Những điểm nổi bật của Humanae Vitae (về Sự Sống Con Người) (Bài 8)

LTS: Bài này được viết và tóm tắt bởi nữ giáo sư, bác sĩ Jane Thomas, một trong những thuyết trình viên của Thần Học về Thân Xác tại Khóa Biện Dẫn Tôn Giáo/Bảo Vệ Giáo Hội (Apologetics Series) tại Tổng Giáo Phận Atlanta, thuộc tiểu bang Georgia vào mùa hè năm 2004. Đây là bài viết tóm tắt trích từ nguyên bản của Humanae Vitae được viết ra bởi Đức Cố Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục vào năm 1968 (http://www.vatican.va/holy_father/paul_vi/encyclicals/documents/hf_p-vi_enc_25071968_humanae-vitae_en.html). Đức đương kim giáo hoàng, Gioan Phaolô Đệ Nhị, từ Humanae Vitae, Ngài đã triển khai thêm phần giảng dạy giáo lý, được coi là nền tảng trong triều đại giáo hoàng của Ngài, phần thần học có tên: Thần Học Về Thân Xác (The Theology of the Body), và đây cũng là bài dịch cuối cùng trong tám loạt bài có chủ đề Thần Học về Thân Xác.

Chúa Giêsu ra đi để lại các tông đồ và những người thừa kế vương quốc của Ngài tại trần gian, một sứ vụ nhằm bảo vệ và giải thích toàn bộ các luật lệ về luân lý, và Giáo Hội qua dòng thời gian, đã khá thành công và trung tín với sứ vụ này. Hôn nhân chính là dấu chỉ về sự hiệp kết giữa Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài. Bản chất và nền tảng của tình yêu hôn nhân được dựa vào Thiên Chúa, vì Ngài chính là Tình Yêu, và là Đấng Sáng Tạo muôn loài. Kế hoạch của Ngài chính là, các cặp vợ-chồng thông qua sự hiểu biết, hiệp thông và hiến trọn đời sống mình cho nhau, để cả hai cùng hoàn thiện lẫn nhau, và trở thành bậc cha mẹ. Lời khấn hứa hôn nhân thể hiện một số điểm chính sau:

  • a. Vì đây chính là tình yêu của con người, do đó, tình yêu đó, phải do bản năng và sự tự do ý chí của hai người.
  • b. Tình yêu này, chính là một tình yêu biết cho đi một cách trọn vẹn, hết mình, và các cặp vợ-chồng luôn không ngừng học hỏi để biết yêu thương nhau trọn đời, mãi kiếp.
  • c. Tình yêu vợ-chồng phải là một tình yêu trung tín, trọn vẹn; vì lẽ sự thủy chung chính là bản chất chính của hôn nhân.
  • d. Tình yêu vợ chồng, phải là một thứ tình yêu, biết sinh hoa, kết trái, vì lẽ, con cái chính là những món quà để làm nổi bật, để hoàn thiện trọn vẹn vai trò làm cha mẹ của các cặp hôn nhân.
Trách nhiệm của các bậc cha mẹ chính là:

  • a. hiểu biết và tôn trọng các quá trình về sinh sản sinh học;
  • b. biết làm chủ những ham muốn, những thúc đẩy trái với lương tâm;
  • c. thận trọng trong quyết định có liên quan đến sự sinh con, đẻ cái, và số lượng con cái được sinh ra;
  • d. biết cách sắp đặt các thứ tự ưu tiên về nghĩa vụ và trách nhiệm, trước hết là đối với chính Thiên Chúa, rồi đến chính bản thân mình, rồi đến nghĩa vụ và trách nhiệm đối với gia đình mình, và sau cùng là đối với xã hội.
Ý nghĩa về sự gắn bó, hiệp kết và sinh sản của hành động hôn nhân vợ-chồng không thể nào được tách rời nhau, vì lẽ, việc bảo tồn chúng chính là cách để dưỡng nuôi một tình yêu thật sự dành cho nhau. Việc hạn chế sinh sản của bất kỳ người vợ hay chồng, chính là việc làm méo mó, làm xuyên tạc về bản tính rất ư là tự nhiên của người nam hay người nữ, và hành động đó, chính là việc loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của cặp vợ-chồng. Sẽ là một lầm lỗi lớn khi các cặp vợ-chồng tùy tiện quyết định hay phán xét, trái ngược hẳn với kế hoạch của Thiên Chúa. Việc bắt ép người bạn đời của mình phải tham gia vào những cuộc giao hợp tính dục, mà không có chú trọng gì đến những ham muốn hay điều kiện về người bạn đời đó, thì đó không phải là một hành động yêu thương thật sự.

Biết cách hoạch định về số lượng con cái một cách tự nhiên, vì những lý do về thể lý lẫn tâm sinh lý, là điều có thể thực hiện được, bằng cách đợi cho đến thời kỳ rụng trứng tự nhiên của chu kỳ sinh học, rồi khi đó, mới giao hợp tính dục. Có nghĩa là, các cặp vợ-chồng áp dụng các biện pháp tự nhiên, chứ không phải các phương pháp về ngừa thai nhân tạo, vốn làm cản trở tiến trình tự nhiên.

