Người Công Giáo Hoa Kỳ đang càng ngày càng tỏ ra thận trọng trước chiến thắng của Donald Trump. Phần đông cho rằng: đừng vội mừng, phải chờ xem Ông Trump làm ăn ra sao đã, nhất là về những lời hứa liên quan tới phá thai và tự do tôn giáo. Đó là nhận định của Mathew N. Schmalz. Điều họ lo ngại là chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc và khinh miệt phụ nữ của Ông Trump.

Mặt trận phò sự sống

Ngay về văn hóa sự sống, có người như Charles C. Camosy không ngần ngại cho rằng “việc bầu cho Trump là một thất bại khủng khiếp đối với phong trào phò sự sống”. Ngoài việc thuật lại chiến thắng của phe trợ tử ở Colorado, và của án tử hình tại Oklahoma vào cùng một ngày với cuộc bầu Ông Trump, ký giả này nhấn mạnh: có thể chỉ là xảo thuật của Trump để giành phiếu Công Giáo khi tuyên bố mình phò sự sống. Ông ta cho mình là Kitô hữu nhưng nhấn mạnh mình không cần xin Chúa tha thứ. Ông hứa sẽ bổ nhiệm các thẩm phán tối cao phò sự sống, nhưng lại gợi ý: em gái phò phá thai của ông có thể là một thẩm phán tối cao vĩ đại.

Camosy nhấn mạnh nhiều hơn tới các lo ngại của những người gọi là thiên niên kỷ (millennials=sinh trong khoảng giữa thập niên 1990 và đầu thập niên 2000), phụ nữ, da mầu trước chính sách của Trump về di dân, cải tổ công lý hình sự, chăm sóc y tế và thay đổi khí hậu. Nhất là cách ăn nói và tác phong kỳ thị sắc tộc và giới tính của ông bị coi là tởm gớm đối với những nhóm người này.

Theo Camosy, phong trào phò sự sống, trong những năm qua, đã khổ công lắm mới tiến tới chỗ thực sự chống lại bất cứ mưu toan nào nhằm đẩy chúng ta qua bên lề bởi những người được ưu đãi, kỳ thị chủng tộc, kỳ thị phụ nữ luôn muốn sử dụng và kiểm soát thân xác phụ nữ. Nay với việc bầu Ông Trump, người không thích đáng hơn gì đối với phong trào, mọi công khó của ta liều mình bị phá hủy.

Chủ nghĩa hoàn cầu

Austen Ivereigh, người viết tiểu sử của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, thì cho rằng: chiến thắng của Trump đã hạ bệ chủ nghĩa hoàn cầu và nền chính trị cấp tiến, kỹ trị (technocratic). Ký giả này coi đây là một cuộc nổi loạn của phe duy quốc gia tại một quốc gia được hưởng nhiều lợi ích nhất từ việc hoàn cầu hóa. Chính chủ nghĩa duy quốc gia đầy mị dân này, sau cùng, đã dẫn tới chiến tranh.

Ivereigh so sánh chiến thắng của Trump với chiến thắng của Brexit ở Anh (ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu), cả hai chứng tỏ rằng cuộc chiến nay không còn là giữa tả và hữu mà là giữa duy hoàn cầu và duy quốc gia.

Di dân là mục tiêu của chủ nghĩa duy quốc gia hiện nay, vì người ngoại quốc, đối với họ, tượng trưng cho chủ nghĩa hòan cầu. Họ đại diện cho việc xâm nhập của người khác, việc xuất hiện giữa chúng ta các giá trị khác nhằm làm hư thế giới quan của ta.

Phân tích các lá phiếu bầu cho cả Brexit lẫn Trump, người ta thấy vấn đề di dân, chứ không phải nghèo đói hay bất bình đẳng, là quan tâm chính của những người say sưa bầu cho họ.

Nhưng di dân là vấn đề hàng đầu trong tâm tư của vị đương kim Giáo Hoàng. Với các chuyến viếng thăm Lampudesa và Lesbos, ngài cho thế giới thấy rõ: ngài là một người của hoàn cầu, nhưng là một người hoàn cầu không quên quốc gia, không quên bản sắc văn hóa của mình, và nhất là không quên người nghèo, người đau khổ, di dân.

Bởi thế, trong cuộc phỏng vấn của nhà báo vô thần Eugenio Scalfari, công bố ngày 11 tháng 11 vừa qua, ngài cho hay: ngài không phê phán ông Trump, một chính trị gia, nhưng quan ngại nhất của ngài là di dân và tỵ nạn.

Quan ngại ấy cũng là quan ngại của các giám mục Hoa Kỳ, nhân đại hội toàn thể vừa qua tại Baltimore, chỉ mấy ngày sau chiến thắng lớn của Trump. Theo A.P., các ngài nhấn mạnh rằng phục vụ và chào đón những người trốn chạy tranh chấp và bạo lực là một phần của bản sắc Công Giáo Rôma. Do đó, các ngài cho biết sẽ tiếp tục cố gắng này và kêu gọi tân chính phủ Trump cùng làm như thế.

