LINH MỤC PHAOLÔ LÊ TẤN THÀNH MỪNG NGỌC KHÁNH LINH MỤC

5 giờ sáng thứ bảy 27.6.2015, Cha Bề Trên Phaolô Lê Tấn Thành, nguyên Giám đốc Đại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn, đã dâng thánh lễ tạ ơn mừng Ngọc khánh Linh mục của mình tại nguyện đường Nhà Hưu dưỡng các Linh mục giáo phận Sài Gòn (Nhà Hưu Chí Hòa). Đây cũng là dịp Cha Bề Trên mừng kính thánh Bổn mạng Phaolô và kỷ niệm tròn 10 năm nghỉ hưu.

Hiện diện trong thánh lễ chỉ có linh mục Giám đốc Nhà Hưu dưỡng Clemente Lê Minh Trung, các linh mục thuộc cộng đoàn Nhà Hưu dưỡng, hai linh mục cháu của Cha Bề Trên là linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Minh Hùng và linh mục Vincente Nguyễn Minh Tuấn, một số tu sĩ và thân nhân huyết tộc của Cha Bề Trên.

Trong bài giảng, linh mục cháu của Cha Bề Trên, xoay quanh chủ đề tạ ơn, đã nhấn mạnh ba điểm chính: “1. Chúng con cùng Cha Bề Trên tạ ơn Thiên Chúa, vì hồng ân 60 năm Linh mục mà Chúa đã ban cho Cha Bề Trên. Suốt chặng đường hơn nửa thế kỷ làm linh mục, Chúa đã và vẫn tiếp tục đồng hành, chở che, yêu thương và tin tưởng, giao cho Cha Bề Trên trọng trách của một nhà giáo dục. Và nay, dù đã nghỉ ngơi, Cha Bề Trên vẫn là tấm gương sáng cho mỗi chúng con về lòng trung kiên, bền bỉ phụng sự Chúa trong thánh chức linh mục của mình. 2. Chúng con tạ ơn Chúa, vì Chúa đã ban cho chúng con một tấm gương, một nhân cách lớn là chính Cha Bề Trên. Chúng con tự hào khi nhắc đến Cha Bề Trên. Chúng con càng hãnh diện khi khoe với mọi người, mình là học trò của Cha Bề Trên. 3. Chúng cảm ơn Cha Bề Trên vì Cha đã là người thầy khả ái và khả kính của chúng con. Cha hướng dẫn, giáo dục chúng con bằng trái tim của bậc hiền phụ bên trong hình ảnh một người thầy…”.

Cuối thánh lễ, Cha Bề Trên ngỏ lời cám ơn tất cả mọi người tham dự đã dành thời gian đến dâng thánh lễ cầu nguyện cho ngài. Ngài cho biết: “Bất cứ ở đâu, dù là chức vụ nào, thánh ý Chúa không dễ dàng để chúng ta đáp trả. Vì thế, mỗi người phải tập sống thánh ý Chúa từng ngày. Chỉ có thể hoàn thiện chính mình và nên thánh, khi người ta phần đấu sống trọn thánh ý Chúa, sống đẹp lòng Chúa”.

Được biết, Cha Bề Trên Phaolô Lê tấn Thành sinh năm 1927, được cử sáng Pháp du học khi còn là Chủng sinh. Cha chịu chức linh mục tại Paris - Pháp, nơi mà Cha đang du học, đúng vào ngày lễ thánh Bổn mạng của mình, 29.6.1955. Ngày Cha chịu chức không một người thân bên cạnh. Chiếc xe chở Cha tới nhà thờ. Sau thánh lễ, tân linh mục Phaolô Lê Tấn Thành lấy xe đạp, đạp về chỗ ở của mình.

1960, năm năm sau khi chịu chức linh mục, Cha Phaolô Thành được gọi về nước, công tác tại Đại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn cho đến ngày nghỉ hưu (sáng Chúa Nhật 19.9.2005). Trong suốt 45 năm gắn bó miệt mài với việc đào tạo hàng linh mục cho Hội Thánh, Cha Bề Trên Phaolô Thành đã có 27 năm làm Giáo sư (1960 – 1987); 5 năm làm Phó Giám đốc Đại Chủng viện (1987 – 1992), và 13 năm làm Giám đốc Đại chủng viện (1992 – 2005).

Trong những năm đầu mới về nước, Cha giáo Phaolô Thành còn cộng tác với Cha Giuse Trần Văn Thiện (lúc đó đang làm Giám đốc viện đại học Công Giáo Đà Lạt, Giám mục Mỹ Tho 1961) giảng dạy tại đại học Công Giáo Đà Lạt.

Giai đoạn từ sau 1975, cùng chung hoàn cảnh với cả Hội Thánh Việt Nam, các cơ sở đào tạo của tôn giáo đều phải trải qua vô vàn khó khăn. Chủng sinh vào học tại Đại Chủng viện phải đóng gạo, phải vừa học vừa làm: khi làm vỏ xe đạp, lúc làm mành trúc, lúc đan lá buông… Cho đến khi Đại Chủng viện bị giải tán và ngưng hoạt động hoàn toàn năm 1982. Trong vai trò giáo sư nội trú của Đại Chủng viện, Cha Phaolô Thành đã kề vai sát cánh cùng Cha Giám đốc Đại Chủng viện lúc ấy là Cha Đaminh Trần Thái Hiệp nỗ lực vượt qua mọi khó khăn.