Những phương pháp không thể chấp nhận được về việc hạn chế sự sinh sản, gồm những phương pháp sau:

  • a. phá thai (thậm chí được thực hiện vì nó có liên quan đến những lý do về sức khỏe);
  • b. triệt sản hẳn hay triệt sản tạm thời về khả năng sinh sản của người nam, hoặc người nữ;
  • c. tất cả những biện pháp nào nhằm cản trở tiến trình sinh sản tự nhiên, trước và sau khi giao hợp.
Cho dẫu đó chỉ là biện pháp ngừa thai gián đoạn, tạm thời vì cặp vơ chồng sẽ dự định sinh sản vào thời gian khác, thì đó vẫn là một hành động sai trái và không thể chấp nhận được.

Sự hiếm muộn thì không có liên hệ gì đến hành động hôn nhân. Tuy nhiên, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta rằng mỗi một hành động hôn nhân không được phép gây trở ngại cho việc sinh sản. Tuy nhiên, Giáo Hội cho phép tìm đến những phương pháp y học trị liệu cho sự hiếm muộn này, miễn là mục đích của nó không phải là sự triệt sản.

Những hậu quả nghiêm trọng của việc ngừa thai nhân tạo, tạo ra những điều sau:

  • a. sự bất tín, sự bội phản trong tình yêu vợ-chồng;
  • b. sự gian dâm, sự thông dâm, đặc biệt là trong số các cặp vợ-chồng trẻ;
  • c. những người chồng càng ngày càng thiếu sự kính trọng về thể trạng và khả năng tâm sinh lý của những người vợ, từ đó dẫn đến việc xem nhau không còn như những người bạn đời đồng hành để nhận được sự chăm chút và yêu thương nữa;
  • d. các phương tiện báo chí, truyền thông, và chính quyền xã hội nhằm công khai cổ võ cho sự ngừa thai.
Các cặp vợ-chồng cần phải dưỡng nuôi, vun xới cho tình yêu vợ-chồng, để hiểu biết được về những ham muốn của nhau, để cả hai cùng hài hòa với nhau trong một tình yêu lứa đôi trọn vẹn. Hãy xem lời cầu nguyện và các phép bí tích chính là ngồn ân huệ mà họ sẽ được lãnh nhận. Hoa trái tốt đẹp nhất của việc tuân thủ những luật lệ của Thiên Chúa chính là việc sẽ chia những kinh nghiệm, hiểu biết của mình cho những cặp vợ-chồng khác, vì lẽ, đây chính là một ơn gọi đặc biệt của người giáo dân.

Các nhà giáo dục/sư phạm học cần phải cổ võ sự thanh khiết, trinh bạch, và lên án những sách báo, và phim ảnh khiêu dâm, đồi trụy. Các nhà khoa học hãy biết dùng kiến thức của mình để bảo tồn những luật lệ về luân lý. Các bác sĩ biết áp dụng những luật lệ về luân lý trong công việc hằng ngày của mình, để cố vấn, khuyên bảo các cặp vợ-chồng một cách chính xác và khuyến khích các đồng nghiệp của mình cũng làm điều tương tự,

Các chính phủ nên biết gìn giữ và bảo vệ quốc gia của mình về những luật lệ nhằm coi thường gia đình. Những luật lệ về kinh tế và xã hội cần phải tôn trọng theo cả hai chiều kích, về cá nhân lẫn toàn thể xã hội để làm giảm những vấn nạn về dân số, mà không phải chối bỏ tính nhân phẩm của con người. Hãy luôn nhớ rằng, nhân loại con người không phải là những tạo vật, hay là những thứ đồ vật nào đó. Thiên Chúa sáng tạo ra tất cả. Các cấp chính quyền và từng cá nhân phải có trách nhiệm hổ trợ và giúp đỡ tất cả những người khác.

Các vị Linh Mục được mời gọi để cổ võ một cách rõ ràng, chính xác và đầy đủ những giảng dạy của Giáo Hội Công Giáo có liên quan đến hôn nhân. Vì sự vâng phục của các ngài đối với Giáo Hội và nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn nâng đở và sáng soi cho các ngài, để các ngài trở thành những mẫu gương cho giáo dân. Hãy luôn biết trung thành với những học thuyết của Giáo Hội, biết khoan dung, bác ái như chính Chúa Kitô, hòng, qua các ngài, các cặp vợ-chồng gặp khó khăn, rắc rối có thể tìm gặp lại được hình ảnh của Chúa Kitô. Các ngài hãy luôn khuyến khích và giảng dạy cho giáo dân, qua việc thực hành các phép bí tích.

Các Đức Giám Mục, hãy luôn là người tiên phong, là người lãnh đạo, biết tận hiến mình để bảo tồn tính cực thánh và thiêng liêng của hôn nhân, vì lẽ, giờ đây, đó chính là trách nhiệm lớn lao nhất của các Ngài.