy đâu mà đập vào đâu được nữa, vì cả một hệ thống bị ứ! Vì thế mà có chu kỳ khủng hoảng kinh tế: cứ bao nhiêu năm lại bắt buộc phải xảy ra một lần. Ðiều này thì mấy tay nắm hầu bao thế giới biết quá kỹ, nên cách giải quyết gọn nhất là xóa bàn cờ đánh lại từ đầu tạo ra một chu kỳ mới! Chỉ những người đầu tư cấp nhỏ ăn đòn mà thôi. Chu kỳ khủng hoảng này thì những tay chóp bu đã biết là lúc nào. Nó đương nhiên phải tới như một định luật kinh tế.

Các nhà kinh tế Mỹ thì vẫn lạc quan rằng nước Mỹ sẽ không bị suy thoái kinh tế, dù có thể đây chỉ là điều lạc quan vụn. Họ nói thị trường tiêu thụ vẫn cao, mức lạm phát thấp và nhiều việc làm. Nhưng tờ Newsweek cũng nhận xét ngay: hàng hóa của Mỹ xuất cảng hiện nay thì 27% sang vòng đai Thái Bình Dương, 20% sang Nam Mỹ, gần 23% sang Tây Âu và hơn 22% sang Canada; như vậy tới ba phần tư số xuất cảng sang các nước mà đồng tiền đang bị vỡ thì liệu kinh tế Mỹ có vững nổi không? Và cho dù điều xấu nhất không xảy ra thì chắc chắn cái nhìn lạc quan về tư bản toàn cầu sẽ không còn “bất khả ngộ” nữa. Thị trường tự do xem ra làm cho mọi nước đều giầu lên cả vì nhờ tôn thờ “đạo” hiệu năng và duy lợi. Nhưng rất tiếc là cái bộ máy không chạy mãi được như vậy mà phải đến lúc rã.

ĐỢT SÓNG THỨ BA: THE THIRD WAVE

Nhà bình luận thời điểm Alvin Toffler trong cuốn “Ðợt Sóng Thứ Ba” (The Third Wave) xuất bản mười mấy năm về trước đã tiên đoán một cuộc xô sát lớn (future shock) vào lúc chuyển mình không phải vào thiên kỷ mới, mà vào một nền văn minh mới.

Alvin Toffler nhìn lại lịch sử con người từ cái ngày ăn lông ở lỗ trong hang cho đến khi biết tụ họp lại thành làng mạc mà trồng cấy và biết đốt lửa nấu ăn. Ðó là đợt văn minh nông nghiệp trải dài mấy ngàn năm như ở Tàu, Việt Nam và các nước vòng đai Ðịa Trung Hải. Ðợt này tương đối ổn định và yên tĩnh.

Mãi cho đến mấy trăm năm cách đây con người mới chế ra máy móc nên sản xuất thặng dư mà phải bày trò buôn bán lớn. Thế là đợt văn minh kỹ thuật này đã đẻ ra nhiều quái thai: từ chính sách thuộc địa đến tư bản và cộng sản. Vì có máy móc nên cần chiếm thêm đất để thu tài nguyên và thêm dân để có chỗ bán hàng; rồi buôn bán nhiều thì phải có tư bản, mà vì có tư bản xí nghiệp nên có kẻ giầu người nghèo chênh lệch khiến phải đấu tranh giai cấp để mọi người được làm chủ và một nhóm người quản lý dùm hơi kỹ và hơi lâu. Rồi quản lý chán thấy chả đi đến đâu bèn xét lại như kiểu Gorbachov. Như vậy tư bản hay cộng sản cũng chỉ là hai đứa con mang hai bộ mặt tương phản của cùng một mẹ là đợt văn minh thứ hai của nhân loại. Ðây phải chăng là bước tiến tất yếu của lịch sử?

TIN VUI MỞ ĐƯỢC TẦM MẮT: Chúa nhật 25c

Ðợt sóng thứ hai này không ngờ lại được tờ Newsweek gọi là đợt văn minh của hiệu năng và duy lợi, dịch nôm là do lòng tham và dạ dày điều khiển. Những hệ thống chính trị vá víu như đang thấy ngày nay, dù dân chủ hay cộng hòa, hay bất cứ hình thái thị trường tự do, quốc doanh, hay liên doanh... tất cả xem ra chỉ là những cơn giẫy chết ở cuối một đợt văn minh thoi thóp những ngày cuối cùng để chuyển sang Ðợt Sóng Thứ Ba đang hé mở vào ngàn năm mới.

