Giáo xứ Lam Điền - Hà Nội: Rước kiệu Mình Thánh Chúa

Thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi, tức 60 ngày sau lễ Phục sinh, Giáo Hội cử hành lễ của Chúa, kính Mình Máu Thánh Chúa. Liền sau lễ là cuộc kiệu trọng thể Mình Thánh Chúa ra khỏi nhà thờ, đi trên các nẻo đường, vừa đi vừa hát bài: « Chúa nuôi dân bằng lúa mì tinh hảo, mật ong rừng, Người cho hưởng thỏa thuê » (Ca nhập lễ - lời của thánh Tôma Aquinô). Để loan truyền cho mọi người biết rằng: Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể và Hy tế của Người là ơn cứu độ cho toàn thế giới. Lễ này có thừ thế kỷ thứ XIII do Đức Ubanô IV thiết lập ngày 11 tháng 8 năm 1264, nhằm nhắc lại việc cử hành đầy ý nghĩa trong Bữa Tiệc Ly của Chúa, giúp các tín hữu sống lại bầu khí trang nghiêm ấy, với lòng biết ơn Thiên Chúa Cha cách sâu xa, có lúc dừng lại trong thinh lặng trước mầu nhiệm Ðức Tin để chiêm ngắm sự cao cả của Bí Tích vô cùng cao quí với trọn con người và tình thương của Chúa Giêsu.

Xem Hình

Hòa chung nhịp đập cùng với toàn thể Hội Thánh, toàn thể giáo dân các họ giáo xứ Lam Điền, Tổng Giáo Phận Hà Nội đã cử hành Thánh lễ trọng kính Mình và Máu Thánh Chúa và rước Thánh Thể Chúa từ nhà thờ họ Ứng Hòa về nhà thờ xứ Lam Điền và dựng lại ở 3 trạm, làm giờ chầu thờ lạy Mình Thánh Chúa.

Khi kiệu Mình Thánh Chúa và đưa Chúa ra khỏi nhà thờ, là chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu ngự thật trong phép Mình Thánh, mang Chúa vào trong đời ta, với mong ước nhà ta là nhà của Chúa, đường đời ta là đường của Chúa, xin Chúa hiện diện hằng ngày trong đời sống chúng ta! Có Chúa Giêsu là Bánh ban sự sống, Bánh của các thiên thần, Bánh của của kẻ hành hương cùng đi, chúng ta sẽ không cô đơn.

Khi đặt Mình Thánh vào Mặt nhật, dưới dạng mặt trời, ngụ ý rằng Chúa Giêsu là « Mặt Trời »: Ngài là ánh sáng của lòng ta (đó là ý nghĩa của từ « mặt nhật »)

Bình khói hương thơm nghi ngút vừa đi vừa xông, tượng trưng cho lời nguyện cầu của chúng ta tỏa bay lên trước tòa Chúa.

Các em bé rắc hoa trên đường nhắc lại cuộc rước Chúa Giêsu vào Thành Thánh, và những lời tụng ca của các em rất làm Chúa hài lòng.

Qua cuộc rước kiệu, chúng ta thấy Chúa và chắc chắn Chúa thấy tất cả những khổ đau của những bệnh nhân; những nỗi cô đơn của những người trẻ và của những người già; những cám dỗ, những nỗi lo lắng trong cuộc sống của chúng ta. Cuộc rước kiệu này còn có ý nghĩa là xin Chúa chúc lành cho chúng ta và cho toàn thế giới.

Sau đây là một số hình ảnh

Giáo xứ Lam Điền