VATICAN --Sứ điệp Đức Gioan Phaolo II viết gởi Ngày Thế giới Truyền thông 2004. Ngày Thế giới năm nay được tổ chứcvào ngày Chúa Nhật 23/5 vừa qua.

Theo truyền thống, cơ quan báo chí Vatican đã phổ biến sứ điệp trong ngày thứ Bảy, lễ thánh Phanxicô đệ Salê

* * *

Các phương tiện và Gia đình. Một sự rủi ro và một sự Phong phú

Anh chị em thân mến,

1. Sự lớn mạnh lạ thường các phương tiện truyền thông và khả năng gia tăng của nó đã mang lại những thuận lợi đặc biệt làm phong phú sự sống không những cho từng cá nhân mà còn cho các gia đình. Đồng thời, ngày nay các gia đình đương đầu với những thách thức mới nổi lên từ những sứ điệp khác nhau và thường mâu thuẩn do các phương tiện truyền thông đại chúng trình bày. Chủ đề được chọn cho Ngày Thế giới Truyền thông 2004--“Các Phương tiện: Một sự Rủi ro và một sự Phong phú”-- là một chủ đề hợp thời, bởi vì nó kêu mời sự suy tư chín chắn về cách các gia đình xử dụng các phương tiện và, đối lại, về cách thức các gia đình và các quan tâm gia đình phải được đối xử bởi các phương tiện.

.

Chủ đề năm nay cũng là một sự nhắc nhở cho mọi người, cả những người truyền thông lẫn những người được truyền thông, là tất cả sự truyền thông có một chiều kích luân lý. Như chính Chúa đã nói, lòng có đầy, miệng mới nói ra (x. Mt 12: 34-35). Người ta lớn lên hay hạ xuống trong tầm cỡ luân lý do những lời họ nói và sứ điệp họ chọn lựa để nghe.

Do đó, những hạng người được kêu gọi cách riêng phải khôn ngoan và sáng suốt trong việc xử dụng các phương tiện truyền thông là, những người chuyên nghề truyền thông, cha mẹ và các nhà giáo dục, bởi vì những quyết định của họ ảnh hưởng lớn đến con cái và giới trẻ mà ho gánh lấy trách nhiệm, và cuối cùng là tương lai của xã hội

2. Nhờ sự phát triển chưa hề có đến thị trường truyền thông trong những thập niên trước đây, nhiều gia đình khắp thế giới, cả những gia đình với những phương tiện hoàn toàn khiêm tốn, bây giờ tiếp xúc ngay tại nhà với những nguồn phương tiện rộng lớn và khác nhau. Và kết quả là hầu như họ hưởng những thuận lợi không hạn chế về thông tin, giáo dục, phát triển văn hóa, và cả lớn mạnh về mặt thiêng liêng-- những thuận lợi vượt xa những thuận lợi hầu hết các gia đình có được trong những thời gian trước kia.

.

Nhưng cũng những phương tiện truyền thông đó có khả năng làm hại nặng cho các gia đình, bằng cách trình bày một quan điểm không đúng hay có khi méo mó về sự sống, về gia đình, về tôn giáo và về luân lý. Quyền lực này hoặc tăng cường hay khinh thường những giá trị truyền thống như tôn giáo, văn hóa, và gia đình, (quyền lực đó) được Công Đồng Vatican II thấy rõ nên Công Đồng dạy rằng “Để xử dụng đúng đắn những phương tiện này, mọi người khi xử dụng cần phải hiểu biết những nguyên tắc luân lý và phải áp dụng trung thành trong phạm vi này” (“Inter Mirifica,” 4). Sự truyền thông trong bất cứ hình thức nào phải luôn luôn được linh hứng bởi tiêu chuẩn luân lý là tôn trọng sự thật và phẩm giá con người.