Kể từ 1986, Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn bắt đầu hoạt động trở lại. Nhóm chủng sinh đầu tiên được gọi là chủng sinh khóa A (sau đổi tên thành khóa I), đến từ sáu Giáo phận: Sài Gòn, Phú Cường, Mỹ Tho, Xuân Lộc (chưa tách giáo phận Bà Rịa), Phan Thiết và Đà Lạt. Lúc bấy giờ, Chủng viện chỉ được phép chiêu sinh sáu năm một lần (sau đó là bốn năm, ba năm, rồi hai năm, bây giờ mỗi năm Chủng viện đều tuyển sinh). Để giúp cha Giám đốc Đại Chủng viện cách hiệu quả hơn, năm 1987, Cha giáo Phaolô Lê Tấn Thành được đề cử làm Phó Giám đốc Đại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn.

Chẳng bao lâu sau, Cha Giám đốc Đaminh Hiệp đau nặng, Cha Phó Giám đốc Phaolô Thành đã tài tình chống đỡ và khéo léo vượt lên tất cả mọi khó khăn. Sau khi Cha Giám đốc Đaminh qua đời năm 1992, Cha Phaolô Thành được đề cử làm Giám đốc Đại Chủng viện. Một mình ngài phải vừa đối nội, vừa đối ngoại, vừa liên hệ làm việc với sáu giáo phận. Đây cũng là thời gian thiếu giáo sư trầm trọng. Cha Giám Đốc Phaolô phải gõ cửa nhiều nơi, nhiều người để tìm giáo sư cho Chủng viện.

Cha Bề Trên Phaolô Lê tấn Thành còn là con người sống tình nghĩa. Ngài đã mời Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình vào nghỉ ngơi tại Đại Chủng viện trong thời gian đau nặng và cuối đời của Đức Tổng. Chúng tôi vẫn còn nhớ, những phiên mà anh em chúng tôi, lúc đó còn là chủng sinh, chia nhau trực bên giường bệnh của Đức Tổng Phaolô.

Trong nhiều năm, Cha Bề Trên Phaolô còn đứng ra liên hệ nhiều nơi, tranh đấu với nhiều thử thách để có được cơ sở II của Đại Chủng viện Sài Gòn tại giáo phận Xuân Lộc (nay là Đại Chủng viện thánh Giuse Xuân Lộc)…

Đặc biệt, sau 1975, Bộ Tài chánh mượn ngôi nhà Tiểu Chủng viện để đào tạo sinh viên cho trường Trung học Tài chánh Kế toán IV. Đến năm 1985, trường và Bộ có hợp đồng mượn thêm 25 năm nữa. Một thời gian sau, hình như giáo phận cũng có dự án bán luôn nhà đất cho Bộ. Nhưng do các ý kiến trái chiều, nên dự án không thành.

Cuối cùng, sau nhiều lần trao đổi, kiến nghị với Bộ và trường Tài chánh Kế toán IV, ngôi nhà Tiểu Chủng viện năm xưa đã được trao trả cho giáo phận năm 2004. Từ đó, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn cho sử dụng ngôi nhà làm Trung Tâm Mục vụ giáo phận. Cha Bề Trên Phaolô Lê Tấn Thành có công lớn trong việc gìn giữ và sự tồn tại của ngôi nhà đáng quý này.

Ngoài đời sống thánh thiện, Cha Bề Trên Phaolô Lê tấn Thành còn là con người hiểu biết rộng. Ngài có thể nói chuyện trên nhiều lãnh vực, trong nhiều giờ.

Ngài cũng là con người kiên trung bền bỉ, không lùi bước trước khó khăn. Đặc biệt, không bao giờ ngài nhớ lỗi của các học trò. 45 năm làm việc tại Đại Chủng viện, và bây giờ đã 10 năm nghỉ ngơi, chưa bao giờ có ai nghe Cha Bề Trên kể về lỗi lầm của học trò, hay trách cứ một ai.

Cha Bề Trên rất mực thẳng thắn, nhưng luôn ý thức tôn trọng người khác. Ngài được mọi người, nhất là các học trò, cũng như những nguời từng làm việc bên cạnh kính nể. Chính quyền thành phố cũng tỏ ra yêu mến Cha Bề Trên. Vì thế, dù Cha đã nghỉ ngơi hoàn toàn, hằng năm vào các dịp lễ lớn, Đại diện các ngành của Chánh quyền thành phố vẫn đến thăm hỏi Cha Bề Trên và tặng hoa, tặng quà…

Dù thánh lễ mừng 60 năm linh mục của Cha Bề Trên diễn ra thật đơn sơ, thật lặng lẽ, nhưng hình như Cha Bề Trên vẫn vui, vì ngài cảm nhận sự ấm cúng bên những người thân yêu. Sáng hôm ấy, chúng tôi nhận thấy Cha Bề Trên cười thật nhiều, và thật tươi.

Vốn bản tính Cha Bề trên vẫn thế: Không bao giờ muốn phiền ai. Một đời ngài chỉ nghĩ cho người khác, quan tâm về người khác hơn vì mình…

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG