GIA LAI - “Cộng đoàn La Vang Gia Kiệm” từ khi chỉ là một nhóm ông bà lớn tuổi và anh chị em có kinh tế gia đình tương đối ổn định, thuộc nhiều Giáo xứ khác nhau ở vùng Gia Kiệm, Giáo phận Xuân Lộc. Họ lập nên một nhóm để thường xuyên tổ chức hành hương tại La Vang. Những con người giàu lòng bác ái gặp nhau trong một ý tưởng, họ đã lập ra “Cộng đoàn La Vang Gia Kiệm”.

Hình ảnh

Mục đích lớn nhất vào lúc đầu của cộng đoàn này là sùng kính Đức Mẹ, thường xuyên tổ chức những buổi gặp gỡ để lần chuỗi Mân Côi và cầu nguyện. Ngày tháng trôi qua, họ chia sẻ tâm tình về hoàn cảnh nghèo khổ của những người bất hạnh, và cùng nhau tổ chức những chuyến từ thiện. Chỉ một số ít người lớn tuổi và đầy uy tín ban đầu, những việc làm ý nghĩa của các cụ đã khơi dậy tấm lòng của nhiều người, từ đó “Cộng đoàn La Vang Gia Kiệm” ngày càng có nhiều người tham gia, tổ chức được nhiều chuyến từ thiện cho khắp nơi, nhất là anh chị em dân tộc ở những miền núi.

Đến với người dân tộc phong cùi:

Ngày 8/1/2015 vừa qua, được tin “Cộng đoàn La Vang Gia Kiệm” đi tặng quà cho người dân tộc phong cùi và trẻ mồ côi bất hạnh ở Pleiku và Kontum, chúng tôi tìm đến để được trải nghiệm về những con người giàu lòng yêu thương này. Có những cụ bà trên 80 tuổi, những cô gái trẻ cùng hòa trong bầu khí yêu thương. Họ đã chuẩn bị được một số lượng hàng hóa lớn, trong đó có 700 bộ quần áo mới do vợ chồng anh Giuse Nguyễn Đức Huy và chị Têrêsa Nguyễn Thị Hồng Ngọc thuộc Giáo xứ Tân Phú, Giáo phận Sài Gòn gởi giúp.

Từ thành phố Pleiku mù sương gió lạnh, chúng tôi đến Cộng đoàn Dòng Phaolô Thanh An ở huyện Chưprong, tỉnh Gia Lai, cách thành phố Pleiku chừng 40km. Ở đó, “Cộng đoàn La Vang Gia Kiệm” và các xơ đang chờ những anh em dân tộc từ những vùng chung quanh đến. Đây là những người dân tộc thuộc các làng bản từ lâu nay được các xơ chăm sóc. Những chiếc xe tải của những giáo dân người kinh giúp chở họ đến. Có những người cụt cả 2 bàn tay, có người cụt mất một chân, người nhẹ nhất cũng cụt những ngón tay.

Những ngày Đông giá rét này, những người dân tộc phong cùi ở đây đã có thể no ấm, họ vui mừng nhận những bao gạo, áo quần, giày dép v.v…

Số hàng được trao gồm: 2.300kg gạo; 3.200 gói mì ăn liền; 200kg chuối sấy; 400 bộ quần áo mới; 100 đôi dép mới và 8 bao áo quần đã qua sử dụng.

Già làng Rơ Chăm Dú thay mặt những người phong cùi cảm ơn tấm long bác ái của đoàn từ thiện, đã yêu thương những con người bệnh tật mà xã hội xa lánh. Cảm ơn các xơ đã chăm sóc bà con trong những năm tháng qua.

Đoàn tiếp tục đến viếng Đức Mẹ Măng Đen ở Konplong,Giáo phận Kontum, dâng lên Mẹ những vất vả nhọc nhằn trên hành trình, xin Mẹ ban thêm nhiều người biết chia sẻ lòng nhân ái với những người bất hạnh. Đoàn tiếp tục trở về thăm và tặng quà cho các em dân tộc ở nhà Vinh Sơn 4, thuộc huyện Kon Rẫy.

