Hôm qua, Khieu Samphan lần đầu tiên thừa nhận, chế độ cực tả Khmer Đỏ đã tiêu diệt 1,7 triệu người Campuchia thời kỳ cầm quyền 1975-1979. Tuyên bố gây ngạc nhiên này là bước đi quan trọng trong nỗ lực đưa các cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ ra trước công lý.

Nhiều nạn nhân khi đó đã bị hành quyết, số còn lại chết vì đói, bệnh tật và làm việc quá sức do hậu quả việc thiết lập một xã hội không tưởng của Khmer Đỏ. Với thoả thuận về toà án giữa Liên Hợp Quốc và Campuchia hồi đầu tháng sau 5 năm đàm phán, các cựu thủ lĩnh chế độ cực tả sẽ sớm bị xét xử.

Là cựu nguyên thủ quốc gia và là một trong số ít thủ lĩnh Khmer Đỏ còn sống, Khieu Samphan, 72 tuổi, chắc chắn sẽ bị truy tố. Ông ta khẳng định chưa bao giờ ra lệnh giết người. Khieu Samphan nói rằng không thể phớt lờ những tội ác của chế độ cực tả sau khi đọc tài liệu về nhà tù khét tiếng S-21 mà nhà làm phim Pháp gốc Campuchia Rithy Pan đưa cho cách đây hai tháng. "Tôi ngạc nhiên vì chưa bao giờ nghĩ chính sách của Khmer Đỏ đi xa đến như vậy. S-21 ở trung tâm Phnom Penh. Đó là một thể chế quốc gia, một phần của chế độ".

16.000 người đã phải vào nhà tù S-21, nhưng chỉ có 14 người sống sót. Địa điểm đó giờ là Viện bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng.

Chưa một thủ lĩnh nào của Khmer Đỏ bị đưa ra xét xử. Rất nhiều đang ốm yếu, nhưng như Khieu Samphan đang sống và đi lại tự do ở Campuchia. Pol Pot, lãnh tụ tối cao, đã chết năm 1998.

Một thủ lĩnh cao cấp khác dự kiến phải ra toà là Nuon Chea, đang sống ở Pailin. Ông ta và Khieu Samphan ra đầu thú với chính phủ vào tháng 12/1998, chỉ vài tháng trước vụ bắt giữ Ta Mok, cựu tư lệnh quân đội. Ta Mok và Kaing Khek Iev, trưởng trại giam S-21, đang ngồi tù.(AP)