Trong lúc tranh cử, Trump nói sẽ xây bức tường biên giới giữa Mễ Tây Cơ và Hoa Kỳ, trục xuất 11 triệu di dân bất hợp pháp. Tuy sau đó, ông ta đã tự tách mình ra khỏi các tuyên bố kiểu này, cho hay chỉ trục xuất những người có tiền án, nhưng lại cử Steve Bannon làm cố vấn cao cấp. Trang mạng của tỷ phú truyền thông này, Breitbart, luôn cổ vũ nghị trình duy quốc gia.

Những điều phả dè chừng

Đức Ông Charles Pope thì cho rằng nếu ông Trump chân thực với lời hứa, Tối Cao Pháp Viện sẽ hết tả mà thiên về hữu, đà giết người của phá thai, của việc dùng tế gào gốc phôi thai để nghiên cứu cũng như trợ tử có cơ được kìm hãm. Tuy nhiên, có những điều người Công Giáo phải thận trọng.

Trước nhất, kết quả bầu cử khá xít xao nhất là về số phiếu dân bầu (popular vote). Gần 50% cử tri xem ra không quan tâm gì tới chủ trương tai hại của Bà Clinton về phá thai kể cả lời hứa sẽ chấm dứt tu chính án Hyde và gia tăng tài trợ cho Planned Parenthood của bà. Bà đòi tôn giáo phải thay đổi, những người thân tín của bà chủ trương xâm nhập Giáo Hội Công Giáo để gây mầm chống đối, chia rẽ.

Thứ đến, về ông Trump, không có dấu chỉ nào rõ rệt cho thấy ông ta đứng về phía Công Giáo trong mọi vấn đề luân lý cực kỳ quan yếu. Ít nhất, ông ta cũng rất mềm trong các nghị trình đối với cộng đồng đồng tính, đổi giống… Ngoài ra, hình như ông ta còn ủng hộ trợ tử nữa. Các quan điểm của ông ta về án tử hình và di trú, dù kém có tính tín lý hơn, nhưng cũng đủ cho thấy ông ta không hẳn phù hợp với giáo huấn của Sách Giáo Lý cũng như sự đồng thuận ngày càng tăng của các giám mục Công Giáo và các vị giáo hoàng trong 75 năm qua.

Đức Ông Pope cũng lưu ý tới các thẩm phán liên bang ở cấp thấp, dưới cấp tối cao, mà suốt 8 năm qua, chính phủ Obama đầy ý thức hệ đã bổ nhiệm, và nay, khó có thể, trong một lúc, bãi nhiệm được. Chắc chắn họ sẽ tiếp tục cổ vũ nghị trình của cánh tả, củng cố việc tái định nghĩa hôn nhân, bãi bỏ các hạn chế hợp lương tri về phá thai, đòi tài trợ phá thai, duy trì thuốc ngừa thai trong các kế hoạch bảo hiểm y tế. Không phải vụ nào do họ xử cũng bị các thẩm phán tối cao soi mói.

Đức Tổng Giám Mục Thomas Wenski của Miami thì cho rằng: “Muốn làm cho Hoa Kỳ thành vĩ đại trở lại, chúng ta cũng cần một cuộc cải tổ toàn diện về di dân nhằm bảo vệ biên giới của ta và đồng thời dành một con đường tiến tới tư cách công dân cho hàng triệu người hiện đng sống giữa chúng ta. Nếu ta cần ‘những bức tường’, thì ta cần những bức tường ‘có cửa’ vì một số ‘những người hoa kỳ vĩ đại nhất’ của chúng ta vốn là di dân hay người tỵ nạn… Ta không thể làm Hoa Kỳ trở thành vĩ đại một lần nữa bằng cách làm nó thành bần tiện”.

Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput, O.F.M. Cap., khi trích lại câu nói trên của Đức Tổng Giám Mục Miami, cũng cho rằng: Ông Trump "là một người thưc tế. Sau 8 năm của một Bạch Ốc say sưa với ý thức hệ, điều này chắc là một điều tốt. Nhưng lời nói và hành động luôn có hậu quả. Các quát tháo ầm ĩ của Ông Trump trên các nẻo đường tranh cử đã góp phần làm chia rẽ và xé vụn quốc gia hơn nữa và làm cho hàng triệu di dân và thành viên các nhóm thiểu số sắc tộc khiếp đảm. Giới truyền thông vốn thù nghịch với Ông Trump lại càng làm cho vấn đề tệ hại hơn. Nhưng tác giả của cái xấu xí này chính là Ông Trump. Và chỉ có ông mới mới sửa được nó với ngôn từ và tác phong có trách nhiệm, và một sự sẵn sàng lắng nghe những người bị cuộc chiến thắng của ông đe dọa”.

Đức Tổng Giám Mục Chaput viết thêm: bảo vệ biên giới trong thời đại ma túy và khủng bố là điều chính đáng. “Nhưng đại đa số những người không có giấy tờ ở Hoa Kỳ hiện nay đều là những người lương thiện. Họ không đặt ra bất cứ một đe doạ nào cho bất cứ ai. Họ muốn một cuộc sống mang lại lợi ích, họ làm việc để kiếm sống, họ gầy dựng gia đình, và con cái họ sinh tại đây làm công dân Hoa Kỳ. Nói cách khác, họ là một tài nguyên trọng yếu cho tương lai đất nước chúng ta, không phải là một cục u cần loại bỏ khỏi cơ thể. Nói chung chung đến việc xây tường biên giới và trục xuất hàng triệu người không những không thực tế và đầu óc bất bình thường. Nó còn nguy hiểm nữa. Nó mồi lửa cho lòng thù ghét di dân…”.