3. Những nhận xét này áp dụng cách riêng cho việc đối xử của gia đình trong các phương tiện. Một đàng, hôn nhân và sự sống gia đình thường được miêu tả một cách nhạy cảm, thực tế nhưng cũng thông cảm, ca ngợi các nhân dức như tình yêu, lòng trung, sự tha thứ, và sự hiến mình cách quảng đại cho những người khác. Điều này cũng đúng đối với những cách trình bày của các phương tiện công nhận những thất bại và những chán nản mà các đôi vợ chồng và các gia đình kinh nghiệm không thể tránh--những căng thẳng, những xung đột, những trở lực, những chọn lựa xấu và những việc làm gây đau đớn--nhưng đồng thời cố gắng phân biệt sự đúng đán với sự sai lầm, phân biệt tình yêu chân thật với giả tạo, và chứng tỏ tầm quan trọng không thể thay thế của gia đình như là đơn vị nền tảng xã hội.

Đàng khác, gia đình và sự sống gia đình tất cả cũng thường bị miêu tả không đúng trong các phương tiện. Sự bất trung, hành vi tình dục ngoài hôn nhân, và sự thiếu vắng một quan điểm luân lý và thiêng liêng về giao ước hôn nhân được diễn tả thiếu phê phán, trong lúc đôi khi ủng hộ một cách tích cực đến sự ly dị, ngừa thai, phá thai và đồng tính luyến ái. Những mô tả như thế, vì cổ võ những vấn đề nghịch với hôn nhân và gia đình sẽ gây thiệt hại cho công ích xã hội.

4. Sự suy nghĩ có ý thức về chiều kích đạo đức của những sự truyền thông, phải phát sinh những sáng kiến thực hành nhằm loại trừ các nguy cơ cho hạnh phúc gia đình, do các phương tiên gây nên, và nhằm bảo đảm rằng những dụng cụ đầy quyền lực truyền thông vẫn sẽ là những nguồn chính thống của sự phong phú. Một trách nhiệm riêng biệt trên phương diện này thuộc về chính những người truyền thông, về các thẩm quyền công, và về cha mẹ.

Đức Giáo hoàng Paul VI nói rõ rằng những người truyền thông chuyên nghiệp phải “biết và tôn trọng những nhu cầu gia đình, và điều này đôi khi giả thiết họ phải có lòng can đảm thật, và luôn luôn có một cảm thức cao về trách nhiệm” (Sứ điệp gởi Ngày Thê giới Truyền thông 1969). Không phải dễ mà chống lại những sức ép thương mại hay những đòi hỏi phải phù hợp với các ý thức hệ đời, nhưng đó là điều những nhà truyền thông biết trách nhiệm phải làm. Những nguy cơ thì mạnh mẽ, bởi vì tất cả sự tấn công tới giá trị cơ bản của gia đình là một sự tấn công tới thiện ích thật của nhân loại.

Chính các thẩm quyền công có một trách nhiệm nghiêm trọng ủng hộ hôn nhân và gia đình vì lợi ích chính xã hội. Ngược lại, nhiều thẩm quyền bây giờ chấp nhận và hành động theo những lý luận không tốt và tự do của những nhóm ủng hộ các thực hành góp phần tạo nên hiện tượng khủng hoảng gia đình trầm trọng và làm suy yếu chính quan điểm gia đình.

Không viện đến sự kiểm duyệt, điều khẩn cấp là các thẩm quyền công đặt ra những chính sách và những thủ tục điều chỉnh, để bảo đảm rằng các phương tiện không hành động chống lợi ích gia đình. Những đại diện gia đình sẽ là thành phần của việc thực hiện chính sách này.

Những người đưa ra chính sách trong các phương tiện và trong khu vực công, cũng phải phân phối hợp lý những nguồn phương tiện trên cấp bậc quốc gia và quốc tế, mà vẫn tôn trọng sự nguyên vẹn các nền văn hóa truyền thống. Các phương tiện sẽ không xem ra như có một chương trình nghị sự nghịch với những giá trị lành mạnh gia đình thuộc các nền văn hóa truyền thống, hay la có mục đích thay thế những giá trị này, như một phần của quá trình toàn cầu hóa, bằng những giá trị tục hoá của một xã hội hưởng thụ.

