Santa Ana, CA - Vào lúc 9:00 sáng ngày Chúa Nhật 7-12-2003 vừa qua, Linh mục Mai Khải Hoàn, Phó Chủ Tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam đã tổ chức một buổi họp nhằm mục đích thông báo và thu nhận những ý kiến từ các kiến trúc sư, các họa sĩ và văn nghệ sĩ, để hình thành một đồ án khái quát cho Nguyện Đường Đức Mẹ Lavang tại Hoa Thịnh Đốn. Chương trình buổi họp gồm những đề mục như sau:

  • 1. Giới thiệu thành phần tham dự
  • 2. Cha Mai Khải Hoàn nói về mục đích của buổi họp:
  • -Thông tin cho các kiến trúc sư vẽ đồ án, -Thời hạn nộp đề án, thời hạn chọn mẫu, -Thành phần Ban Duyệt Xét Dự Án
  • 3. Cha Trần Công Nghị nói sơ qua về: - diễn tiến dự án cho tới hôm nay, - những đặc điểm mà kiến trúc này cần thiết phải đạt được.
  • 4. Ông Phạm văn Tạc chiếu những hình ảnh cho biết khái niệm các nguyện đường khác như thế nào.
  • 5. Giải đáp những thắc mắc.
  • 7. Kết thúc
Trong phần giới thiệu thành phần tham dự gồm có các kỹ sư, kiến trúc sư, và văn nghệ sĩ Công Giáo như sau đây:

  • Ông Đinh Xuân Bình,
  • Ông Nguyễn Cửu Lâm,
  • Ông Ngô Diệp,
  • Ông Nguyễn Bá Khanh.
  • Ông Đỗ Cung,
  • Nhà văn Quyên Di
  • và Ông Nguyễn Văn Chuyên
Ngoài ra còn có một số thành viên thuộc Ban Đặc Nhiệm về Đồ Án Nguyện Đường La Vang tham dự buổi họp hôm nay là:

  • LM Mai Khải Hoàn (Đại Diện Liên Đoàn)
  • LM Trần Công Nghị
  • Ông Phạm văn Tạc
Trước tiên, Linh mục Mai Khải Hoàn chào mừng toàn thể qúi tham dự viên, tiếp đến Cha Hoàn trình bày đại cương về dự án Nguyện Đường Đức Mẹ la Vang và những nhận xét của Ngài về các nguyện đường Đức Mẹ của các sắc dân khác tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội tại Hoa Thịnh Đốn.

Tiếp theo, Linh mục Trần Công Nghị đã trình bày cho các tham dự viên diễn tiến về nguyện đường La Vang cho đến nay. Thứ nhất, theo báo cáo của Ban Tài Chánh cho biết thì tổng cộng số tiền thu được cho đến nay là khoảng 700,000 mỹ kim và như vậy có thể đã tạm đủ cho việc khởi công xây cất công trình này. Thứ hai, Cha Nguyễn Xuân Quýnh, giám đốc dự án này trong kỳ họp tại Washington vừa qua cho biết đã đóng tiền đặt cọc cho nguyện đường, và như vậy khu dành riêng làm nguyện đường Mẹ La Vang của Việt Nam đã được bảo đảm, thứ ba, vấn đề còn lại là phải làm sao mau chóng có một đồ án (mẫu) về nguyện đường này trước tháng 3 năm 2003 này khi có cuộc họp của Ban Giám Đốc Vương Cung Thánh Đường để duyệt xét chấp thuận.

Tiếp theo đó, Cha Nghị đã trình bày một cách rất chi tiết những vật liệu, nét vẽ, những biểu hiệu văn hóa của các sắc dân khi họ xây cất nguyện đường của họ. Ngài cũng đã cho biết những đòi hỏi của ban Kiến Thiết của nguyện đường là:

  • 1. Vật liệu phải có tính cách trường tồn và hiếm qúi - những vật liệu này phải được ban Kiến Thiết của Nhà Thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm xét nghiệm và chấp thuận, hầu hết các nguyện đường tại đây được thiết kế bằng cẩm thạch, bằng đồng, hay vật liệu hiếm qúi khác...
  • 2. Các chi tiết thiết kế: tượng, ảnh, bàn thờ, phù diêu, v.v... phải là mang sắc thái biểu trưng cho truyền thống văn-hoá và tôn giáo của người Việt Nam và có liên quan đến chủ-đề: Đức Mẹ La Vang, truyền thống con cháu Tử Đạo, lịch sử di cư người Việt tại Hoa Kỳ.
  • 3. Khi chúng ta có đồ án và các chi tiết về kiến trúc xong, thì Liên Đoàn đệ trình đồ án Ban Giám Đốc của Vương Cung Thánh Đường sẽ duyệt xét chấp thuận, sau đó Kiến trúc sư thuộc Ban Kiến Thiết của Vương Cung Thánh đường sẽ mời kiến trúc sư Việt Nam của đồ án làm cố vấn, và họ sẽ đảm trách việc xây cất và bảo trì .
Cha Trần Công Nghị cũng đã trình bày và đề nghị những vật liệu hiếm qúi sẵn có tại Việt Nam như gỗ lim, đá cẩm thạch tại Ngũ Hoành Sơn, đá xanh, và đồ đồng thuộc các nền văn hóa Việt Nam, để các kiến trúc sư lượng định. Cha Nghị cũng cho rằng đó là những vật liệu khả dĩ có thể hợp với những tiêu chuẩn đòi hỏi của Ban Kiến Thiết. Hơn thế nữa, ngoài những giá trị văn hoá cổ truyền, nếu những loại vật dụng từ Việt Nam được sử dụng, chúng biểu tượng cho sự gắn bó liên kết của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam hải ngoại với Giáo Hội Công Giáo tại quê nhà và nhân đó nhắc nhớ cho thế hệ con cháu chúng ta sau này nhận biết nguồn cội và sẽ dễ nhận ra công trình và dấu vết đức tin Công Giáo của tiền nhân đã được hun đúc bởi lòng kính mến Mẹ La Vang.

Sau phần trình bày của cha Nghị, ông Phạm Văn Tạc, một thành viên trong Ban Đặc Nhiệm đã chiếu lên những hình ảnh cho tham dự viên biết về bối cảnh ngôi nhà nguyện ra sao. Ông đưa ra những hình ảnh mà các quốc gia khác đã thực hiện tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, để các kiến trúc sư có dịp nhận định và so sánh hầu có khái niệm vững vàng khi hoạch định cho đồ án nguyện đường La Vang Việt Nam.

Sau khi thâu nhận những tin tức liên quan tới dự án Nguyện Đường La Vang, và sau khi được trả lời những chi tiết liên hệ tới dự án này, tất cả các vị kỹ sư và kiến trúc sư hiện diện đã có được khái niệm tổng quát và đã đi đến quyết định là các vị sẽ cùng nhau làm việc chung cho dự án này, và các vị sẽ có những buổi họp thật thường xuyên để đưa ra những bản vẽ cho đề án rồi sẽ tổng hợp để có một đồ án để đệ trình cho ban Kiến Thiết của Nguyện Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Tưởng cũng nên biết thêm là trong kỳ thành phần lãnh đạo Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ gặp nhau vào đầu tháng 11 vừa qua tại Washington DC, Đức Ông Phạm Văn Phương, chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo đã mời gọi thêm một số các vị tham gia và thành lập một ban đặc nhiệm để thu thập tất cả mọi ý kiến xây dựng cho việc hình thành một đề án khái quát cho nguyện đường Đức Mẹ Lavang. Ban đặc nhiệm gồm có linh mục Nguyễn Xuân Quýnh, linh mục Trần Công Nghị, linh mục Nguyễn Lâm, Sơ Kim Thanh và ông Phạm Văn Tạc. Sau khi nhận được các ý-kiến đóng góp, ban đặc nhiệm sẽ đúc kết và phúc trình cho ban Lãnh Đạo Liên Đoàn để cứu xét và quyết định thiết kế cho thích hợp. Tất cả mọi ý kiến xin gửi về linh mục Nguyễn Xuân Quýnh trước ngày 30 tháng 1 năm 2004 qua địa chỉ như sau:

Rev. Nguyễn Xuân Quýnh: 6300 Buist Avenue, Philadelphia, PA 19142

e-mail: revpeterquinn@aol.com