Đa số những quốc gia giầu có nhất trên thế giới, từ lâu lắm rồi, đã không ngừng từ chối người tỵ nạn và chỉ chịu chấp nhận một lượng người tỵ nạn ở mức thấp nhất có thể chấp nhận được. Kết quả là, cho đến giờ phút này, khi mà cuộc khủng hoảng vượt qua tầm kiểm soát, họ vẫn chưa có một kế hoạch nào để ổn định tình hình, và cũng chẳng có một thoả thuận nào về việc phải chia sẻ gánh nặng này ra làm sao.

Người tị nạn tiếp tục tràn vào Âu Châu
Cấu trúc Liên Hiệp Châu Âu đặc biệt không phù hợp với vấn đề này. Trên lý thuyết, Châu Âu phải cùng chung lưng giải quyết, tức là phải hành động như một quốc gia đoàn kết như cách thức mà Hoa Kỳ đã nhận trách nhiệm đối với người tỵ nạn tại tiểu bang Arizona hơn là bỏ mặc cho tiểu bang này một mình giải quyết sự việc. Nhưng, trên thực tế, đa số những quốc gia thành viên Châu Âu không muốn chia sẻ trách nhiệm của họ và qui luật của Châu Âu hàm ý là về kỹ thuật họ không có nhiệm vụ phải chia sẻ. Kết quả là, đa số những người tỵ nạn bị mắc kẹt trong hai hay ba quốc gia mà thôi, đến nỗi những nước này chẳng bao lâu tràn ngập người tỵ nạn. Điều này thật bất công cho những quốc gia này cũng như tồi tệ với người tỵ nạn.

Một phần của tình trạng này là qui luật của Châu Âu có tên là Qui luật Dublin. Theo qui luật này, người tỵ nạn bắt buộc phải ở lại tại quốc gia đầu tiên mà họ đặt chân tới cho đến khi đơn xin tỵ nạn của họ được xét duyệt xong. Về lý thuyết, qui luật này là một phương cách ngăn không cho người tỵ nạn nộp đơn hết quốc gia này đến quốc gia khác cho đến khi có một quốc gia nào đó sẵn sàng chấp nhận họ. Nhưng trên thực tế, chính qui luật này đã khiến hàng ngàn người tỵ nạn phải ở lại Hy Lạp và Italia, đơn giản là vì hai nước này là nơi những chiếc thuyền của họ dễ cập bến nhất khi băng qua Địa Trung Hải. và nhiều quốc gia Châu Âu cũng sử dụng qui luật này để đẩy gánh nặng người tỵ nạn cho hai quốc gia ấy.

Kết quả thật khủng khiếp. Bác sĩ Stathis Kyrouthis thuộc tổ chức Bác sĩ Không Biên Giới đã mô tả cuộc khủng hoảng hiện nay tại Hy Lạp là tồi tệ nhất theo nhận xét của ông. Ông nói, “Tôi đã làm việc ở nhiều trại tỵ nạn trước đây, như ở Yemen, ở Malawi, và Angola. Nhưng tại nơi đây, trên hòn đảo Kos, lần đầu tiên trong đời tôi, tôi mới thấy con người bị bỏ mặc hoàn toàn.” Theo tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, những trung tâm tiếp đón tại Hy Lạp thiếu thực phẩm và sự chăm sóc y tế tối thiểu và tình trạng ngày càng đông đúc, thiếu vệ sinh một cách nghiêm trọng như vậy có thể sẽ dẫn đến những sự đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo và thật thấp theo qui luật quốc tế.

Những quốc gia Châu Âu có thể và trên lý thuyết nên chấp nhận phần lớn những người tỵ nạn này. Làm như vậy sẽ tốt đẹp hơn cho họ và cũng giúp cho sự lành mạnh của Liên Hiệp Âu Châu nơi mà giờ đây những lý tưởng cùng chia sẻ gánh nặng đã bị thử thách đến mức tột đỉnh trước tình trạng tràn ngập người di cư và người tỵ nạn như hiện nay. Khổ một nỗi, phần lớn những quốc gia Châu Âu lại vô cùng ích kỷ và muốn xua đuổi người tỵ nạn.

Nước Đức, vì muốn làm gương, gần đây đã đồng ý tạm ngưng áp dụng Qui Luật Dublin đối với người tỵ nạn Syria. Hiện nay, họ được phép nộp đơn xin tỵ nạn trực tiếp tại Đức Quốc. Nhưng phần lớn Châu Âu vẫn không muốn theo chân sự lãnh đạo đầy đạo đức này của nước Đức. Và trong khi những dấu hiệu nho nhỏ đang hình thành – chẳng hạn, Vương Quốc Anh hôm thứ Sáu đã tuyên bố những kế hoạch chưa rõ ràng là sẽ “chấp nhận” hàng ngàn người Syria – người ta vẫn chưa thấy một đáp ứng nào từ một Châu Âu hiệp nhất. Vì thế, Âu Châu trên thực tế vẫn chưa biểu lộ sự thân thiện nào đối với người tỵ nạn.
Nước Đức hào hiệp


Hoa Kỳ, về phần mình đã phủi tay với cuộc khủng hoảng. Cho đến giờ phút này, họ mới chỉ cho định cư 1,434 người tỵ nạn Syria và đã hứa là sẽ nhận thêm vài ngàn người nữa… trong tương lai. Chương trình thâu nhận người tỵ nạn tại Mỹ chỉ cho phép 70,000 người trên toàn thế giới một năm – đây là một chỉ tiêu cố định nhiều năm nay rồi không hề thay đổi bất chấp những cuộc khủng hoảng người tỵ nạn trên thế giới.