5. Các cha mẹ, vì là những nhà giáo dục đầu tiên và quan trọng nhất của con cái mình, cũng là những người đầu tiên dạy chúng về các phương tiện. Cha mẹ được kêu gọi dạy con mình trong “việc xử dụng các phương tiện cho có chừng mực, biết phê phán, đề phòng và khôn ngoan” trong gia đình (“Familiaris Consortio,” 76). Khi cha mẹ làm sự này cách nhất quán và tốt, sư sống gia đình trở nên phong phú hơn nhiều. Cả những em nhỏ có thể được dạy những bài học quan trọng về các phương tiện: những phương tiện được sản xuất do các người muốn truyền thông các sứ điệp; đó thường là những sứ điệp bảo phài làm một cái gi--mua môt sản phẩm, dấn thân trong cách cư xử đáng nghi ngờ--mà không đem lại lợi ích tốt nhất cho trẻ em hay là không phù hợp với chân lý luân lý; trẻ em không nên chấp nhận suông hay là bắt chước những điều chúng thấy trong các phương tiện.

Cha mẹ cũng cần qui định việc xử dụng các phương tiện trong nhà. Điều này phải có chương trình và sắp xếp việc xử dụng các phương tiện, hạn chế gắt gao thời gian trẻ em dành cho các phương tiện, biến cuộc giải trí thành một kinh nghiệm gia đình, bỏ hẳn một số phương tiện và theo định kỳ loại tất cả các phương tiện để lo những sinh hoạt khác của gia đình. Trước hết, cha mẹ phải nêu gương tốt cho con cái bằng việc chính mình xử dụng có suy nghĩ và chọn lọc. Thường họ sẽ được ích lợi là kết hợp với những gia đình khác để nghiên cứu và bàn cãi các vấn đề và các thuận lợi do sự xử dụng các phương tiện nêu lên. Các gia đình phải thẳng thắn nói với những người sản xuất, những người quảng cáo, và các thẩm quyền công điều mình thích hay không thích.



6.Các phương tiện truyền thông xã hội có một tiềm năng tích cực to lớn để cổ võ những giá trị nhân bản và gia đình lành mạnh, và nhờ vậy mà góp phần đổi mới xã hội. Bởi vì các phương tiện có quyền lực to lớn để định hường những ý nghĩ và ảnh hưởng tới cách cư xử, những nhà truyền thông chuyên nghiệp phải công nhận rằng họ có một trách nhiệm luân lý không những tặng cho các gia đình tất cả sự khuyến khích, trợ giúp và ủng hộ có thể để đạt mục đích đó, mà còn thực thi sự khôn ngoan, sự phán đoán đúng và sự thẳng thắn trong khi trình bày các vấn đề liên quan tới tính dục, hôn nhân và sự sống gia đình.

Các phương tiện được đón tiếp hằng ngày như một người khách trong nhiều nhà và gia đình. Trong Ngày Thế giới Truyền thông này tôi khuyến khích những nhà truyền thông chuyên nghiệp và cũng như các gia đình, công nhận ưu tiên duy nhất này và trách nhiệm nó lôi kéo theo. Mong cho tất cả những ai dấn thân trong lãnh vực truyền thông nhìn nhận rằng họ thật sự là “những người quản lý và quản trị một quyền lực thiêng liêng to lớn thuộc di sản nhân loại và có mục đích làm giàu toàn thể công đồng nhân loại” (Phát biểu với những nhà chuyên môn Truyền thông, Los Angeles, 15/9/1987, 8). Và mong sao các gia đình luôn luôn có khả năng gặp được trong các phương tiện một nguồn nâng đỡ, an ủi và linh hứng khi họ ra sức sống như một cộng đồng sự sống và tình yêu, dạy giới trẻ trong những giá trị luân lý lành mạnh, và thăng tiến một nền văn hóa liên đới, tự do và hòa bình.

Vatican, 24/1/2004, lễ Thánh Phanxicô đệ Salê

IOANNES PAULUS II