Ðợt Sóng Thứ Hai phát khởi từ niềm tin con người là con vật kinh tế, dịch nôm là con vật đi tìm mồi, dựa trên căn bản duy lợi và duy vật. Ðến một lúc nào đó con người buồn nôn thấy mình chỉ là một bị thịt bầy nhầy những thèm khát và những giằng giật miếng ăn. Chả lẽ sau mấy ngàn năm tiến hóa con người lại tệ hơn cả thời còn ở trong rừng sâu? Lâu lâu xem đài Discovery thấy những bộ lạc còn thời hoang sơ nhởn nhơ ca hát nhảy múa quanh đống lửa mà thấy thẹn cho đợt văn minh kỹ thuật thời mình sản xuất ra những bộ mặt luôn nghiêm trọng hay nhăn nhó tối ngày. Cách đây vài chục năm thì ngày Chúa nhật các tiệm đều đóng cửa cho được nghỉ ngơi. Bây giờ thì ngày Chúa nhật càng mở cửa kỹ hơn để mong thu lợi nhiều hơn, hóa ra đầu tắt mặt tối hơn. Hoan hô văn minh đỉnh cao trí tuệ loài kiến! Ðã đến lúc con người đặt lại câu hỏi căn bản về sự hiện hữu của mình sinh ra trên mặt đất này. Chả lẽ đến lúc chỉ còn thấy:

Con mắt nhìn lên khói đen mù mịt

Con mắt nhìn xuống khỉ vượn lên ngôi

Con mắt nhìn gần bầy nhầy túi thịt

Con mắt nhìn xa chợt lạnh cả người.


Con mắt nhìn xa đây là con mắt của người quản lý mà Chúa Giêsu nói tới trong Tin Vui tuần này: hãy biết dùng tiền của mà đầu tư cho đời sau. Ðể khi cái thân xác này chết đi, “mất hết tiền bạc, thì sẽ được đón tiếp vào nơi vĩnh cửu”. (Luca 16: 9)

Ðợt Sóng Thứ Ba mà nhân loại đang bước vào là xác tín và thể hiện một nền văn minh tâm linh, để sống với nhau có tình người chứ không phải là một đoàn vật giằng giật miếng mồi trong mấy chục năm bỗng thấy mình có mặt trên trái đất này. Con người ở đợt sóng mới phải mang được chiều kích tâm linh: có hồn có xác, có cuộc sống tại thế và có cuộc sống vĩnh hằng. Nhà thơ Nguyễn Khánh Hòa ở New Orleans đã mở được con mắt này với tầm nhìn mới cao rộng hơn:

Con mắt nhìn lên trời cao xanh ngát.

Con mắt nhìn xuống biển rộng bao la.

Con mắt nhìn gần quên điều nhỏ nhặt.

Con mắt nhìn xa chợt thấy quê nhà.


PHÚT TỊNH TÂM

Tôi đang là ai và đang tìm gì trong cuộc sống của tôi nhỉ? Trong một cuộc tĩnh tâm, một thanh niên đã kể lại câu chuyện thật về chính mình. Sau những đổ vỡ về tình yêu và đời sống, anh chỉ còn một con đường cùng là tìm cái chết. Chiều hôm đó anh lang thang trong một nghĩa địa để tìm dịp tự tử nhưng không sao dám làm. Tình cờ anh đọc được một tấm bia mộ với mấy hàng chữ đã bừng mở con mắt cho anh để trở về làm lại cuộc sống. Bia mộ ấy ghi như thế này:

Những gì tôi tích trữ nay không còn nữa.

Những gì tôi mua sắm nay người khác sài.

Những gì tôi cho đi nay mới là của tôi.


Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường

Xin mời ghé thăm Trang Web của Lm. Trần Cao Tường:

- Trang Tin Vui Thời Điểm: vietcatholic.net/caotuong

- Trang Con Đường Dũng Lạc: chungnhanduckito.net/dunglac.htm