Thăm Nhà cô nhi Vinh Sơn 4:

Nhà nuôi dưỡng Vinh Sơn 4 do các Xơ dòng Đức Mẹ Ảnh Phép lạ coi sóc. Đây là một dòng nữ đặc biệt chỉ tuyển chọn những thiếu nữ dân tộc thiểu số, được Giáo phận Kontum giao coi sóc 6 Nhà Vinh Sơn, mỗi nhà từ khoảng 1 đến gần 200 em dân tộc mồ côi, có những em được mang về từ cõi chết do những hủ tục, đó là những em bị chôn sống theo mẹ khi mẹ chết. Nhà Vinh Sơn 4 có trên 160 em từ độ tuổi 15 trở xuống. Theo Sơ Y Liên phụ trách nhà Vinh Sơn 4 cho biết, việc nuôi dạy các em rất khó khăn, chỉ thỉnh thoảng mới có người giúp đỡ. Với bản chất cần cù và siêng năng của một phụ nữ dân tộc thuộc chế độ mẫu hệ, xơ đã phải dậy từ lúc 4 giờ sang trong giá rét để lên rẫy trồng trọt, xoay sở sản xuất hoa màu để nuôi các cháu. Có những lúc còn phải chịu sự truy xét và cản trở của chính quyền địa phương, xơ đã từng nói nếu chính quyền mang các em về nuôi dưỡng được thì chúng tôi khỏi phải chăm sóc và khỏi vất vả, thế là chính quyền đành phải để các xơ tiếp tục nuôi dưỡng. Tổng số 6 nhà Vinh Sơn gồm chừng 1 ngàn em, nếu không được các xơ chăm sóc, các em sống lây lất ngoài xã hội, vì mưu sinh cuộc sống, các em sẽ trở thành những tệ nạn nhức nhối của xã hội.

Trong một lần ghé thăm nhà Vinh Sơn 4 này, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh qua Sơ Y Liên mà biết đến những khó khăn của các xơ để mời gọi “Cộng đoàn La Vang Gia Kiệm” đến thăm và giúp đỡ.

Số quà được trao gồm: 1.100 kg gạo; 100kg mì gói; 200kg chuối sấy; 400 bộ quần áo mới; 400 cây bút; 8 bao tạ áo quần đã sử dụng và 100 đôi dép.

Tuy nhiên, khi đến tận nơi, được tiếp xúc với các em và các Sơ, nhiều cá nhân trong đoàn đã không khỏi xúc động trước các em, họ đã tự rút túi trao tặng tổng cộng 21 triệu đồng tiền mặt để góp thêm cho các Sơ nuôi dưỡng các em. Những thiếu nữ cùng đi trong đoàn cũng hết lòng cảm thông với hoàn cảnh khó khăn của các Sơ để chia sẻ với các em. Các em đã được sự nuôi dạy hết sức tận tình của 2 Sơ, được đi học ở trường, được dạy them tiếng kinh và tiếng Anh ở nhà. Các em có thể hát được những bài hát bằng tiếng Anh rất thuần thục.

Sơ Y Liên với hai hàng nước mắt tuôn chảy do quá xúc động, Sơ cho biết nhiều lúc quá khó khăn, bất kham trước những thiếu thốn, nhiều lần xơ đã định thoái thác. Nhưng vì quá thương các em nên gắng sức để lo cho các em, đói cùng đói, no cùng no. Một mình xơ đã vào rừng để chặt những cây gỗ lớn và tự vác về làm cầu treo cho các em đi lại. Đối với xơ, đây là lần đầu tiên từ khi nhận phụ trách nhà Vinh Sơn 4 này, xơ cầm được số tiền lớn như vậy trong tay. Vậy mà, mỗi ngày xơ phải lo 1 triệu đồng tiền chợ cho các em, mỗi tháng gần cả tấn gạo.

Bùi ngùi chia tay các em, đoàn đã quyết tâm sẽ cố gắng quay trở lại với các em trong thời gian tới.