Tân Ban Chấp Hành Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và ông Trump

Các vị trên chỉ vang dội lại tâm tư của Đức Phanxicô. Theo Rocco Palmo, hiếm khi Đức Giáo Hoàng lên tiếng sau một đại hội của một Hội Đồng Giám Mục quốc gia. Lần này có khác, ngài đã gửi thông điệp video cho Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ nhân đại hội tại Baltimore của các ngài. Trong đó, ngài kêu gọi, bằng tiếng Anh hẳn hỏi, rằng “Hãy phá đổ các bức tường và xây dựng những cây cầu”.

Vị đại diện của ngài tại Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Christophe Pierre, dù đề cập tới giới trẻ trước đại hội này, cũng đã không quên nói tới việc bầu Ông Trump làm Tổng Thống Hoa kỳ và nhu cầu thương xót.

Ngài nói: “Tôi xin phép nói thêm rằng suốt Năm Thương Xót, tiếp theo diễn trình rất dài dẫn tới cuộc tuyển cửa toàn quốc mới đây, tôi nghĩ một cách trung thực rằng thương xót là điều quốc gia này cần có để hàn gắn các vết thương chia rẽ sau một chiến dịch (tranh cử) có tính gây phân cực”.

Đồng điệu với Đức Ông Pope trên đây, Đức Tổng Giám Mục William Lori của Baltimore, tại đại hội này, đã lên tiếng cảnh giác về tự do tôn giáo. Ngài trích dẫn câu nói của Martin Castro, chủ tịch Ủy Ban Dân Quyền Hoa Kỳ: “Thuật ngữ ‘tự do tôn giáo’ sẽ chẳng nói được gì ngoại trừ giả hình, bao lâu nó còn là mã số thay cho kỳ thị, bất khoan dung, kỳ thị chủng tộc, kỳ thị phái tính, kỳ thị đồng tính, kỳ thị Hồi Giáo, quyền tối thượng của Kitô Giáo và bất cứ hình thức bất khoan dung nào. Tự do tôn giáo không bao giờ có ý cho một tôn giáo quyền thống trị trên các tôn giaó khác, hay quyền phủ quyết đối với dân quyền và các quyền tự do công dân của người khác. Tuy nhiên, ngày nay, cũng như trong quá khứ, tôn giáo đang được sử dụng vừa như một vũ khí vừa như một lá chắn bởi những người luôn tìm cách bác bỏ quyền bình đẳng của người khác. Trong quá khứ tại đất nước chúng ta, tôn giáo đã được sử dụng để biện minh cho chế độ nô lệ và sau đó các đạo luật Jim Crow. Nay ta thấy các luận điểm ‘tự do tôn giáo’ đang lẻn đường trở lại ngôn từ chính trị và hiến pháp của ta (giống hệt như ý niễm ‘quyền tiểu bang’) trong một cố gắng nhằm phá hoại các quyền của một số người Hoa Kỳ. Thế hệ người Hoa Kỳ hiện nay phải đứng dậy và lên tiếng để đảm bảo rằng tôn giáo không bao giờ bị bẻ cong để bác bỏ, không cho người khác hưởng trọn các hứa hẹn của Hoa Kỳ”.

Thành thử, nhiệm vụ của các giám mục trong những năm tới không kém phần nản chí dưới chính phủ Trump. Điều đáng lưu ý là các ngài đã bầu Đức Hồng Y DiNardo của Houston làm chủ tịch và Đức Tổng Giám Mục Gomez của Los Angeles làm phó chủ tịch. Cả hai vị đều có lãnh thổ giáo phận tiếp giáp với Mễ Tây Cơ, nước mà ông Trump muốn xây tường biên giới!

Cả hai vị đều là những nhà duy truyền thống: Đức Hồng Y DiNardo từng nghi vấn các cải tổ do Đức Phanxicô phát động và Đức Tổng Giám Mục Gomez vốn là 1 linh mục của Opus Dei, một dòng tu có thể nói là cực hữu. Nhưng cả hai đều là những vị lớn tiếng cổ vũ cuộc cải tổ toàn diện về di dân, một chủ trương chắc chắn sẽ đụng độ với chính phủ Trump.

Hai vị quả quyết rằng: Giáo Hội sẽ tiếp tục cổ vũ quyền lợi của di dân. Lời Đức Hồng Y DiNardo: các giám mục tôn trọng chính phủ, nhưng các ngài “cũng có trái tim mục tử… Nếu có ai đó đói, chúng tôi sẽ tới nuôi ăn họ. Nếu có ai khát nước, chúng tôi sẽ tới cho họ thức uống. Và nếu có ai là người xa lạ, chúng tôi muốn làm cho họ được tiếp đón”.